Thứ bảy, 20-4-2024 - 15:41 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 2/2017 

 Thứ ba, 28-2-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 2/2017, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

 
Chính quyền Trump tìm cách phá vỡ hệ thống giải quyết tranh chấp WTO
Chính quyền Trump đang tìm các biện pháp thay thế khi muốn giải quyết bất đồng thương mại, thay vì đưa lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đây được xem là bước đi đầu tiên trong việc xa rời tổ chức mà chính Washington góp phần dựng lên cách đây hơn hai thập kỷ.
Theo đó, các quan chức trong đội ngũ của Trump vừa yêu cầu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thảo một danh sách các biện pháp thương mại mà Washington có thể sử dụng để có thể đơn phương trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Mục tiêu của yêu cầu này, theo nguồn tin của Financial Times, là chính quyền mới đang tìm cách phá vỡ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Kể từ khi được thành lập vào năm 1995, WTO trở thành tổ chức ưu việt nhất trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các quốc gia thành viên, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thương mại.
Trong khi Mỹ vẫn là thành viên WTO dưới thời Donald Trump, bước đi này của chính quyền mới phản ánh cái nhìn ngờ vực của nhiều thành viên trong nội các mới, rằng WTO là một tổ chức không có lợi cho lợi ích của nước Mỹ.
Nó cũng phản ánh cách Donald Trump đang hành động để thử nghiệm một trật tự kinh tế thế giới mới mà những người tiền nhiệm của ông từng xây dựng và bảo vệ. Khi còn tranh cử Tổng thống, Donald Trump thề sẽ gắn chặt với chính sách ngoại giao tôn vinh nước Mỹ, "American First".
"Tổ chức Thương mại Thế giới là một thảm họa", ông từng phát biểu khi còn trong chiến dịch hồi năm ngoái.
Hồi đầu năm, không lâu sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký lệnh rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết nối Mỹ với 11 quốc gia quanh vùng Thái Bình Dương. Tuần trước, Steve Bannon, cố vấn cấp cao của Trump, mô tả quyết định này là "một trong những thời khắc then chốt trong lịch sử nước Mỹ hiện đại".
Vị Tổng thống cũng thường xuyên biểu lộ sự khinh miệt với các tổ chức hay các thỏa thuận quốc tế. Khi còn trong chiến dịch tranh cử, ông từng lên tiếng phê phán liên minh quân sự NATO. Để rồi sau đó chính các thành viên nội các của ông phải ra sức xoa dịu các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương vì bình luận này.
Về thương mại, Trump đã tập hợp một đội ngũ những người theo chủ nghĩa bảo hộ. Robert Lighthizer, người ông chọn làm Đại diện Thương mại, kêu gọi nước Mỹ cần củng cố chủ nghĩa bảo hộ. Đây là người hồi 2010 từng phát biểu rằng nước Mỹ cần có cách tiếp cận cứng rắn với WTO.
Vào tháng 9, Wilbur Ross, người Trump chọn làm Bộ trưởng thương mại và Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia, đã dành thời lượng lớn trong báo cáo của mình để phàn nàn về cái mà họ gọi là cách đối xử thiếu công bằng của WTO với hệ thống thuế doanh nghiệp Mỹ.
Nhà Trắng từ chối trả lời câu hỏi họ có tiếp tục cam kết với WTO hay không. "Chúng tôi sẽ không bình luận gì về chính sách thương mại cho đến khi một Đại diện Thương mại Mỹ chính thức được thông qua", Phó thư ký báo chí Nhà Trắng nói.
Một phần nguyên nhân cho thái độ ngờ vực của chính quyền mới với với WTO là từ ngành công nghiệp thép Mỹ. Nhiều thành viên nội các Trump từng hoạt động trong ngành này. Trong quá khứ, WTO đã nhiều lần bác bỏ các biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ - đứng đằng sau là các đại gia ngành thép yêu cầu.
Dan DiMicco, cựu CEO của nhà sản xuất thép Nucor và nay dẫn đầu nhóm chuyển giao đại diện thương mại Mỹ của Trump cho biết họ đã bàn đến ý tưởng về một sự thay thế WTO. "Quan điểm cá nhân của tôi là WTO không có tác dụng", ông này nói với Financial Times.
