Thứ tư, 24-4-2024 - 14:23 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 4/2017 

 Chủ nhật, 30-4-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 4/2017, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO: Những thành tựu khả quan
10 năm qua, kể từ khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực và quan trọng, thể hiện qua các lĩnh vực: Tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, cán cân xuất, nhập khẩu, du lịch…
Tăng trưởng kinh tế khả quan
Tăng trưởng kinh tế là một trong những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản để đánh giá thành tựu phát triển của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Nền kinh tế Việt Nam sau 10 năm gia nhập WTO (2007-2017) mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm - thành tựu hết sức quan trọng.
Khủng hoảng tài chính, nợ công khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, nhưng không cản được sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP 10 năm qua duy trì ở mức bình quân 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp 10 năm qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo sản xuất ổn định. Năm 2015, sản lượng lúa đã đạt ở mức cao, khoảng 44,75 triệu tấn, năm 2016 đạt trên 44,5 triệu tấn. Sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 50,1 triệu tấn, năm 2016 đạt 50 triệu tấn, tăng gần 10 triệu tấn so với năm 2007.
Khu vực sản xuất công nghiệp từ giai đoạn năm 2007-2011 chịu ảnh hưởng lớn của sự tăng giá đầu vào, lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công… khiến tăng trưởng chậm lại và hiệu quả thấp. Giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi; chỉ số phát triển công nghiệp 2015 tăng khoảng 10%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng mạnh. Cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp khai khoáng giảm từ 37,1% năm 2011 xuống khoảng 33,1% năm 2015; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 50,1% năm 2011 lên 51,5% năm 2015.
Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. 10 năm qua, mặc dù hai năm 2008, 2009 còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 6,75%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế. Sau10 năm gia nhập WTO, doanh thu từ du lịch tăng nhanh, từ 56.000 tỷ đồng năm 2007 lên hơn 337.000 tỷ đồng năm 2015 và 400.000 tỷ đồng năm 2016.
Đổi thay thể chế chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư
WTO đã làm thay đổi diện mạo khung khổ pháp lý, thể chế chính sách về kinh tế, thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam. Đó là điều mà ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn mạnh khi nhìn lại một thập kỷ Việt Nam gia nhập WTO.
Trong 2 năm trước và sau thời điểm gia nhập WTO (2006 - 2007), Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO. Hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi.
Trước đó, năm 2005, lần đầu tiên, Việt Nam có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư áp dụng chung cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nguyên tắc doanh nghiệp có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm được thể hiện rõ nét. Hàng loạt rào cản kinh doanh được gỡ bỏ. WTO đã tạo sức ép để Việt Nam chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước can thiệp hành chính sang phương thức quản lý nhà nước kiến tạo - tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật thị trường.
Kết quả là, năm 2007 là năm mở màn cho sự bùng nổ mới của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, với kỷ lục gần 60.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm.
Điểm sáng xuất nhập khẩu, hút vốn FDI
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, vượt mốc 350 tỷ USD.
Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu lần lượt qua các năm 2006 - 2007, gấp 1,2 lần, từ năm 2007 - 2012 gấp 2 lần, từ 2012- 2015 gấp 1,5 lần và từ 2015- 2016 gấp 1,16 lần. Tốc độ tăng giá trị xuất nhập khẩu giai đoạn 2006- 2007 chỉ tăng 1,2 lần, giai đoạn 2015 - 2016 tăng 1,16 lần, dù thấp hơn so với các giai đoạn trước đó, nhưng đây là 2 năm cách nhau liên tiếp, do đó đạt được tốc độ tăng gấp hơn 1 lần đã là tốc độ tăng cao so với các giai đoạn trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng thương mại lớn là điều đáng mừng, đó là minh chứng độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang rất cao.
Sau 10 năm gia nhập WTO, độ mở nền kinh tế Việt Nam đã tăng từ 144% năm 2017 lên 173% năm 2016. Từ năm 2012, nền kinh tế đã chấm dứt chuỗi thời gian dài nhập siêu lớn, có xuất siêu từ năm 2012 đến 2014, sau đó nhập siêu trở lại năm 2015 (3,6 tỷ USD). Tuy nhiên, hết năm 2016, nền kinh tế quay trở lại xuất siêu với 2,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên tới 21,3 tỷ USD và đạt 64 tỷ USD vào năm 2008.
Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,…
Tự tin vào “sân chơi” toàn cầu
Không chỉ tác động mạnh mẽ, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Tính đến nay, đã có 12 FTA đa phương và song phương giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)... Trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA, trong đó có RCEP- được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.
Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
 
WTO lần đầu tiên tổ chức Khóa học chính sách thương mại khu vực tổ chức tại Kazakhstan
Ngày 11/4, tại Almaty, Kazakhstan, WTO đã khai giảng Khóa học chính sách thương mại khu vực đầu tiên của năm 2017 dành cho các nước thành viên ở khu vực Trung Âu, Trung Á và Caucasus (CEECAC) và các nhà quan sát của WTO.
WTO đã phối hợp với Đại học kinh doanh quốc tế Almaty và Trung tâm phát triển chính sách thương mại của Kazakhstan tổ chức khóa học này.
Phó Tổng Giám đốc WTO Xiaozhun Yi đã phát biểu khai mạc khóa học. Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Thương mại Kazakhstan, ông Timur Zhaksylykov, cũng đã tham dự lễ khai mạc. Ông nói: "Sự kiện này đặt nền móng cho sự hợp tác lâu dài và đáng tin cậy giữa Kazakhstan và WTO trong lĩnh vực đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật." 23 quan chức Chính phủ từ 12 nước thành viên WTO và các nhà quan sát tham gia khóa học.
Các khoá chính sách thương mại khu vực (RTPC) do Viện Đào tạo và hợp tác kỹ thuật WTO thiết lập và học trong 8 tuần. Các khóa này thường được tổ chức phối hợp với các cơ sở giáo dục, diễn ra tại bảy vùng: Caribê, Mỹ Latinh, Châu Phi, khu vực Ả Rập, CEECAC và châu Á và Thái Bình Dương. Mục tiêu của khóa học là tăng cường khả năng tham gia vào các hoạt động của WTO thông qua việc nâng cao sự hiểu biết của họ về các quy tắc và thủ tục của WTO, tập trung cụ thể vào bối cảnh chính sách thương mại khu vực và các liên kết với WTO.
RTPC bao gồm các vấn đề như gia nhập WTO, thương mại và môi trường, thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ. Chương trình bao gồm mô phỏng đàm phán thương mại để người tham gia bắt đầu thực hành những kiến ​​thức thu được.
Khóa học RTPC ở Almaty sẽ kéo dài đến ngày 26/5/2017 và đánh dấu sự bắt đầu của mối quan hệ đối tác với Đại học kinh doanh quốc tế.
WTO kêu gọi đề xuất nội dung cho Diễn đàn Công chúng 2017
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kêu gọi các bên nêu đề xuất nội dung cho Diễn đàn Công chúng năm nay với chủ đề "Thương mại: phía sau những tiêu đề". Các đại biểu tham gia, quan tâm đến việc tổ chức các phiên họp của Diễn đàn vào ngày 26-28/9 được mời nộp đề xuất trước ngày 4/6/2017.
Diễn đàn Công chúng năm nay sẽ tạo cơ hội cho những đại biểu tham gia hùng biện phản bác các hoạt động thương mại và xem xét tình hình thực tế các hoạt động thương mại - những cơ hội và thách thức mà hoạt động thương mại đem lại. Lợi ích của thương mại có thể được chia sẻ rộng rãi hơn giữa các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân và cách tốt nhất để giải quyết những thách thức trong bối cảnh phương thức thương mại đang thay đổi.
Tất cả các phiên họp tại Diễn đàn Công chúng được các tổ chức xã hội, học viện, kinh doanh, các chính phủ, các nghị sĩ và các tổ chức liên chính phủ tổ chức. Các đại biểu quan tâm đến việc tổ chức các buổi làm việc hoặc hội thảo sẽ được tìm hiểu thêm thông tin chi tiết. Mẫu đơn đăng ký cần được hoàn thành và gửi đến địa chỉ email pf17@wto.org chậm nhất là ngày 4/6/2017.
