Thứ tư, 24-4-2024 - 1:9 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tác động và giải pháp tận dụng ưu đãi từ hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA)  

 Thứ sáu, 22-1-2016

AsemconnectVietnam - Quan hệ mậu dịch quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng cho hoạt động kinh tế và quá trình công nghiệp hóa đất nước. Trong các đối tác thương mại của Việt Nam, Nhật Bản luôn là một đối tác quan trọng cả về giá trị kim ngạch cũng như tiềm năng mở rộng thị trường và khả năng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Mối quan hệ kinh tế thương mại Việt - Nhật đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2009 tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi hàng hóa, khai thác có hiệu quả thế mạnh của mỗi nước.

 
I. CAM KẾT CỦA VIỆT NAM TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN VIỆT NAM - NHẬT BẢN
VJEPA là một thoả thuận song phương mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật... Hiệp định sẽ khuyến khích hoạt động hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, qua đó phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của hai nước trong mối tương quan chung với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Cũng như Hiệp định AJCEP, đây cũng là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế.
1.1 Danh mục cam kết
Về mức cam kết chung, trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Vào năm cuối của Lộ trình giảm thuế tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với 92,95% kim ngạch thương mại.
Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 9.390 dòng thuế (dựa trên AHTN 2007), trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.873 dòng. Số dòng còn lại là các dòng thuế CKD ô tô và các dòng thuế không cam kết cắt giảm, cụ thể:
-          Danh mục xoá bỏ thuế quan: Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 75,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xoá bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 27,5% dòng thuế và xoá bỏ thuế quan sau 10 năm thực hiện Hiệp định (năm 2019) đối với 40,3% dòng thuế. Vào năm 2021, 2024 và 2025 (sau 12 năm, 15 năm và 16 năm thực hiện Hiệp định) cam kết xoá bỏ 0,1%, 14,9% và 0,8% số dòng thuế tương ứng.
Như vậy, trong cả lộ trình thực hiện giảm thuế, số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan chiếm khoảng 91% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết.
-          Danh mục nhạy cảm thường, chiếm 0,6% số dòng thuế, được duy trì ở mức thuế suất cơ sở và xuống 5% vào năm 2024/2026.
-          Danh mục nhạy cảm cao, chiếm 0,8% số dòng thuế, được duy trì mức thuế suất cao (giảm xuống 50% vào năm 2025).
-          Danh mục không xoá bỏ thuế quan, thuế suất duy trì ở mức thuế suất cơ sở trong cả lộ trình chiếm 2% số dòng thuế, hoặc duy trì ở mức thuế suất cơ sở và được đàm phán sau 5 năm thực hiện Hiệp định chiếm 0,02%.
-          Danh mục loại trừ chiếm 4,6% số dòng thuế.
Bảng 1: Thống kê danh mục cam kết của Việt Nam
Phân loại 
Tỷ lệ kim ngạch (%)
Danh mục xóa bỏ thuế quan
Trong vòng 10 năm
87,6
Trong vòng 12 năm
2,00
Trong vòng 15 năm
2,8
Trong vòng 16năm
0,5
Tổng
92,9
Danh mục nhạy cảm-không xóa bỏ thuế quan
Thuế giảm xuống 5% vào năm 2023
0,5
Thuế giảm xuống 5% vào năm 2026
1,8
Thuế giảm xuống 50% vào năm 2024
0,1
T/suất giữ nguyên mức t/suất cơ sở
3,2
T/suất giữ nguyên mức t/suất cơ sở và được đàm phán lại sau 5 năm
0,0
Tổng
5,6
Danh mục loại trừ
Không cam kết
1,5
Danh mục CKD ô tô
Không cam kết
0,0
Tổng
100
Danh mục phân loại trên được phân tích theo số liệu trong Biểu cam kết của Việt Nam dựa trên AHTN 2007 và theo kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2008.
1.2 Mức thuế suất cam kết
Lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong Hiệp định EPA sẽ bắt đầu từ năm 2009 và kết thúc vào năm 2026. Các mặt hàng được cắt giảm xuống 0% tập trung vào các năm 2019 và 2025. Về diện mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp.