Tuy vậy, ông DiMicco cho biết chính quyền mới có thể áp dụng biện pháp chờ đợi và xem xét. "WTO ngày nay tồn tại như là một tổ chức để chúng ta thương thảo, và nó sẽ tiếp tục như thế trừ khi chúng ta thấy rằng nó không có hiệu quả", ông này nói. "Nếu chúng tôi nộp rất nhiều đơn kiện thương mại, kiện chống phá giá và WTO bác bỏ, đó không phải là điều tốt".
Dưới thời Obama, Mỹ đã nộp lên WTO một số đơn kiện quan trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, WTO cũng giải quyết đơn kiện của Bắc Kinh với EU và Mỹ về việc Trung Quốc có nên được đối xử như một "nền kinh tế thị trường" theo luật WTO.
Giới chuyên gia lo rằng bất cứ động thái nào về việc đơn phương dùng biện pháp thay thế sẽ làm giảm vai trò của WTO. "Một khi Mỹ phát tín hiệu rằng nước này đang vượt WTO và sẽ tự tay xử lý tranh chấp, các nước khác sẽ không chịu ngồi yên", đó là bình luận của bà Wendy Cutler, người chịu trách nhiệm theo dõi đàm phán TPP dưới thời Obama nói. "Nó sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn về thương mại".
Một cựu quan chức khác cho rằng những lý lẽ mới "thiếu tầm nhìn". "Chính quyền mới nên tập trung vào việc làm thế nào để tăng khả năng canh tranh trên phạm vi toàn cầu của Mỹ, thay vì ruồng bỏ các hệ thống dựa trên luật lệ mà chúng ta đã mất nhiều thế hệ mới thuyết phục được những nước khác chấp nhận", ông bình luận.
 
WTO bác khiếu nại của Nga trong vụ kiện nhập khẩu thịt lợn từ EU
Ngày 23/2, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã bác khiếu nại của Nga về quyết định của WTO trước đó, cho rằng lệnh cấm nhập khẩu mà Moskva áp đặt đối với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn xuất xứ từ các nước Liên minh châu Âu (EU) là sai luật.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cơ quan phúc thẩm của WTO đã ủng hộ phán quyết do Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO đưa ra hồi năm ngoái theo hướng có lợi cho EU.
Trước đó, ngày 19/8/2016, WTO đã công bố kết luận cho rằng những lo ngại của Nga về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt lợn của EU hoàn toàn không có cơ sở để áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trên.
Sau đó hơn một tháng, phía Nga đã đệ đơn kháng cáo quyết định của WTO, trong đó Moskva bày tỏ sự bất bình khi cho rằng kết luận của WTO là không chính đáng.
Đầu năm 2014, Nga đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn có xuất xứ từ EU với lý do bảo vệ người tiêu dùng sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một số nước EU.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết trong khoảng 2 năm qua, tại các nước khu vực Baltic và Ba Lan đã ghi nhận gần 2.500 ổ dịch tả lợn châu Phi.
Điều này cho thấy các biện pháp mà các cơ quan liên quan của EU áp dụng để xóa bỏ các ổ dịch là không hiệu quả./.
Kết thúc khóa học nâng cao về vị trí thành viên Ủy ban quốc gia thúc đẩy thương mại
Từ ngày 30/1-10/2, tại trụ sở WTO, Tổ chức thương mại thế giới đã tổ chức khóa học nâng cao cho các thành viên Ủy ban quốc gia tạo thuận lợi thương mại để các nước thành viên chuẩn bị thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA). Tổng cộng 23 quan chức chính phủ từ 20 quốc gia nói tiếng Pháp và Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) đã tham dự khóa học.