Bối cảnh
Diễn đàn Công chúng là sự kiện tiếp cận công chúng rộng rãi hàng năm của WTO. Diễn đàn này tạo ra các cợ hội độc đáo cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, các nghị sĩ, các doanh nhân toàn cầu, sinh viên, các viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ cùng nhau tham gia và thảo luận về một loạt các vấn đề WTO, một số chủ đề thương mại và phát triển chủ yếu ngày nay. Có hơn 1.500 người tham dự Diễn đàn mỗi năm.

Các nước thành viên WTO thảo luận điều khoản tạo thuận lợi thương mại trong các RTA
Ngày 12-13/4, Ủy ban các hiệp định thương mại khu vực WTO đã nhóm họp không chính thức. Tại cuộc họp này, các nước thành viên WTO đã thảo luận về mối quan hệ giữa các điều khoản thuận lợi hóa thương mại trong các hiệp định thương mại khu vực với hiệp định thuận lợi thương mại (TFA) của WTO.
Các đại biểu thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Australia đã trình bày các bài trình bày so sánh các RTA hiện tại và tương lai của mình với các quy định trong hiệp định TFA của WTO, từ đó cho thấy các chương trình nghị sự thương mại song phương, khu vực và đa phương đã ảnh hưởng đến nhau như thế nào.
Cuộc họp không chính thức này được tổ chức theo điều 28 của trong tuyên bố của Hội nghị các Bộ trưởng WTO vào tháng 12/2015 tại Nairobi, đề nghị Ủy ban thảo luận ý nghĩa của các RTA đối với hệ thống thương mại đa biên và mối quan hệ của các FTA với các quy tắc của WTO. Bên cạnh các hướng dẫn để tổ chức các cuộc thảo luận này, tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng cũng kêu gọi các thành viên WTO cùng hợp tác hướng tới việc chuyển đổi cơ chế minh bạch tạm thời được sử dụng để rà soát các RTA thành một cơ chế thường trực mà không làm ảnh hưởng đến các yêu cầu báo cáo.
Cuộc họp cũng xem xét các RTA của các nước thành viên hội tụ hay khác biết với các quy định của TFA. Các nước thành viên cũng đã nghe các báo cáo về các điều khoản tạo thuận lợi thương mại trong các RTA đã phát triển và định hình các cuộc đàm phán TFA và làm thế nào để TFA có thể thiết lập cơ sở cho các chương trình tạo thuận lợi cho hải quan và thương mại trong các RTA trong tương lai.
Một số đoàn cũng chia sẻ những kinh nghiệm quốc gia của mình với các điều khoản liên quan đến thuận lợi hoá thương mại trong các RTA của họ.
"Tôi nghĩ đây là một cuộc thảo luận mang tính xây dựng", Đại sứ Daniel Blockert (Thụy Điển) cho biết. "Cuộc thảo luận ngày hôm nay là một ví dụ cho thấy cuộc đối thoại về các hệ lụy có hệ thống có thể được tiến hành như thế nào. Tôi hy vọng công việc này sẽ tiếp tục".
Cơ chế minh bạch RTA                             
Ủy ban đã thảo luận về Hiệp định
thương mại tự do Ireland – Quần đảo Faroe và Hiệp định thương mại tự do Liên bang Nga - Azerbaijan như là một phần của nội dung cơ chế minh bạch lâm thời cho các RTA.
Iceland và Quần đảo Faroe cho rằng hiệp định song phương của họ bao gồm cả hai lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ là RTA toàn diện nhất của họ. Iceland cũng cho biết thêm rằng hiệp định này đã chứng minh được sụ thành công, có lợi cho công chúng và làm sâu sắc thêm, mở rộng sự hợp tác đã và đang có sự hợp tác tuyệt vời giữa hai nước. Quần đảo Faroe thì cho biết hiệp định thiết lập một khu vực kinh tế duy nhất và là một thỏa thuận quan trọng trên nhiều khía cạnh đối với cả hai chính phủ và nền kinh tế.
Hiệp định thương mại tự do Liên bang Nga - Azerbaijan chỉ bao gồm lĩnh vực hàng hoá. Nga cho biết, coi RTA này là một công cụ quan trọng để duy trì và làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa hai nước. Azerbaijan thì đánh giá hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước đã phát triển và tiếp tục phát triển năng động và thành công hơn với sự trợ giúp của hiệp định này.
