Thứ bảy, 20-4-2024 - 16:35 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng Giám đốc WTO Azevêdo: Để hiện đại hóa WTO, chúng ta cần có tầm nhìn và quyết tâm 

 Thứ tư, 5-2-2020

AsemconnectVietnam - Ngày 4/2/2020, phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội thương mại quốc tế Washington (WITA), Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo cho rằng các quy định của WTO đã mang lại sự ổn định và dễ dự đoán cho thương mại thế giới nhưng WTO cần phải thích nghi với tình hình mới nếu vẫn muốn duy trì vai trò là một thực thể hiệu quả trong những năm tới.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và các bên liên quan vạch ra tầm nhìn và quyết tâm thực thi những thay đổi cần thiết để hiện đại hóa tổ chức. Sau đây là nội dung bài phát biểu của Tổng Giám đốc Roberto Azevêdo:
Xin chào mọi người,
Washington là nơi tôi bắt đầu sự nghiệp ngoại giao. Tôi có những kỷ niệm đáng nhớ về thời kỳ đó và mỗi lần trở lại nơi này luôn luôn là một niềm vui đối với tôi. Cảm ơn các đại biểu và WITA đã có lời mời tôi tham gia Hội nghị hôm nay.
Lời đầu tiên, tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương tới cựu Tổng Giám đốc WTO Mike Moore, người đã qua đời vào cuối tuần qua sau một thời gian dài điều trị bệnh. Trước nhiệm kỳ tại WTO, ông Mike Moore từng là Bộ trưởng Thương mại và Thủ tướng New Zealand và đã kết thúc sự nghiệp nổi bật của mình với tư cách là Đại sứ New Zealand tại Washington. Ông đã cam kết thúc đẩy vì một WTO mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, dù là nước lớn hay nước nhỏ.
Hệ thống giao dịch toàn cầu mà chúng ta đã quen thuộc trong hơn 70 năm qua không được xây dựng một cách tình cờđược xây dựng một cách có chủ ý từ một sự thấu hiểu rằng: nếu thiếu vắng sự hợp tác trong quan hệ kinh tế quốc tế, mọi người đều bị bỏ rơi và cơ hội tăng trưởng sẽ bị mất đi.
Tôi không đến đây để cung cấp một bài học lịch sử về hệ thống thương mại đa phương. Rất nhiều đại biểu trong căn phòng này sẽ làm việc đó tốt hơn tôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh là giá trị mà hệ thống rõ ràng này cung cấp. Giá trị chính là hòa bình, thịnh vượng và sự phụ thuộc lẫn nhau đã được hoạt động thương mại thúc đẩy. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng lợi mỗi ngày từ sự chắc chắn và dễ dự đoán về việc tiếp cận các sản phẩm và thị trường. Hơn 75% giao dịch hàng hóa thế giới hiện tại được tiến hành dựa trên các điều khoản MFN không phân biệt đối xử của WTO (nếu chúng ta coi Liên minh châu Âu là một nền kinh tế duy nhất). Tất cả các hiệp định thương mại song phương và khu vực chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch. Ngay cả trong các điều khoản ưu đãi của các hiệp định thương mại này, các quy tắc của WTO vẫn có mặt, mang lại sự ổn định và dễ dự đoán. Khi giao dịch thương mại trôi chảy sẽ giúp giữ cho các động cơ kinh tế hoạt động. Sự xói mòn gần đây của tính dễ dự đoán và sự chắc chắn đã làm cho giá trị của hệ thống trở nên rõ ràng hơn.
Hiện nay, chúng ta có thể sống mà không dự đoán được điều kiện giao dịch không? Chắc chắn là thế giới sẽ không tuyệt vọng vì sự không chắc chắn của chính sách thương mại nhưng sẽ có một cái giá phải trả. Nếu không có khả năng dự đoán, tăng trưởng và việc làm mới sẽ chậm hơn và mong manh hơn so với trước. Các quyết định đầu tư và tiêu dùng sẽ bị hoãn lại, nhiều trong số đó là vô thời hạn. Tất cả điều này sẽ làm tăng trưởng thấp hơn và giảm tiềm năng trong tương lai.
Tăng trưởng thấp hơn dường như không tạo ra sự khác biệt lớn từ năm này sang năm khác. Tuy nhiên, trong một thập kỷ, sự khác biệt đó khá lớn. Qua một thế hệ, sự khác biệt đó trở nên rất lớn. Triển vọng kinh tế của con cháu chúng ta sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Trong trường hợp suy thoái nghiêm trọng, chi phí ngắn hạn của sự khó dự đoán trong quan hệ thương mại sẽ tăng mạnh. Các chính phủ cung cấp các gói kích thích tài khóa và tiền tệ cùng với các chính sách gia tăng chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ làm tổn hại đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế ban đầu của họ. Kết quả chung sẽ là làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp chống suy thoái kinh tế của tất cả các nước.
Vì vậy, hệ thống thương mại đa phương rất đáng để giữa gìn. Điều đó không có nghĩa là luôn giữ như lúc ban đầu mà có những lĩnh vực, quy định cần phải cải cách.
Trong 25 năm kể từ khi WTO được thành lập, thương mại toàn cầu tăng gấp ba lần về số lượng. Số lượng rào cản thương mại đã giảm. Tỷ lệ nghèo đã chạm mức thấp lịch sử.
Thế giới đã thay đổi theo những cách mà hiếm khi có thể tưởng tượng được. Các tác nhân chính trong nền kinh tế toàn cầu có những mô hình kinh tế khác nhau.
Phần lớn các quy tắc của WTO bắt nguồn từ Vòng đàm phán Uruguay. Vòng đàm phán này đã kết thúc tại Strasbourgesh vào tháng 4 năm 1994. Đó là bốn năm trước khi hãng Google được thành lập.
Điều này có ý nghĩa với WTO là khi tổ chức này muốn tồn tại như một thực thể hiệu quả trong những năm tới thì sẽ cần phải thích nghi. Thích nghi với việc thực tế thay đổi sẽ không phải là một việc nhất thời mà là một quá trình liên tục, liên tục.
