Wednesday, April 24,2024 - 18:54 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 1/2016 

 Friday, July 21,2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 1/2016, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

Tổng cục Hải quan giới thiệu Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO
Ngày 29/1, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã tổ chức họp báo giới thiệu Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (Hiệp định TF).
Phát biểu tại họp báo ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế. Do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các cam kết liên quan đến thương mại khác trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện.
Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO gồm 3 phần chính với 24 điều, gồm quy định về các biện pháp kĩ thuật, tập trung chủ yếu vào tiếp cận thông tin và tính minh bạch, quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại, thông quan hải quan, quá cảnh thương mại.
Các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt với các thành viên đang phát triển và kém phát triển; trong đó có vấn đề hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện cam kết của hiệp định.
Các thỏa thuận thể chế và điều khoản cuối cùng, thỏa thuận về thể chế quy định về việc thành lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại trong WTO cũng như thành lập một Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại quốc gia.
Tổng cục Hải quan cho biết dự kiến kế hoạch thực hiện sẽ rà soát các cam kết của Hiệp định chưa được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đề đề xuất sửa đổi, xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như thành lập một đầu mối chỉ đạo quốc gia để triển khai các nội dung trên.
Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO đã được các nước thành viên thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ chín tại Bali-Indonesia (năm 2013).
Hiệp định nhằm hướng tới của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO nhằm xúc tiến việc vận chuyển, thông quan hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác giữa hải quan và các cơ quan khác, đồng thời nâng cao hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực.
 
Tổng giám đốc Azevedo hoan nghênh tinh thần lạc quan về WTO tại Davos
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo hoan nghênh những nhận xét tích cực về WTO sau khi các cuộc đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Nairobi tháng 12 năm ngoái kết thúc thành công. "Mọi người rất lạc quan và sẵn sàng cộng tác chặt chẽ hơn với WTO. Điều này được thể hiện rõ ràng trong suốt các cuộc gặp của tôi với các đại diện Chính phủ và doanh nghiệp tại Davos".
ổng giám đốc Avezedo đã tham dự phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về "Tương lai thương mại và đầu tư quốc tế" và "Tương lai thương mại toàn cầu", cùng với một loạt các cuộc họp với các đại diện khu vực tư nhân, các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao khác, đồng thời tham dự một cuộc họp cấp Bộ trưởng không chính thức về các vấn đề của WTO do Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức vào ngày 25/1.
Phát biểu tại cuộc họp cấp Bộ trưởng, Tổng giám đốc Avezedo cho rằng sự thành công tại Nairobi đã khẳng định WTO đã đi đúng hướng trở lại. Cùng với sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần trước ở Bali, những kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Nairobi tạo ra một động lực thực sự để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trên toàn thế giới – điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. WTO sẽ nỗ lực thực hiện các kết quả đạt được ở Bali và Nairobi và các thành viên WTO nên cố gắng tiếp tục đạt được nhiều kết quả cụ thể hơn nữa.
Cuộc họp cấp Bộ trưởng lần này có sự tham dự của hơn 20 Bộ trưởng từ các nước phát triển và đang phát triển. Tại phiên bế mạc, Tổng Giám đốc Avezedo đánh giá những kết quả tích cực có tính xây dựng của cuộc họp lần này có thể giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa toàn bộ các nước thành viên của WTO ở Geneva. "Tôi rất hoan nghênh các thành viên đã thảo luận về phương hướng phát triển trong tương lai và tôi cho rằng đã xuất hiện một số điểm thống nhất quan trọng từ cuộc thảo luận hôm nay. Thứ nhất, các nước đã thảo luận cởi mở về DDA và các vấn đề còn tồn đọng khác mà không ảnh hưởng đến những kết quả đã đạt được. Chúng ta cần phải tiếp tục thảo luận cởi mở và linh hoạt nếu chúng ta muốn có nhiều tiến bộ hơn nữa. Thứ hai, cuộc thảo luận này rất có ý nghĩa. Tất cả các thành viên đều có cơ hội tham gia vào các cuộc tranh luận. Ngoài ra, khu vực tư nhân rất quan tâm và sẵn sàng tham gia. Chúng tôi rất hoan nghênh điều này vì muốn nghe ý kiến của các doanh nghiệp lớn, nhỏ từ cả các nước phát triển và đang phát triển cũng như ý kiến của các tổ chức xã hội.
"Thứ ba, tôi rất vui khi nghe nhiều Bộ trưởng nói rằng họ sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào các cuộc thảo luận kể từ thời điểm này. Rõ ràng, đảm bảo quá trình thảo luận ở Geneva có sự tham gia thường xuyên của các Bộ trưởng có ý nghĩa quan trọng. Sự linh hoạt, cởi mở và sự tham gia của các chính khách sẽ là những nhân tố quan trọng để đạt được sự thành công. Tôi rất hài lòng khi các thành viên đã tham gia một cách rất tích cực và tôi mong muốn tiếp tục được tham gia các cuộc thảo luận như thế này ở Geneva".
 
