Thứ năm, 25-4-2024 - 15:44 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp các vấn đề chủ yếu trong Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương 

 Thứ ba, 30-10-2018

AsemconnectVietnam - Hiệu quả của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh; Cách thức triển khai phương án tính giá điện mới; Lộ trình xử lý các dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương; Công tác quản lý nhập khẩu máy đào tiền ảo khi chưa có quy định... là những nội dung chính được lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời các cơ quan báo chí trong Cuộc họp báo.

 I. THÔNG TIN CHUNG VỀ KẾT QUẢ HỌP BÁO 

 
Ngày 17 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Người phát ngôn của Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Bộ. Tại buổi họp báo, Bộ Công Thương đã cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018; Thông tin chung về Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020; Thông tin chung về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương.
 
Mặc dù từ đầu năm, nhiều yếu tố không thuận, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong  9 tháng đầu năm 2018 kinh tế Việt Nam có một số kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài, tuy nhiên với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế trên 6,7% vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp đồng lòng, quyết tâm thì mới đạt được.
 
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực. 
 
Kết quả đạt được của ngành Công Thương trong 9 tháng đầu năm như sau:
 
1. Về đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 2018
 
a. Về sản xuất công nghiệp
 
Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2018 được mở rộng và duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây (Tốc độ tăng IIP 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 6,1%; 5,3%; 6,8%; 9,9%; 7,1%; 8,8%; 10,6%).
 
Đáng chú ý là tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016 (Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng của một số năm: Năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 6,58%; năm 2014 tăng 7,09%; năm 2015 tăng 10,15%; năm 2016 tăng 11,20%; năm 2017 tăng 12,77%; năm 2018 tăng 12,65%).
 
Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,97%), làm giảm 0,14 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 8,08% của cùng kỳ năm trước. 
 
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,9% (quý I tăng 15,7%; quý II tăng 9,6%; quý III tăng 13,2%), đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua (Tốc độ tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng các năm 2012-2018 lần lượt là: 5,5%; 6,7%; 8,3%; 10,2%; 10,5%; 12,2%; 12,9%).
 
Trong đó, đáng lưu ý là một số nhóm ngành có mức tăng rất tích cực (tăng cao hơn mức tăng bình quân 12,9% của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo) như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 53,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 25,9%; sản xuất kim loại tăng 18,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,8%; sản xuất dệt tăng 13%... 
 
- Nhóm ngành khai khoáng giảm 1,97%. Trong đó, mức giảm chỉ tập trung ở khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, giảm 5,4%. Tuy nhiên, việc giảm ở nhóm dầu thô và khi đốt là giảm theo kế hoạch đã đề ra của năm 2018. 
 
- Cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Sản lượng điện sản xuất toàn tháng 9 ước đạt 17,81 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng ước đạt 155,585 tỷ kWh, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. 
 
b. Về xuất nhập khẩu
 
Tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 178,91 tỷ USD, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018 và bằng 75,6% kế hoạch năm (theo kế hoạch Bộ Công Thương phấn đấu: kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng 10% so với cùng kỳ, tương đương 236,6 tỷ USD)
 
Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu là 3 nhóm hàng điện thoại các loại; máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may. Tính chung cả ba nhóm hàng này đã tăng khoảng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
 
Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 9 năm 2018, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (36,13 tỷ USD), hàng dệt, may (22,56 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,65 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (12,1 tỷ USD), giày dép các loại (11,77 tỷ USD).
 
- Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt: Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. 
 
Trong 9 tháng đầu năm 2018, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. 
 
- Công tác phát triển thị trường đạt kết quả tốt, các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Ngoại trừ thị trường Chile, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với ta đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017: ASEAN ước tăng 16%, đạt 18,72 tỷ USD; Trung Quốc ước tăng 26,6%, đạt 28,15 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 12,2%, đạt 13,82 tỷ USD; Hàn Quốc ước tăng 26,5%, đạt 13,5%; Australia ước tăng 25,5%, đạt 3 tỷ USD.
 