Chủ tịch Ủy ban cho biết, hiện tại chỉ có 33 RTA liên quan đến các nước thành viên WTO cùng với 29 RTA liên quan đến các nước không phải là thành viên. Bản tổng hợp tình hình thực tế về các hiệp định thương mại khu vực bao gồm các lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ vẫn chưa hoàn thành. Ông cho biết đã tham khảo ý kiến ​​với các phái đoàn tham gia vào các RTA mà chưa cung cấp đầy đủ dữ liệu và hy vọng họ sẽ cung cấp tất cả các thông tin thiếu hụt.
Các nước thành viên cũng khẳng định, tính đến ngày 27/3/2017, có 81 RTA chưa được thông báo cho WTO và chưa có báo cáo triển khai thực hiện cho 136 RTA.
Sự bất đồng giữa các nước Hiệp hội hội nhập châu Mỹ La tinh (LAIA) và các nước thành viên WTO khác về hiện trạng của các hiệp định thuộc LAIA trong danh sách các hiệp định không thông báo vẫn chưa được giải quyết. Mỹ đã bắt đầu thảo luận về phương thức thông báo trong nỗ lực giải quyết các hiệp định chưa thông báo. Trong khi đó, EU đã đề cập tới những câu hỏi đặt ra cho LAIA vào tháng 9/2016; LAIA đã chỉ ra rằng gần đây họ đã gửi câu trả lời cho những câu hỏi này tới Ủy ban thương mại và phát triển.
Trong khi các thành viên WTO vẫn tiếp tục không đồng ý nên khi phát biểu kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Ủy bản khẳng định “các bên cần có một quyết tâm để cố gắng đạt được tiến bộ này. Vai trò của WTO trong việc theo dõi các RTA là một vấn đề hết sức quan trọng."
Cuộc họp tiếp theo
Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban RTA đã được dự kiến ​​tổ chức vào ngày 29-30/6/2017.
Đức yêu cầu EU khiếu nại với WTO về việc áp thuế mặt hàng thép của Mỹ
Đức kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) xem xét việc nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Hoa Kỳ áp đặt thuế nhập khẩu lên thép tấm đối với 5 nước Châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ​​sẽ ký sắc lệnh hành pháp vào ngày thứ sáu, nhằm xác định nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Ông cũng chuẩn bị gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới tại Florida, với các tranh cãi về vấn đề thương mại trong chương trình nghị sự.
Giá thép thế giới đã sụt giảm do sản lượng thép Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng cung thép toàn cầu, dẫn đến sự phản kháng và khiếu nại chống bán phá giá từ phía Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các nước khác.
Hôm thứ năm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận cuối cùng rằng các nhà sản xuất Châu Âu và Châu Á đã bán phá giá một số loại thép cacbon và tấm thép hợp kim  trên thị trường Mỹ, cho phép dao động thuế từ 3,62% lên đến 148%.
Trong số các công ty bị ảnh hưởng có các công ty ở Đức, Áo, Bỉ, Pháp và Ý.
Ngoại trưởng Đức Gabriel cho biết, chính phủ Mỹ dường như sẵn sàng dành cho các công ty Mỹ "lợi thế cạnh tranh không công bằng" đối với các nhà sản xuất châu Âu, mặc dù điều này vi phạm luật thương mại quốc tế.
"Chúng tôi không thể chấp nhận điều này, hiện EU phải kiểm tra xem liệu có nên gửi đơn khiếu nại tới WTO hay không. Ủy ban Châu Âu - cơ quan điều hành của EU, chịu trách nhiệm về các vấn đề thương mại trong cộng đồng 28 nước thành viên.
"Các quy tắc của WTO là khuôn khổ của trật tự thương mại quốc tế. Những hành vi cố ý vi phạm những điều luật là một mối nguy hiểm", ông nói. "Đây là trường hợp đầu tiên Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp bóp méo không tuân thủ các quy tắc của WTO".
Tại Brussels, người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu cho biết họ rất tiếc vì Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và hơn thế nữa các mức thuế đã được "thổi phồng một cách giả mạo".
"Theo nhận xét của chúng tôi vấn đề liên quan đến việc Hoa Kỳ sử dụng các phương pháp thổi phồng biên độ bán phá giá vẫn chưa được đưa ra xem xét", phát ngôn viên cho biết.