Mali thông báo thông qua Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định TRIPS sửa đổi
Mali đã phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi thương mại mới (TFA), trở thành quốc gia châu Phi thứ 10 thông qua hiệp định này. Đồng thời, Mali cũng phê chuẩn Hiệp định TRIPS sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thuốc thiết yếu tại các nước nghèo, vốn được thông qua vào năm 2005.
Ngày 25/1, Mali đã nộp văn bản phê chuẩn TFA lên Ban Thư ký WTO. Cùng ngày, Mali cũng đệ trình văn bản chấp thuận Nghị định thư sửa đổi Hiệp định WTO về các khía cạnh liên quan tới thương mại quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Mali là nước thành viên thứ 68 của WTO phê chuẩn TFA. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi 2/3 số thành viên WTO chính thức phê chuẩn Hiệp định.
Được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali (Indonesia) năm 2013, TFA bao gồm các quy định đẩy mạnh lưu thông và thông quan hàng hóa, kể cả hàng quá cảnh; đề ra các biện pháp hợp tác hiệu quả giữa Hải quan và cơ quan chức năng khác về thuận lợi hóa thương mại và chấp hành thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, TFA cũng có những điều khoản hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực này.
Ngoài Mali, các thành viên WTO sau đây cũng đã chấp nhận các TFA: Hồng Kông Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Mauritius, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Botswana, Trinidad và Tobago, Hàn Quốc, Nicaragua, Niger, Belize, Thụy Sĩ, Đài Loan, Trung Quốc, Liechtenstein, Lào, New Zealand, Togo, Thái Lan, Liên minh châu Âu (thay mặt cho 28 quốc gia thành viên), Macedonia, Pakistan, Panama, Guyana, Côte d'Ivoire, Grenada, Saint Lucia, Kenya, Myanmar, Na Uy, Việt Nam, Brunei, Ukraine, Zambia, Lesotho, Georgia, Seychelles và Jamaica.
TFA cũng đề ra các cách thức để các nước đang phát triển và kém phát triển nhất có thể thực thi hiệp định. Lần đầu tiên trong lịch sử Tổ chức thương mại thế giới, yêu cầu thực thi Hiệp định được gắn trực tiếp với năng lực của từng nước. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng khẳng định Tổ chức thương mại thế giới phải trợ giúp và hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển nhất thực thi TFA.
Trên cơ sở yêu cầu của các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển nhất, WTO đã đưa ra kế hoạch thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFAF) để đảm bảo rằng các nước này sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để gặt hái được đầy đủ những lợi ích của TFA, qua đó, hỗ trợ cho các mục tiêu cuối cùng là tất cả các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới thực hiện đầy đủ TFA.
Theo Báo cáo của WTO công bố ngày 26/10, khi TFA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu có thể tăng thêm 1,000 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi đáng kể từ TFA, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm.
Nghị định thư 2005 sửa đổi Hiệp định TRIPS - được thông qua năm 2003 - đề ra các quy định mới về bằng sáng chế và y tế công cộng. Quy định mới này sẽ giúp các nước nghèo tiếp cận dễ dàng hơn với các loại thuốc generic giá rẻ khi loại bỏ một điểm trong điều khoản về bằng sáng chế các loại thuốc của Hiệp định TRIPS, vốn gây cản trở việc xuất khẩu dược phẩm sản xuất theo giấy phép bắt buộc đến các nước không có khả năng sản xuất ra chúng.
Khi hai phần ba số thành viên đã chính thức chấp nhận, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS sẽ có hiệu lực tại những thành viên đã phê chuẩn và thay thế Hiệp định TRIPS 2003. Đối với các thành viên còn lại, Hiệp định TRIPS sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi các nước thành viên thông qua Nghị định thư và có hiệu lực. Mali là thành viên châu Phi thứ 13 và là quốc gia kém phát triển nhất thứ 8 chính thức thông qua Nghị định thư này.
 