Tôi đã nói điều này kể từ ngày đầu tiên tôi nhậm chức vào năm 2013: hệ thống phải tạo ra khả năng luân chuyển hàng hoá nhiều hơn và nhanh hơn. Các quy tắc của WTO phải bao trùm tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh tế xuyên biên giới.
Và chúng tôi đã làm được điều này. Thỏa thuận thuận lợi hóa thương mại được ký kết năm 2013 là một sự thúc đẩy các giao dịch toàn cầu, tăng kim ngạch thương mại thêm hơn một nghìn tỷ đô la Mỹ. Năm 2015, các thành viên đã đồng ý xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp - một biến dạng lớn trong thương mại nông nghiệp. Cùng năm đó, một nhóm khoảng 50 thành viên đã đồng ý mở rộng Thỏa thuận công nghệ thông tin đa phương, cắt giảm thuế đối với màn hình cảm ứng, vi mạch thế hệ mới, thiết bị GPS và các sản phẩm công nghệ thông tin khác trị giá khoảng 1.300 tỷ đô la Mỹ.
Đây là những thay đổi quan trọng nhưng không đủ. Chúng ta cần phải đi xa hơn.
Trừ khi chúng ta tiếp tục cải cách, các khu vực màu xám trong quy tắc thương mại sẽ tiếp tục mở rộng và sẽ trở thành nguồn cơn gây căng thẳng.
Trên thực tế, một số chính sách chuyên biệt và các thỏa thuận song phương mà chúng ta thấy ngày nay có thể không bao giờ xảy ra nếu chúng ta đã làm nhiều hơn để cập nhật hệ thống. Sự bế tắc trong giải quyết tranh chấp là một trường hợp. Nhiều thành viên, không chỉ Mỹ, không hài lòng với các khía cạnh khác nhau về cách thức Cơ quan phúc thẩm hoạt động. Tôi hy vọng rằng các thành viên sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để cải thiện quy trình kháng cáo hai bước hiện nay.
Sự phát triển và cải cách đã là một phần của hệ thống thương mại đa phương kể từ khi được tạo ra vào những năm 1940. Hệ thống này đã kết nạp các thành viên mới và giải quyết các vấn đề mới. Các chính phủ đã tìm ra những cách thức mới để giải quyết nhiều vấn đề, từ trợ cấp và các chính sách phi thuế quan đến việc tạo ra các quy tắc trong các lĩnh vực như dịch vụ và sở hữu trí tuệ.
Đó là lý do tại sao tôi có thể báo cáo rằng ngoài các vấn đề còn ảm đạm, các thành viên WTO đã tiến lên trên nhiều mặt trận. Ở cấp độ đa phương, họ đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận hạn chế trợ cấp thủy sản, đóng góp cho sự phát triển bền vững của các đại dương và đang xem xét làm thế nào để tự do hóa, giảm bớt những biến dạng trong thương mại nông nghiệp.
Đồng thời, các nhóm thành viên WTO đang tìm kiếm các quy tắc tiềm năng trong tương lai về thuận lợi hoá đầu tư, thương mại điện tử và loại bỏ các quy định trong nước có thể gây cản trở không cần thiết cho thương mại dịch vụ. Những "sáng kiến ​​tuyên bố chung" này, như thường được gọi, là để giải quyết các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế thế kỷ 21 và cũng đại diện cho một cuộc cách mạng thầm lặng trong cách các chính phủ đàm phán tại WTO. Các thành viên có cùng chí hướng có thể tự do theo đuổi các vấn đề mà không bị các nước khác cản trở. Đồng thời, không ai bị buộc phải tham gia bất cứ chính sách gì họ không muốn.
Chẳng hạn, các cuộc đàm phán thương mại điện tử, quy tụ 82 thành viên, chiếm khoảng 90% thương mại toàn cầu, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Việc thiết lập các quy tắc giao dịch chung sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch điện tử và thương mại kỹ thuật số và có thể giúp quản lý quan hệ căng thẳng về công nghệ.
Đối với tất cả các quá trình này, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO, vào tháng 6/2020 này tại Kazakhstan, sẽ là một bước ngoặt quan trọng. Hội nghị này sẽ tạo ra một bộ quy tắc mới ấn tượng, nằm trong tầm tay của các thành viên. Những điều này sẽ đi một chặng đường dài hướng tới định hình tương lai WTO trong 25 năm tới.
Tất nhiên, câu hỏi thực sự không phải là liệu chúng ta có cần thay đổi WTO hay không mà là liệu chúng ta có thể thực hiện được những thay đổi cần có.
Thực tế là sự thay đổi trong các thể chế đa phương là khó khăn. Điều đó khó gấp đôi đối với các tổ chức như WTO, nơi mọi điều chỉnh trong các quy tắc đều có tác động kinh tế cụ thể, đe dọa lợi ích của một số nước ngay cả khi tạo ra cơ hội cho những nước khác.
Các chuyên gia kỹ thuật của WTO không thể tự làm điều đó. Chúng tôi cần sự vào cuộc của các nhà lãnh đạo chính trị và các bên liên quan.
Về phần tôi, tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo mỗi khi tôi có cơ hội. G20 đã tán thành cải cách WTO. Hiện nay, việc có được sự đồng ý 164 thành viên WTO thực sự rất phức tạp.
Tuy vậy, vấn đề toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu.
Nhìn về tương lai, tôi chắc chắn rằng các thành viên WTO đã sẵn sàng để thay đổi, muốn cải cách hệ thống mà chúng ta có - không vứt bỏ và cố gắng bắt đầu lại từ đầu. Chúng ta đã có một nền tảng vững chắc đã thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và tăng sức mua trong nhiều thập kỷ nhưng một vài lớp sơn mới sẽ là không đủ, chúng ta cần thay đổi cấu trúc.
Tất cả các đại biểu ở đây đều có một vai trò - doanh nghiệp, học giả và quan chức chính phủ. Chúng tôi cần sự tham gia của các đại biểu không chỉ để nói những điều tốt đẹp về hệ thống hoặc chỉ ra sai sót mà để hiện đại hóa WTO. Việc này chúng ta cần có tầm nhìn và quyết tâm.
Chúng ta cần xắn tay áo và thực hiện ngay.
Cảm ơn
các đại biểu.

