Thứ sáu, 19-4-2024 - 6:27 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 1/2020 

 Thứ sáu, 31-1-2020

AsemconnectVietnam - Trong tháng 1/2020, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

WTO: 25 năm thách thức và khủng hoảng 
Vào ngày 01/01/2020, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ đánh dấu tròn 25 năm tồn tại kể từ khi được thành lập ngày 01/01/1995. Kỷ niệm chặng đường ¼ thế kỷ là sự kiện lớn đối với tổ chức này với những đóng góp nhằm thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, ngay trước dấu mốc 25 năm tồn tại, trong tháng 12/2019, một chức năng quan trọng của WTO về giải quyết tranh chấp thương mại đã bị tê liệt. Mỹ đã chọn đưa Cơ quan phúc thẩm WTO, cơ quan xét xử cao nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu, vào tình trạng tê liệt trong thời điểm hiện tại. Kể từ bây giờ, các biện pháp thương mại bất hợp pháp do Mỹ và các quốc gia khác áp đặt sẽ không được giải quyết một cách độc lập.
Có lẽ WTO đang đối mặt thách thức lớn nhất trên mặt trận đàm phán. Nhóm các quốc gia hùng mạnh do Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada và Australia dẫn đầu đang dần biến cơ quan thương mại thành một tổ chức thương mại đa phương bằng cách tiến hành đàm phán trong các lĩnh vực lợi ích cốt lõi của họ. Ví dụ, Mỹ muốn đảm bảo rằng các công ty công nghệ GAFA (Google, Amazon, Facebook và Apple) cùng với Microsoft tiếp tục thống trị thương mại điện tử toàn cầu thông qua các quy tắc mới đảm bảo các quốc gia không áp dụng thuế đối với giao dịch truyền điện tử, hoặc quy định điều kiện lưu trữ dữ liệu trong các máy chủ trong nước.
Trung Quốc, cùng với một nhóm các quốc gia khác, muốn tạo ra một thỏa thuận nhiều bên về tạo thuận lợi đầu tư bất chấp sự phản đối của nhiều nước, bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ. Australia, EU, Canada, Nhật Bản và các nước khác đang cố gắng tạo ra một thỏa thuận về quy định trong nước đối với các dịch vụ làm suy yếu các cuộc đàm phán đa phương bắt buộc đang được Ban Công tác về Quy định trong nước (WPDR) tiến hành. Một thỏa thuận nhiều bên khác để hoàn thiện các nguyên tắc đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) đang được đàm phán bởi một nhóm các quốc gia khác nhau. Ngay sau đó, thậm chí có thể có một thỏa thuận nhiều bên về môi trường. Các thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia luôn bị chi phối bởi những nước chính và phần lớn những nước tham gia sẽ có ít hoặc không có tiếng nói. Mặc dù có sự gia tăng các thỏa thuận nhiều bên hiện đang được đàm phán, Mỹ và các đồng minh cũng nhấn mạnh phải có các thỏa thuận đa phương phù hợp với lợi ích của họ. Mỹ muốn có một thỏa thuận đa phương mạnh mẽ để cấm trợ cấp thủy sản mà không có sự đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển.
Là một phần của cải cách WTO, việc đưa ra các yêu cầu thông báo và minh bạch về trừng phạt đang được đặt ra. Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc, cùng với những quốc gia khác, đã phản đối quyết liệt các điều khoản này với lý do họ vi phạm Hiệp định Marrakesh về thành lập cơ quan thương mại toàn cầu. Mỹ đang dẫn đầu về việc đưa các điều khoản xói mòn này. Đáng lo ngại hơn, Mỹ, EU và Nhật Bản và các quốc gia khác muốn loại bỏ các nguyên tắc cốt lõi như ra quyết định dựa trên sự đồng thuận và linh hoạt đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển.
Như Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo đã nhấn mạnh, các quy tắc ràng buộc đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Kể từ năm 1995, giá trị của thương mại thế giới tính theo đôla Mỹ đã tăng gần gấp bốn lần, trong khi khối lượng thương mại thế giới thực sự đã tăng gấp 2,7 lần. Điều này vượt xa mức tăng gấp hai lần GDP của thế giới cùng giai đoạn đó.
Trong khuôn khổ WTO, thuế quan trung bình đã giảm gần một nửa ở cả các nước phát triển và đang phát triển từ 10,5% xuống còn 6,4%. Thương mại dịch vụ đã phát triển nhanh hơn thương mại hàng hóa và thương mại kỹ thuật số cũng theo xu hướng tương tự. Đối với hàng chục nền kinh tế gia nhập WTO sau khi tổ chức này được thành lập, việc gia nhập liên quan đến các cải cách sâu rộng và các cam kết mở cửa thị trường đã thúc đẩy thu nhập quốc gia trong dài hạn. Hiện WTO có 164 thành viên đại diện cho 98% thương mại toàn cầu. Các điều kiện thị trường có thể dự đoán, được thúc đẩy bởi tổ chức này đã cho phép sự gia tăng của các chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở di chuyển các thành phần và dịch vụ liên quan trên nhiều địa điểm, các doanh nghiệp đã có thể phân chia sản xuất giữa các quốc gia và khu vực.