9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của công tác tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương thời gian qua.
 
- Cán cân thương mại duy trì thặng dư, nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Cán cân thương mại từ năm 2016 đến nay luôn duy trì thặng dư. Mức thặng dư thương mại trong năm 2016, 2017 lần lượt là 1,78 tỷ USD và 2,11 tỷ USD. 9 tháng năm 2018, cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ước khoảng 5,39 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. 
Các mặt hàng cần nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nhiên liệu, nguyên phụ liệu, bán thành phẩm phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tới 89% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tỷ trọng nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
c. Về phát triển thị trường trong nước
 
Trong 9 tháng đầu năm, các mặt hàng nông sản thực phẩm như rau củ sản xuất thuận lợi, nguồn cung tăng nên giá tương đối thấp. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, do quy mô chăn nuôi tại các hộ gia đình giảm mạnh so với năm trước nên nguồn cung cho thị trường chủ yếu từ các trang trại chăn nuôi tập trung nên giá mặt hàng thịt lợn tăng cao hơn năm trước. Đối với nhóm hàng nhiên liệu năng lượng liên tục tăng cao trong giai đoạn gần đây do giá dầu thô thế giới tăng cao trước các biến động chính trị tại các nước xuất khẩu dầu mỏ. Các nhóm hàng vật tư phục vụ sản xuất, xây dựng ổn định về nguồn cung và giá bán.
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước 9 tháng đầu năm đạt 3.235.075 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017.
 
2. Về đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch của cả năm 2018
 
Qua kết quả đạt được của 3 qúy I, II, III và đánh giá khả năng ở từng mặt hàng, nhóm hàng, lĩnh vực cụ thể, Bộ Công Thương dự tính cả năm 2018, tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mức chỉ tiêu được Chính phủ giao và so với kịch bản dự kiến.
a. Đối với lĩnh vực công nghiệp
 
- Nhóm sản xuất và phân phối điện: Việc xây dựng kế hoạch sản xuất năm2018 dựa trên khả năng khai thác nguồn điện theo dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện của kinh tế - xã hội. Điện sản xuất và mua năm 2018 tăng trưởng khoảng 9,46% so với cùng kỳ năm 2017, bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.
 
Bộ Công Thương dự kiến, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 của ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 9,3-9,6% giá trị gia tăng (VA) của ngành tăng khoảng 9,4-9,7% .
 
- Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 của ngành khai khoáng bằng khoảng 92,1-93,6% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị gia tăng (VA) bằng khoảng 92% so với năm 2017.
 
- Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Rà soát một số mặt hàng/nhóm hàng công nghiệp chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất, khả năng về thị trường tiêu thụ năm 2018 cho thấy, có 7 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng cao (tăng từ 10% đến trên 50%) gồm: điện thoại di động; vải dệt từ sợi tự nhiên; Vải dệt từ sợi tổng hợp và nhân tạo; quần áo mặc thường; giày dép da; phân DAP…; có 7 nhóm hàng có khả năng tăng trưởng ở mức trung bình (tăng từ 5% - 8,5%); có một số sản phẩm dự kiến tăng trưởng thấp/giảm như: Ô tô; xe máy; động cơ diezen; máy công cụ; ti vi; thuốc lá điếu; phân NPK; phân ure; phân lân. Do đó, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12-13% so với năm 2017 và giá trị gia tăng (VA) của nhóm tăng khoảng 12,34-12,46%.
 
Căn cứ tình hình và khả năng tăng trưởng của các ngành phân tích ở trên, dự báo cả năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 9,4%.
 
b. Xuất nhập khẩu
 
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 cho thấy, sau 3 quý đầu năm 2018, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa các chỉ tiêu đề ra. Cán cân thương mại cũng đạt mức thặng dư cao (ước 5,39 tỷ USD).
 