“Trong nhiều trường hợp các mức thuế cuối cùng cao hơn các mức thuế ban đầu sẽ được đệ trình vào tháng mười một năm nay. " Hiện tại chúng ta vẫn đang chờ quyết định từ phía Hoa Kỳ ", ông nói.
Mối đe dọa cho các ngành công nghiệp khác khi Mỹ bảo hộ ngành công nghiệp thép
Bộ trưởng Gabriel nói rằng Đức phải chống lại chính sách của Mỹ làm cho ngành thép của Đức xu hướng cạnh tranh bất lợi trên thị trường quốc tế.
"Nếu ngành thép của Mỹ được bảo thì các ngành công nghiệp khác cũng sẽ bị đe doạ về tính cạnh tranh công bằng", Ông Gabriel cảnh báo.
Bộ trưởng Kinh tế Brigitte Zypries cho biết, Đức sẽ cùng với Ủy ban châu Âu tiếp tục vận động Washington thực thi các quy tắc của WTO.
Bà Zypries cho biết thêm: "Các thông điệp của Mỹ gửi đi trong ngành thép thực sự gây lo ngại cho chúng tôi”, và nói thêm rằng bà sẽ nêu vấn đề này ra khi thăm Hoa Kỳ vào tháng 5.
Thép tấm cắt được sử dụng trong nhiều ngành, bao gồm xây dựng và cầu đường; thiết bị nông nghiệp, xây dựng và khai thác mỏ; phụ tùng máy và dụng cụ; tàu, xe lửa, tàu chở dầu và sà lan; đường ống có đường kính lớn.
Kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là kết quả của quá trình khởi kiện từ Nucor Corp và các công ty con của ArcelorMittal SA và SSAB AB của Hoa Kỳ.
Đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu thép Áo, thuế bán phá giá trên tập đoàn Voestalpine và tất cả các công ty khác đã được đặt ra ở mức 53,72%. Còn đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu của Pháp, thuế suất được áp đạt ở mức 148,02 % cho công ty Industeel France và 8,62% đối với công ty Dillinger France và tất cả công ty khác.
Tại Đức, mức thuế đối với công ty AG der Dillinger Hüttenwerke là 5,38%, tập đoàn Salzgitter là 22,90% và 21,03% đối với tất cả các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất khác.
Giám đốc điều hành của công ty thép Marcegaglia của Ý nói rằng Hoa Kỳ có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại nếu họ thực hiện kế hoạch này, một vấn đề nên được nêu ra với WTO.
Emma Marcegaglia nói với các phóng viên ở Rome rằng "Khi bạn bắt đầu một cuộc chiến, bạn không biết bạn sẽ dẫn đến đâu”.
Marcegaglia cho biết, vấn đề này vẫn có thể giải quyết thông qua các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italy cảnh báo rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng và quản trị toàn cầu tại thời điểm mà phương Tây cần phải có đoàn kết chống lại các hành vi thương mại không lành mạnh.
Carlo Calenda nói với các phóng viên: "Bất kỳ cuộc đụng độ thương mại nào giữa Hoa Kỳ và châu Âu cũng sẽ là mối nguy hại không chỉ đối với nền kinh tế của chúng ta, mà còn đối với các quy tắc chi phối toàn cầu hoá".
 
Các cuộc đàm phán về nông nghiệp của WTO lâm vào bế tắc
Theo một nguồn tin cho biết, sự bất đồng đã liên tục diễn ra giữa các chính phủ trong các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), điều này đã làm các cuộc đàm phán về nông nghiệp lâm vào tình trạng bế tắc tạiủy ban thường niên của cơ quan thương mại toàn cầu.
Vai trò chủ trì đàm phán bị bỏ trống & sự trễ hạn trong việc gửi thông báo đến WTO
Ông Vangelis Vitalis– đại sứ New Zealandđã trở lại Wellington vào tháng 1, bỏ trống vai trò then chốt trong bộ máy đàm phán của cơ quan thương mại toàn cầu. Ông Vangelis Vitalisđã được chỉ địnhgiữ vai trò chủ trì các cuộc đàm phán thương mại nông nghiệp vào tháng 9/2015.