TFA có quy định đối với việc đẩy mạnh lưu thông, phân phối và và thông quan hàng hóa, kể cả hàng quá cảnh. Hiệp định này yêu cầu mỗi quốc gia thành viên thành lập một Ủy ban Quốc gia về tạo thuận lợi thương mại (NCTF) để tạo sự đồng thuận trong nước về lộ trình thực hiện hiệp địnhn này. Với khoảng 36 quy định kỹ thuật được triển khai, phần nhiều các quy định này đòi hỏi sự phối hợp gần 50 cơ quan quốc gia liên quan nên việc thành lập Ủy ban Quốc gia là một trong những bước cơ bản cần thiết để gặt hái được những lợi ích của Hiệp định.
Quỹ thực thi hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO đang tổ chức một loạt các khóa học nâng cao cho các thành viên và quan chức của NCTFs. Các khóa học bằng tiếng Anh đã được tổ chức thành công vào tháng 6 và tháng 11 năm 2016 và một khóa học bằng tiếng Tây Ban Nha sẽ diễn ra vào tháng 3/2017.
Các khóa học đặc biệt này diễn ra vào đúng thời điểm hiệp định TFA có hiệu lực. Hiệp định này chỉ đòi hỏi 2/3 số nước thành viên thông qua là có hiệu lực.
Mục đích của khóa học là nâng cao kiến ​​thức của các quan chức về TFA, làm quen với trách nhiệm của mình khi trở thành các thành viên Ủy ban hoặc các chuyên gia kỹ thuật và cung cấp cho họ với một số các công cụ cần thiết để thực hiện chức năng của mình. Ngoài ra, khóa học cung cấp cho các thành viên tham gia cơ hội để xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ, kể cả với các tổ chức xây dựng năng lực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để hỗ trợ việc thực hiện các TFA.
Các khóa học này được phối hợp tổ chức cùng với Nhóm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hải quan Thế giới, Trung tâm Thương mại Quốc tế, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển và Ủy ban Kinh tế của Liên Hiệp Quốc đối với châu Âu. Các cơ quan như Hiệp định khung về hội nhập nâng cao, Liên minh Toàn cầu về thuận lợi thương mại, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Cơ quan Tiêu chuẩn và Phát triển Thương mại cũng đã tham gia.
TFA được xây dựng nhằm giảm bớt đáng kể chi phí hành chính quan liêu vốn gây cản trở hoạt động thương mại quốc tế, do đó làm giảm đáng kể cả về chi phí và thời gian cần thiết của các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Theo một nghiên cứu năm 2015 được các nhà kinh tế WTO thực hiện, việc thực hiện đầy đủ các TFA sẽ làm giảm chi phí thương mại của các nước thành viên trung bình 14,3 phần trăm, trong đó các nước đang phát triển được hưởng lợi nhiều nhất. Người ta ước tính rằng việc thực hiện TFA có thể giảm 47 phần trăm thời gian trung bình hiện nay dành cho nhập khẩu hàng hóa và 91 phần trăm thời gian trung bình hiện nay dành cho xuất khẩu hàng hóa. TFA cũng có tiềm năng tăng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu lên thêm 1.000 tỷ USD.
TFA cũng đặt ra các biện pháp hợp tác hiệu quả giữa hải quan và các cơ quan khác về tạo thuận lợi thương mại và các vấn đề tuân thủ hải quan, đồng thời có các quy định hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực này.
TFAF cũng nêu lên các yêu cầu của các nước đang phát triển và các nước kém phát triển (LDC) hiện là thành viên của WTO để đảm bảo rằng họ nhận được sự hỗ trợ cần thiết nhằm gặt hái được những lợi ích đầy đủ của Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ mục tiêu cuối cùng là tất cả các nước thành viên có thể thực hiện đầy đủ thỏa thuận. Ngoài việc cung cấp các khóa học nâng cao năng lực xây dựng, TFAF hỗ trợ các nước đang phát triển và LDC trong việc đánh giá các nhu cầu cụ thể của họ và xác định các đối tác phát triển có thể để giúp họ đáp ứng những nhu cầu đó.
Sudan nối lại các cuộc đàm phán gia nhập WTO
Các nước thành viên WTO đã bày tỏ sự ủng hộ nhất trí nối lại các cuộc đàm phán gia nhập WTO của Sudan tại cuộc họp lần thứ 3 của Ban Công tác về việc gia nhập WTO của nước này tổ chức vào ngày 31/1/2017 - 13 năm sau cuộc họp chính thức cuối cùng về vấn đề này.
