Thứ tư, 24-4-2024 - 0:41 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Hiệp định Tạo Thuận lợi Thương mại (TFA): một số nội dung cần lưu ý  

 Thứ ba, 11-4-2017

AsemconnectVietnam - Quá trình Việt Nam tham gia vào Hiệp định TFvà những nội dung chính trong Hiệp định

Việt Nam chính thức bắt đầu tham gia đàm phán Hiệp định TF vào tháng 6/2008, trải qua hơn 50 phiên đàm phán chính thức và hàng trăm phiên làm việc ở cấp độ khác nhau, Hiệp định cơ bản được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali – Indonexia.Đến tháng 11/2014, tại cuộc họp Đại hội đồng tại Geneva, các nước đã thông qua Nghị định thư sửa đổi để đưa Hiệp định TF vào phụ lục 1A của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. Với vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định, Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi tại phiên họp lần thứ 10 Quốc hội Khóa 13. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 108/2015/QH13 phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO.Đến tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1899/QĐ-TTg về việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban chỉ đạo quốc gia). Tháng 11/2016, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Hiệp định TF theo quyết định số 1969/QĐ-TTg. Ngày 22/02/2017, Hiệp định TF của WTO đã chính thức có hiệu lực, sau khi đạt được sự phê chuẩn cần thiết của 2/3 trong tổng số 164 quốc gia thành viên WTO. Theo quy định, Việt Nam phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết thuộc Nhóm A ngay sau khi Hiệp định TF có hiệu lực. Tiếp theo, sau khi Hiệp định có hiệu lực 1 năm, Việt Nam phải thông báo và dự kiến thời gian triển khai nội dung trong nhóm B và nhóm C. Hiện tại, Tổng Cục Hải quan đã tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộngành vàcộng đồng doanh nghiệp về nội dung của nhóm B, nhóm C trước khi trình Chính phủ gửi đến WTO.
Về nội dung của Hiệp định TF, Hiệp định bao gồm 3 phần:
-          Phần I: Nội dung các biện pháp kỹ thuật trong Hiệp định TF chủ yếu tập trung vào 4 nhóm: Nhóm vấn đề tiếp cận thông tin và tính minh bạch; Nhóm vấn đề quản lý các quy định pháp lý về thương mại; Nhóm vấn đề thủ tục hải quan; Nhóm vấn đề quá cảnh thương mại.
-          Phần II: Quy định các điều khoản đặc biệt đối với các quốc gia thành viên đang phát triển và chậm phát triển. Theo quy định của WTO, nội dung của Hiệp định TF được chia thành 3 nhóm bao gồm nhóm A (thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực); nhóm B (cần thêm thời gian ân hạn nhất định); nhóm C (cần thêm thời gian ân hạn và các hỗ trợ kỹ thuật). WTO cho phép các nước thành viên tham gia vào hiệp định TF, tự xem xét và phân loại các quy định theo phân nhóm A, nhóm B hoặc C. Một khi đã phân loại các quy định theo phân nhóm của WTO thì mặc nhiêncác nước thành viên phảicó trách nhiệm phải thực hiện theo như nội dung đã cam kết.
-          Phần III: Các thỏa thuận thể chế và các điều khoản cuối cùng, quy định tất cả các điều khoản của Hiệp định TF mang tính chất bắt buộc đối với các quốc gia thành viên tham gia Hiệp định.Ngoài ra, Hiệp định còn yêu cầu thành lập Ủy ban Tạo Thuận lợi Thương mại của WTO cũng như tất cả các thành viên tham gia phải thành lập Ủy ban quốc gia về Tạo Thuận lợi Thương mại nhằm khuyến khích và giám sát việc thực thi theo đúng nội dung đã cam kết trong Hiệp định.
