Thứ bảy, 20-4-2024 - 21:17 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 3/2018 

 Thứ bảy, 31-3-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 3/2018, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

'Không có dấu hiệu cho thấy Mỹ rời khỏi Tổ chức Thương mại thế giới' 
Ngày 28/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo khẳng định trên đài BBC của Anh rằng không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ rút khỏi tổ chức này và các cuộc đàm phán đang được tiến hành để ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, ông Azevedo nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn không thấy có dấu hiệu về việc Mỹ sẽ rời khỏi WTO. Dấu hiệu là con số 0."
Khi được hỏi liệu WTO có nên nghĩ đến một Kế hoạch B trong trường hợp Mỹ rút khỏi định chế này hay không, ông Azevedo nói  rằng ông đã không nghe thấy bất cứ điều gì về khả năng này. Ông Azevedo nêu rõ: "Mọi mối quan hệ mà tôi có trong chính quyền Mỹ đều đảm bảo với tôi rằng (Mỹ) sẽ (tiếp tục) tham gia."
Ông Azevedo cũng cho biết "các cuộc đàm phán đang diễn ra" để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu sau khi Mỹ thông báo quyết định áp các mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại của nước này.
Người đứng đầu WTO đã đưa ra nhận định trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã gọi WTO là một "thảm họa," và phàn nàn rằng Mỹ chỉ có một số ít các thẩm phán trong tổ chức này. Hồi năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Trump từng tuyên bố có thể rút Mỹ khỏi tổ chức này.
Các chính sách thương mại gần đây của chính quyền Mỹ đang vấp phải sự phản đối của nhiều thành viên WTO. Đầu tuần qua, sáu thành viên của WTO, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp phòng vệ do Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm pin Mặt Trời nhập khẩu và máy giặt gia đình với mức thuế cao hơn.
Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ giải thích cách thức tiến hành điều tra trước khi công bố các biện pháp tự vệ kể trên. EU có cùng quan điểm với Trung Quốc và lưu ý rằng Mỹ đã không sử dụng biện pháp này từ gần 15 năm qua. EU kêu gọi Mỹ “không thực hiện bất kỳ hành động hạn chế thương mại nào khác và sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp hơn nhằm hạn chế gây thiệt hại."
Các nước Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.
Hồi tháng 1 vừa qua, chính quyền Mỹ đã quyết định áp đặt mức thuế lên đến 50% đối với mặt hàng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ trong 3 năm và 30% đối với pin Mặt Trời trong 4 năm. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng vừa công bố áp đặt mức thuế suất mới 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu. Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Mỹ vấp phải sự phản đối của hàng loạt quốc gia vì nó có nguy cơ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu.
 
Tổng Giám đốc WTO Azevêdo tại Brazil: Cần hợp tác toàn cầu để vượt qua thách thức kinh tế
Ngày 15/3, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo đã thăm Brazil nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế thế giới Mỹ Latinh tại São Paulo. Tại đây, ông ca ngợi sự phục hồi bền vững của nền kinh tế Braxin và thảo luận về sự hợp tác thương mại và toàn cầu có thể giúp các nước vượt qua những thách thức kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và tạo việc làm.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, Tổng Giám đốc Azevêdo đã tham dự cuộc thảo luận bàn về "Hiệp định mới về Toàn cầu hoá" và một phiên có chủ đề "Thương mại điện tử: Mở rộng chân trời thương mại".
Tổng Giám đốc Azevêdo đã đến thăm thủ đô Brasília, gặp Tổng thống Michel Temer, Bộ trưởng Ngoại giao Aloysio Nunes, Bộ trưởng Tài chính Henrique Meirelles và nhiều quan chức Chính phủ cấp cao khác. Bên cạnh đó, tại São Paulo, Tổng Giám đốc Azevêdo cũng đã gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Marcos Jorge de Lima, Thống đốc Geraldo Alckmin và Thị trưởng João Doria.
Tổng Giám đốc Avezedo nói:
"Brazil đang trên đà hồi phục hoàn toàn, những con số kinh tế gần đây đã giúp tôi nhận ra triển vọng tích cực này.Tôi đảm bảo rằng hoạt động thương mại và WTO sẽ giúp hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Brazil. Tôi cũng nhấn mạnh với Chính phủ Brazil về tầm quan trọng của việc mở cửa thị trường, giảm hàng rào thương mại và và khôi phục nền kinh tế đất nước.
