Thứ tư, 24-4-2024 - 9:45 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Bước lùi của WTO 

 Thứ ba, 2-1-2018

AsemconnectVietnam - Dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ đã không còn thiện chí hợp tác với tổ chức WTO. Và điều đó khiến cho cơ quan này ngày càng suy yếu.

Đầu tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại các nước đã tham dự hội nghị diễn ra hai năm một lần của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Argentina. Họ đã thảo luận về rất nhiều chủ đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hệ thống thương mại đa phương toàn cầu.
Từ lần Hội nghị trước cho đến nay, thế giới đã xảy ra hai sự kiện lớn. Một là Vương quốc Anh rút lui khỏi Liên minh Châu Âu và có ý định tự thiết lập một hệ thống thương mại đa phương vững chắc cho riêng mình. Hai là Mỹ ngày càng tỏ ra bất mãn đối với hệ thống thương mại đa phương của WTO, cho rằng hệ thống này đã không còn có lợi cho nước Mỹ.
Các Hội nghị bộ trưởng trước đó của WTO cũng không đạt được nhiều tiến bộ. “Trái ngọt” mà WTO hái được gần đây nhất là Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) mà các thành viên đồng ý ký kết tại kỳ hội nghị ở Bali vào năm 2013. Mặc dù hiệp định này đã cứu WTO một bàn thua trông thấy vào năm 2013, vấn đề này thực ra đã được bàn tới kể từ khi Chương trình Nghị sự Phát triển Doha (DDA) bắt đầu vào năm 2001. Hội nghị bộ trưởng tại Nairobi vào năm 2015 sau đó cũng đã không đạt được gì khả quan để có thể nâng cao vị thế cho WTO.
Sau gần hai thập kỷ, các cuộc đàm phán ở WTO đã không đạt được một tiến độ đáng kể nào vì  nhiều lý do. Nó có thể là do bản chất một chiều của các hiệp định ban đầu, sự “phân chia Bắc-Nam”, hoặc cũng có thể là do sự quyết liệt vận động hành lang của các nước trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) trong các vấn đề như trợ cấp, nông nghiệp, an ninh lương thực tại các kỳ hội nghị bộ trưởng trước đây.
Thậm chí cả những phương thức đàm phán cũng đã trải qua một quá trình biến đổi. Thay vì đàm phán trong một căn phòng bí mật và áp dụng những chiến lược ngoại giao mềm dẻo, các quốc gia ngày nay chọn cách công bố lập trường đàm phán cứng rắn của họ trước công chúng, nhằm củng cố hình ảnh cho đảng phái của họ trước những kỳ bầu cử quốc gia. Những hành động này khiến cho việc đàm phán trở nên khó khăn hơn. Đắm chìm trong những bài hùng biện ồn ào đó, người ta đã vô tình quên mất những mối đe dọa thực sự đến toàn bộ hệ thống của WTO, đặt biệt là đến “viên ngọc quý” mà tổ chức này nắm giữ: cơ chế giải quyết tranh chấp.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, được đưa vào sử dụng từ năm 1995, đã làm rất tốt nghĩa vụ của nó. Nó từng giúp tạo ra sự cân bằng tuyệt vời cho sân chơi thương mại toàn cầu. Nó cho phép những quốc gia nhỏ như Barbados hay Antigua có thể kiện nước Mỹ ra Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) và giành chiến thắng. Nó từng được ca ngợi là thành công lớn nhất của WTO.
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bao gồm các quá trình: tham vấn, xét xử, phúc thẩm, thực thi và cưỡng chế thi hành.        
Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) của WTO sẽ tiếp nhận báo cáo từ Ban hội thẩm, hoặc từ Cơ quan phúc thẩm, trong trường hợp có kháng cáo. Trong trường hợp bị cho là có vi phạm quy tắc của WTO, nước bị kiện sẽ phải thực thi các nghĩa vụ theo đề nghị và phán quyết từ DSB, vốn là quyết định được toàn bộ thành viên WTO thống nhất. Cơ chế này sẽ giúp cho việc cưỡng chế thi hành phán quyết được thực hiện dễ dàng hơn.
Nước Mỹ luôn tỏ ra miễn cưỡng khi tham gia vào quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Những dữ liệu trong quá khứ cho thấy, nước Mỹ thường không tuân thủ đầy đủ các quyết định của WTO. Ví dụ:
- Trong một tranh chấp liên quan đến các website đánh bạc trực tuyến của Mỹ. WTO phán quyết rằng Mỹ đã không tuân thủ các nguyên tắc trong Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), và yêu cầu Mỹ phải bồi thường 200 triệu USD cho Antigua và Barbuda. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Mỹ chỉ mới bồi thường 2 triệu USD.
- Hàn Quốc từng tố cáo rằng Mỹ đã không thi hành phán quyết của WTO đối với các sản phẩm máy giặc, mặc cho yêu cầu của WTO rằng Mỹ phải thi hành án phạt “trong một khoảng thời gian hợp lý” là 15 tháng.