Nhìn vào bảng phân tán số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan theo ngành có thể thấy: vào năm 2009 có khoảng 2.586 dòng thuế được xoá bỏ thuế quan, trong đó các mặt hàng công nghiệp chiếm đến khoảng 94,5%, còn lại là các mặt hàng nông nghiệp. Sau 10 năm thực hiện Hiệp định (năm 2019) có khoảng 6.996 số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan, trong đó các mặt hàng công nghiệp chiếm khoảng 90,1%. Đến năm 2025, tổng số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan lên đến 8.548 dòng, các mặt hàng công nghiệp chiếm 95,1% số dòng thuế. Số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan tập trung vào các ngành máy móc thiết bị điện, máy móc cơ khi, hoá chất, kim loại, diệt may và sản phẩm nông nghiệp.
Thuế suất áp dụng cho từng giai đoạn trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Nhật Bản (Biểu EPA) hầu hết được cắt giảm theo mô hình cắt giảm dần đều từ thuế suất cơ sở hoặc có mô hình cắt giảm riêng đối với những dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm (áp dụng thuế suất cơ sở trong cả lộ trình, giảm từ thuế suất cơ sở xuống 5% (2024/2026) hoặc 50% (2025)…. Chính vì vậy, mức thuế suất bình quân áp dụng cho cả Biểu EPA theo từng năm trong Lộ trình có chiều hướng giảm dần.
1.3 Các cam kết trong thương mại dịch vụ
Nhìn chung, mức cam kết chi tiết Việt Nam đưa ra trong VJEPA hầu như không khác với cam kết gia nhập WTO. Chỉ có sự khác biệt trong phần quy định chung về chương dịch vụ trong cả Hiệp định VJEPA trong đó đáng chú ý có một số điểm mới liên quan đến các định nghĩa, mức độ bảo hộ cạnh tranh.
Một số dịch vụ quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế được cam kết với mức độ thông thoáng khác nhau. Các phân ngành dịch vụ đáng chú ý gồm dịch vụ thông tin (gồm các dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ viễn thông, dịch vụ nghe nhìn); dịch vụ xây dựng, giáo dục, môi trường; dịch vụ tài chính (bao gồm dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán); dịch vụ y tế, du lịch và vận tải.
1.4 Cam kết trong lĩnh vực lao động
Ngoài các cam kết theo WTO, hai bên đồng ý tiếp nhận khách kinh doanh, nhận y tá nếu đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu luật pháp của nước tiếp nhận trong thời hạn 3 năm và có thể được gia hạn.
Ngoài ra, Nhật bản còn chấp nhận:
  1. Dành khoản vay ODA lãi suất ưu đãi cho Việt nam đào tạo mỗi năm 200- 300 y tá Việt Nam tại Nhật bản và cho phép y tá đào tạo tại Nhật bản được làm việc lâu dài (tới 7 năm) tại Nhật bản;
  2. Hỗ trợ xây dựng hệ thống kiểm định tay nghề cho Việt Nam, trong đó có nghề y tá, hộ lý; hỗ trợ xây dựng hệ thống cấp chứng chỉ cho nghề y tá, hộ lý;
  3. Trong trong vòng 1 năm kể từ khi ký kết EPA, sẽ nối lại đàm phán về di chuyển lao động với Việt Nam để cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, hộ lý và các ngành nghề khác. 
Như vậy, trong các FTA mà Việt Nam tham gia, các cam kết về lao động chủ yếu liên quan đến phương thức 4, di chuyển thể nhân (Mode 4) trong thương mại dịch vụ. Việc đàm phán và mức độ cam kết nói chung dựa trên nền cam kết trong WTO với một số bổ sung không lớn. Những kết quả đạt được trong đàm phán về di chuyển lao động nói chung còn rất khiêm tốn, việc triển khai thực hiện các cam kết đã đạt được vẫn còn có nhiều thách thức phía trước.
II. NHỮNG ƯU ĐÃI TRONG HIỆP ĐỊNH VJEPA
Những ưu đãi trong Hiệp định VJEPA được chia thành hai nhóm: Những ưu đãi mà phía Việt Nam được hưởng và những ưu đãi mà phía Nhật Bản được hưởng. Những ưu đãi mà mỗi nước được hưởng trong Hiệp định bao gồm những ưu đãi về thuế quan và những ưu đãi ngoài thuế.