"Là một nước ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa biên, Brazil có vai trò quan trọng trong việc củng cố tổ chức của WTO và đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của các thành viên. Trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động mạnh như hiện nay, hợp tác toàn cầu vẫn rất cần thiết để vượt qua những thách thức kinh tế và duy trì sự ổn định, khả năng dự đoán và minh bạch của hệ thống thương mại đang phục vụ tất cả chúng ta".
WTO và ICC lựa chọn thêm ba đề xuất về 'các doanh nghiệp nhỏ'
Ngày 14/3, WTO và Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã công bố lựa chọn thêm ba đề xuất theo sáng kiến Nhà doanh nghiệp nhỏ của ICC-WTO. Các đề xuất đã được Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế (Anh), eBay (Mỹ), và Liên đoàn công nghiệp liên bang (Brazil) đưa ra bao gồm một loạt các chương trình đào tạo, các sáng kiến ​​xây dựng năng lực và các cuộc thi cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (MSMEs), sẽ được tiến hành trong những tháng tới.
Theo các đề xuất này, Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế sẽ tiến hành một cuộc thi mang tên 'Hướng đến Giải thưởng doanh nghiệp xuất khẩu quốc tế' nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ trên khắp thế giới kinh doanh trên trường quốc tế. Viện sẽ cung cấp hỗ trợ, đào tạo và các công cụ trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ kết hợp với nhau xây dựng các 'kế hoạch hành động tăng trưởng toàn cầu'. Các doanh nghiệp có kế hoạch hành động tốt nhất sau đó sẽ có cơ hội giới thiệu kế hoạch lên Ban giám khảo tại Diễn đàn công cộng WTO vào tháng 10 năm nay. 20 kế hoạch lọt vào vòng chung kết sẽ được đào tạo về kỹ năng xuất khẩu và những kế hoạch chiến thắng sẽ nhận được sự ủng hộ của Viện thực thi.
Đề xuất của eBay, "Sáng kiến ​​thị trường mới nổi của eBay", nhằm nâng cao nhận thức cho các cộng đồng doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển về những cơ hội mà thương mại điện tử trực tuyến mang lại các công ty độc lập để mở rộng lượng khách hàng. Để đạt được mục đích đó, Sáng kiến ​​tìm cách giúp đỡ MSME ở Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi thúc đẩy thị trường eBay để tiếp cận người tiêu dùng thị trường phát triển. Sáng kiến ​​này sẽ được thực hiện với sự hợp tác của các cơ quan xúc tiến và phát triển xuất khẩu. Sáng kiến này thúc đẩy các công ty MSME hướng tới mục tiêu sẵn sàng xuất khẩu, đào tạo các vấn đề thương mại trực tuyến quan trọng (kỹ năng tiếp thị, tiếp cận với thanh toán quốc tế, hậu cần qua biên giới, thuế/ quy định); eBay sẽ cung cấp một gói dịch vụ khuyến mại và hỗ trợ của eBay và giới thiệu những người tham gia dự án thành công.
Đề xuất của Liên đoàn công nghiệp liên bang Brazil nhằm cung cấp một loạt các công cụ hỗ trợ MSME, để hiểu rõ hơn, xác định và vượt qua những rào cản trong việc kinh doanh ở các thị trường nước ngoài. Trong khuôn khổ dự án "Doanh nghiệp nhỏ không có rào cản", Liên minh sẽ tiến hành một loạt các hoạt động, bao gồm: Khảo sát các doanh nghiệp nhỏ để xác định những khó khăn mà họ phải đối mặt khi tiến hành hoạt động thương mại quốc tế; tiến hành xây dựng lộ trình nâng cao năng lực tại 9 bang của Brazil và cung cấp thông tin và đào tạo thông qua các tài liệu quảng cáo, hướng dẫn, các khóa học trực tuyến và video.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo nói:
"Các đề xuất mà chúng tôi thông báo ngày hôm nay đến từ ba phần khác nhau của thế giới nhưng họ cùng chia sẻ mong muốn thực sự để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và giúp họ đạt được những kỹ năng cần thiết để tiến hành hoạt động thương mại quốc tế. Tôi đánh giá cao Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế (Anh), eBay (Mỹ), và Liên đoàn công nghiệp liên bang (Brazil) Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia đã sáng tạo, đưa ra các ý tưởng. Chúng tôi mong muốn nhìn thấy những dự án này được thực hiện và những tác động tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Tổng thư ký ICC John Danilovich nói:
"Mục tiêu của chúng tôi trong việc đưa ra sáng kiến ​​này vào năm ngoái là chứng tỏ khả năng và sự sẵn lòng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa thu được những lợi ích từ hoạt động thương mại toàn cầu. Ba đề xuất mới này từ Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế, eBay và Liên đoàn công nghiệp liên bang Brazil đã chứng tỏ quyết tâm của khu vực tư nhân giúp thúc đẩy hoạt động thương mại có tính toàn diện hơn. Tôi xin chân thành chúc mừng”.