- Khi vào vai bên thứ ba trong các cuộc tranh chấp, Mỹ thường giữ những lập trường khiến cho hệ thống tranh chấp bị suy yếu. Ví dụ, khi Qatar đâm đơn kiện lên WTO vì bị Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA) và Bahrain áp đặt lệnh cấm vận thương mại, Mỹ đã thẳng thắng tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ việc Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm của WTO đưa ra những quyết định liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia.
Hiện tại, Mỹ đã từ chối tham gia vào việc bổ nhiệm những thẩm phán mới cho Cơ quan phúc thẩm. Động thái này được cho là sẽ gây đình trệ toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Bởi vì các thẩm phán được chỉ định theo nguyên tắc đồng thuận, và Mỹ là một thành viên biểu quyết quan trọng, nên thái độ không hợp tác của Mỹ có thể khiến cho cả hệ thống bị đe dọa. Mỹ đang chủ động làm suy yếu Cơ quan phúc thẩm và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho cả DSB. Chủ tịch của Cơ quan phúc thẩm WTO, ông Ujal Singh Bhatia, nhận định rằng, “sự đình trệ này buộc các thành viên WTO phải sớm tìm ra những giải pháp tiềm năng khác”. Nếu không có hệ thống WTO, những nước yếu hơn sẽ rơi vào thế bất lợi. Các hiệp định thương mại hiện tại có thể vận hành hiệu quả là nhờ vào sự hậu thuẫn của hệ thống giải quyết tranh chấp. Nếu không có một cơ quan tư pháp nào đứng ra hỗ trợ, các quy tắc thương mại sẽ bị bóp méo.
Những động thái của Trump bao gồm việc theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, loại bỏ Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, phá hoại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, và hiện tại là dần dần làm suy yếu những cơ quan quan trọng trong hệ thống WTO, sẽ gây ra những ảnh hưởng dài hạn đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Công thêm việc khối EU đang bị suy yếu sau khi Anh quốc rút lui, hệ thống thương mại toàn cầu dường như không còn nhận được sự lãnh đạo từ các nước phương Tây. Liệu Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nga có thể lấp đầy khoảng trống này? Thương mại toàn cầu có vẻ như đang chuyển trọng tâm từ những nước giàu nhất sang những nước đông dân nhất. Và liệu những nền kinh tế mới nổi này sẽ tìm thấy sự phồn vinh từ những thay đổi của hệ thống thương mại?
Người ta từng mơ về “Con Đường Tơ Lụa” ngày xưa trải dài từ Nhật Bản đến vùng biển Địa Trung Hải. Lịch sử có thể sẽ được lặp lại, nhờ vào những tác động không nhỏ từ chính sách của Trump đến trật tự thế giới mới. Trớ trêu thay, những tác động ấy chỉ có thể làm khôi phục lại trật tự thế giới cũ.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK
 Canada cam kết tài trợ 700.000 CAD để tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm của các nước đang phát triển
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Các thành viên tiếp tục thảo luận về việc mở rộng Quyết định TRIPS sang lĩnh vực điều trị và chẩn đoán
 Ủy ban môi trường thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành viên, xem xét các đề xuất để tăng cường công việc
 Uzbekistan mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán gia nhập WTO
 Phó Tổng Giám đốc Zhang chào đón nhóm thực tập sinh mới từ các nước đang phát triển, LDCs tại trụ sở WTO
 Các nước tham gia Đối thoại về Nhựa thảo luận về kết quả MC13, hoan nghênh sự đồng tài trợ của Mỹ
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Các thành viên chia sẻ kinh nghiệm về quy định môi trường, tiêu chuẩn khí hậu và mặt hàng nhựa
 Seychelles là thành viên WTO đầu tiên từ châu Phi chính thức chấp nhận thỏa thuận trợ cấp đánh bắt cá
 Các thành viên WTO thảo luận về đóng góp của Hội đồng Dịch vụ trong việc thực hiện các kết quả MC12
 Phó Tổng Giám đốc Zhang phát biểu tại Hội nghị LDC5: Đã đến lúc tăng cường sự hội nhập của các nước LDCs vào hệ thống giao dịch thương mại
 Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala: Mang lại những kết quả có ý nghĩa tại MC13 “không ngoài tầm với của chúng tôi”
 Đàm phán tạo thuận lợi đầu tư thúc đẩy hoàn thiện văn bản đàm phán
 Phó Tổng Giám đốc Zhang kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực gấp đôi để cải thiện phúc lợi của các nước kém phát triển nhất


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710825661