Thứ sáu, 19-4-2024 - 14:24 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Toàn văn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) 

 Thứ năm, 23-7-2015

AsemconnectVietnam - Ngày 5/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).


Hiệp định này hiện vẫn đang trong quá trình phê chuẩn tại nội bộ mỗi nước và chưa có hiệu lực (dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016).
1.      Diễn tiến quá trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn VKFTA
- 6/8/2012: Khởi động đàm phán;
- 8/2012 – 12/2014: 8 vòng đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, họp cấp Trưởng đoàn đàm phán;
- 10/12/2014: Hai bên ký kết Biên bản thỏa thuận về kết thúc đàm phán VKFTA;
- 29/3/2015: Hai bên ký tắt VKFTA, hướng tới ký kết chính thức Hiệp định trong vòng 6 tháng đầu năm 2015;
- 5/5/2015: Hai bên ký chính thức VKFTA, tiếp theo sẽ tiến hành các thủ tục phê chuẩn ở nội bội từng nước.
2.      Đối tác
Hàn Quốc đã có FTA với Việt Nam trong khuôn khổ FTA ASEAN – Hàn Quốc.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc có tính bổ sung lẫn nhau. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 500 triệu USD lên hơn 26 tỷ USD vào năm 2014.
Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, năm 2014 đứng thứ 3 trong số 10 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2014. Riêng về đầu tư, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong năm 2014, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với 505 dự án cấp mới, 179 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,32 tỷ USD chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
3.      Nội dung Hiệp định
Hiệp định gồm 17 Chương, 208 Điều, 15 Phụ lục và 01 Thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính của Hiệp định gồm Thương mại hàng hoá, Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về Dịch vụ Viễn thông, Dịch vụ Tài chính, Di chuyển thể nhân), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại Điện tử, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế, Thể chế và Pháp lý.
Các cam kết thuế quan:
Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí, v.v… Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, v.v… (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện, v.v… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
4.      Đánh giá tác động
Cơ hội
Xuất khẩu: Hàn Quốc mở rộng thêm tiếp cận thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam so với FTA ASEAN – Hàn Quốc, do đó, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế quan khi vào thị trường này.
- Nhập khẩu: cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các nành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày, dép, điện tử, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác => có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu, người tiêu dùng.
- Đầu tư: các cam kết về dịch vụ và đầu tư trong AKFTA sẽ giúp cho môi trường đầu tư của Việt Nam minh bạch và thông thoáng hơn => thu hút hơn nữa đầu tư từ Hàn Quốc (Hiện tại Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam).
Thách thức
- Cạnh tranh về hàng hóa đối với các DN sản xuất nội địa: Cạnh tranh do việc mở cửa hơn nữa thị trường hàng hóa của Việt Nam cho Hàn Quốc:
Tuy nhiên, việc này cũng không quá đáng lo ngại do (i) cơ cấu sản phẩm giữa hai bên là tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp; (ii) nhiều sản phẩm mở cửa mạnh cũng là những sản phẩm lâu nay bảo hộ bằng thuế quan nhưng không hiệu quả, việc mở cửa có thể là sức ép cạnh tranh tốt cho những ngành này; (iii) trong AKFTA Việt Nam đã mở cửa đáng kể cho Hàn Quốc, do đó việc mở cửa tiếp theo không tạo ra cú sốc lớn.
- Cạnh tranh về dịch vụ và đầu tư đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư trong nước: Có thể sẽ lớn vì trong FTA ASEAN – Hàn Quốc đã ký Việt Nam hầu như không mở cửa về dịch vụ và đầu tư thêm cho Hàn Quốc so với WTO, nhưng trong VKFTA có cam kết đáng kể về mở cửa dịch vụ và đầu tư cho Hàn Quốc (cả cam kết về mở cửa ngành/lĩnh vực nào sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư Hàn Quốc vào và cả các cam kết về bảo hộ đầu tư: đảm bảo quyền lợi, tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng....)
Tuy nhiên, đây cũng có thể sức ép hợp lý để các doanh nghiệp dịch vụ trong nước tăng sức cạnh tranh trước khi phải đối mặt với cạnh tranh mạnh hơn từ các đối thủ sừng sỏ hơn từ Hoa Kỳ, EU… trong các FTA thế hệ mới sắp tới.
5.      Ý nghĩa
- VKFTA là FTA đầu tiên trong 07 FTA Việt Nam đang đàm phán được chính thức ký kết trong năm 2015;
- FTA này được coi như một bước tập dượt cho việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA lớn quan trọng hơn như TPP hay EVFTA. So với các FTA thế hệ cũ (cả 8 FTA Việt Nam đã ký) và các FTA thế hệ mới Việt Nam đang tham gia (TPP, FTAVN-EU) thì VKFTA thuộc loại “trung gian”;
- Hàn Quốc là một đối tác truyền thống và cũng là một đối tác phát triển, việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với nước này một phần giúp Việt Nam đa dạng hơn đối tác, làm quen dần với kinh doanh và cạnh tranh với các đối tác lớn phát triển.
- Trong số các FTA đã ký trước đây của Việt Nam, FTA với Hàn Quốc trong khuôn khổ ASEAN – Hàn Quốc là FTA Việt Nam tận dụng được nhiều nhất (cả về xuất khẩu, nhập khẩu và đầu tư), do đó việc có thêm các cam kết mở cửa với đối tác này trong FTA song phương dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn, thu được nhiều lợi ích hơn.

Download toàn văn Hiệp định (bản Tiếng Việt) tại đây:
1. Loi_van_hiep_dinh_tieng_viet_0.pdf
2. Qtxx_tieng_viet.pdf
3. Bieu_thue_vn_tieng_viet.pdf
4. Bieu_thue_hq_tieng_viet.pdf
5. Cam_ket_dich_vu_tieng_viet.pdf

Nguồn: Trung tâm WTO - VCCI

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710714781