Thứ năm, 25-4-2024 - 15:49 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Lợi ích từ TFA vượt ra khỏi phạm vi cắt giảm thuế quan  

 Thứ năm, 23-3-2017

AsemconnectVietnam - Hiệp định Tạo Thuận lợi Thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây đã chính thức có hiệu lực, một nỗ lực toàn cầu nhằm hợp lý hoá thủ tục chính phủ về thương mại quốc tế.

 
Mục tiêu chính của hiệp định là nâng cao hiệu quả và hiệu lực của cơ quan giám sát thương mại, đặc biệt ở các nước đang phát triển, bằng cách giảm bớt tệ nạn quan liêu, đơn giản hoá thủ tục hải quan, và cải thiện năng lực thực thi bằng cách áp dụng giải pháp công nghệ và cải cách thể chế.
Mặc dù TFA dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại toàn cầu, nhưng lợi ích quan trọng nhất của nó là tiềm năng cải thiện năng lực quản trị ở các nước đang phát triển.
Thay đổi có thể bắt đầu từ việc nới lỏng dòng chảy thương mại, và cải thiện năng lực giám sát thương mại có thể lan tỏa đến nhiều thủ tục hành chính khác, kéo theo thực thi pháp luật và thu thuế hiệu quả hơn, tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và tương tác tốt hơn giữa các chính phủ.
Hiệp định TFA có hiệu lực ngay khi TPP đang chìm vào khủng hoảng vì TPP chỉ mang lại lợi ích cho một vài nhóm ngành dựa trên thiệt hại từ những nhóm ngành khác. Thành công TFA một phần do những lợi ích của việc quản trị nhà nước được cải thiện có thể bù đắp thiệt hại ở những lĩnh vực khác - tạo đà cho hệ thống thương mại toàn cầu ngay tại thời điểm cần thiết.
Bức tranh toàn cảnh của thương mại toàn cầu
Giám sát dòng chảy thương mại quốc tế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn của các chính phủ.
Trong một tháng bình thường, hơn 1,2 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế đổ vào đâu đó trên thế giới. Hàng ngàn sản phẩm từ hàng chục nước xuất khẩu có thể được nhập khẩu vào một quốc gia bởi hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) công ty khác nhau. Ví dụ: Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ xử lý hơn 56.000 giao dịch thương mại vào một ngày điển hình.
Sự chồng chéo của quy định và điều chỉnh chi phối các sản phẩm lại làm phức tạp thêm vấn đề. Một ví dụ đơn giản, các quan chức hải quan có trách nhiệm thu tiền thuế, nhân viên an toàn thực phẩm cần đảm bảo rau và hàng gia công đạt tiêu chuẩn nhất định, và các cơ quan môi trường phải kiểm soát dịch bệnh gây hại. Theo đó, một lô hàng dâu tây có thể bị kiểm tra bởi một trong những hoặc bởi cả ba cơ quan này - và có thể là những cơ quan khác.
Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính toàn cầu này đã chính thức có hiệu lực vào ngày 22 tháng 2 sau khi Chad, Jordan, Oman và Rwanda gửi văn kiện phê chuẩn Hiệp định Tạo Thuận lợi Thương mại, nâng tổng số thành viên WTO phê chuẩn vượt ngưỡng hai phần ba, đưa TFA chính thức có hiệu lực.
Những điều khoản được TFA đề cập
Hiệp định, vốn kết thúc đàm phán vào năm 2013, đã đưa ra một loạt thủ tục và chương trình, đây là danh sách các đầu việc “khả dĩ nhất” để giám sát dòng chảy thương mại quốc tế.
TFA quy định các loại thông tin mà chính phủ nên cung cấp cho doanh nghiệp thương mại quốc tế. TFA đưa ra quy trình nên được áp dụng để khiếu kiện quyết định của cơ quan giám sát. TFA còn phác thảo hệ thống ưa đãi và phương pháp lựa chọn lô hàng để kiểm tra. Và TFA xác định cách thức mà nhiều cơ quan tại biên giới có thể tương tác với nhau tốt hơn và với các công ty kinh doanh.
Quan trọng hơn, hiệp định này giúp các nước vượt qua những rào cản gây khó khăn cho cơ quan giám sát. Điều đáng nói nhất là các nước giàu hơn trong WTO cam kết hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và tài chính trong một thời gian dài cho các nước đang phát triển. Các giải pháp công nghệ thông tin đặc biệt khó thực hiện ở các nước nghèo mà không có hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn bên ngoài, và điều này đòi hỏi hỗ trợ rộng rãi.
Một cách khái quát, trợ giúp từ bên ngoài kết hợp với các nỗ lực cải cách trong nước cũng sẽ làm giảm tham nhũng trong các cơ quan giám sát thương mại.
Chính phủ nào quan tâm đến cải cách thường phải đối mặt với sự phản đối từ bộ máy hành chính hiện tại. Điều này cũng đúng với giám sát thương mại, bởi vì ở nhiều nước, các quan chức hải quan tự làm giàu bằng cách nhận hối lộ.
Hiệp định TFA củng cố quá trình cải cách của các chính phủ vì cơ quan pháp luật của WTO hiện nay đứng đằng sau họ, trong khi cải tiến công nghệ và chính sách mới có thể hạn chế tham nhũng.
Cây gậy và củ cà rốt trong TFA