Sáng kiến ​​Nhà doanh nghiệp nhỏ của ICC-WTO tạo nền tảng cho các công ty và các tổ chức khu vực tư nhân trên khắp thế giới đưa ra các ý tưởng thiết thực, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuyên biên giới.
Hạn chót để các bên nộp các ý tưởng thiết thực là vào tháng 12/2017. ICC và WTO hiện đang xem xét các ý tưởng đã được nộp và sẽ công bố ý tưởng cuối cùng được lựa chọn trong vài tuần tới.
Thông báo về ba ý tưởng này ngày hôm nay đưa tổng số đề xuất được lựa chọn lên sáu đề xuất. Ba đề xuất thành công đầu tiên do Google, Liên minh phòng thương mại Cộng hòa Macedonia và Mercado Libre đệ trình.
 
Khóa học nâng cao thứ 10 của WTO của WIPO về sở hữu trí tuệ cho các nhà hoạch định chính sách khai mạc tại Geneva
Ngày 12/3, WTO và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc Khóa đào tạo nâng cao kéo dài trong hai tuần về sở hữu trí tuệ cho các quan chức chính phủ. Khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực của các Chính phủ các nước đang phát triển phát triển và thực hiện chuyên môn quốc gia về vấn đề sở hữu trí tuệ (IP).
Khóa học này là khóa thứ 10 do WTO-WIPO đồng tổ chức và sẽ kéo dài đến hết ngày 23/3. 30 quan chức từ các nước đang phát triển đã tham gia khóa học.
Ông Mario Matus, Phó Tổng Giám đốc WIPO và ông Antony Taubman, Giám đốc Ban sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ và cạnh tranh thuộc WTO đã phát biểu khai mạc khóa học. Cả hai ông đã nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực về sở hữu trí tuệ, đào tạo các quan chức có kiến thức vững chắc về sở hữu trí tuệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở các nước đang phát triển để nâng cao nhận thức về các vấn đề sở hữu trí tuệ.
Các quan chức Chính phủ sẽ được cập nhật về các hoạt động xây dựng năng lực hiện có, các công cụ quản lý sở hữu trí tuệ của WIPO và WTO, sự hợp tác đa phương khác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và ý tưởng về vấn đề sở hữu trí tuệ với nhau và với hai Ban Thư ký. Khóa học được thiết kế để trang bị cho người tham gia những công cụ cần thiết để xây dựng và áp dụng các chính sách trong nước, đóng góp vào quá trình phát triển sở hữu trí tuệ ở mỗi nước.
Chương trình này tạo một nền tảng để xây dựng cơ chế đối thoại và thiết lập quan hệ vững chắc giữa các đồng nghiệp, thảo luận kinh nghiệm quốc gia và tư vấn về các chiến lược tốt nhất, đồng thời giúp các quan chức xây dựng các kỹ năng và kiến ​​thức cần thiết để làm việc với các bên liên quan khác ở cấp quốc gia và cập nhật, thiết kế và khai thác các hệ thống sở hữu trí tuệ để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và phát triển.
Đối tượng tham gia và chủ đề
30 người tham gia đã được lựa chọn từ các nước đang phát triển và được WIPO và WTO tài trợ. Một quan chức bổ sung từ một nước phát triển cũng được tham gia nhưng do chính nước này tài trợ. Quá trình lựa chọn cũng đã tính đến kiến ​​thức về sở hữu trí tuệ và đảm bảo sự cân bằng về địa lý và giới. Trong số những người tham gia, 14 người là phụ nữ.