2.1 Những ưu đãi mà phía Việt Nam được hưởng 
Những ưu đãi về thuế quan: Trong Hiệp định VJEPA, nội dung quan trọng nhất tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản chính là cam kết giảm thuế mà Nhật Bản dành cho hàng xuất khẩu của nước ta. Đây cũng là nội dung xuyên suốt trong việc thực hiện Hiệp định. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 88,05% KNXK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật và 7.297 dòng thuế, chiếm 80,08% số dòng thuế.
Thuế ưu đãi và lộ trình cắt giảm thuế đối với nhóm hàng nông sản: theo phân loại Biểu thuế của Nhật Bản năm 2007 (HS 2007), số lượng dòng thuế nông sản của Nhật Bản là 2020. Ngay khi Hiệp định VJEPA có hiệu lực, 783 dòng thuế có thuế suất 0%; 505 dòng thuế sẽ có lộ trình giảm theo từng năm, hiện chiếm khoảng 24% kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản. Lộ trình có thể kéo dài từ 3 đến 15 năm tùy thuộc vào từng nhóm sản phẩm.
Thuế ưu đãi và lộ trình giảm thuế đối với hàng thủy sản: mặt hàng thủy sản của Nhật Bản bao gồm 330 dòng thuế. Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế trong vòng 10 - 15 năm đối với 188 dòng. Trong số 330 dòng thuế hàng thủy sản, có 64 dòng thuế có cam kết giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Có 8 dòng thuế thủy sản có lộ trình giảm thuế trong 3 năm, chiếm đến 8% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, 96 dòng thuế thủy sản có các lộ trình giảm thuế khác nhau, từ 5-10 năm.
Thuế ưu đãi và lộ trình giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp: Nhật Bản không thực thi chính sách bảo hộ bằng thuế quan đối với phần lớn các sản phẩm công nghiệp. Mức thuế trung bình trong lĩnh vực này dưới 5%, tức là mức thuế chỉ mang tính “thu bù chi” cho hoạt động kiểm soát, hành chính của cơ quan hải quan. Theo cách hiểu được thừa nhận chung, mức thuế này được xem là mức thuế không có ý nghĩa bảo hộ hiệu quả. Khoảng 95% số dòng thuế hàng công nghiệp, chiếm đến gần 95% KNXK hàng công nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế nhập khẩu là 0%. Nếu tính cả những sản phẩm sẽ giảm và loại bỏ thuế trong lộ trình 10 năm thì con số này là 97% số dòng thuế và 98% giá trị xuất khẩu của nước ta sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0%.
Những ưu đãi khác ngoài thuế quan mà phía Việt Nam được hưởng trong Hiệp định VJEPA: (i) Ưu đãi về thương mại dịch vụ: Nhật Bản dành cho Việt Nam cam kết rất thông thoáng trong lĩnh vực dịch vụ, đi xa hơn rất nhiều cam kết của Nhật trong WTO. Trong phần lớn các ngành/phân ngành dịch vụ, các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam được hưởng cam kết “không hạn chế”; (ii) Ưu đãi về đầu tư: Nhật Bản khuyến khích và bảo hộ các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Nhật theo nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử bình đẳng và công bằng, bảo vệ đầy đủ quyền lợi của các nhà đầu tư... Nhật cam kết tăng cường minh bạch hóa, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật của Nhật Bản để giúp các nhà đầu tư Việt Nam thuận lợi hơn khi đầu tư tại Nhật.
2.2 Những ưu đãi mà phía Nhật Bản được hưởng 
Những ưu đãi về thuế quan mà phía Nhật Bản được hưởng trong Hiệp định VJEPA: Căn cứ trên Biểu thuế quan hài hoà 2007 (HS 2007), Biểu cam kết của Việt Nam bao gồm 9.390 dòng thuế, trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.873 dòng (94,49%). Số dòng còn lại là các dòng thuế CKD ô tô (57 dòng) và các dòng thuế không đưa vào cắt giảm (428 dòng).