Cho đến nay, những nỗ lực vượt qua bế tắc vẫn chưa thành công, sau khi các nhóm các quốc gia khác nhau đề xuất những biện pháp khả thi với các quan chức đến từ Hong Kong, Uruguay và Mexico.
Hôm 24/03, Ông Roberto Azevêdo - Tổng giám đốc WTO, đã kêu gọi một cuộc họp nhằm cải thiện bế tắc. Tuy nhiên, theo như các nguồn tin cho biết,tình hình vẫn không mấy khả quan. Việc này dẫn đến tính cấp thiếttrong việc tìm kiếm một người mới giữ vai trò chủ trì và tái khởi động nhanh chóng các cuộc đàm phán, vấn đề này đã làm mất khoảng thời gian đàm phán giá trị trước Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp diễn ra, hội nghị dự kiến ​​sẽ được tổ chức tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vào tháng 12 này.
Trong khi phiên họp thường kỳ tiếp theo của Ủy ban Nông nghiệp được lên kế hoạch vào ngày 7 tháng 6, hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về các cuộc họp của cơ quan đàm phán.
Các thông báo trợ cấp nội địa bị trì hoãn
Các quan chức thương mại cho biết sự chậm trễ trong việc báo cáo lên WTO về mức trợ cấp nông nghiệp nội địa và các dữ liệu khác không những gây trở ngại cho các cuộc đàm phán mà còn hạn chế khả năngxem xét của Ủy ban Nông nghiệp về việc thực thi cam kết của các quốc gia.
Vào ngày 27/03, tại cuộc họp thường niên của Ủy ban, các quan chức đã chất vấn Ai Cập, Indonesia, Thái Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ về việc gửi thông báo trễ hạn mức trợ cấp ngành nông nghiệp nội địa.
Trung Quốc và Ấn Độ đã không báo cáo mức chi cho trợ cấp nông nghiệp kể từ năm 2010.Trong khi Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ chỉ mới hoàn thành việc cung cấp các thông báo trợ cấp nông nghiệp cho Ủy ban, hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn thông báo chậm so với tiến độ đã cam kết.
Vấn đề trợ cấp nông nghiệp tại một số nước thành viên
Mỹ: trợ cấp cho các nông trại lớn
Ngày 27/03 vừa qua, Trung Quốc yêu cầu Mỹ thống kê các khoản chi trợ cấp nông nghiệp trong nước theo quy mô trang trại và Washington cho biết không thể thu thập đượcnhững thông tin này. Bắc Kinh đã yêu cầu dữ liệu về trợ cấp đường, ngô, sợi bông, đậu nành và lúa mì, phân loại theo quy mô trang trại sử dụng trong cuộc điều tra dân số ở Mỹ. Australia, Brazil, Canada, EU, Guatemala và Nhật Bản cũng yêu cầu Mỹ bổ sung thông tin về việc trợ cấp cho các nông trại của mình.
Ấn Độ: hỗ trợ giá tối thiểu (minimum support price - MSP)
Úc đã đặt câu hỏi tại sao chính phủ Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng mức trợ giá tối thiểu lên tới 320 USD/tấnđối với sản phẩm lúa mì, so với mức giá lúa mì thế giới chỉ khoảng 147 USD/tấn. Trước câu hỏi của chính phủ Úc, Ấn Độ đáp trả rằng giá thu mua phụ thuộc vào chi phí trồng trọt cũng như giá cả thị trường. Canada, EU, Ukraine và Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đến câu hỏi này.
Mỹ cũng đã tiến hành phân tích một thống kê chi tiết về chi phí lúa mì xuất khẩu từ Ấn Độ, ước tính chi phí lúa mì cao hơn mức giá xuất khẩu tối thiểu do chính phủ Ấn Độ quy định khoảng 35 USD/tấn.Canada cũng đã đặt câu hỏi tại sao Ấn Độ thực hiện dự trữ 2 triệu tấn hàng hóa.
Ngành chăn nuôi của EU: gói hỗ trợ khẩn cấp
Tại cuộc họp, New Zealand cũng đã chất vấn EU về gói hỗ trợ khẩn cấpngành chăn nuôi được công bố vào tháng 9/2015.