"Quá trình gia nhập WTO là một phần không thể thiếu của các kế hoạch cải cách kinh tế mà Chính phủ Sudan đang theo đuổi từ các cấp chính trị cao nhất. Tôi rất phấn khích khi biết rằng những cải cách nhập liên quan đến WTO đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai nhánh hành pháp và lập pháp của chính phủ Sudan cũng như khu vực tư nhân. Họ đã cùng làm việc với nhau hướng tới mục tiêu kết thúc đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 (MC11 )", ông Ryosuke Kuwana (quốc tịch Nhật Bản), Chủ tịch Ban công tác cho biết.
"Tôi tin rằng với quy mô dân số và vị trí chiến lược của Sudan, có đường biên giới giáp bảy quốc gia nên Sudan đã luôn luôn là một đối tác quan trọng; do đó, việc Sudan gia nhập WTO có ý nghĩa to lớn hơn cho khu vực. Chính phủ nước này đang có kế hoạch tập trung quan hệ thương mại ở lục địa châu Phi", Chủ tịch Ryosuke nói thêm.
Bộ trưởng Sudan Hợp tác quốc tế Sudan, ông Osman Ahmed Fadul Wash, nhấn mạnh cam kết của chính phủ Sudan đối với tiến trình gia nhập. Ông cũng kêu gọi các thành viên để thúc đẩy đàm phán trong vị thế xem xét tình trạng của Sudan là một quốc gia kém phát triển nhất (LDC). "Chúng tôi hy vọng cuộc gặp gỡ này đóng góp vào việc đẩy mạnh và tạo thuận lợi cho Sudan gia nhập WTO tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 vào tháng 12 tới tại Buenos Aires," ông nói.
Các nước thành viên WTO hoan nghênh Sudan nối lại tiến trình gia nhập và ủng hộ các nỗ lực cải cách trong nước của Sudan thông qua quá trình này. Ngoài ra, các nước thành viên cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Sudan để đẩy nhanh tiến trình gia nhập. Nhật Bản công bố tặng 100.000 $ để hỗ trợ các nỗ lực gia nhập của Sudan và vừa được phê duyệt tại Tokyo khi Nhóm công tác tiến hành cuộc họp tại đây. Trung Quốc cũng tái khẳng định nước này sẽ hỗ trợ cho Sudan theo Chương trình gia nhập WTO dành cho các nước kém phát triển (còn được gọi là Chương trình Trung Quốc).
Các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường song phương
Sudan thông báo nước này đã kết thúc đàm phán các thỏa thuận tiếp cận thị trường song phương với hai nước thành viên WTO. Đồng thời, nước này cũng thông báo đàm phán với các thành viên quan tâm, dựa trên thỏa thuận tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ sửa đổi.
Chủ tịch của Ban công tác, ông Kuwana, kêu gọi các thành viên làm việc một cách xây dựng trên quan điểm mong muốn của Sudan để tăng tốc độ đàm phán.
"Tôi muốn kêu gọi Sudan và tất cả các thành viên có liên quan để tiếp tục cuộc đàm phán tiếp cận thị trường song phương một cách xây dựng nhằm sớm kết thúc đàn phán, phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ về đẩy nhanh các cuộc đàm phán gia nhập. Tôi hy vọng rằng tất cả các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường song phương sẽ được ký kết trong những tháng tới ", Chủ tịch nói.
Chế độ ngoại thương và các quy định của WTO
Các thành viên của Ban Công tác rà soát các chế độ ngoại thương của Sudan trên cơ sở Biên bản ghi nhớ đã được cập nhật vào Cơ chế thương mại nước ngoài và các dữ liệu khác được Chính phủ Sudan cung cấp.
Thành viên đóng góp ý kiến ​​và câu hỏi về một loạt các vấn đề liên quan đến thương mại và các vấn đề liên quan đến sự phát triển thương mại của Sudan.