Việt Nam cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 8.873 dòng thuế, đến năm cuối lộ trình (năm 2025) có 8.548 dòng thuế được xoá bỏ thuế quan, chiếm 96,34 % tổng số dòng thuế đưa vào cắt giảm. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan với khoảng 30% tổng số dòng thuế đưa vào cắt giảm. Đến năm 2019, sau 10 năm thực thi Hiệp định, số dòng thuế cam kết xoá bỏ thuế quan vào khoảng 80%. Các nhóm hàng chính (có kim ngạch đáng kể) được đưa vào cắt giảm và xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp như: linh kiện điện tử, sắt thép, máy móc, phụ tùng ô tô, hoá chất, dược phẩm,...
Những ưu đãi khác ngoài thuế quan mà phía Nhật Bản được hưởng trong Hiệp định VJEPA: (i) Ưu đãi về thương mại dịch vụ: Cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ hoàn toàn giống với cam kết của Việt Nam đưa ra trong WTO. Các ngành dịch vụ của nước ta cam kết gồm 110 phân ngành dịch vụ; (ii) Ưu đãi về đầu tư: Phía Việt Nam sẽ dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản sự đối xử tương tự như với các nhà đầu tư trong nước, trong cùng một hoàn cảnh tương tự như nhau đối với việc thành lập, mua lại, mở rộng, hoạt động, quản lý, duy trì, sử dụng, thu lợi, bán hoặc một hình thức chuyển nhượng đầu tư khác.
III. TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH VJEPA ĐẾN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN
Theo số liệu thống kê được công bố năm 2014 của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản trong năm 2013 đạt 25,3 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2012. Trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này 13,65 tỷ USD hàng hóa, cao hơn 4,5 điểm % so với kết quả của một năm trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam có xuất xứ từ Nhật Bản đạt trị giá 11,61 tỷ USD, hầu như không thay đổi so với năm 2012. Tính từ năm 2009 đến năm 2013, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đã cao gấp 2,15 lần; trong khi đó sau 5 năm thì nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam từ Nhật Bản chỉ gấp 1,55 lần.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất nhập khẩu hai chiều đạt khoảng 20 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó giá trị xuất khẩu đạt 11,6 tỷ USD (tăng 11,2%), nhập khẩu đạt 8,4 tỷ USD (tăng 8,3%), xuất siêu đạt giá trị 3,2 tỷ USD
Bảng 3: Thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản 2009-2014 (tỷ USD)
Năm
2009
2010
2011
2012
2013
9T/2014
Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản
6,3
7,7
10,8
13,1
13,7
11,6
Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản
7,5
9,0
10,4
11,5
11,6
8,4
Tổng giá trị xuất nhập khẩu
13,8
16,7
21,4
24,6
25,3
20,0
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong những năm gần đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn ở trạng thái xuất siêu (thặng dư) trong buôn bán với Nhật Bản. Năm 2011, nước ta xuất siêu 0,4 tỷ USD; chuyển sang năm 2012 con số này đã là 1,5 tỷ USD và năm 2013 Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Nhật Bản trị giá trên 2 tỷ USD, tăng mạnh 39% so với con số ghi nhận được trong năm 2012.
So với năm 2009 khi Hiệp định VJEPA bắt đầu có hiệu lực, thương mại hai chiều đã tăng gần gấp đôi, và mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 17%, trong đó xuất khẩu tăng hơn gấp đôi với tăng trưởng bình quân hàng năm 22%. Cán cân thương mại thay đổi theo hướng tích cực và ngày càng gia tăng về phía có lợi cho Việt Nam.
Biểu đồ 1:Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn năm 2009-2013
P100
Trong những năm qua, tuy có những bước tăng trưởng khả quan và đáng ghi nhận trong kết quả buôn bán thương mại giữa hai quốc gia nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm năng của một trong những thị trường lớn nhất thế giới này. Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa trong năm 2013 của Nhật Bản sang tất cả các nước, vùng lãnh thổ đạt 719 tỷ USD, trong khi đó con số thống kê nhập khẩu hàng hóa từ các nước, vùng lãnh thổ vào Nhật Bản là 839 tỷ USD. Như vậy, trị giá hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu hay nhập khẩu từ thị trường đầy tiềm năng này vẫn chỉ chiếm một thị phần nhỏ, chưa đến 2%. Riêng về xuất khẩu, thị phần của hàng Việt Nam trên thị trường Nhật Bản năm 2013 là 1,5% khá khiêm tốn so với một số nước trong khu vực như Singapore là 2,9%, Thái Lan là 5%, Malaysia là 2,1%, Indonesia là 2,4%, Philippines là 1,4%, Ấn Độ 1,2%, Trung Quốc 18,1%, Hàn Quốc 7,9%. Tuy nhiên đây là kết quả đáng kể so với năm 2009 (1,1%).