Những người tham dự đến từ các nước: Algeria, Bangladesh, Belarus, Benin, Cuba, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Ai Cập, Ethiopia, Gambia, Guatemala, Jamaica, Jordan, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyz, Lào, Liberia, Mauritius, Myanmar, Nepal, Pakistan, Peru, Ả Rập Saudi, Serbia, Nam Phi, Sri Lanka, St. Kitts và Nevis, Thái Lan, Anh Quốc, Việt Nam và Zambia.
Các bài thuyết trình của chuyên gia, các cuộc thảo luận, thảo luận nhóm và các bài tập thực hành sẽ diễn ra trong hai tuần của khóa học bao gồm nhiều chủ đề như:
- Pháp luật, chính sách và các khía cạnh phát triển của sở hữu trí tuệ (IP);
- Điều ước và công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ;
- Sở hữu trí tuệ và mối quan hệ với phát triển kinh tế, thương mại quốc tế, y tế công cộng, công nghệ sinh học, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và chính sách cạnh tranh;
- Các thông lệ quốc tế hiện hành về quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, bằng sáng chế và bí mật thương mại;
- Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS);
- Những phát triển gần đây của WIPO và WTO về nguồn gen, kiến ​​thức truyền thống và văn hoá truyền thống;
- IP và thương mại điện tử, thảo luận về các phản ứng có tính pháp lý ở cấp quốc tế;
- IP và cơ chế giải quyết tranh chấp.
- Học hỏi từ các chuyên gia
Các đại biểu sẽ được nghe các bài phát biểu từ nhiều chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đến từ Cơ quan Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), Liên minh bảo vệ các giống cây trồng mới (UPOV), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ban Thư ký về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc và Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), đại diện giới học thuật và khu vực tư nhân.
Tổng Giám đốc Azevêdo: Đây là lúc chứng tỏ sự ủng hộ của chúng ta đối với hệ thống thương mại
Ngày 20/3, tại New Delhi, Tổng giám đốc Roberto Azevêdo đã tham dự một cuộc họp cấp Bộ trưởng không chính thức về các vấn đề WTO do Chính phủ Ấn Độ chủ trì.
Tổng Giám đốc Azevedo đã nêu bật những thách thức và cơ hội mà Tổ chức này phải đối mặt và kêu gọi các thành viên WTO thể hiện sự hỗ trợ chính trị và hợp tác để tăng cường hệ thống thương mại đa biên. Nhiều thành viên WTO đã tham dự cuộc họp, bao gồm Nhóm các nước kém phát triển nhất, Nhóm các nước thuộc các khu vực châu Phi, khu vực Caribe và Thái Bình Dương.
Tổng Giám đốc Avezedo nói:
Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là Bộ trưởng Prabhu, đã tổ chức cuộc họp Bộ trưởng không chính thức này. Tôi rất vui mừng vì Ấn Độ đã có những động thái như thế này ở vào một thời điểm quan trọng trong thương mại toàn cầu, cho thấy cam kết và sự lãnh đạo của Ấn Độ đối với hệ thống thương mại đa phương.
"Sau Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 vào tháng 12 vừa qua, các thành viên đã cam kết tiếp tục đàm phán về tất cả các vấn đề, bao gồm cả những lĩnh vực mà tiến trình đàm phán đã bị chậm lại kể từ khi tiến hành vòng đàm phán Doha. Nếu chúng ta muốn có tiến bộ về những vấn đề quan trọng này, chúng ta cần phải đối mặt với những vấn đề trước mắt. Những cam kết hỗ trợ cho hệ thống mà chúng ta thường được nghe cần phải thể hiện bằng những hành động cụ thể để. Hội nghị Bộ trưởng do Ấn Độ triệu tập lần này tạo ra các cơ hội giá trị, kịp thời chính là thể hiện cam kết đó.