Do đó, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Cán cân thương mại năm 2018 có thể tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư với mức xuất siêu khoảng 2 tỷ USD. Trong đó:
- Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%;
- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6%;
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5%.
 
c. Thị trường trong nước: Diễn biến thị trường trong nước năm 2018 được dự báo sẽ ít có những biến động bất thường, các yếu tố về nguồn cung vẫn được bảo đảm (giá có tăng do giá thế giới, tỷ giá, chi phí nhiên liệu... nhưng sẽ được kiểm soát từ phía nhà nước), các yếu tố từ phía cầu (thu nhập, niềm tin của người tiêu dùng) cũng khả quan. Với những yếu tố thuận lợi như phân tích ở trên, Bộ Công Thương phấn đấu mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt khoảng 4.269 - 4.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10 - 10,5% so với năm 2017. 
 
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÁO CHÍ QUAN TÂM TẠI CUỘC HỌP BÁO
 
Trong khuôn khổ họp báo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Người phát ngôn của Bộ Công Thương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí. Nội dung cuộc họp báo xoay quanh các vấn đề chính, bao gồm: Hiệu quả của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh; Phương án tính giá điện mới; Việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương; Vấn đề vềtồn dư thuốc bảo vệ thực vật; Về nhập khẩu máy đào tiền ảo; Công tác điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương; Về công tác quản lý thị trường; Phương án vận hành hiệu quả hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất…
 
Tổng thể, các câu hỏi của phóng viên đã được trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm và nêu bật được những kết quả mà ngành Công Thương đã triển khai trên các lĩnh vực được giao trong thời gian vừa qua, đặc biệt các vấn đề “nóng” và nội dung được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Các nội dung trao đổi cụ thể như sau:  
 
1. Phóng viên Khánh Linh – Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam
 
Đề nghị Bộ Công Thương đánh giá thông tin kỹ hơn về hiệu quả của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh?
 
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn trả lời:
 
Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định, theo đó cắt giảm 677 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).
 
Cũng theo Nghị quyết số 19, Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi, giám sát đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán việc cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. 
 
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020.
Theo Phương án trên, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm:202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%). Như vậy, với việc cắt giảm, đơn giản hóa lần 1 tại  Nghị định 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định là 55,5% và cộng với dự kiến cắt giảm lần 2 này thì tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.
 
Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 tập trung vào các ngành, nghề: an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, điện lực, hóa chất, ô tô, khoáng sản và than. 
 
Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) hoan nghênh, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rất cao nỗ lực này của ngành.
 
Trên cơ sở Phương án cắt giảm 202 điều kiện đầu tư kinh doanh mới được đề nghị cắt giảm quy định ở những ngành nghề khác nhau, Bộ Công Thương sẽ xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
 
2. Phóng viên Khánh Linh – Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam:
Phương án tính giá điện mới sẽ áp dụng từ 26/10, tuy nhiên chủ nhà và đối tượng thuê trọ chưa nắm bắt rõ. Nội dung này sẽ triển khai ra sao?
 
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn trả lời:
 
Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện, trong đó có quy định chi tiết hơn về áp giá bán điện cho người thuê nhà.
Thông tư  25 đã bổ sung hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) theo hướng ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá điện của bậc thang thứ 3 cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ đối với người thuê nhà dưới 12 tháng và không xác định được số hộ. Trường hợp xác định được số người trong nhà thuê, căn cứ vào số người, bên cung cấp điện sẽ căn cứ vào đó cấp định mức sử dụng điện.
 
Quy định mới này sẽ khắc phục được khó khăn biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện đảm bảo đơn giản trong việc thực hiện, dễ dàng trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của người dân.
 
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tuyên truyền, đăng tải Thông tư trên các thông tin đại chúng, gửi các Sở Công Thương để thông báo rộng rãi đến các đơn vị điện lực trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các công ty điện lực các tỉnh, thành phố, phối hợp các đơn vị bán lẻ điện của các thành phần kinh tế, tổ chức phổ biến rộng rãi tới từng tổ dân phố. 
 