WTO đã tạo điều kiện cho thương mại, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển, bất chấp các quy tắc thay đổi của thương mại. Ý tưởng thúc đẩy thương mại đa phương bằng cách này hay cách khác đã giúp tăng trưởng thương mại ở các nước đang phát triển. WTO đã có rất nhiều thỏa thuận thuận lợi hóa thương mại được quyết định trên các diễn đàn cho phép các nước kém phát triển nhất được hưởng lợi từ các thị trường miễn thuế, không có hạn ngạch. Các quốc gia hùng mạnh hiện có những lợi ích khác nhau đang gây thách thức các nguyên tắc thương mại toàn cầu mà WTO đã thúc đẩy trong những năm qua.
Chương trình nghị sự của Doha là một trong những hiệp định thương mại đã tạo ra sự khác biệt nghiêm trọng giữa các quốc gia đang phát triển, thách thức năng lực và vai trò của WTO. Nó được khởi xướng năm 2001, là vòng đàm phán mới nhất nhằm đạt được những cải cách lớn của hệ thống thương mại quốc tế thông qua việc đưa ra các rào cản thương mại thấp hơn và các quy tắc sửa đổi. Nhiều nước đang phát triển nghĩ rằng chương trình nghị sự này hứa hẹn những thay đổi thương mại lớn trong nông nghiệp, dịch vụ và sở hữu trí tuệ, nhưng sau nhiều cuộc đàm phán thất bại, không còn hy vọng nào.
Sau ¼ thế kỷ, WTO cũng đang đối mặt với các mối đe dọa đặc biệt là từ các nước phát triển, đặc biệt trong hai năm qua, đã yêu cầu cải cách tổ chức này. Mỹ, EU, Ấn Độ, Mexico, tất cả đều đang thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới. Điều đó đã dẫn đến các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cáo buộc lẫn nhau về các hoạt động thương mại không công bằng và tiến xa hơn để áp thuế lên hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của nhau.
Không thể phủ nhận những thách thức mà WTO đang phải đối mặt ngày hôm nay, đặc biệt là việc đưa ra các hạn chế thương mại của một số chính phủ trong hai năm qua, ảnh hưởng đến 747 tỷ USD hàng nhập khẩu toàn cầu vào năm 2019. Sự không chắc chắn gia tăng về điều kiện thị trường đang khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, cân nhắc tăng trưởng và tiềm năng trong tương lai của các nền kinh tế. Làm thế nào các chính phủ thành viên WTO đối mặt với những thách thức này sẽ định hình quá trình của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới vẫn còn là câu hỏi cần lời giải đáp.
Mỹ và Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất khi gia nhập WTO 
Mỹ và Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn từ việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) so với các quốc gia thành viên khác.
Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố hôm 1/1/2020 trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang hướng tới một thỏa thuận thương mại nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại đã kéo dài nhiều tháng qua.
Nghiên cứu của quỹ Bertelsmann chỉ ra rằng tư cách thành viên WTO đã giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng khoảng 87 tỷ USD trong 25 năm quốc gia này gia nhập tổ chức.
Trong khi đó, Trung Quốc dù mới chỉ gia nhập từ năm 2001 nhưng GDP của quốc gia này cũng đã tăng 86 tỷ USD nhờ tư cách thành viên WTO.
GDP của Đức gia tăng 66 tỷ USD nhờ việc tham gia tổ chức thương mại đa phương này.
Trên toàn thế giới, nghiên cứu của Bertelsmann chỉ ra GDP của các thành viên WTO tăng trung bình 4,5% sau khi gia nhập tổ chức.
Tổng GDP gia tăng lên tới 855 tỷ USD, tương đương 1% GDP toàn cầu. Xuất khẩu của các quốc gia thành viên WTO tăng trung bình 14% từ năm 1980 tới 2016 trong khi xuất khẩu của các nước không phải thành viên WTO giảm gần 6%.
Theo quỹ Bertelsmann, cho tới nay, các quốc gia xuất khẩu và sản xuất lớn là những quốc gia hưởng lợi chính từ việc gia nhập WTO, trong đó có những quốc gia như Hàn Quốc và Mexico sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều hơn.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu có lĩnh vực sản xuất yếu hơn nên không hưởng lợi nhiều từ việc gia nhập WTO như những thành viên khác.
GDP của Pháp gia tăng khoảng 25 tỷ USD nhờ việc gia nhập WTO trong khi Anh hưởng lợi khoảng 22 tỷ USD, cả hai mức này đều thấp hơn mức tăng trung bình 4,5%.
Chuyên gia thương mại Christian Bluth cho rằng dù không tổ chức nào là hoàn hảo nhưng bất kỳ ai tin rằng có thể dựa vào hệ thống các thỏa thuận thương mại song phương thay vì dựa vào WTO, đều sẽ có nguy cơ đánh mất những lợi ích to lớn trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Với 164 quốc gia thành viên, WTO sẽ kỷ niệm chặng đường 25 năm thành lập và phát triển đầy chông gai vào ngày 1/1/2020.
Sinh nhật lần thứ 25 của WTO cũng là lúc tương lai tổ chức đang đối mặt nhiều thách thức khi Washington từ chối chỉ định các thẩm phán mới cho cơ quan phúc thẩm tranh chấp, qua đó cản trở quá trình giải quyết tranh chấp thương mại của WTO.
Cùng với đó, hai nền kinh tế thành viên lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc lại vừa nhất trí được các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một và có thể sẽ ký kết ngay trong tháng 1/2020.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết bà có kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong đầu năm 2020, với vấn đề thương mại là một trong những chủ đề thảo luận chủ yếu.