Thực trạng về Tạo Thuận lợi Thương mại tại Việt Nam và mức độ tương thích của Hiệp định TF với pháp luật hải quan
Thứ nhất, theo báo cáo “Môi trường kinh doanh năm 2017” mới công bố gần đâycủa Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Riêngđối với chỉ số thương mại xuyên biên giới, liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu;thông quan hàng hóa; các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Việt Nam đã tăng 15 bậc, từ hạng 108 năm 2016 lên hạng 93 năm 2017. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, so với các nước có môi trường kinh doanh thuận lợi như Singapore, Thailand và Malaysia, thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước vẫn còn khá lớn. Chính vì thế, theo nghị quyết số 19-2017/NQ-CP củaChính phủ đã đặt ra mục tiêu cho Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, phấn đấu đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN - 4 về các chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ hai, thông qua việc rà soát các điều khoản trong Hiệp định TF thì đa phần các điều khoản của Hiệp định đã được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Lý do là phần lớn các điều khoản trong Hiệp địnhđều dựa trênCông ước Kyoto về thủ tục hải quan mà Việt Nam là thành viên. Các lĩnh vực chủ yếu mà Việt Nam đã tuân thủ bao gồm: công khai, minh bạch; khiếu nại, khiếu kiện; phí, lệ phí hải quan; thủ tục hải quan; cải cách thủ tục hành chính; tự do quá cảnh; hợp tác hải quan. Bên cạnh các lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam đã tuân thủ theo như cam kết trong Hiệp định, vẫn còn một số nội dung bắt buộc trong Hiệp định TF mà pháp luật Việt Nam cần bổ sung nhưminh bạch hóa theo cách thực chất và hiệu quả; thực hiện thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cơ chế một cửa;công khai và thông báo trước các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành áp dụng riêng đối với một số nhóm hàng hóa nhất định; các thủ tục liên quan đến hợp tác với cơ quan quản lý chuyên ngành; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan.
Các biện pháp Tạo Thuận lợi Thương mại mà cơ quan hải quan Việt Nam đã thực hiện
+ Về hệ thống pháp luật, cơ quan Hải quan đã thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật ngay trong quá trình đàm phán Hiệp định TF hay các Hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA). Bên cạnh đó, theo quy định trong Hiệp định TF, trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan quản lý phải tổ chức tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời sau khi các văn bản pháp quy được ban hành phải tổ chức phổ biến, tuyên truyền thông tin rộng rãi đến các cơ quan có liên quan hoặc các đối tượng bị tác động.
+ Về hoạt động tham vấn hải quan – doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại nhằm giải quyết những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với các Hiệp hội/hội ngành nghề giải quyết các khó khăn, vướng mắc; tham vấn với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc. Về cấp địa phương, Cục Hải quan và Chi cục Hải quan thường xuyên tổ chức định kỳ các hội nghị, tọa đàm nhằm đối thoại và giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.
+ Về đơn giản hóa thủ tục hải quan dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan Hải quan đã triển khai hệ thống VNACCS/VCIS trên toàn quốc; triển khai vận hành thí điểm hệ thống giám sát tại cảng biển; kết nối Hải quan với Kho bạc, Ngân hàng; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra, Hải quan đã thực hiện bãi bỏ 19 thủ tục, đơn giản hóa 46 thủ tục; giảm nhiều chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan; cho phép doanh nghiệp nộp toàn bộ hồ sơ điện tử; minh bạch và giảm thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.
+ Về cơ chế một cửa quốc gia, cho phép các cơ quan quản lý cũng như người kê khai hải quan thực hiện các thủ tục hành chính hàng hóa xuất nhập khẩu trên hệ thống một cửa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gửi thông tin và các văn bản đề nghị dưới dạng chứng từ điện tử thông qua hệ thống một cửa. Hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành có nhiệm vụ xử lý và cấp phép thông quan, giải phóng hàng hóa trực tiếp trên hệ thống này.
+ Về doanh nghiệp ưu tiên, đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sẽ được miễn kiểm tra hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; nộp bổ sung tờ khai chưa hoàn chỉnh hoặc các chứng từ liên quan đến hồ sơ hải quan trong thời hạn 30 ngày; ưu tiên thực hiện thủ tục về thuế và thủ tục tại khâu giám sát; cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kho bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
+ Về hồ sơ hải quan, Hải quan chỉ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình các hồ sơ cần thiết và ở mức tối thiểu, triển khai sử dụng hồ sơ chứng từ điện tử thay cho hồ sơ giấy (trừ giấy phép xuất nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa).
+ Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Cổng Thông tin Thương mại Quốc gia nhằm cung cấp dữ liệu về các văn bản pháp luật, qui trình và thông tin quản lý của các Bộ ngành, việc làm này giúp doanh nghiệp có thể biết trước các quy định, yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong trường hợp lô hàng chịu sự kiểm tra của hai cơ quan trở lên, trên cơ sở nguyên tắc kiểm tra đồng thời,cơ quan Hải quan phải chịu trách nhiệm điều phối việc kiểm tra nhằm tránh tình trạng gây mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Kế hoạch triển khai Hiệp định TF của cơ quan quản lý Hải quan trong thời gian sắp tới
+ Chính phủ đã ban hành nghị quyết 19-2017/NQ-CP cam kết mạnh mẽ về cải cách thủ tục tục hành chính, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thông qua nghị quyết Chính phủ đưa ra một số nội dung và chỉ tiêu cụ thể cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện như cải thiện môi trường kinh doanh bằng các nước ASEAN – 4; giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí về các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu giảm còn 41 giờ, thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu giảm còn 36 giờ. Liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành, giảm tỷ lệ các lô hàng hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30% - 35% xuống còn 15%; chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ khâu trước thông quan sang khâu sau thông quan (trừ kiểm dịch); điện tử hóa các thủ tục kiểm tra thông qua cơ chế một cửa quốc gia.
+ Cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan, thông qua việc tham vấn ý kiến của doanh nghiệp về những vướng mắc về thủ tục hải quan. Thực hiện sửa đổi nghị định 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan, sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
+ Hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử thông qua việc nâng cấp các tính năng của hệ thống VNACCS/VCIS; Thực hiện trao đổi thông tin về hàng hóa xuất nhập khẩu đã làm thủ tục hải quan với các bên có liên quan.
+ Triển khai thực hiện toàn bộ thủ tục cấp phép và kiểm tra thông qua hệ thống cơ chế một cửa quốc gia.
+Tăng cường trao đổi thông tin với các doanh nghiệp cảng biển, cảng hàng không.Hải quan trực tiếp chuyển thông tin về các lô hàng đủ điều kiện đưa ra khỏi khu vực cảngcho các doanh nghiệp cảng biển, cảng hàng không.
Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong việc triển khai hiểu quả Hiệp định TF tại Việt Nam
Thứ nhất, Hiệp định TF mang lại nhiều lợi ích thông qua việc giúp cắt giảm đến 14.1% chi phí thương mại, từ đó giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế, việc giảm chí phí thương mại sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hầu hết các nước đều được hưởng lợi khi tham gia vào Hiệp định TF, nhưng những nước đang phát triển, điển hình như Việt Nam, là quốc gia có lợi nhất do chi phí thương mại thường cao hơn nhiều so với nước phát triển.
Thứ hai, các quy định về thủ tục cấp phép, thủ tục kiểm tra chuyên ngành thường chiếm đến 76% thời gian nhập khẩu. Việc chỉ tiến hành cải cách Hải quan sẽ không thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện hiệu quả tạo thuận lợi thương mại. Chính vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Hải quan và các cơ quan Ban, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, để thực thi Hiệp định TF một cách hiệu quả, cần phải có có sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cam kết của các cơ quan quản lý, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và cuối cùng là một cơ chế điều phối liên ngành hiệu quả.
Thứ ba, nhằm giúp Việt Nam thực hiện tốt các nội dung đã cam kết trong Hiệp định TF, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua các biện pháp như hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực của Ủy ban Quốc gia về Tạo thuận lợi Thương mại; hỗ trợ xây dựng Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam(www.vietnamtradeportal.com - dự kiến đi vào hoạt động trong Quý II/2017); đánh giá việc tuân thủ Hiệp định TF của các cơ quan quản lý chuyên ngành; hỗ trợ vấn đề kỹ thuật nhằm đo lường thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK
 Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi Slovenia là một đối tác tiềm năng
 Quan chức WTO thăm Hàn Quốc, tìm cách khôi phục thương mại đa phương
 Thủ tướng: Việt Nam luôn chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế
 Tổng Giám đốc WTO gặp gỡ và đối thoại với các nữ doanh nhân Việt
 Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala kêu gọi ECOWAS khai thác thương mại để tăng trưởng bền vững
 Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala thăm Ghana, Bờ Biển Ngà và Kenya
 Timor-Leste nỗ lực thúc đẩy giai đoạn cuối trở thành thành viên WTO
 Canada cung cấp 1,4 triệu CAD cho Cơ chế tài trợ nghề cá của WTO
 Nhóm công tác về an ninh lương thực thảo luận về xây dựng khả năng chống chịu, thách thức về tài chính
 Canada cam kết tài trợ 700.000 CAD để tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm của các nước đang phát triển
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Các thành viên tiếp tục thảo luận về việc mở rộng Quyết định TRIPS sang lĩnh vực điều trị và chẩn đoán
 Ủy ban môi trường thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành viên, xem xét các đề xuất để tăng cường công việc
 Uzbekistan mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán gia nhập WTO
 Phó Tổng Giám đốc Zhang chào đón nhóm thực tập sinh mới từ các nước đang phát triển, LDCs tại trụ sở WTO


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710813632