Thứ sáu, 19-4-2024 - 12:22 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tận dụng FTA Việt Nam - Hàn Quốc (Kỳ II) 

 Thứ năm, 28-5-2015

AsemconnectVietnam - Nhu cầu NK các sản phẩm chất lượng cao cùng với những cam kết tăng hạn ngạch, giảm thuế XK từ Hàn Quốc, nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có thời cơ lớn để gia tăng XK cũng như đón thêm nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp từ Hàn Quốc.

 
Kỳ II: Bước ngoặt cho hàng nông sản Việt
Cú huých tăng xuất khẩu
Theo cam kết từ FTA Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA), nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sẽ được giảm thuế và tăng hạn ngạch XK vào Hàn Quốc, ví dụ: Với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm. Sau năm thứ 6, số lượng trong hạn ngạch sẽ duy trì ở mức 15.000 tấn/năm. Các mặt hàng nông sản khác cũng nhận được nhiều ưu đãi như: Mật ong, tỏi, ớt, gừng, khoai lang… Hiện các mặt hàng này đang chịu thuế XK rất cao, từ 241- 420%.
Theo ông Phạm Khắc Tuyên- Trưởng Phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương)- tỏi, ớt, gừng là những nguyên liệu rất quan trọng để làm nên kim chi- thực phẩm không thể thiếu trên bàn ăn của người dân Hàn Quốc. Sau 3- 4 ngày đàm phán căng thẳng, Hàn Quốc đã đưa ra kết quả cuối cùng là chấp thuận giảm thuế NK tỏi Việt Nam trong lộ trình 10 năm. Việc giảm thuế sẽ tạo cú huých lớn cho XK tỏi vào Hàn Quốc.
Một mặt hàng khác cũng sẽ có thêm trợ lực để phát triển là sản phẩm gỗ. Việt Nam đang XK sang Hàn Quốc các mặt hàng như: Ván gỗ, viên gỗ nén, các sản phẩm gỗ nội thất bọc da. Hiện các sản phẩm này thường chịu thuế suất từ 3- 5%, có loại tới 6%, nhưng với VKFTA, tất cả đều có thuế suất 0%.
Ngoài ra, VKFTA sẽ giảm thuế NK các máy móc, thiết bị và mở cửa thị trường dịch vụ cho thuê máy móc, thiết bị có tác động tích cực tới DN sản xuất, chế biến gỗ.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền- Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores)- các DN chế biến gỗ khi NK máy móc, thiết bị chế biến gỗ như máy cưa xẻ, máy sấy, gia công chi tiết từ Hàn Quốc đều phải chịu thuế suất rất cao, nhưng nay giảm xuống 0% sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thay đổi công nghệ.
Liên kết để vượt rào cản
Dù “đường lớn” đã thông, song nông, lâm, thủy sản Việt Nam chưa dễ bước sâu vào được thị trường Hàn Quốc.
Ông Tuyên cho biết, Hàn Quốc có những quy định phức tạp về kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm như: Yêu cầu về nuôi trồng; kiểm tra chứng nhận và các biện pháp xử lý tại chỗ; thủ tục đánh giá rủi ro quá dài. Câu chuyện quả thanh long Việt Nam phải mất tới năm 5 đánh giá (từ 2005- 2010) mới được XK vào Hàn Quốc là ví dụ điển hình.
"Hơn nữa, hệ thống phân phối của Hàn Quốc rất phức tạp, văn hóa tiêu dùng thiên về nông sản nội địa"- ông Tuyên lưu ý.
Đáng chú ý, ông Hong Sun- Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam- đánh giá: So với hàng Thái Lan XK vào Hàn Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam chưa cao. Do đó, theo ông Hong Sun, DN Việt Nam nên có chiến lược hợp tác với các DN Hàn Quốc để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và dễ dàng vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Thực tế, để đón đầu cơ hội từ VKFTA, nhiều DN Hàn Quốc, Nhật Bản đang nhanh chân đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam để sản xuất hàng hóa và XK ngược trở lại. Việc Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC)- kéo theo các DN con sẽ đổ vốn, cung cấp toàn bộ thiết bị nhằm cơ giới hóa toàn bộ 20.000 ha đất lúa tại Đồng Tháp, hay các dự án nông nghiệp của Nhật tại Đà Lạt, tại Đồng bằng sông Cửu Long... là minh chứng điển hình cho xu hướng này. Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình đầu tư tích cực đó sẽ góp phần giúp Việt Nam tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu.
Phải có cách mạng về phân phối
Việt Nam là nước XK nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới, song lại không thể kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa XK và giá cả thị trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông HongSun cho rằng, để giải quyết được vấn đề đó, Việt Nam cần có một chợ đầu mối kiểu mới. “Đây không phải là chợ truyền thống, mà là một trung tâm giao dịch lớn, hiện đại, đi kèm với công nghệ kỹ thuật, viễn thông. Chợ này vừa là nơi tập hợp sản phẩm tại Việt Nam, vừa là đầu mối cho Seoul, Bắc Kinh, Tokyo… Chợ sẽ bao gồm hệ thống đấu giá, cho phép Việt Nam quyết định giá cả theo thị trường. Đây là yếu tố quan trọng giúp nông dân được hưởng lợi”- ông HongSun phân tích.
Mặt khác, sau khi tập trung hàng hóa tại chợ đầu mối kiểu mới này, các DN sẽ tiến hành phân loại sản phẩm để XK. Đặc biệt, các nông sản tại chợ đầu mối sẽ phải truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm nghiêm ngặt các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, phía Hàn Quốc đã thực hiện khảo sát dự án lập chợ đầu mối kiểu mới tại Hà Nội và đang chờ ý kiến từ phía Việt Nam.
Cũng theo ông HongSun, Việt Nam nên làm một cuộc cách mạng phân phối thay vì làm cách mạng sản lượng, bởi chi phí phân phối ở Việt Nam hiện cao hơn các nước khác tới 10%, gây bất lợi cho khả năng cạnh tranh của hàng Việt.

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710712841