Tuy vậy, Nhật Bản vẫn luôn là thị trường thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng lên đến 10% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các thị trường trên thế giới. Trong năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản xếp thứ 4 trong tất cả các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; trong đó, xếp thứ 2 về xuất khẩu và xếp thứ 3 về nhập khẩu.
Bảng 4: Tỷ trọng và thứ hạng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam- Nhật Bản giai đoạn 2007-2013
Năm
Xuất khẩu
Nhập khẩu
Thị phần (%)
Thứ hạng
Thị phần (%)
Thứ hạng
2007
12,5
2
9,9
4
2008
13,6
2
10,2
4
2009
11
2
10,7
2
2010
10,7
2
10,6
3
2011
11,1
3
9,7
3
2012
11,4
2
10,2
3
2013
10,3
2
8,8
3
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trên thực tế, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản bao gồm:
  • Vận dụng mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) hoặc Cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) nếu thấp hơn hoặc đã về 0% tại thời điểm xuất khẩu so với thuế suất VJEPA hoặc AJCEP.
  • Vận dụng ưu đãi theo AJCEP thấp hơn thuế suất VJEPA tại thời điểm xuất khẩu hoặc nếu sử dụng đầu vào từ các nước Asean để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ đáp ứng theo Hiệp định AJCEP.
  • Không vận dụng ưu đãi, chịu thuế suất MFN ở mức cao hơn nếu chênh lệch giữa lợi ích kinh tế từ việc sử dụng đầu vào không đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu lớn hơn mức ưu đãi thuế suất (giữa MFN và thuế suất ưu đãi VJEPA hoặc AJCEP).
Bảng 5: Thống kê vận dụng ưu đãi VJEPA
Năm
2010
2011
2012
2013
Giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản (triệu USD)
7.727,66
10.781,15
13.059,81
13.651,49
% AJCEP
26,28%
24,39%
25,79%
29,26%
%VJEPA
4,04%
5,96%
7,11%
6,49%
Nguồn: Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro)
Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản bao gồm: hàng dệt may, dầu thô, máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,…
Sản phẩm Việt Nam qua nhiều năm đã dần dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản, với nhiều mặt hàng Việt Nam nằm trong số 10 nhà xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Nhật Bản như sản phẩm dệt may (HS 61, 62), đồ gỗ nội thất (HS 94), giày dép (HS 64), thiết bị điện, điện tử (HS 85). Tuy vậy, về cơ cấu, sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Nhật Bản có thể thấy chủ yếu là các sản phẩm thuộc các ngành thâm dụng lao động, chưa có giá trị gia tăng cao.
Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Nhật Bản chủ yếu là máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày, sản phẩm từ chất dẻo. Tính chung, kim ngạch nhập khẩu 5 nhóm hàng lớn nhất này đạt 7,62 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản.
Đối với thiết bị máy móc (HS 84), Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất nhóm hàng này là máy và thiết bị chỉ sử dụng hoặc chủ yếu sử dụng để sản xuất các khối bán dẫn hoặc tấm bán dẫn mỏng, linh kiện bán dẫn, mạch điện tử tích hợp hoặc màn hình phẳng, máy và thiết bị bộ phận và linh kiện (HS 8486), máy in và máy phụ trợ dùng cho máy in (HS 9443), máy ủi, máy xúc (HS 8429),…
Thiết bị điện, điện tử nhập từ Nhật Bản (HS 85) vào Việt Nam bao gồm các sản phẩm có giá trị thương mại cao thuộc nhóm gồm có mạch điện tử tích hợp (HS 8542), điốt, transitor và các thiết bị bán dẫn tương tự (HS 8541), máy quay phim, thiết bị truyền tải dùng cho radio - điện thoại (HS 8525) và các loại thiết bị dùng cho cầu chì (HS 8536). Sắt thép nhập từ Nhật Bản (HS 72) chủ yếu là các loại sản phẩm sắt hoặc thép cán phẳng, có hợp kim hoặc không có hợp kim (HS 7208, 7225, 7210), Việt Nam cũng nhập cả các loại phế liệu, mảnh vụn sắt, thỏi đúc phế liệu nấu lại từ sắt hoặc thép (HS 7204).
