Thứ năm, 18-4-2024 - 20:35 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Xuất khẩu dệt may sang Mỹ vẫn đứng số 1 toàn thị trường 

 Thứ tư, 22-3-2017

AsemconnectVietnam - Bất chấp những nghi ngại về khả năng TPP có thành hiện thực, ngành dệt may Việt Nam vẫn phát triển. Dệt may Việt Nam đã và đang là ngành xuất khẩu số 1 sang Mỹ.

Dù không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) , ngành dệt may vẫn đang đạt được tốc độ tương đối tốt. Đặc biệt tại thị trường Mỹ và Nhật Bản, thị phần ngành hàng này Việt Nam đều đứng thứ 2. Các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực đầu tư vào máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất, giảm chi phí nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng dệt may khi thâm nhập vào các thị trường này.
Nếu như tham gia vào TPP, dệt may là một trong những ngành được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều khi hiệp định có hiệu lực và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ tăng trưởng mạnh nhờ thuế suất về 0%. 
Tuy nhiên, khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này thì những dự định, tính toán của doanh nghiệp dệt may trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất để tận dụng cơ hội khi TPP có hiệu lực phải tạm gác lại.
Nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu TPP không được Mỹ thông qua. Nhưng ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) lại nhận xét, TPP hiện chưa có nhưng từ trước đến nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn phát triển. Dệt may Việt Nam đã và đang là ngành xuất khẩu số 1 sang Mỹ. 
Mỹ và Nhật Bản hiện là hai thị trường chính của dệt may Việt Nam. Theo ông Trường, TPP chỉ là một điều kiện thuận lợi hơn để tốc độ xuất khẩu tăng cao hơn chứ không phải là lý do để làm cho dệt may giảm. Hơn nữa, khi có điều kiện thuận lợi hơn thì cũng không phải các doanh nghiệp tận dụng được hết. Khi không có TPP, các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn vì không có sự cạnh tranh nâng đỡ của cắt giảm thuế quan. 
Đối với Nhật Bản tuy không có TPP nhưng Việt Nam lại có Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) , với quy tắc xuất xứ từ vải. Vì thế, Việt Nam có những cơ hội nhất định khi khai thác, tận dụng hiệp định này.
“Quyết định mới của Chính phủ Mỹ có thể không có trong hiệp định đa phương nhưng lại triển khai mạnh ở hoạt động song phương. Trong hoạt động song phương có thể có những ưu đãi, cắt giảm thuế quan cho những quốc gia mà nước Mỹ quan tâm. Chúng tôi cho rằng chắc chắn, hợp tác hội nhập là xu hướng chính không phải chỉ Việt Nam mà của cả các quốc gia phát triển khác” - Ông Trường nói. 
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho rằng, không nên coi TPP là chiếc đũa thần cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam, cho dù năm qua dệt may xuất sang Mỹ đạt hơn 11 tỷ USD. 
Ngoài TPP, Việt Nam còn có trên 10 Hiệp định FTA đã, đang và sẽ ký, do đó, chỉ cần chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khai thác được nhiều thị trường khác; trong đó, có cả Mỹ. Nói tóm lại, việc Mỹ có rút khỏi TPP ngành dệt may Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng". 
Ông Cẩm nói thêm: "Dư luận đang hiểu một chiều về xu hướng đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may là đổ vào vì TPP. Điều này chưa đúng, bởi các doanh nghiệp nước ngoài họ phân tích rất nhiều khía cạnh, có lợi mới vào. 
TPP chỉ là cái cớ và là một nguyên nhân, còn lại Việt Nam vẫn "bắt mắt" các nhà đầu tư là do nền kinh tế hướng mở, xuất khẩu, có nhiều hiệp định FTA với thuế suất bằng 0% từ WTO, từ FTA với EU, Nhật, Hàn Quốc... 
Hơn nữa, Việt Nam lại chưa có ngành công nghiệp phụ trợ dệt may đúng nghĩa, thiếu xơ sợi, dệt nhuộm. Đây là mắt xích được nhiều nhà đầu tư bỏ vốn nhất thời gian qua, họ vừa muốn tận dụng chi phí giá rẻ, vừa muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, để hướng đến xuất khẩu từ nhiều thị trường khác nhau". 
Nhiều doanh nghiệp trong nước khẳng định, không quá bi quan nếu TPP không được thực thi. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên , việc Mỹ rút khỏi TPP ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may là không đúng. 
Bởi thực tế hiện nay, nếu có TPP chỉ thêm cơ hội cho ngành dệt may xuất khẩu vào Mỹ vì TPP không có Trung Quốc, nhưng nếu không có TPP thì xuất khẩu dệt may vào Mỹ cũng không có nhiều thay đổi. 
Doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ TPP thì ngành dệt may phải có mọi công đoạn sản xuất “từ sợi trở đi”, tức là phải thực hiện trong nước hoặc tại các nước trong khu vực TPP. Nhưng đến nay ở Việt Nam, không có địa phương nào muốn đầu tư vào ngành dệt bởi những hệ lụy môi trường mà nó đem lại. Mặt khác đa số nguyên liệu của ngành dệt may vẫn đang phải nhập khẩu nên rõ ràng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” khó thực hiện được. 
Trước một số ý kiến cho rằng, việc Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc thế chân sẽ khiến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng vì cạnh tranh, đối kháng trực tiếp với hàng Trung Quốc tại nhiều thị trường xuất khẩu, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, trước mắt việc Trung Quốc tham gia TPP mới chỉ là phân tích, phỏng đoán, còn thực tế thì chưa có cơ quan chính thống nào đưa ra. 
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tham gia TPP, chắc chắn các cơ chế đàm phán sẽ rất khác với TPP "gốc" hiện nay và ưu đãi, rào cản thị trường cũng sẽ khác biệt nhiều. Nếu TPP có Trung Quốc cũng không ảnh hưởng đối với dệt may Việt Nam, bởi hiện Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định tự do song và đa phương có Trung Quốc như ACFTA, WTO, ASEAN+ 3, ASEAN +6... Như vậy, Việt Nam vẫn xuất khẩu bình thường đến các nước; trong đó có cả Mỹ. 
Thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam; trong đó nhiều doanh nghiệp kỳ vọng TPP sẽ được thông qua và đây là lợi thế đầu tư của mình. Nhưng bối cảnh TPP có khả năng bị bãi bỏ, câu hỏi đặt ra rất có thể các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng thậm chí giảm đầu tư, quy hoạch ngành dệt may sẽ gặp khó?
Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, nếu TPP có hiệu lực, điều đó chắc chắn các nhà đầu tư sẽ đón đầu để đầu tư các dự án từ sợi và vải nhằm hưởng lợi từ thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên khi TPP có nguy cơ không thành hiện thực, các ưu đãi về thuế chưa xuất hiện thì các nhà đầu tư sẽ tạm dừng, tạm hoãn các dự án đầu tư để đi đến quyết định cuối cùng của họ. 
Vì thế trong giai đoạn 2017-2018, việc đầu tư vào ngành dệt may sẽ chậm hơn so với giai đoạn 2013-2014. 
Năm 2017, ngành dệt may phấn đấu tăng trưởng 7-8%, kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD. Với việc TPP có khả năng không xảy ra, cùng với các khó khăn nội tại của ngành dệt và thị trường thế giới nói chung, đây sẽ là mục tiêu thách thức cho ngành dệt may và cũng là mục tiêu cho mỗi doanh nghiệp trong ngành phải phấn đấu.
Nguồn: BNEWS/TTXVN

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710698428