Bộ Công Thương đã chỉ đạo và yêu cầu các Sở Công Thương, các công ty điện lực và các đơn vị bán lẻ điện yêu cầu các chủ hộ thuê nhà chủ nhà ký cam kết áp giá bán điện theo đúng giá Nhà nước quy định. Các địa phương đều tích cực triển khai. (Ví dụ ở Hà Nội, đã có trên 95% các chủ hộ thuê nhà đã ký cam kết với ngành điện sẽ áp giá bán điện theo đúng giá Nhà nước quy định). Bộ Công Thương sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc và kiểm tra các tập thể, cá nhân thực hiện đúng các qui định tại Thông tư 25.
 
3. Phóng viên Khánh Linh – Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam:
Hiện nay, việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương được triển khai đến đâu, lộ trình cụ thể trong thời gian tới?
 
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng trả lời:
 
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2 và đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” và Quyết định số 4269/QĐ-BCĐĐANCT ngày 14 tháng 11 năm 2017 về Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án nêu trên giai đoạn 2017 – 2020 để thống nhất quan điểm, mục tiêu, lộ trình và các phương án xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả; đồng thời giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, Tập đoàn và Tổng công ty có dự án.
 
Sau hơn một năm triển khai xử lý, qua đánh giá cho thấy bước đầu có những chuyển biến tích cực tại 12 dự án, doanh nghiệp được đưa vào xử lý. Các dự án đi vào hoạt động ổn định hơn trước và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho người lao động tại các nhà máy, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
 
Một số nét cơ bản như sau:
 
- Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận ước đạt 147,68 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận ước đạt 527,24 tỷ đồng; 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn và đi vào sản xuất ổn định hơn.
 
- Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018, hiện đang khản trương tiến hành các phương án để vận hành toàn bộ nhà máy; 2 dự án còn lại đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi (Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước).
 
- Đối với 3 dự án xây dựng dở dang đều đã có phương án xử lý cụ thể và hiện đang tổ chức triên khai thực hiện thẻo Kế hoạch
 
- Một mặt, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp đã bảo đảm nguyên tắc nhà nước không bỏ thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp; mặt khác Chính phủ Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc rút thành công thu về cho Ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng từ phần vốn góp của SCICvào dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên). Bên cạnh đó, đã giảm được dư nợ tín dụng trung và dài hạn ở các dự án, doanh nghiệp (giảm 124 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/01/2018).
Trong thời gian tới, để bảo đảm thực hiện xử lý triệt để các tồn tại, yếu kém tại các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương theo đúng mục tiêu, lộ trình và phương án đã được phê duyệt, yêu cầu đặt ra trong thời gian tới được Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ xác định và quán triệt chỉ đạo là tập trung bám sát nội dung quan điểm, mục tiêu, giải pháp và phương án xử lý cụ thể theo Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp đã được phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; bám sát các nội dung nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động thực hiện Đề án đã được Ban Chỉ đạo ban hành và phân giao cho các Bộ ngành, các tập đoàn, tổng công ty và cơ quan có liên quan tại Quyết định số 4269/QĐ-BCĐDADNCT ngày 14 tháng 11 năm 2017 của Ban Chỉ đạo; tập trung xử lý khẩn trương, dứt điểm những vấn đề hiện vẫn đang còn tồn tại, vướng mắc ở các dự án, doanh nghiệp. Đặc biệt là tập trung vào xử lý các tranh chấp tại các Hợp đồng EPC; tiếp tục đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các dự án, doanh nghiệp.
Những kết quả nêu trên là tiền đề hết sức quan trọng để bảo đảm thực hiện, hoàn thành được mục tiêu, lộ trình đề ra là xử lý được dứt điểm các dự án, doanh nghiệp vào năm 2020.
 
4. Phóng viên Huy Hoàng - Bản tin Tài chính kinh doanhVTV24 - Đài truyền hình Việt Nam:  
Do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thời gian qua nhiều loại nông sản nước ta bị trả lại, mới nhất là thanh long. Thực tế, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm trước, nhưng gần đây xảy ra thường xuyên hơn. Bộ Công Thương có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?
 