Trung Quốc thắng EU trong vụ kiện về thuế kéo dài tại WTO
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 18/1 đã ra phán quyết thứ tư và là phán quyết cuối cùng về vụ bất đồng kéo dài từ năm 2009 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc liên quan đến ốc vít, đai ốc và bulông, với phần thắng thuộc về Trung Quốc - nước có thể yêu cầu bồi thường hay đòi trừng phạt thương mại đối với EU.
Trung Quốc lần đầu đưa vụ tranh chấp lên WTO phân giải vào tháng 7/2009, sau khi EU áp đặt các mức thuế cao đối với sản phẩm móc sắt và thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lập luận rằng tình trạng bán phá giá đang diễn ra, EU hồi tháng 1/2009 đã áp các mức thuế từ 26,5-85% lên đinh vít, đai ốc, bulông và gioăng bằng sắt hoặc thép của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Trung Quốc trong tuyên bố ngày 18/1 đã nói biện pháp trên đã gây tác động bất lợi cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm kể trên của Trung Quốc và đã khiến cho khoảng 100.000 người lao động tại hàng nghìn cơ sở sản xuất móc sắt ở Trung Quốc mất việc làm.
Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu WTO áp đặt trừng phạt các đối tác thương mại kể từ khi nước này gia nhập tổ chức thương mại toàn cầu vào năm 2001, nhưng kết quả vụ tranh chấp kéo dài 7 năm qua sẽ mở đường cho việc Bắc Kinh yêu cầu EU phải bồi thường thiệt hại.
Theo quy định của WTO, các nước được phép áp đặt thuế chống bán phá giá để ngăn chặn một nước cố tình phá hoại đối thủ nước ngoài của mình bằng cách đưa ra mức giá rẻ hơn giá thực tế của sản phẩm. Tuy nhiên trong vụ kiện này, Trung Quốc cho rằng EU đã không áp dụng các quy định một cách chính xác.
Năm 2010, một ủy ban của WTO đã phán quyết rằng EU đã hành động không thống nhất trong các tính toán về thuế chống bán phá giá và quyết định này vẫn được bảo lưu khi EU kháng cáo vào năm 2011.
Tuy nhiên, vụ việc không kết thúc ở đó. Trung Quốc không đồng ý với tuyên bố của EU vào tháng 10/2012 rằng khối này đã điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với phán quyết của WTO.
Ủy ban của EU vào tháng 8/2015 đã ra phán quyết ủng hộ Trung Quốc, nói rằng EU đã không có những sửa đổi và ngày 18/1, cơ quan phúc thẩm của WTO đã bác đơn kháng cáo của EU.
Tuyên bố của WTO nêu rõ EU phải tuân thủ phán quyết trên và dỡ bỏ các mức thuế trái quy định nếu không Trung Quốc có quyền áp dụng các biện pháp mạnh hơn theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Tuyên bố này có thể đang đề cập đến quyền yêu cầu bồi thường. WTO hy vọng tranh chấp về móc sắt có thể sớm được giải quyết để hai bên có thể khôi phục hoạt động thương mại với các sản phẩm liên quan.
Xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường EU các sản phẩm mà hai bên đang bất đồng đạt giá trị cao nhất là khoảng 1 tỷ USD vào năm 2008 nhưng đã giảm xuống mức trung bình khoảng 200 triệu USD, sau khi EU áp các mức thuế trừng phạt nhằm vào các sản phẩm này.
 