Wellington đã đặt câu hỏi liệu gói hỗ trợ của EU có được xem là chính sách trợ cấpbị cấm trong hộp hổ phách (amber box) theo quy định của WTO, cũng như mức hỗ trợ của Ủy ban hay của các nước thành viên EU giành cho ngành chăn nuôi.
EU nói tại cuộc họp rằng hiện tại họ không thể trả lời chính xác mức độ hỗ trợ đối với ngành chăn nuôi, vì các quốc gia thành viên trong EU được phép thiết lập các kế hoạch của riêng họ. Tuy nhiên, trong tương lai, các khoản chi trợ cấp vẫn được báo cáo trong các thông báocủa EU vềtrợ cấp nội địa.
Theo dữ liệu mà Bỉbáo cáo lên WTO vào tháng 2/2017,trong đó không bao gồm gói hỗ trợ khẩn cấp vào năm 2015.
Sự kiện Brexit: Indonesiađặt câu hỏi về tiếp cận thị trường
Một câu hỏi từ Indonesia:Các nước đang phát triển bị ảnh hưởng như thế nào khi Anh rời khỏi EU?. Nguồn tin cho thấy, quy trình Brexit đã chính thức được kích hoạt trong tuần này.
Indonesia đã đặt câu hỏi liên quan đến thủ tục cho phép các nước đang phát triển hưởng ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), theo đó EU sẽ giảm hoặc loại bỏ thuế hoàn toàn đối với hàng hóanhập khẩu từ các nền kinh tế được hưởng GSP.
Hiện tại, Anh cũng áp dụng hệ thống GSP giống như các quốc gia khác trong khối, miễn thuế, miễn hạn ngạch cho tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước kém phát triển trong khuôn khổ “Nhóm miễn thuế mọi thứ trừ vũ khí” của EU .
Ngoài ra, sự kiện Brexit sẽ có ý nghĩa gì đối với “hạn ngạch thuế quan” củaAnh, đề cập đến công cụ liên quan đến việc áp thuếthấp cho hàng hoá nhập khẩu miễn là số lượng hàng nhập khẩu vẫn duy trìdưới mức hạn ngạch nhất định. Câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm từ Argentina, Trung Quốc, Nga và Mỹ.
EU đã trả lời cả 2 câu hỏi của Indonesia, cần lưu ý rằng “EU áp dụng chính sách thương mại đối ngoại cho tất cả các quốc gia thành viên và Anh vẫn là một thành viên của EU”.
Zambia, Mali, và Togo nhận được nhiều lời khen ngợi
Ngoài những câu hỏi tập trung chủ yếu vào lợi ích từ thương mại nông nghiệp của các quốc gia, các quan chức cũng yêu cầu thêm thông tin về các chương trình tại 3 nước kém phát triển nhất ở châu Phi.
EU đã hỏi Zambia về việc Zambia xuất khẩu ngô với giá thấp hơn so với mức giá mua vào, đây là câu hỏi mà Zambia đã được đại diện EU hỏi trong cuộc họp trước đó, tuy nhiên EU vẫn chưa nhận được câu trả lời cho câu hỏi này.
EU cũng đặt câu hỏi cho Mali về vấn đề trợ cấp đầu vào, vì sao một số loại trợ cấp bị tạm ngưng, trong khi đó, Mỹ đã giành lời khen cho Bamako vì đã có những nỗ lực đáng kểtrong việc cập nhật các thông báo trợ cấp nội địa.
Tương tự, Mỹ cũng công nhận những nỗ lực của Togo và hỏi Togo định nghĩa như thế nào là“những nhà sản xuất thiếu nguồn tài nguyên hoặc có thu nhập thấp” –trong trường hợp này,người nông dân đủ điều kiện được nhận trợ cấp đầu vào và trợ cấp đầu tư theo Điều 6.2 - Hiệp định về Nông nghiệp của WTO.
Định hướng chính sách thương mại của Mỹ trong nông nghiệp
Một số quan chức thương mại quan ngại về việc liệu các nền kinh tế lớn có đang đầu tư tất cả các nỗ lực của mình trong việc báo cáo và thúc đẩy đàm phán tại WTO hay không.