Phát triển lập pháp                                                                                                            
Sudan cũng cập nhật các thành viên về những phát triển pháp lý và tái khẳng định cam kết của mình về xây dựng chế độ thương mại phù hợp với các quy định của WTO. Tiến sĩ Babiker Mohamed Tom Bakhit Dafaalla, Đại diện của Quốc hội Sudan, nêu bật các công tác mà Quốc hội nước này đã sẵn sàng để hỗ trợ việc gia nhập WTO của Sudan và sẽ thực hiện bất kỳ sửa đổi lập pháp nào cần thiết, các văn bản luật về luật và các quy định Sudan để đảm bảo sự phù hợp với Hiệp định của WTO .
Bước tiếp theo
Sudan đã được yêu cầu trình bày và đáp ứng các câu hỏi thêm của các nước thành viên, các bảng câu hỏi về Doanh nghiệp Thương mại nhà nước và thủ tục cấp phép nhập khẩu, Danh mục kiểm tra về việc thực hiện và quản lý của Hiệp định trị giá hải quan. Đoàn đại biểu của Sudan cũng được yêu cầu cập nhật Bảng hỗ trợ nông nghiệp trong nước, bao gồm các thông tin trong năm 2016. Các bên cũng yêu cầu Sudan tiếp tục thường xuyên cập nhật và sửa đổi kế hoạch hành động lập pháp của mình.
Chủ tịch cho biết ông muốn tổ chức cuộc họp tiếp theo trong quý II năm nay.
Belarus nối lại các cuộc đàm phán gia nhập WTO
Các nước thành viên WTO hoan nghênh Belarus nối lại các cuộc đàm phán gia nhập WTO khi Ban Công tác về việc gia nhập của nước này gặp nhau ngày 22/2/2017 - 12 năm sau khi cuộc họp chính thức cuối cùng Ban.
"Trong 18 tháng qua, đã có những tín hiệu rõ ràng rằng Belarus coi việc gia nhập WTO là một trong những ưu tiên cho Chính phủ nước này. Các nỗ lực chính trị cấp cao từ Minsk đã tạo thêm động lực mới cho tiến trình và dành được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nước thành viên WTO ", Đại sứ Kemal Madenoğlu (Thổ Nhĩ Kỳ), Chủ tịch Ban công tác cho biết.
Tại cuộc họp của Ban công tác vào ngày 24/2 ( cuộc họp chính thức đầu tiên kể từ tháng 5/2005), ông Andrei Yeudachenka, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus, nhấn mạnh rằng thúc đẩy các cuộc đàm phán WTO là một ưu tiên của nước này và phù hợp với các quyết định của Tổng thống và Chính phủ thực hiện trong năm 2016. Ông nói: "Chúng tôi xem tư cách thành viên WTO như một công cụ cho sự hội nhập của Belarus vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia của chúng tôi cũng như là một yếu tố quan trọng của một môi trường đầu tư hấp dẫn. Ông nói thêm rằng năm 2017 là một năm quan trọng về quá trình gia nhập và Belarus đang mong chờ sự hỗ trợ của các thành viên WTO.
Chế độ ngoại thương và các quy định của WTO
Các thành viên của Ban Công tác rà soát các chế độ ngoại thương của Belarus trên cơ sở các dữ liệu do nước này cung cấp và các "yếu tố" trong bản dự thảo báo cáo dành cho Ban công tác do Ban Thư ký WTO chuẩn bị.
Các thành viên nêu ra một loạt ý kiến ​​và câu hỏi về các vấn đề liên quan đến chế độ ngoại thương của nước này, trong đó có sở hữu nhà nước và tư nhân, chính sách giá cả, quyền kinh doanh, tạo thuận lợi cho thương mại, cấp phép nhập khẩu, định giá hải quan, quy định xuất khẩu, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, vệ sinh và các biện pháp kiểm dịch thực vật và các quyền sở hữu trí tuệ. Chủ tịch Nhóm công tác đề nghị các thành viên để nộp văn bản câu hỏi / ý kiến ​​của họ vào ngày bằng 21/3/2017.