"Điều này đặc biệt quan trọng đối với tình hình hiện tại.Trong những tuần gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng quay trở lại và trở thành mối quan tâm thực sự. Tôi đang thảo luận với tất cả các bên để cố gắng giải quyết tình hình này, tìm ra giải pháp cho bế tắc hiện tại trong việc đề cử thành viên cho Cơ quan Phúc thẩm. Đây là một mối quan tâm rất lớn đối với tất cả chúng ta vì giải quyết các tranh chấp là chức năng cơ bản của toàn bộ hệ thống thương mại.Tôi làm việc với các thành viên ở đây và kêu gọi họ tích cực tham gia tìm ra các giải pháp để tăng cường hệ thống thương mại đa biên và phải đảm bảo rằng hệ thống này mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu và ưu tiên của các thành viên.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, Tổng Giám đốc Avezedo cũng đã gặp Thủ tướng Narendra Modi, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Suresh Prabhu và có bài phát biểu tại Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ.
Tổng giám đốc WTO cảnh báo về kế hoạch áp thuế của Mỹ 
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo ngày 2/3 bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm, cho thấy một sự can thiệp cực kỳ hiếm hoi vào chính sách thương mại của một nước thành viên WTO.
“WTO rõ ràng lo ngại về việc Mỹ loan báo kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. Khả năng leo thang là thật, như chúng ta đã thấy từ những phản ứng ban đầu của các nước khác. Một cuộc chiến tranh thương mại không có lợi cho bất cứ ai. WTO sẽ theo dõi sát tình hình,” ông Azeved nói trong một phát biểu ngắn ngủi mà WTO công bố.
Ngày 2/3, ông Trump lên tiếng thách thức khi nói rằng chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thắng, sau khi kế hoạch của ông áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu khơi ra chỉ trích toàn cầu và khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm.
Ông Azevedo, người từng là nhà đàm phán thương mại của Brazil, thường phát biểu hết sức tế nhị và tránh chỉ trích bất kỳ thành viên nào của WTO. Ông nói việc các nước thành viên có sử dụng các quy định và hệ thống dàn xếp tranh chấp của WTO để giải quyết vấn đề hay không là tùy thuộc ở họ. Nhưng kế hoạch áp thuế của ông Trump được xem là mối đe dọa tiềm năng đối với chính hệ thống này, vì nó dựa trên tuyên bố về “an ninh quốc gia,” một lĩnh vực được miễn áp dụng các qui định của WTO.
Các nước thành viên WTO lâu nay tránh viện dẫn an ninh quốc gia vì sợ rằng nó có thể tạo ra một điều khoản miễn áp dụng những quy định vốn đã giúp quản lý thương mại của thế giới suốt gần 1/4 thế kỷ. Nếu việc sử dụng ngoại lệ an ninh quốc gia lan rộng, các tranh chấp thương mại tiềm năng khác mà trong đó nó có thể được sử dụng bao gồm tranh cãi về luật an ninh mạng của Trung Quốc và trong cuộc chiến tranh kinh tế giữa Nga và Ukraine.
Nguy cơ “an ninh quốc gia” trở thành một biện pháp phòng vệ thường xuyên chỉ là một trong những nguy cơ mà WTO đang phải đối mặt. WTO đã cố gắng cập nhật các quy định của mình kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1995.
WTO cũng đối mặt với nguy cơ Mỹ phủ quyết những người được bổ nhiệm vào ban phán xử, có thể làm tê liệt cánh dàn xếp tranh chấp của WTO.
 
Hàn Quốc hối thúc các thành viên WTO ứng phó chủ nghĩa bảo hộ thương mại 
Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, nước này đã hối thúc các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thực hiện những nỗ lực phối hợp hướng tới ứng phó tình trạng chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, trong đó có quyết định áp thuế của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu mới đây.
Ông Kim Chang-kyu, người đứng đầu Ủy ban Thương mại thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã tham dự hội nghị cấp bộ trưởng không chính thức của WTO tại New Delhi của Ấn Độ, trong hai ngày 19-20/3, để thảo luận những vấn đề thương mại mới nhất với đại diện của 50 quốc gia.
Quyết định áp thuế của Mỹ đối với thép và nhôm nhập khẩu đã “chi phối” hai ngày họp của hội nghị nói trên và mức thuế mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/3 tới.