Long Giang
Nguồn: Vitic/ wto.org
 

  PRINT     BACK
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Các thành viên tiếp tục thảo luận về việc mở rộng Quyết định TRIPS sang lĩnh vực điều trị và chẩn đoán
 Ủy ban môi trường thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành viên, xem xét các đề xuất để tăng cường công việc
 Uzbekistan mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán gia nhập WTO
 Phó Tổng Giám đốc Zhang chào đón nhóm thực tập sinh mới từ các nước đang phát triển, LDCs tại trụ sở WTO
 Các nước tham gia Đối thoại về Nhựa thảo luận về kết quả MC13, hoan nghênh sự đồng tài trợ của Mỹ
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Sự kiện về tiêu chuẩn khử cacbon thúc đẩy tính minh bạch và gắn kết trong ngành thép
 Các thành viên WTO thúc đẩy sự tham gia của các nước LDCs vào chuỗi cung ứng toàn cầu
 Đàm phán thương mại điện tử bước vào vòng cuối cùng, Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia sáng kiến
 Các nước tham gia Đối thoại Nhựa chuẩn bị nền tảng để đạt được kết quả tại MC13
 Tổng Giám đốc WTO kêu gọi sự hỗ trợ của các Bộ trưởng các nước vùng Vịnh để thực hiện các kết quả MC12 và vạch ra lộ trình đến MC13
 Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức Thương mại và Giới trình bày dự thảo kế hoạch hoạt động cho năm 2023
 Phó Tổng Giám đốc Ellard: Công nghệ mang đến những thách thức và cơ hội cho tương lai của thương mại
 Phó Tổng Giám đốc González: “Cải cách WTO là thúc đẩy thương mại bền vững và toàn diện”


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710741640