Albania đã áp dụng quản lý rủi ro để lấy mẫu các lô hàng kiểm tra. Serbia đã cho phép các công ty được kiểm tra trước khi thông quan tại kho của họ, chứ không phải là cơ quan hải quan. Cả hai bước đi này đều nhằm phân bổ lại nguồn lực chính phủ vào kiểm tra hàng hóa, từ đó đẩy nhanh thời gian xử lý công việc khác. Theo đó, cải cách ở Albania đã làm giảm thời gian thực hiện thủ tục hải quan và tăng nhập khẩu. Và ở Serbia, thời gian thông quan trở nên có thể dự đoán được đối với các công ty.
Tuy nhiên, Albania và Serbia đã không làm điều này tự nguyện. Liên minh châu Âu giống như củ cà rốt khổng lồ dành cho 2 nước này, theo đó quản lý biên giới hiệu quả là điều kiện tiên quyết để gia nhập EU. EU có chiến lược lâu dài về điều kiện gia nhập đối với cải cách hành chính, bao gồm cải cách thuận lợi hóa thương mại.
Ngoài củ cà rốt đến từ tư cách thành viên EU, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ EU cũng là một thành phần quan trọng cho hỗ trợ cải cách.
Hiệp định TFA cũng bao hàm một số cà rốt nhỏ và một số gậy. Cà rốt là sự hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kỹ thuật mà các quốc gia giàu có hứa hẹn sẽ cung cấp như một phần của hiệp định. Các cây gậy sẽ đến sau đó, được sử dụng bởi các luật sư thương mại quốc tế muốn áp dụng hình phạt thông qua WTO.
Tại sao TFA quan trọng
Lợi ích kinh tế ước tính của hiệp định này rất khác nhau: từ 68 tỷ USD đến gần 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Điều đó có nghĩa là thu nhập tăng từ 9 đến 133 đô la mỗi năm cho mọi người trên hành tinh.
Các nước có thể đồng ý cải cách, nhưng là cải cách không triệt để. Ngay cả khi những cải cách được thực hiện đầy đủ, ảnh hưởng về thời gian và chi phí thương mại là không chắc chắn. Chất lượng thực hiện và những ảnh hưởng đối với thương mại cũng sẽ khác nhau giữa các quốc gia, theo những cách khó dự đoán.
Tuy nhiên, quan trọng hơn lợi ích kinh tế là câu hỏi, liệu những cải cách thương mại này có thể làm tăng khả năng quản lý bộ máy chính phủ phức tạp ở các nước đang phát triển hay không ?
Nếu các nước đang phát triển có thể tiếp cận công nghệ thông tin để cải thiện năng lực quản lý, có lẽ họ sẽ áp dụng cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ. Nếu họ có thể cải thiện việc thực thi và giảm tham nhũng trong các cơ quan hải quan, có lẽ họ sẽ áp dụng kỹ thuật tương tự cho ccơ quan thu thuế và cơ quan thực thi pháp luật. Rất khó để dự liệu sự lan tỏa của kiến ​​thức và khả năng như thế, nhưng hiệp định sẽ thúc đẩy các chính phủ phát triển năng lực mà họ đang thiếu.
Bức tranh rộng lớn của TFA
Hiệp định về Thuận lợi hóa Thương mại là sự mở rộng trách nhiệm mới nhất dành cho WTO.
WTO đại diện cho nỗ lực 50 năm xây dựng hệ thống thương mại quốc tế với các quy tắc được các bên đồng thuận.
WTO có cơ hội tốt để cải thiện việc giám sát các dòng thương mại ở các nước đang phát triển. Nếu chính phủ các nước có thể áp dụng những bài học này vào khía cạnh khác của quản trị, tác động kinh tế của hiệp định sẽ được nhân lên nhiều lần.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK
 WTO dự báo thương mại toàn cầu phục hồi nhưng cảnh báo rủi ro giảm giá
 WTO: Thương mại toàn cầu bất ngờ sụt giảm trong năm 2023
 Các thành viên WTO xem xét sáu hiệp định thương mại khu vực
 Hoa Kỳ ban hành Kết luận sơ bộ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh
 Hơn 60 sinh viên tham gia Mô hình WTO phiên bản 2024
 Canada đóng góp 250.000 CAD để thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm an toàn từ các nền kinh tế đang phát triển
 WTO và EIF chủ trì thảo luận về chính sách thương mại và trao quyền kinh tế cho phụ nữ
 Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala khen ngợi công việc MC13, kêu gọi các thành viên nhanh chóng hoàn thành công việc còn dang dở
 Các cuộc đàm phán về việc Costa Rica gia nhập thỏa thuận mua sắm chính phủ được tăng cường
 STDF thúc đẩy thương mại an toàn để phát triển ở Châu Phi nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ
 Các thành viên ủng hộ Hiệp định Tạo thuận lợi Đầu tư cho Phát triển thảo luận các bước tiếp theo
 Nhóm công tác doanh nghiệp nhỏ bàn hướng đi tiếp theo sau MC13, chào đón thành viên thứ 99
 Nhật Bản đóng góp 115.000 EUR hỗ trợ nâng cao năng lực thương mại của các nền kinh tế đang phát triển
 Phó Tổng Giám đốc Ellard và Chủ tịch đàm phán trợ cấp nghề cá chia sẻ các bước tiếp theo tại Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới
 EU đóng góp 1 triệu EUR nâng cao năng lực thương mại ở các nền kinh tế đang phát triển và LDC


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710867298