Ông Kim Chang-kyu đã đồng tình với các quốc gia thành viên khác về ý kiến cho rằng mức thuế nói trên của Mỹ cần phải phù hợp với những quy định của WTO và kết hợp các cuộc đàm phán song phương và đa phương để ứng phó tốt hơn với tình trạng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Hàn Quốc đã vận động hành lang với Mỹ để được được miễn áp dụng mức thuế nói trên trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cảnh báo sẽ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Theo những ý kiến không ủng hộ, việc Mỹ viện tới Khoản 232 của Đạo luật Thương mại Mở rộng 1962 (hiếm khi được sử dụng) để áp đặt những hạn chế mới đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ tác động tiêu cực tới các quan hệ kinh tế trên toàn cầu và có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại lớn.
 
Việt Nam khiếu nại với WTO về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu tấm pin quang điện  
Việt Nam vừa đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu tham vấn với Mỹ về mức thuế nhập khẩu 30% đối với tấm pin năng lượng mặt trời, đồng thời đòi phía Mỹ bồi thường, PV Tech trích hồ sơ của WTO cho biết hôm 6/3.
Việt Nam chính thức tham gia khiếu kiện lên WTO cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc để đòi bồi thường về các biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ mới công bố hồi tháng Giêng đối với việc nhập khẩu mô-đun pin năng lượng mặt trời.
Cuối tháng trước, Philippines và Malaysia cũng đã đệ đơn khiếu nại về chính sách mới này sau khi Singapore, Đài Loan và EU đã đâm đơn khiếu nại.
Cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã đề xuất các hạn ngạch và thuế quan đối với việc nhập khẩu các sản phẩm quang điện tinh thể bán dẫn silicon vào thị trường nước này với lý do các sản phẩm nhập khẩu đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất PV quang điện của Mỹ, theo điều tra xác minh của USITC vào cuối tháng Chín.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Động thái này được cho là sẽ đẩy chi phí lắp đặt tấm PV ở Mỹ tăng lên.
Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều công ty sản xuất các sản phẩm quang điện trên thế giới.
Tháng 7 năm ngoái, công ty GCL System Integration Technology của Trung Quốc và công ty Vina Solar của Việt Nam cho biết đã bắt đầu hợp tác sản xuất pin PV tại Việt Nam. Nhà máy chưa được tiết lộ địa điểm này dự kiến sẽ có công suất 600 MW, trong đó có 330 MW dành cho việc sản xuất tế bào quang điện PERC.
Tháng trước, công ty Ecoprogetti của Ý cũng tiết lộ sẽ hoàn thành việc lắp đặt dây chuyền sản xuất PV với công suất 250 MW tại Việt Nam.
Một số công ty khác cũng công bố kế hoạch xây dựng các dự án PV quy mô lớn ở Việt Nam trong những tuần gần đây. Gần nhất là vào tháng trước, công ty Sunseap có trụ sở ở Singapore loan báo kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời với công suất 168 MW tại Ninh Thuận. Trong khi đó, tập đoàn Sharp của Nhật cũng thông báo sẽ thực hiện một dự án năng lượng mặt trời với công suất 48 MW tại Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam chưa tới 10 MW vào cuối năm 2016.
Trung Quốc là nước có nhiều công ty sản xuất pin quang điện nằm trong top hàng đầu thế giới, kế đó là Hàn Quốc, Mỹ.
Các kế hoạch mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự định tăng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là với sản phẩm nhôm, thép, đã tạo ra một làn sóng phản đối từ các thị trường quốc tế trong những ngày gần đây, khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về nguy cơ xảy ra “chiến tranh thương mại” vì chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ.
 
Tổ chức Thương mại Thế giới đối mặt với thách thức mới  
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được cho là sẽ giúp tránh được cuộc chiến thương mại gây ra bởi việc Mỹ đánh thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Kế hoạch tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ gây ra nhiều phản ứng tiêu cực và làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại-xung đột mà WTO được cho là sẽ giúp tránh được.
Nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng một điều khoản bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ đặt ra một thách thức chưa từng có đối với hệ thống giải quyết các tranh chấp của WTO, vốn đã bị suy yếu bởi sự phản đối của Washington đối với trọng tài thương mại quốc tế.
Giải quyết các tranh chấp tại WTO
Khi một quốc gia thông báo rằng họ sẽ phản đối một biện pháp thương mại tại WTO, (tổ chức có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ), điều này có nghĩa vụ việc sẽ được đưa tới Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB).