Một nhà đàm phán đến từ một quốc gia đang phát triển, đã mô tả cuộc họp vào ngày 27/03 là “những câu hỏi hay, nhưng không phải lúc nào những câu hỏi hay sẽ có những câu trả lời hay”.
Lâp trường không chắc chắn của chính quyền Mỹ đối với WTO đang ảnh hưởng đến các tiến triển tại cơ quan thương mại toàn cầu.
“Tôi tin rằng điều này quan trọng hơn việc ai sẽ là người chủ trì”, liên quan đến sự bất đồng giữa các thành viên về việc ai nên tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán nông nghiệp.
Tổng thống Mỹ - Ông Donald Trump đã đề cử luật sư thương mại quốc tế - ông Robert Lighthizer làm Đại diện Thương mại tiếp theo của Mỹ (USTR) trong thời gian chờ phê chuẩn của Thượng viện. Ngoài ra, nhiều vị trí thương mại quan trọng khác, bao gồm cả vị trí của Đại sứ Mỹ tại WTO, vẫn chưa được bổ sung.
 
Ấn Độ đưa ra đề xuất cho Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO
Kết quả phê chuẩn Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Ấn Độ vào tháng 4 năm 2016, Uỷ ban Quốc gia về Tạo thuận lợi Thương mại (NCTF) đã được thành lập dưới sự chủ trì của thư ký nội các. TFA giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan thông qua các biện pháp minh bạch, việc TFA đi vào thực thi, dự kiến giúp cắt giảm chi phí thương mại và tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Tính đến hiện tại, 112 thành viên của WTO đã phê chuẩn TFA, bao gồm cả Ấn Độ.
Trong quá trình thảo luận giữa các thành viênWTO, Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến ​​về Thuận lợi hóa Thương mại Dịch vụ tại WTO, với mục đích nhằm đạt được kết quả tích cực. Đề xuất của Ấn Độ về Thuận lợi hóa Thương mại Dịch vụ và tăng lệ phí visa Mỹ cho loại H-1B và L-1 là các vấn đề đang được bàn bạc, thảo luận ở mức độ phù hợp.
Chính phủ Ấn Độ liên tục bàn bạc các vấn đề này đối với chính phủ Anh nhằm mục đích thắt chặt các tiêu chuẩn cho người lao động nước ngoài, có trình độ. Chính phủ Anh đã được yêu cầu không chấp nhận các khuyến nghị của Ủy ban Cố vấn Cư trú (Migration Advisory Committee - MAC) vì lợi ích của thương mại dịch vụ song phương giữa Ấn Độ và Anh.Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại, bà Smt. Nirmala Sitharaman trả lời bằng văn bản tại Lok Sabha.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Sự kiện về tiêu chuẩn khử cacbon thúc đẩy tính minh bạch và gắn kết trong ngành thép
 Các thành viên WTO thúc đẩy sự tham gia của các nước LDCs vào chuỗi cung ứng toàn cầu
 Đàm phán thương mại điện tử bước vào vòng cuối cùng, Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia sáng kiến
 Các nước tham gia Đối thoại Nhựa chuẩn bị nền tảng để đạt được kết quả tại MC13
 Tổng Giám đốc WTO kêu gọi sự hỗ trợ của các Bộ trưởng các nước vùng Vịnh để thực hiện các kết quả MC12 và vạch ra lộ trình đến MC13
 Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức Thương mại và Giới trình bày dự thảo kế hoạch hoạt động cho năm 2023
 Phó Tổng Giám đốc Ellard: Công nghệ mang đến những thách thức và cơ hội cho tương lai của thương mại
 Phó Tổng Giám đốc González: “Cải cách WTO là thúc đẩy thương mại bền vững và toàn diện”
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về thành công của WTO, nhu cầu cải cách, mức độ phù hợp để giải quyết khủng hoảng khí hậu
 Xuất khẩu hàng trung gian tăng trưởng bền vững trong quý II/2022
 WTO ưu tiên cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về lợi ích của chủ nghĩa đa phương, rủi ro của chủ nghĩa đơn phương, cải cách WTO
 Các thành viên WTO nhất trí về Chương trình làm việc hỗ trợ hương mại giai đoạn 2023-2024
 Singapore đệ trình chính thức chấp thuận Hiệp định về trợ cấp nghề cá


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710831843