Long Giang
Nguồn: Vitic/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Sự kiện về tiêu chuẩn khử cacbon thúc đẩy tính minh bạch và gắn kết trong ngành thép
 Các thành viên WTO thúc đẩy sự tham gia của các nước LDCs vào chuỗi cung ứng toàn cầu
 Đàm phán thương mại điện tử bước vào vòng cuối cùng, Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia sáng kiến
 Các nước tham gia Đối thoại Nhựa chuẩn bị nền tảng để đạt được kết quả tại MC13
 Tổng Giám đốc WTO kêu gọi sự hỗ trợ của các Bộ trưởng các nước vùng Vịnh để thực hiện các kết quả MC12 và vạch ra lộ trình đến MC13
 Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức Thương mại và Giới trình bày dự thảo kế hoạch hoạt động cho năm 2023
 Phó Tổng Giám đốc Ellard: Công nghệ mang đến những thách thức và cơ hội cho tương lai của thương mại
 Phó Tổng Giám đốc González: “Cải cách WTO là thúc đẩy thương mại bền vững và toàn diện”
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về thành công của WTO, nhu cầu cải cách, mức độ phù hợp để giải quyết khủng hoảng khí hậu
 Xuất khẩu hàng trung gian tăng trưởng bền vững trong quý II/2022
 WTO ưu tiên cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về lợi ích của chủ nghĩa đa phương, rủi ro của chủ nghĩa đơn phương, cải cách WTO
 Các thành viên WTO nhất trí về Chương trình làm việc hỗ trợ hương mại giai đoạn 2023-2024
 Singapore đệ trình chính thức chấp thuận Hiệp định về trợ cấp nghề cá


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710706938