Các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường song phương
Belarus thông báo rằng họ đã kết thúc đàm phán thỏa thuận tiếp cận thị trường song phương với 10 nước thành viên WTO. Nước này cũng thông báo sự tham gia của các thành viên còn lại quan tâm đến các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường song phương đối với hàng hóa và dịch vụ. Chủ tịch Ban công tác kêu gọi tất cả các bên liên quan tiếp tục làm việc về vấn đề này trên cơ sở ưu tiên "nhanh chóng và mang tính xây dựng". Ông nói: "Tôi hy vọng rằng trong khoảng thời gian nối tiếp đến cuộc gặp tiếp theo của chúng tôi, chúng tôi sẽ được báo cáo về tiến bộ đáng kể và có thể chứng kiến nhiều thỏa thuận song phương được kết thúc hơn."
Phát triển lập pháp                  
Belarus cập nhật đến các nước thành viên về những phát triển pháp lý và tái khẳng định cam kết của mình về xây dựng chế độ thương mại phù hợp với các quy định của WTO.
Bước tiếp theo
Belarus đã được đề nghị gửi văn bản trả lời cho những câu hỏi của các nước thành viên, kế hoạch hành động lập pháp cập nhật, bản dự thảo có liên quan, các luật đã được thông qua và tài liệu bổ sung như cập nhật thông tin về hỗ trợ trong nước đối với nông nghiệp, thương mại nhà nước và các khoản trợ cấp. Ban Thư ký WTO đã được yêu cầu chuẩn bị một dự thảo báo cáo cho Ban công tác để Ban Công tác xem xét trong cuộc họp tiếp theo.
 
New Zealand: Thỏa thuận mới của WTO đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ
Ngày 23/2, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nhận định một thỏa thuận mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giúp hoạt động trao đổi mậu dịch dễ dàng hơn là một thắng lợi lớn đối với tự do hóa thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Trong một thông báo, ông McClay hoan nghênh việc thực thi Thỏa thuận tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) của WTO. Ông nêu rõ đây là một thắng lợi đối với tự do thương mại và WTO trong bối cảnh mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. TFA giúp giảm chi phí, thời gian và thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động trao đổi thương mại.
Thỏa thuận trên sẽ làm lợi cho tất cả các nhà xuất khẩu New Zealand, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các nhà xuất khẩu nông sản New Zealand cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể nhờ một điều khoản đẩy nhanh tiến độ thông quan xuất khẩu nông sản trong thời gian ngắn nhất có thể.
TFA được thông qua tại New Zealand năm 2015, theo đó đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như xóa bỏ một số rào cản chính mà các nhà xuất khẩu gặp phải khi kinh doanh ở nước ngoài./.
 
Hành trình cải cách sau chặng 10 năm WTO
Điều tôi tiếc nhất là trong 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chúng ta đã phần nào khai thác được cơ hội từ hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội cải cách để phát triển kinh tế theo hướng thị trường hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, công bằng và bền vững hơn.
Nhìn lại 10 năm qua, có thể thấy hai lĩnh vực nước ta tương đối thành công khi tham gia WTO là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực khác về kinh tế, chúng ta không đạt được kết quả mong muốn.
Về nhập khẩu, mức độ tăng nhập khẩu đã vọt lên, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu, khiến cho một mặt nhập siêu tăng cao, mặt khác nhiều ngành hàng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh rất nặng nề trước sự lấn sân trên thị trường trong nước của hàng ngoại.
Về dòng vốn, trong khi vốn đầu tư từ bên ngoài tăng mạnh và các dòng vốn từ trong nước cũng tăng lên, chúng ta lại không trung hòa và lái được những dòng vốn đó vào đầu tư phát triển những ngành căn cơ cho nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng... mà lại để chúng đổ dồn quá nhiều vào những hoạt động mang tính đầu cơ trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, góp phần đẩy lạm phát và lãi suất tín dụng lên cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và những khó khăn lớn cho đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông dân và dân cư.
Về phát triển doanh nghiệp, cạnh tranh và thị trường rộng mở hơn đã giúp nhiều doanh nghiệp trong nước trưởng thành lên và phát triển tốt hơn, song môi trường kinh doanh chưa bằng phẳng lại khiến phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa bị chèn ép quá mức, đến nỗi không những không lớn lên được mà còn teo tóp đi.