Về sản phẩm nhựa (HS 39), Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các loại nhựa nguyên liệu thô về để chế biến lại trong nước.
Đối với nhóm hàng dụng cụ, thiết bị và máy quang học và các bộ phận (HS 90), Việt Nam nhập khẩu chủ yếu thiết bị tinh thể lỏng và thiết bị laser (HS 9013), sợi quang, cáp quang và thiết bị phân cực (HS 9001), dụng cụ và thiết bị điều chỉnh tự động (HS 9032), máy đo lường hay máy kiểm tra (HS 9091),…
IV. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TẬN DỤNG NHỮNG ƯU ĐÃI TRONG VJEPA ĐỂ ĐẨY MẠNH XK HÀNG HOÁ VN SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN
4.1 Đánh giá chung về tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản từ năm 2009 đến nay
Những kết quả đạt được và nguyên nhân:
Mức độ tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng tăng. Điều này thể hiện ở tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sử dụng Form C/O VJ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này tăng dần lên. Trong khi đó, mức độ tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định AJCEP lại có xu hướng giảm.
Nhìn chung, các mặt hàng được hưởng nhiều ưu đãi thuế theo Hiệp định VJEPA có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong ba năm sau khi thực hiện Hiệp định cao hơn so với ba năm trước khi thực hiện Hiệp định.
Việt Nam và Nhật Bản đã nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan theo Hiệp định VJEPA để tạo thuận lợi cho hàng hóa của hai bên thâm nhập vào thị trường của nhau. Chính phủ và các cơ quan chức năng hai nước rất nỗ lực trong việc thực thi các cam kết trong Hiệp định để tạo hành lang pháp lý và tạo thuận lợi nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương phát triển.     
Ngay khi Hiệp định VJEPA có hiệu lực, Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 (MUTRAP III) phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại Đa biên - Bộ Công Thương đã rất tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua các cuộc hội thảo được tổ chức khắp các vùng, miền trong cả nước.
Trong các năm từ 2010-2011, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động và tích cực hơn trong việc tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản. Các doanh nghiệp tận dụng ngày càng tốt hơn những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có nhiều tiềm năng và lợi thế sang thị trường này.
Những hạn chế và nguyên nhân:
Mức độ tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định VJEPA trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản tăng lên hàng năm, nhưng vẫn còn ở mức thấp khi so sánh với mức độ tận dụng những ưu đãi từ các FTA khác.  
Những lợi ích thực tế mang lại cho doanh nghiệp từ việc giảm thuế trong thời gian đầu thực hiện Hiệp định VJEPA còn hạn chế, vì một số nhóm hàng thuế giảm còn ít.
Khi Hiệp định VJEPA đi vào thực hiện, nhiều doanh nghiệp còn thụ động trong việc tìm hiểu Hiệp định này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do nhiều doanh nghiệp bị động đối với việc thực thi Hiệp định VJEPA trong năm đầu, nên họ không có sự chuẩn bị trước cho việc đón nhận ưu đãi từ Hiệp định. Muốn tận dụng ưu đãi trong Hiệp định cần phải có sự chuẩn bị phương án sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chế biến, chế tạo hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Hiệp định VJEPA thực thi sau Hiệp định AJCEP một năm, mặc dù cam kết thuế tốt hơn, nhưng giai đoạn đầu của lộ trình giảm thuế theo Hiệp định VJEPA thì một số mặt hàng vẫn chịu mức thuế cao hơn do thực hiện cam kết giảm thuế sau. Đối với những mặt hàng có mức thuế nhập khẩu vào Nhật Bản tương tự nhau ở hai Hiệp định, thì doanh nghiệp thường chọn form C/O AJ vì sử dụng quen hơn, xuất xứ nguyên liệu cộng gộp dễ hơn.