Jamaica phê chuẩn Hiệp định thúc đẩy thương mại TFA
Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo ở Kingston vào ngày 25/1, Thủ tướng Jamaica Portia Simpson Miller khẳng định Jamaica đã phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA).
Tổng Giám đốc WTO Azevêdo vừa có chuyến thăm chính thức đến các nước Caribe. Từ ngày 23-25/1 tại Jamaica, ông Avezêdo đã có nhiều cuộc gặp gỡ với các đại diện cấp cao Chính phủ Jamaica và có bài phát biểu tại Đại học West Indies. Ngày 26/1, Tổng Giám đốc Azevedo đã có chuyến thăm đến Barbados.
Jamaica là thành viên thứ 67 của WTO phê chuẩn TFA và trình văn bản thông qua TFA lên WTO vào ngày 26/1. Hiệp định TFA sẽ có hiệu lực khi hai phần ba số thành viên WTO chính thức thông qua Hiệp định.
Được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali (Indonesia) năm 2013, TFA bao gồm các quy định đẩy mạnh lưu thông và thông quan hàng hóa, kể cả hàng quá cảnh; đề ra các biện pháp hợp tác hiệu quả giữa Hải quan và cơ quan chức năng khác về thuận lợi hóa thương mại và chấp hành thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, TFA cũng có những điều khoản hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực trong lĩnh vực này.
Ngoài Jamaica, các thành viên WTO sau đây cũng đã thông qua TFA: Hồng Kông Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Mauritius, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Botswana, Trinidad và Tobago, Hàn Quốc, Nicaragua, Niger, Belize, Thụy Sĩ, Đài Loan, Trung Quốc, Liechtenstein, Lào, New Zealand, Togo, Thái Lan, Liên minh châu Âu (thay mặt cho 28 quốc gia thành viên), Macedonia, Pakistan, Panama, Guyana, Côte d'Ivoire, Grenada, Saint Lucia, Kenya, Myanmar, Na Uy, Việt Nam, Brunei, Ukraine, Zambia, Lesotho, Georgia và Seychelles.
TFA cũng đề ra các cách thức để các nước đang phát triển và kém phát triển nhất có thể thực thi hiệp định. Lần đầu tiên trong lịch sử Tổ chức thương mại thế giới, yêu cầu thực thi Hiệp định được gắn trực tiếp với năng lực của từng nước. Bên cạnh đó, hiệp định này cũng khẳng định Tổ chức thương mại thế giới phải trợ giúp và hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển nhất thực thi TFA.
Theo quy định của TFA, các nước đang phát triển và kém phát triển nhất sẽ thông báo cho WTO những điều khoản nào của TFA họ sẽ thực hiện sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực (gọi là thông báo điều khoản loại A); những điều khoản nào sẽ được thực hiện sau một giai đoạn chuyển tiếp kể từ thời điểm TFA có hiệu lực (thông báo điều khoản loại B); và những điều khoản họ sẽ thực hiện sau một giai đoạn chuyển tiếp kể từ thời điểm TFA có hiệu lực nhưng cần sự giúp đỡ và hỗ trợ xây dựng năng lực (thông báo điều khoản loại C).
Tính đến nay, WTO đã nhận được tổng cộng 78 thông báo loại A. Jamaica đã nộp thông báo điều khoản loại B từ tháng 2/2015. Zambia trở thành nước thành viên WTO đầu tiên nộp điều khoản loại B và C vào ngày 7/1.
Trên cơ sở yêu cầu của các nước thành viên đang phát triển và kém phát triển nhất, WTO đã đưa ra kế hoạch thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFAF) để đảm bảo rằng các nước này sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết để gặt hái được đầy đủ những lợi ích của TFA, qua đó, hỗ trợ cho các mục tiêu cuối cùng là tất cả các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới thực hiện đầy đủ TFA.
Theo Báo cáo của WTO công bố ngày 26/10, khi TFA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu có thể tăng thêm 1,000 tỷ USD mỗi năm. Đáng chú ý, các nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi đáng kể từ TFA, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm.
 