Ngay trong hai lĩnh vực tương đối thành công là xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, cũng có không ít vấn đề, như cơ cấu xuất khẩu nặng về hàng nguyên liệu thô và gia công, giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc nặng vào một số ít thị trường; đầu tư nước ngoài chủ yếu khai thác cơ hội thị trường trong nước và xuất khẩu dựa trên lao động giá rẻ, tài nguyên, ưu đãi thuế, gần như không chuyển giao công nghệ và rất ít kết nối với doanh nghiệp trong nước...
Những vấn đề nêu trên không phải do bản thân WTO gây ra, mà đều có nguyên nhân chính là nội lực của ta yếu, và chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội cải cách theo yêu cầu từ bên trong và việc tham gia WTO để phát triển kinh tế theo hướng thị trường hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, công bằng và bền vững hơn.
Trong 5-6 năm trước khi tham gia WTO, chúng ta đã có những cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, với hàng loạt đạo luật mới, quan trọng được ban hành hoặc sửa đổi, dựa trên những nguyên tắc và quy định cơ bản của WTO. Cuộc cải cách hành chính cũng được khởi xướng và bước đầu thực hiện, nhằm nâng năng lực quản lý nhà nước ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Nhờ đó nền kinh tế đã vượt qua những khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực và những cải cách từ đầu đổi mới đã tới giới hạn (như các chính sách đối với khu vực tư nhân trong nước, thuế, thương mại, đất đai, tín dụng, chính sách cạnh tranh...), khai thác tốt cơ hội từ hiệp định thương mại song phương với Mỹ, tăng trưởng khá cao và ổn định, tạo nền tảng cho nước ta gia nhập WTO. Chúng ta đã kỳ vọng tham gia WTO tạo thêm động lực, áp lực và nguồn lực mới để cải cách mạnh hơn, đạt kết quả cao hơn trong việc hình thành thể chế kinh tế thị trường đầy đủ ở nước ta.
Tiếc rằng sau khi tham gia WTO, chúng ta không tiếp tục thực hiện tốt những cải cách thể chế đã có, cũng không tận dụng được những cam kết với WTO để thúc đẩy cải cách, đặc biệt trong những lĩnh vực quan trọng như doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đầu tư công, hình thành các thị trường nhân tố như vốn, đất đai, lao động, công nghệ... hay phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
Ví dụ như với DNNN, thay vì thực hiện ba cam kết với WTO, chúng ta lại thúc đẩy hình thành một loạt tập đoàn kinh tế và DNNN quy mô lớn, dồn các nguồn lực và cơ hội kinh doanh vào đây, biến một số trong đó thành nơi ẩn náu để né tránh cổ phần hóa và tạo điều kiện hình thành hàng loạt doanh nghiệp tư nhân “sân sau”. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, chúng ta lại ứng phó bằng cách đổ ra một gói kích cầu quá lớn và tăng đầu tư của Nhà nước và DNNN. Mong muốn đạt tốc độ tăng trưởng cao và quy mô lớn trong một số lĩnh vực đã dẫn tới những hậu quả mang tên Vinashin, những dự án lớn trong các lĩnh vực thép, lọc dầu, bất động sản... trong đó vẫn gắn với cơ chế xin - cho, ưu đãi, bảo hộ... chứ không dựa theo các nguyên tắc cạnh tranh, phân bổ nguồn lực hiệu quả theo tín hiệu thị trường. Do vậy, cơ chế kinh tế vẫn mang nặng tính xin - cho, môi trường kinh doanh trong nước dù có cởi mở hơn cũng vẫn thiếu minh bạch, bình đẳng, tạo cơ sở cho các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu lớn nhỏ hình thành, gây nên những méo mó trong cơ cấu nhiều mặt.
Xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thực tế đã tăng lên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra cuối năm 2008. Vài năm gần đây, xu hướng khu vực hóa với các hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng lên để các nước liên quan giải tỏa phần nào những tắc nghẽn trong các vòng đàm phán của WTO. Giờ đây Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nước theo xu hướng dân túy đang kích hoạt xu hướng bảo hộ mậu dịch mới. Thực tế này chắc chắn làm cho hành trình mở cửa, hội nhập của Việt Nam khó khăn hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất quyết định khả năng hội nhập và sự phát triển của nước ta về lâu về dài vẫn là nội lực. Không có nội lực mạnh, thì hội nhập cũng không thể thành công như mong muốn. Trên thế giới này, chẳng có nước nào phát triển được chỉ bằng sức mạnh từ bên ngoài, bởi lẽ sức mạnh từ bên ngoài có thể giúp tăng trưởng, nhưng lại đẩy vào vị thế phụ thuộc, và không thể có phát triển đúng nghĩa.
Nội lực ở nước ta, như suốt 30 năm đổi mới và 10 năm tham gia WTO cho thấy, chỉ có thể tăng cường một cách bền vững bằng cách thực hiện cuộc cải cách thể chế tối cần thiết bên trong nền kinh tế của mình. Vì vậy, sau 30 năm đổi mới và 10 năm tham gia WTO, chúng ta lại đang khát khao một cuộc đổi mới lần thứ hai để đưa đất nước đi lên trong những năm tới.
 
Trung Quốc cáo buộc Mỹ vi phạm quy tắc WTO với chủ nghĩa bảo hộ
Theo AFP, truyền thông đưa tin Trung Quốc ngày 4/2 đã cáo buộc Mỹ áp dụng “chủ nghĩa bảo hộ” và vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu sau khi Washington áp các mức thuế cao đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Wang Hejun, quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nói: "Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng việc phớt lời nhiều bằng chứng do các công ty Trung Quốc cung cấp, đồng thời đã đối xử họ một cách không công bằng chỉ vì họ là các doanh nghiệp nhà nước."
Ông khẳng định: "Căn nguyên của những thách thức hiện nay mà lĩnh vực thép đang phải đối mặt là nền kinh tế thế giới ảm đạm và nhu cầu sụt giảm. Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu chứ không phải áp dụng chủ nghĩa bảo hộ.”
Trước đó hôm 2/2, Bộ Thương mại Mỹ đã áp các mức thuế từ 63-190% đối với những công ty xuất khẩu của Trung Quốc mà Washington cáo buộc bán sản phẩm với mức giá thấp hơn giá trị hợp lý hoặc được trợ giá một cách không công bằng./.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Canada cam kết tài trợ 700.000 CAD để tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm của các nước đang phát triển
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Các thành viên tiếp tục thảo luận về việc mở rộng Quyết định TRIPS sang lĩnh vực điều trị và chẩn đoán
 Ủy ban môi trường thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành viên, xem xét các đề xuất để tăng cường công việc
 Uzbekistan mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán gia nhập WTO
 Phó Tổng Giám đốc Zhang chào đón nhóm thực tập sinh mới từ các nước đang phát triển, LDCs tại trụ sở WTO
 Các nước tham gia Đối thoại về Nhựa thảo luận về kết quả MC13, hoan nghênh sự đồng tài trợ của Mỹ
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Các thành viên chia sẻ kinh nghiệm về quy định môi trường, tiêu chuẩn khí hậu và mặt hàng nhựa
 Seychelles là thành viên WTO đầu tiên từ châu Phi chính thức chấp nhận thỏa thuận trợ cấp đánh bắt cá
 Các thành viên WTO thảo luận về đóng góp của Hội đồng Dịch vụ trong việc thực hiện các kết quả MC12
 Phó Tổng Giám đốc Zhang phát biểu tại Hội nghị LDC5: Đã đến lúc tăng cường sự hội nhập của các nước LDCs vào hệ thống giao dịch thương mại
 Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala: Mang lại những kết quả có ý nghĩa tại MC13 “không ngoài tầm với của chúng tôi”
 Đàm phán tạo thuận lợi đầu tư thúc đẩy hoàn thiện văn bản đàm phán
 Phó Tổng Giám đốc Zhang kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực gấp đôi để cải thiện phúc lợi của các nước kém phát triển nhất


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710740639