Việc giải quyết vụ việc có thể kéo dài ba năm, nhưng nếu các thẩm phán đưa ra kết luận rằng một biện pháp của một quốc gia vi phạm các quy tắc của WTO, các thẩm phán có thể cho phép các hành động trả đũa-chẳng hạn như việc áp dụng các khoản thuế đối ứng.
Tuy nhiên, không gì ngăn cản một quốc gia đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa trong khi vụ việc đang được DSB thụ lý.
Để biện minh cho những khoản thuế mới này Tổng thống Mỹ dựa vào một thủ tục ít được viện dẫn trong luật thương mại Mỹ: điều 232 cho phép Tổng thống hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm nhất định để bảo vệ an ninh quốc gia.
Về điều này, WTO có một quy định riêng. Điều 21, từng ra đời từ thời kỳ tổ chức tiền thân của WTO, tức GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch), quy định rằng không một quốc gia nào có thể bị cản trở "áp dụng bất kỳ quyết định nào được coi là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia đó".
Vấn đề là DSB chưa bao giờ phải sử dụng tới điều khoản 21 để đưa ra phán quyết trong một vụ việc và do đó không có tiền lệ có thể so sánh với quyết định của Mỹ.
Tuần qua, Đại sứ Canada tại WTO Stephen de Boer đã tuyên bố rằng lập luận về an ninh quốc gia là "chiếc hộp Pandora" (cụm từ thường được người phương Tây sử dụng với nghĩa sự việc gây ra những điều không lành, khó có thể hàn gắn được).
Nhiều nước cũng chia sẻ mối lo ngại rằng nếu lập luận của Tổng thống Trump được chấp nhận, điều này sẽ mở đường cho một chính sách mà theo đó mỗi quốc gia chỉ hành động vì lợi ích của chính quốc gia đó mà thôi, với việc gia tăng các loại thuế hoàn toàn mâu thuẫn với quy tắc thương mại thế giới.
DSB trong giai đoạn khủng hoảng
DSB cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng do những hoài nghi của chính phủ Mỹ đối với WTO.
Từ nhiều tháng nay, Washington đã ngăn chặn việc bổ nhiệm ba trong số bảy thẩm phán tại tòa phúc thẩm của DSB. Và nhất thiết phải có ít nhất ba thẩm phán để kiểm tra từng trường hợp, nếu không WTO sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại nữa.
Mặt khác, một trong bốn thẩm phán còn lại sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/9 tới, điều này khiến việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề càng trở nên cấp bách hơn.
Về mặt kỹ thuật, Chính quyền Mỹ đang làm "tê liệt" việc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến các thuế mới với thép và nhôm.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, khẳng định rằng khó khăn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán là mối đe dọa chính nhằm vào WTO.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala kêu gọi ECOWAS khai thác thương mại để tăng trưởng bền vững
 Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala thăm Ghana, Bờ Biển Ngà và Kenya
 Timor-Leste nỗ lực thúc đẩy giai đoạn cuối trở thành thành viên WTO
 Canada cung cấp 1,4 triệu CAD cho Cơ chế tài trợ nghề cá của WTO
 Nhóm công tác về an ninh lương thực thảo luận về xây dựng khả năng chống chịu, thách thức về tài chính
 Canada cam kết tài trợ 700.000 CAD để tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm của các nước đang phát triển
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Các thành viên tiếp tục thảo luận về việc mở rộng Quyết định TRIPS sang lĩnh vực điều trị và chẩn đoán
 Ủy ban môi trường thu hút sự tham gia rộng rãi của các thành viên, xem xét các đề xuất để tăng cường công việc
 Uzbekistan mang lại động lực mới cho các cuộc đàm phán gia nhập WTO
 Phó Tổng Giám đốc Zhang chào đón nhóm thực tập sinh mới từ các nước đang phát triển, LDCs tại trụ sở WTO
 Các nước tham gia Đối thoại về Nhựa thảo luận về kết quả MC13, hoan nghênh sự đồng tài trợ của Mỹ
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Các thành viên chia sẻ kinh nghiệm về quy định môi trường, tiêu chuẩn khí hậu và mặt hàng nhựa
 Seychelles là thành viên WTO đầu tiên từ châu Phi chính thức chấp nhận thỏa thuận trợ cấp đánh bắt cá


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710746900