Thứ bảy, 20-4-2024 - 12:32 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Từ Washington sang Tokyo, TPP 2.0 không Mỹ và có Việt Nam ngày càng rõ nét  

 Thứ ba, 13-6-2017

AsemconnectVietnam - Sau 2 chuyến đi liên tiếp sang thăm Mỹ và Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thái độ của Việt Nam với TPP 2.0 (TPP gồm 11 nước và không còn Mỹ tham gia) đã rõ ràng hơn. TPP vẫn cần thiết với quốc gia hình chữ S cho dù có Mỹ hay không.

Cân nhắc thiệt hơn của TPP 2.0 với Việt Nam
TPP 2.0 hẳn nhiên không “hoành tráng” như TPP 1.0. Các nước TPP 12 chiếm khoảng 38% GDP thế giới và 26% hoạt động thương mại thế giới. Vắng Mỹ, những con số này chỉ còn lần lượt 13% và 15%.
Ngay từ đầu vai trò của Mỹ trong TPP đã ảnh hưởng quan trọng tới quyết định tham gia của Việt Nam. Với TPP 1.0 Việt Nam được cho là nước có lợi nhiều nhất nếu hiệp định này thành hiện thực. Còn TPP 2.0, động lực đầu tiên thúc đẩy Việt Nam tham gia đã không còn, Việt Nam lại ở thế là nước mất nhiều nhất khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Bởi cái lợi trước kia được xây trên nền tảng chúng ta mở được thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình hiện nay là Mỹ.
Mất nhiều nhưng không có nghĩa là TPP không còn có lợi, chỉ là cái lợi ấy kém đi. Đó cũng là nhận định mấu chốt của nhiều chuyên gia kinh tế.
Sơ bộ có thể tổng kết với TPP 2.0 Việt Nam vẫn sẽ có cơ hội để tiếp tục tiếp cận thị trường các nước TPP còn lại với các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, thực phẩm… đặc biệt là vẫn góp phần thúc đẩy cải cách và tái cấu trúc kinh tế trong nước.
Tuy nhiên điểm bất lợi ngoài những phân tích về mất thị trường Mỹ ở trên thì Việt Nam hiện có nhiều hiệp định song phương đang đàm phán và đã thực hiện. Hiệp định đa phương nổi bật là RCEP (có tới 7 nước thành viên TPP cũng nằm trong RCEP). Điều này khiến cho TPP giảm tầm quan trọng đi đối với Việt Nam.
Từ Washington​ tới Tokyo vai trò Việt Nam có thay đổi?
Không phải ngẫu nhiên mà 2 chuyến thăm của thủ tướng tới 2 siêu cường được sắp xếp liên tiếp nhau như vậy. Hẳn nhiên người Nhật rất tò mò ông Trump đã nói gì với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về TPP. Liệu Việt Nam có thay đổi thái độ với hiệp định này?
Tờ Sankei tối 5/6 nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam do Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức, đề cập đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng: “Cho dù Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn mong muốn hợp tác với Nhật Bản để đi đến đích”.
“Việc Mỹ rút khỏi TPP là điều mà Việt Nam không mong đợi, song cho dù không có Mỹ tham gia, Việt Nam vẫn muốn các cân nhắc việc xúc tiến thỏa thuận này”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của Chủ tịch Tập đoàn Sumitomo Kuniharu Nakamura về quan điểm của Việt Nam đối với TPP.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam "tôn trọng quyết định của Mỹ" khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1.
Tại Washington cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã tiến được những bước quan trọng trong quan hệ song phương với Mỹ, đồng thời tạo điều kiện đễ sẵn sàng với một TPP mới dù có Mỹ hay không.
Những phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Nhật Bản đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ có chừng mực với TPP mới, rõ nét hơn về cả thái độ và yêu cầu cho TPP 2.0.
Có nhiều quan điểm cho rằng việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP cũng được coi là hết sức phức tạp. Bởi việc đàm phán bất cứ điều khoản nào cũng sẽ dẫn đến việc các nước đòi hỏi thay đổi các điều khoản khác để cân đối được/mất trong hiệp định. Tuy nhiêu nếu không mở lại đàm phán, để Việt Nam cũng như các nước khác có thêm các phương án để “cân nhắc xúc tiến” như phát biểu của Thủ tướng thì tương lai TPP 2.0 xem ra rất khó xác định.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710737454