Thứ bảy, 20-4-2024 - 7:1 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình trao đổi thương mại Việt Nam – Trung Quốc tháng 1/2020 

 Thứ hai, 10-2-2020

AsemconnectVietnam - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày và vì dịch cúm do virus corona và khiến kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 1/2020 của Việt Nam nói chung và trao đổi thương mại với Trung Quốc nói riêng giảm mạnh.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh
Theo thông tin Tổng cục Hải quan, tháng 1 vừa qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc sơ bộ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12/2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1%.
Nguyên nhân chính dẫn đến giảm xuất nhập khẩu với Trung Quốc giảm trong tháng 1 so với tháng 12/2019 và tháng 1/2019 là Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi hoàn toàn vào tháng 1/2020.

Ngoài ra, một lý do khác dù chưa được thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn có ảnh hưởng không ít là dịch cúm do virus corona đang hoành hành tại Trung Quốc.Bởi thực tế do dịch cúm khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu ở tất cả các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc hết sức trầm lắng trong thời gian gần đây.
Điển hình, trong 3 ngày làm việc sau nghỉ Tết Nguyên đán (30, 31/1/2020 và 3/2/2020), tổng trị giá xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 82,1 triệu USD/ngày, chỉ bằng 63% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó.
Trong khi đó, nhập khẩu đạt 182,8 triệu USD/ngày, cũng chỉ bằng gần 70% ngày làm việc thông thường trong tháng 1/2020 trước đó.

Nhập siêu hơn 200 triệu USD
Về tình hình xuất nhập khẩu nói chúng, theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1 đạt 36,62 tỷ USD, giảm 18,4 % so với tháng 12/2019 và giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2019 (cần lưu ý số ngày làm việc trong tháng 1 vừa qua chỉ có 16 ngày do nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý).
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 18,2 tỷ USD, giảm 19,4% so với tháng 12/2019 và tổng trị giá nhập khẩu đạt 18,42 tỷ USD, giảm 17,4% so với tháng 12/2019.
Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước trong tháng đầu tiên năm 2020 có mức thâm hụt 232 triệu USD, trái ngược với xu hướng thặng dư của tháng 1/2019.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tháng là: Dầu thô ước tính là 410 nghìn tấn, trị giá là 187 triệu USD giảm 16,4% về lượng và trị giá giảm 19,7% so với cùng kỳ 2019.
Quặng các loại ước tính là 180 nghìn tấn, trị giá là 15 triệu USD tăng 35,8% về lượng và 46,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, xăng dầu các loại ước tính là 500 nghìn tấn, trị giá là 260 triệu USD giảm 56,9% về lượng và giảm 65,4% về trị giá so với tháng 1/2019.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 3,65 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ 2019.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng so với tháng 1/2019.
Sắt thép các loại ước tính đạt 1 triệu tấn, trị giá là 600 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019, giảm 25,4% về lượng và giảm 26% về trị giá.
Mặt hàng đáng chú ý khác là ô tô nguyên chiếc các loại, ước tính nhập khẩu 4.000 xe, trị giá là 106 triệu USD, 61% về sản lượng và trị giá so với với cùng kỳ 1 năm trước.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của 5 nhóm hàng đạt giá trị nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên trong năm 2019
Năm 2019, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là sản phẩm đứng đầu 5 nhóm hàng nhập khẩu đứng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt 51,35 tỷ USD, tăng 19,1% so với năm 2018.
Các thị trường nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn của Việt Nam là: Hàn Quốc với trị giá 16,84 tỷ USD, giảm 4,2% so với năm trước; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 12,11 tỷ USD, tăng 47,2%; đứng thứ 3 là Đài Loan với trị giá đạt 5,53 tỷ USD, tăng tới 48,3%; đứng thứ 4 là Hoa Kỳ với trị giá 4,85 tỷ USD, tăng mạnh 59%; đứng thứ 5 là Nhật Bản với 4,49 tỷ USD, tăng 10,6%...

Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ hai của nước ta trong năm 2019 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 36,75 tỷ USD tăng 11,8% so với năm 2018.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu trong năm 2019 có xuất xứ chủ yếu từ: Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 28%; Hàn Quốc đạt 6,16 tỷ USD, tăng 4,4% và từ Nhật Bản đạt 4,69 tỷ USD, tăng 5,8%... so với năm 2018.
Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: Bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) với kim ngạch 24,13 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với năm trước và đứng vị trí thứ ba.

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 11,52 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước; Hàn Quốc với 2,92 tỷ USD, giảm 6,9%; từ Đài Loan đạt trị giá 2,37 tỷ USD, giảm 2,1%; từ Hoa Kỳ với 2,13 tỷ USD, tăng 9,6%...
Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo đứng vị trí thứ tư với kim ngạch đạt 15,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2018.
Việt Nam nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm chủ yếu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ: Trung Quốc đạt 3,99 tỷ USD, tăng 25,1%; Hàn Quốc đạt 3,4 tỷ USD, giảm 2,2%; Đài Loan đạt 1,48 tỷ USD, giảm 2,2%; Nhật Bản đạt 1,34 tỷ USD, giảm 1,4%...

Nhóm hàng nhập khẩu “chục tỷ USD” thứ 5 là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt 14,62 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2018.
Năm 2019, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam với tổng trị giá đạt 13,5 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này.
Trong đó, Trung Quốc là 7,58 tỷ USD, giảm 12% so với năm 2018; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 5,92 tỷ USD, giảm 4,9%.
Nhìn vào các thông tin nêu trên có thể thấy Trung Quốc là thị trường chiếm ưu thế khi dẫn đầu ở hầu khắp các nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu khi quốc gia láng giềng này đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta.
Năm 2019, riêng thị trường này đạt tổng kim ngạch đến 75,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2018 và chiếm tới 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
CK
Nguồn: haiquanonline.com.vn


 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710732110