Thứ sáu, 26-4-2024 - 2:30 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)-Những cơ hội và thách thức 

 Thứ tư, 17-8-2016

AsemconnectVietnam - Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với kinh tế Việt Nam, giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

 
1. Cơ hội và thách thức đối với Chính phủ, bộ, ngành
a. Cơ hội
Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với kinh tế Việt Nam, giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.
- Hiệp định này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, nhất là của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
- Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác như: nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp điện tử, lọc hóa dầu, công nghiệp hỗ trợ...
- Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam và nhất là tăng cường hợp tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực.
- Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm nhạy cảm cao như tỏi, gừng, mật ong, tôm, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.
- Hàn Quốc tự do hóa 96,48% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam, ngược lại Việt Nam tự do hóa 92,75% tổng giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2012. Xét về số dòng thuế, Hàn Quốc tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế. Do đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử... giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Riêng về các cam kết trong dịch vụ và đầu tư, việc thực hiện FTA sẽ hỗ trợ Việt Nam hình thành môi trường minh bạch và thông thoáng hơn để đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Hàn Quốc cũng như các nước khác.
- Hiệp định VKPTA dự kiến cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Qua đó hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng giá trị gia tăng cao.
- Hàn Quốc đặc biệt cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành Việt Nam hiện nay đang còn yếu. Thêm vào đó, sẽ thúc đẩy các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng dầu khí.
- Hiệp định VKFTA dự báo cũng sẽ đem lại những lợi ích xã hội tích cực nhờ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam, nâng cao thu nhập, đặc biệt của nhóm lao động phổ thông, lao động không có tay nghề cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn.
- Hiệp định giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam minh bạch hơn, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam. Trong hiệp định này, nhiều tiêu chuẩn được đưa ra nhằm tăng cường bảo vệ quyền của nhà đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư hơn hiệp định FTA Hàn Quốc - ASEAN, hiệp định bảo lãnh đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệp định giới thiệu cơ chế ISDS - cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư. Ngoài ra, hiệp định cũng đưa vào điều khoản dự phòng về tái đàm phán để ký kết những vấn đề về đầu tư chưa được giải quyết trong vòng một năm sau khi hiệp định có hiệu lực.
- Về tổng thể, Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với Hàn Quốc - nền kinh tế đã có những bước phát triển ngoạn mục trong những thập kỷ vừa qua và hiện đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 15 trên thế giới, thứ 3 châu Á. Đối với Hàn Quốc, Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc là cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tranh thủ những cơ hội kinh doanh - đầu tư tại Việt Nam - thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu người dân.
b. Thách thức:
- So với cam kết và chuẩn mực quốc tế thì thể chế, luật pháp của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm... Những vấn đề đó đã gây khó khăn trong nền kinh tế thị trường, khiến các nhà đầu tư khó dự đoán được các biến động, thay đổi.
- Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam đã được rà soát, xây dựng mới và từng bước được hoàn thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán và ổn định... Đây chính là một trong những nguyên nhân gây bất lợi cho Việt Nam khi va chạm và giải quyết các vụ tranh chấp ở phạm vi quốc tế.
- Nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về sự tham gia các tổ chức kinh tế thương mại khu vực và toàn cầu, các FTA... còn nhiều bất cập. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, doanh nghiệp và người dân thờ ơ, thiếu chủ động trong đổi mới tư duy và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Chưa xây dựng được ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp phụ trợ để tận dụng các cơ hội của hội nhập, trong đó có các FTA, TPP đã, đang và sẽ thực thi.
2. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp
a. Cơ hội                                             
- Các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội tận dụng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là xuất khẩu nông sản, dệt may và thủy sản vào thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh các lợi ích xuất khẩu quan trọng, Hiệp định dự kiến cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác, qua đó hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng giá trị gia tăng cao.
- Hàn Quốc mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường này: Hàn Quốc lần đầu tiên mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm được coi là nhạy cảm cao của nước này như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế nhập khẩu của Hàn Quốc đối với những mặt hàng này hiện rất cao từ 241- 420%). Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
- Thị trường Hàn Quốc tuy là một thị trường phát triển với các yêu cầu và đòi hỏi tương đối cao, nhưng nhìn chung vẫn dễ tính hơn các thị trường như EU, Mỹ hay Nhật Bản. Do đó, việc tăng cường quan hệ thương mại với thị trường này là bước chuẩn bị tập dượt tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới khi tiến sâu hơn vào các thị trường khó tính hơn.
- Với khoảng 3.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và khoảng 40.000 công nhân Việt Nam đang làm việc ở Hàn Quốc. Những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp và công nhân này đang giúp mối quan hệ thương mại song phương và đầu tư giữa hai nước đạt được kết quả ấn tượng.
b. Thách thức:
- Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang bị đánh giá yếu trên các mặt, như: quản trị kém, uy tín thương hiệu thấp, người tiêu dùng thường có tâm lý “sính hàng ngoại”. Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp mờ nhạt, năng lực cạnh tranh thấp. Điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào nguy cơ bị phụ thuộc, mất đi vị thế chủ động.
- Nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp còn hạn chế; Việt Nam chưa có nhiều các doanh nghiệp mang tầm quốc tế và khu vực. Năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài còn yếu, còn nhiều thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Nhận thức về các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn rất hạn chế, sẽ là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
- Năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp còn yếu, nguy cơ mất thị trường nội địa: Khi Việt Nam ký kết các hiệp định FTA, nếu không tận dụng tốt, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, mà ngay thị trường nội địa cũng khó có thể giữ vững.
- So với thị trường các nước ASEAN (hơn 600 triệu dân) hay Trung Quốc (gần 1.400 triệu dân) thì thị trường Hàn Quốc được coi là tương đối nhỏ (chỉ khoảng 50 triệu dân) trong khi đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu cao hơn nhiều so với thị trường các nước ASEAN hay Trung Quốc, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
- Với hệ thống bán lẻ đã được hình thành bài bản và các siêu thị có chuỗi phân phối tương đối ổn định, việc thâm nhập vào các kênh bán hàng của Hàn Quốc là tương đối khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có chiến lược tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ bán hàng, bảo đảm số lượng, thời hạn giao hàng... thì các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Dự báo trong thời gian tới, hàng hóa Hàn Quốc (điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thời trang) sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Lúc đó, cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710881565