Thứ năm, 25-4-2024 - 7:19 GMT+7  Việt Nam EngLish 

 WTO

Quy định xác định trước của hiệp định TFA: Lợi ích lớn chưa được tận dụng  

 Thứ ba, 13-6-2017

AsemconnectVietnam - Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA: Trade Facilitation Agreement) của WTO chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017 đã tạo dấu mốc quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. TFA đặt ra tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại thống nhất trong tất cả quốc gia thành viên WTO, tạo động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thủ tục hải quan giúp thông quan hàng hóa qua biên giới.

Quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá XNK (gọi tắt là Quy định xác định trước) giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan, tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan, minh bạch hoá thủ tục hải quan, cho việc làm thủ tục hải quan được thống nhất trên toàn quốc.
Tại Hội nghị về “Quy định xác định trước: Tình hình áp dụng tại Việt Nam và lợi ích cho DN” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh  (ITPC) phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức, ông Đặng Thái Thiện – Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM cho biết quy định về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan không phải mới bắt đầu khi hiệp định TFA có hiệu lực. Căn cứ pháp lý để thực hiện quy định này là Điều 28 Luật Hải quan 2014; Điều 23,24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 Quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Lợi ích của việc xác định trước
Lợi ích của việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan là rất lớn, quy định này giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan. Tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan. Minh bạch hóa thủ tục hải quan, giúp cho việc làm thủ tục hải quan được thống nhất trên toàn quốc. Ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức Hải quan.
Mặc dù đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp nhưng thực tế vẫn còn nhiều DN chưa tiếp cận được thông tin và quy trình áp dụng các quy định này. Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến nay chỉ mới có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số hàng hóa; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hoá XNK.
Theo quy định, để thực hiện quy định xác định trước, người khai hải quan cần tuân thủ các nội dung sau:
Quyền của người khai hải quan:
Đề nghị cơ quan Hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến XK,NK.
Đề nghị cơ quan xem xét lại kết quả xác định trước nếu không đồng ý với kết quả xác định trước của cơ quan Hải quan
Trách nhiệm của người khai hải quan:
Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước theo quy định
Tham gia đối thoại với cơ quan Hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước theo đề nghị của cơ quan Hải quan.
Thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đã đề nghị xác định trước, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày tháng năm thay đổi
Điều kiện xác định trước:
Tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước và cung cấp thông tin, chứng từ, hồ sơ cần thiết liên quan đến việc xác định trước.
Hàng hóa XK, NK cần xác định trước trị giá hải quan là hàng hóa lần đầu XK, NK hoặc có thay đổi lớn, bất thường so với trị giá hải quan mà người khai hải quan đang thực hiện hoặc là hàng hóa có tính chất đơn chiếc hoặc không có tính phổ biến hoặc không có hàng hóa giống hết, tương tự trên thị trường để so sánh.
Giá trị pháp lý của văn bản xác định trước:
Văn bản thông báo xác định trước do Tổng cục Hải quan ban hành có giá trị pháp lý để cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực XK,NK phù hợp với thông tin chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa mà người khai hải quan cung cấp.
Hiệu lực của văn bản thông báo xác định trước:
Có hiệu lực tối đa không quá ba năm kể từ ngày ban hành. Riêng văn bản xác định trước mức giá có hiệu lực trực tiếp đối với lô hàng được xác định trước mức giá.
Văn bản thông báo xác định trước chấm dứt hiệu lực trong trường hợp quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành văn bản thông báo xác định trước được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Hồ sơ xác định trước mã số bao gồm:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC)
Mẫu hàng hóa dự kiến XK,NK.
Trường hợp không có mẫu: phải cung cấp tài liệu kỹ thuật (bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh) mô tả chi tiết thành phần, tính chất, cấu tạo, công dụng, phương thức vận hành.
Hồ sơ xác định trước xuất xứ:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTXX/GSQL (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Bản kê các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa gồm: tên hàng, mã số HS, xuất xứ nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu do nhà sản xuất hoặc XK cung cấp
Bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất ra hàng hóa hoặc giấy chứng nhận phân tích do nhà SX cung cấp.
Catalogua hoặc hình ảnh hàng hóa.
Hồ sơ xác định trước phương pháp xác định trị giá hải quan:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 02/XĐTTG/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC)
Hợp đồng mua bán do người đề nghị trực tiếp thực hiện giao dịch
Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh hoặc catalogue
Các chứng từ, tài liệu có liên quan đến giao dịch
Trường hợp chưa có giao dịch thực tế, chưa có các chứng từ nêu trên thì đề nghị cơ quản Hải quan hướng dẫn nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan
Hồ sơ xác định trước mức giá:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 02/XĐTTG/TXNK ((phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Hợp đồng mua bán do người đề nghị trực tiếp thực hiện giao dịch.
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa NK qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa).
Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh hoặc catalogue.
Các chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch.
 Trường hợp chưa có các chứng từ giao dịch nêu trên, thì đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan.
Thẩm quyền và trách nhiệm của Cơ quan Hải quan:
Trong thời hạn 5 ngày làm việc có văn bản từ chối nếu không đủ điều kiện hoặc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ
Trong thời hạn 30 ngày (trường hợp thông thường) hoặc 60 ngày (trường hợp phức tạp) phải ban hành văn bản thông báo xác định trước.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc (trường hợp thông thường) hoặc 30 ngày (trường hợp phức tạp) kể từ ngày nhận được yêu cầu, có văn bản trả lời kết quả cho người yêu cầu.
Ban hành văn bản hủy bỏ văn bản thông báo xác định trước trong trường hợp phát hiện hồ sơ xác định trước do người yêu cầu cung cấp không chính xác, không trung thực.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK
 WTO tăng cường nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực
 Nhật Bản tham gia cơ chế thay thế Ban Phúc thẩm của WTO
 Sự kiện về tiêu chuẩn khử cacbon thúc đẩy tính minh bạch và gắn kết trong ngành thép
 Các thành viên WTO thúc đẩy sự tham gia của các nước LDCs vào chuỗi cung ứng toàn cầu
 Đàm phán thương mại điện tử bước vào vòng cuối cùng, Cộng hòa Kyrgyzstan tham gia sáng kiến
 Các nước tham gia Đối thoại Nhựa chuẩn bị nền tảng để đạt được kết quả tại MC13
 Tổng Giám đốc WTO kêu gọi sự hỗ trợ của các Bộ trưởng các nước vùng Vịnh để thực hiện các kết quả MC12 và vạch ra lộ trình đến MC13
 Đồng Chủ tịch Nhóm không chính thức Thương mại và Giới trình bày dự thảo kế hoạch hoạt động cho năm 2023
 Phó Tổng Giám đốc Ellard: Công nghệ mang đến những thách thức và cơ hội cho tương lai của thương mại
 Phó Tổng Giám đốc González: “Cải cách WTO là thúc đẩy thương mại bền vững và toàn diện”
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về thành công của WTO, nhu cầu cải cách, mức độ phù hợp để giải quyết khủng hoảng khí hậu
 Xuất khẩu hàng trung gian tăng trưởng bền vững trong quý II/2022
 WTO ưu tiên cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại
 Phó Tổng Giám đốc Ellard thảo luận về lợi ích của chủ nghĩa đa phương, rủi ro của chủ nghĩa đơn phương, cải cách WTO
 Các thành viên WTO nhất trí về Chương trình làm việc hỗ trợ hương mại giai đoạn 2023-2024


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710855662