4.2 Một số giải pháp tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản đến năm 2020
Giải pháp về phía Chính phủ:
-     Nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định VJEPA: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Hiệp định đến cộng đồng doanh nghiệp để họ nắm được nội dung, những cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, những ưu đãi và cách thức được hưởng ưu đãi từ Hiệp định đối với hàng xuất khẩu sang Nhật Bản và hàng nhập khẩu từ thị trường này. Đưa thông tin và các hướng dẫn cụ thể về cách thức để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định đến doanh nghiệp; Đàm phán tiếp với phía Nhật Bản về mở cửa thị trường đối với những mặt hàng “tiếp tục đàm phán trong Hiệp định VJEPA” để tạo thuận lợi cho những mặt hàng này thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
-     Chú trọng phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Nhật Bản: Chính phủ cần có chính sách cụ thể để phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Nhật Bản. Thông qua sự hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế và tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, Việt Nam có thể phát triển được nền sản xuất nội địa (phát triển kinh tế ngành và kinh tế vùng), đồng thời nâng cao được khả năng cạnh tranh của hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Nhật Bản.
-     Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Chính phủ cần có chiến lược và kế hoạch tổng thể, có chính sách đầu tư thỏa đáng để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo nội địa hóa cho phần lớn các linh phụ kiện cho ngành công nghiệp lắp ráp, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày. Phát triển các ngành công nghiệp này sẽ giúp cho nước ta nâng cao được hiệu quả xuất khẩu một số nhóm hàng mà Việt Nam phải nhập khẩu chủ yếu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN.
-     Chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản ngoài những ưu đãi về quyền lợi mà họ được hưởng theo Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Những ưu đãi này có thể là những ưu đãi về thuế nhập khẩu công nghệ nguồn, thuế suất lợi tức, thuế chuyển lợi nhuận,... Thuế ưu đãi đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản theo cam kết trong Hiệp định VJEPA, đặc biệt là thuế dành cho máy móc thiết bị, hàng chế tạo đang giảm rất mạnh (chỉ còn 0,5% vào năm 2024). Thực hiện chính sách này góp phần khai thác tối đa làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào các ngành hàng xuất khẩu trọng điểm.
-     Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Nhật Bản. Thúc đẩy “thu hoạch sớm” việc thực hiện các lộ trình đã cam kết về tự do hoá thương mại và đầu tư song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định VJEPA; Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tham gia các Hội chợ triển lãm và giao thương tại Nhật Bản; Nghiên cứu sâu về các chính sách kinh tế, thương mại của Nhật Bản và các rào cản kỹ thuật của họ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam nhằm giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt, chấp hành tốt và không vi phạm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ban hành.
-     Nâng cao năng lực kiểm dịch động thực vật. Nâng cấp các trung tâm kiểm định hiện có để đáp ứng tốt việc kiểm định hàng xuất khẩu; Xây dựng tại Việt Nam các trung tâm kiểm định với sự hỗ trợ của phía Nhật Bản và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu vào thị trường Nhật. Trung tâm này là sản phẩm của hợp tác liên chính phủ và chuyên gia của cả hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
-     Một số kiến nghị với Bộ Công Thương. Tiếp tục đàm phán với phía Nhật Bản về một số vấn đề liên quan đến việc thực thi Hiệp định VJEPA để cụ thể hóa hơn nữa (Nhật Bản hỗ trợ hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác tăng cường năng lực kiểm dịch, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa,...); Chủ động và tích cực trong việc phối hợp với phía Nhật Bản để xử lý cơ bản vấn đề kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm tạo điều kiện cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam có thể được nhập khẩu vào Nhật Bản trong thời gian tới.
Giải pháp về phía doanh nghiệp:
-     Tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về Hiệp định VJEPA. Để có thể tận dụng một cách hiệu quả những ưu đãi trong Hiệp định, doanh nghiệp phải nhận thức rõ lợi ích và yêu cầu vận dụng các ưu đãi của Hiệp định. Trước hết, cần phải hiểu nội dung từng điều khoản đối với lĩnh vực mình quan tâm, nắm được những ưu đãi trong Hiệp định, lộ trình giảm thuế của Nhật Bản đối với từng nhóm hàng và những yêu cầu để được hưởng ưu đãi có liên quan đến mặt hàng và ngành hàng mà mình kinh doanh. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm kiếm thông tin về Hiệp định, cũng như các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng liên quan đến việc thực thi Hiệp định.
