Tuesday, April 23,2024 - 18:14 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025  

 Thursday, June 29,2017

AsemconnectVietnam - Bưu điện Jakarta số ra mới đây đã đăng bài phân tích của tác giả Bambang Purwanto với tựa đề: “Indonesia cần nỗ lực để hướng tới tầm nhìn ASEAN 2025”.

Trong năm nayASEANsẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập với vai trò là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất thế giới. Đóng góp vào thành công của ASEAN những năm qua không thể không nhắc đến vai trò của Indonesia- nước đồng sáng lập ASEAN vào năm 1967.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động như hiện nay, để hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN 2025, đòi hỏi các quốc gia thành viên, đặc biệt là Indonesia cần có nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể đảm bảo cho sự thành công của ASEAN trong những chặng đường sắp tới.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 tại Manila (Philippines) vào tháng 4/2017 đã nhấn mạnh về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự như một chất xúc tác để đạt được tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. 
ASEAN có nền kinh tế tăng trưởng 5,5% trong năm nay với dân số khoảng 630 triệu người và sự phong phú về các nguồn tài nguyên thiên nhiên được đánh giá là một thị trường khổng lồ và hấp dẫn đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Nhận thức được tiềm năng này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đặt tầm nhìn của tổ chức đến năm 2025 về những vấn đề khác nhau như kinh tế, kết nối cộng đồng, nhân quyền và an ninh.
Tầm nhìn của Cộng đồng ASEANnăm 2025 phác thảo các định hướng chiến lược của tổ chức trong thập kỷ tới (2016-2025) nhằm củng cố sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và tăng cường hội nhập. ASEAN đang nỗ lực để hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN dựa trên nền tảng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường hội nhập với khu vực và thế giới.
Trong nỗ lực để hiện thực hóa tầm nhìn, các thành viên ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Singapore, Myanmar và Lào cần thúc đẩy sự thống nhất, đồng thuận khi đối mặt với những cơ hội và thách thức.
ASEAN sẽ trở thành một trong những cường quốc kinh tế mới của thế giới, có cơ hội phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy sự hợp tác giữa bên trong và bên ngoài ASEAN với các nước đối tác của mình như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, Ấn Độ, New Zealand , Nga và Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU).
Hiện nay, ASEAN vẫn có những thách thức cần vượt qua và Indonesia - quốc gia lớn nhất về dân số (thị trường) và nền kinh tế trong khu vực được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết một số vấn đề của ASEAN nên chủ động trong việc thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình để hướng tới việc đạt được tầm nhìn ASEAN năm 2025.
Nhìn vào tiềm năng của Indonesia, Bộ trưởng Tài chính M. Chatib Basri trước đây từng cho biết Indonesia nên đóng vai trò dẫn đầu trong khối ASEAN với mong muốn giúp ASEAN trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường khu vực và toàn cầu.
"Sự thống nhất của ASEAN là rất quan trọng và Indonesia sẽ giữ vai trò lãnh đạo của khối vì Indonesia là một quốc gia lớn, đặc biệt về dân số và kinh tế, nhưng Indonesia không nên chỉ dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn phải phát triển hơn nữa về khả năng sản xuất của mình", ông Basri nói tại Diễn đàn Geopolitical Jakarta vào ngày 19-20/5 vừa qua.
Một số thách thức mà ASEAN phải đối mặt bao gồm vấn đề Biển Đông, vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên, khủng bố, vấn đề truyền thông xã hội, vấn đề dầu cọ, nhất là sau khi có Nghị quyết về việc cấm nhập khẩu hàng hoá của Nghị viện châu Âu.
Nếu những vấn đề này không được giải quyết, các nỗ lực của ASEAN để đạt được Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN 2025 sẽ bị gián đoạn.
Trong trường hợp này, Indonesia có thể đóng vai trò dẫn dắt ASEAN vì những kinh nghiệm của mình. Nếu Indonesia có thể dẫn dắt để ASEAN vượt qua các vấn đề an ninh nội bộ của mình thì quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới cần phải đối phó với các vấn đề bên ngoài có thể ảnh hưởng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Vấn đề Biển Đông vốn đã khiến các quốc gia ASEAN bị chia rẽ và nếu không kịp thời có biện pháp giải quyết sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực.
Mặc dù Philippines đã giành thắng lợi tại Toà trọng tài ở La Hay trong vụ kiện với Trung Quốc ở Biển Đông, song Trung Quốc vẫn hung hăng, không công nhận kết luận của Tòa án và một mực cho rằng Biển Đông thuộc “chủ quyền lịch sử” của mình.
Trong khi đó, vấn đề Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là các vụ phóng tên lửa liên tiếp của nước này thời gian qua cũng khiến các nước ASEAN lo ngại. Sự kiện này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và thương mại với Hàn Quốc, một đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN.
ASEAN hiện cũng đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh bao gồm các cuộc tấn công khủng bố gần đây xảy ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia, và ở Davao (Philippines). Các cuộc tấn công khủng bố có thể bất ngờ xảy ra bất cứ nơi nào tại nhiều quốc gia thuộc ASEAN.
Indonesia được biết đến với những kinh nghiệm của mình trong nỗ lực đấu tranh chống khủng bố. Quốc gia này cũng thường xuyên tham gia các diễn đàn quốc tế, như Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo Mỹ gốc Ảrập tại Riyadh (Arab Saudi) vào ngày 21/5 và nhiều diễn đàn khác về chống khủng bố.
Khi tham dự Diễn đàn chống khủng bố tại Riyadh, Tổng thống Indonesia Jokowi đã phát biểu: "Sự thống nhất của người Hồi giáo là chìa khóa thành công của việc loại trừ chủ nghĩa khủng bố, chúng ta không nên tiếp tục tạo ra những hố ngăn cách giữa các quốc gia Hồi giáo, đặc biệt là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ”.
Với vai trò và kinh nghiệm này, Indonesia nên dẫn đầu trong ASEAN theo tinh thần một ASEAN đoàn kết với nguyên tắc một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau của ASEAN.
Indonesia có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc duy trì sự toàn vẹn của ASEAN để đạt được các mục tiêu theo kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 nhằm làm giàu cho người dân ASEAN, đồng thời tránh các trường hợp phức tạp mà thời gian vừa qua EU gặp phải đối với quốc gia thành viên của mình, đó là vấn đề Brexit.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK


 © Vietnam Industry and Trade Information Center ( VITIC)- Ministry of Industry and Trade 
License: No 56/GP-TTDT issued by the Ministry of Information and Communications.
Address: Room 605, 6 th Floor, The Ministry of Industry and Trade's Building, No. 655 Pham Van Dong Street, Bac Tu Liem District - Hanoi.
Tel. : (04)38251312; (04)39341911- Fax: (04)38251312
Websites: http://asemconnectvietnam.gov.vn; http://nhanhieuviet.gov.vn
Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com 

 

Hitcounter: 25710806336