WTO nhất trí các nước giàu chấm dứt trợ cấp xuất khẩu để giúp các nước nghèo
Các nhà đàm phán tại hội nghị bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO tại Nairobi, Kenya, đã đồng ý chấm dứt trợ cấp xuất khẩu trực tiếp cho nông sản ngay cả khi các cuộc đàm phán 14 năm về chương trình nghị sự phát triển thương mại Doha vẫn chưa được giải quyết.
Các nước phát triển sẽ ngay lập tức loại bỏ tất cả các hình thức trợ cấp xuất khẩu trong khi các quốc gia đang phát triển cũng sẽ phải kết thúc hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp của mình vào cuối năm 2018, theo một tuyên bố các Bộ trưởng tại thủ đô Kenya.
"Các bạn đã đưa ra được một quyết định phi thường về cạnh tranh xuất khẩu", Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết tại hội nghị.  "Đây là kết quả quan trọng nhất của WTO về nông nghiệp."
Tuyên bố này giúp các nước đang phát triển có quyền sử dụng một cơ chế tự vệ đặc biệt, cho phép họ tăng thuế tạm thời để đối phó với tình trạng gia tăng nhập khẩu bất thường hoặc giá giảm.
Tuyên bố này cũng tạo thuận lợi hơn cho các nước kém phát triển - cái gọi là được hưởng lợi từ tiếp cận thị trường ưu đãi đối với hàng hóa của mình.
"Công việc của chúng tôi là đảm bảo một lệnh cấm toàn cầu về trợ cấp xuất khẩu mà sẽ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nông dân và chủ trang trại Mỹ", đại diện thương mại Mỹ Michael Froman nói trong một tuyên bố.
"Hành động của WTO trong lĩnh vực này sẽ đặt dấu chấm hết cho một số các khoản trợ cấp bóp méo thương mại hiện nay".
"Các cuộc đàm phán về phát triển Doha đã bị mắc kẹt kể từ năm 2009 vì sự khác biệt giữa các quốc gia giàu và nghèo, chủ yếu là vấn đề trợ cấp nông nghiệp ở các nước phát triển.
"Chúng tôi nhận ra rằng có nhiều thành viên tái khẳng định chương trình nghị sự phát triển thương mại Doha, và các tuyên bố và quyết định được thông qua tại Doha và các hội nghị Bộ trưởng WTO từ trước đó nay, và tái khẳng định cam kết kết thúc DDA trên cơ sở đó," tuyên bố chung của các Bộ  trưởng viết.
 "Các thành viên không tái khẳng định các nhiệm vụ Doha, vì họ tin rằng cần thiết phải có phương pháp tiếp cận mới để đạt được những kết quả có ý nghĩa hơn trong cuộc đàm phán đa phương".
Trợ cấp nông nghiệp ở các nước giàu đã là một trở ngại quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại trong hơn 15 năm qua. Các nhà lãnh đạo của các nước phát triển đồng ý chấm dứt trợ giá bông ngay lập tức và các nước đang phát triển sẽ bắt đầu làm điều tương tự bắt đầu từ năm 2017.
Các nhà sản xuất châu Phi đe dọa sẽ kiện lên WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này vào tháng Giêng, nếu các nước giàu không giảm đáng kể hoặc loại bỏ các khoản chi hỗ trợ bóp méo thương mại cho nông dân của họ.
Kết quả là "tốt hơn tôi mong đợi, nó thực sự là làm được điều gì đó cho bông, cho cuộc cạnh tranh xuất khẩu," Andrew Crosby, giám đốc quản lý các hoạt động và chiến lược tại Trung tâm Quốc tế về Thương mại và Phát triển bền vững, cho biết.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK


 © Vietnam Industry and Trade Information Center ( VITIC)- Ministry of Industry and Trade 
License: No 56/GP-TTDT issued by the Ministry of Information and Communications.
Address: Room 605, 6 th Floor, The Ministry of Industry and Trade's Building, No. 655 Pham Van Dong Street, Bac Tu Liem District - Hanoi.
Tel. : (04)38251312; (04)39341911- Fax: (04)38251312
Websites: http://asemconnectvietnam.gov.vn; http://nhanhieuviet.gov.vn
Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com 

 

Hitcounter: 25710838579