-     Chủ động nguồn nguyên vật liệu trong sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để được hưởng những ưu đãi từ Hiệp định VJEPA trong xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản, các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ,... nên chủ động tiến hành lập đề án xây dựng các trung tâm nguyên phụ liệu. Từ các đề án này, doanh nghiệp có thể được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để xây dựng trung tâm; Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong dự án về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam theo Hiệp định; v.v...
-     Đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trong Hiệp định VJEPA. Tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hàng nông, thủy sản, giày dép, đồ gỗ,... những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi từ Hiệp định.
-     Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường Nhật Bản. Để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định VJEPA thì phải tăng khả năng cạnh tranh cho hàng nông, thủy sản Việt Nam. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho hàng nông, thủy sản. Doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm về tiêu chuẩn kỹ thuật, VSATTP khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
-     Đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhìn chung nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này còn bị hạn chế về năng lực cạnh tranh do chất lượng, giá cả và mẫu mã hàng hoá. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu, phải sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, song cơ bản nhất phải có chiến lược đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Công nghệ sản xuất tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu. Do đó, nâng cao được năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới nói chung, ở thị trường Nhật Bản nói riêng.
-     Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường. Trở ngại lớn nhất hiện nay là hàng Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ của Nhật Bản. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cần chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe và môi trường. Các doanh nghiệp cần thực hiện quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Nhật Bản đưa ra. Doanh nghiệp nên xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9000, HACCP, ISO 14000 và SA 8000 để làm nền tảng cho việc vượt qua hàng rào kỹ thuật thương mại của Nhật Bản.
-     Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Xây dựng chiến lược marketing và xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản. Nâng cao năng lực tiếp thị, tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu sang thị trường này; Chủ động tìm kiếm đối tác, chào hàng thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Nhật Bản, qua Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và qua đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam.
Kết luận: Nhật Bản là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong hoạt động trao đổi thương mại quốc tế. Hiệp định VJEPA mở ra những cơ hội mới cho việc nâng cao hiệu quả và những lợi ích mà Việt Nam có thể nhận được từ mậu dịch. Việc cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản giúp làm tăng cơ hội cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường này, đồng thời việc Việt Nam giảm các rào cản thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ phần nào giảm bớt những tác động chuyển hướng mậu dịch bất lợi xảy ra khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường đối với các đối tác khác trong khu vực. Trong khi Nhật Bản là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thị phần rất khiêm tốn của Việt Nam trong kim ngạch thương mại của Nhật Bản cho thấy tiềm năng gia tăng xuất khẩu vào thị trường này còn rất lớn, trong đó việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Tài liệu tham khảo:
  1. Tổng cục Thống kê, Trị giá nhập khẩu hàng hóa phân theo khu vực kinh tế và phân theo nhóm hàng; http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=13169
  2. Tổng cục Thống kê, Trị giá xuất khẩu hàng hóa phân theo khu vục kinh tế và phân theo nhóm hàng, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=13173
  3. Tổng cục Thống kê, Trị giá nhập khẩu hàng hóa phân theo khối nước, phân theo nước và vùng lãnh thổ, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=13168
  4. Tổng cục Thống kê, Trị giá xuất khẩu hàng hóa phân theo khôi nước, phân theo nước và vùng lãnh thổ, http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=393&idmid=3&ItemID=13169
  5. Tổng cục Hải quan, Một vài nét về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản năm 2013, cập nhật năm 2014.
  6. Tổng cục Hải quan, Tổng quan xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam theo châu lục, theo khu vực thị trường vả theo thị trường năm 2013, cập nhật năm 2014.
  7. ThS, Phùng Thị Vân Kiều, Nghiên cứu đề xuất giải pháp tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, Đề tài NCKH cấp Bộ - Mã số 61.11.RD.HĐ-KHCN, Kỷ yếu 2012 – Viện Nghiên cứu Thương Mại.
Phú Cường – TTWTO

Nguồn: hoinhap.org.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710814328