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải trả lời:
 
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu (XK) nông sản lớn với kim ngạch sau 9 tháng đầu năm đạt 20 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Nông sản cũng là sản phẩm đặc thù, quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển đều dễ bị ảnh hưởng, tác động của môi trường và các yếu tố bên ngoài. 
 
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều quốc gia đang đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe với nông sản để đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Đôi lúc, các tiêu chuẩn đó có thể bị sử dụng như biện pháp kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nông sản từ các nước khác.
 
Mặc dù tỷ lệ số lô hàng bị trả lại trên tổng số kim ngạch XK mặt hàng nông sản là rất nhỏ, nhưng nhìn chung, việc bị trả lại hàng sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tên tuổi nông sản Việt Nam trên thị trường. Do đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là cơ quan chủ trì quản lý chất lượng sản phẩm nông sản - thủy sản) và các hiệp hội đưa ra các cảnh báo, tăng cường kiểm ra ngay tại nhà máy, cơ sở sản xuất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, áp dụng truy xuất nguồn gốc, tăng cường trách nhiệm của DN trong hoạt động XK.
 
5. Phóng viên Huy Hoàng - Bản tin Tài chính kinh doanhVTV24 - Đài truyền hình Việt Nam:  
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị không dừng nhập khẩu máy đào tiền ảo. Vậy thời gian tới, việc nhập khẩu máy đào tiền ảo sẽ được quản lý ra sao khi chưa có quy định?
 
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải trả lời:
 
Từ tháng 6/2018, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ ngành nghiên cứu xem xét việc tạm ngừng NK máy đào tiền ảo. Bộ Công Thương cũng đã trao đổi, xin ý kiến các bộ ngành liên quan và sau khi tổng hợp ý kiến cho thấy, trong các góp ý của các bộ ngành, bên cạnh việc đưa ra ý kiến về việc tạm ngừng NK, cũng có ý kiến băn khoăn về việc áp dụng mã HS cho máy đào tiền ảo. Bởi hiện có rất nhiều thiết bị sử dụng chung mã HS 8471.80.90 với máy đào tiền ảo.
 
Thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, có hơn 27.239 sản phẩm và 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 15.117 sản phẩm mã HS này được nhập về Việt Nam. Chưa kể, ngừng nhập khẩu trong khi chưa xác định được cụ thể mã HS với mặt hàng cần quản lý là chưa phù hợp với quy định tại Luật Quản lý ngoại thương về quyền tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu và áp dụng biện pháp tạm ngừng NK.
 
Các bộ ngành cho rằng máy xử lý dữ liệu tự động là mặt hàng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau chứ không riêng máy đào tiền ảo nên cấm sẽ gây ảnh hưởng đến các ngành nghề khác. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị, không áp dụng biện pháp tạm ngừng NK đối với máy xử lý dữ liệu tự động. Đồng thời kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, phân loại, áp mã số HS phù hợp với loại máy này để làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.
 
6. Phóng viên Ngọc An - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh: 
Đề nghị Bộ Công Thương cung cấp thêm thông tin về việc kiểm tra các cấp lãnh đạo có liên quan đến vụ việc Con Cưng, hiện xử lý như thế nào và đã có kết quả cụ thể?
 
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh trả lời:
 
Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết luận vụ việc Con Cưng. Việc xem xét xử lý kỷ luật một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Cục Quản lý thị trường sẽ được thực hiện theo quy định từ thành lập Hội đồng kỷ luật, nghe các ý kiến của cá nhân, đơn vị liên quan, sau đó đánh giá, xem xét, đề xuất hình thức và ban hành quyết định kỷ luật.
 
Bộ Công Thương đang tiến hành quy trình kỷ luật. Bộ sẽ thông tin kịp thời khi có quyết định chính thức đối với cá nhân liên quan đến vụ Con Cưng.
 
7. Phóng viên Ngọc An - Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh:
Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã đưa ra sản phẩm ra thị trường có giá bán sản phẩm thấp hơnkhiến lượng tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giảm, hiện nay cạnh tranh trên thị trường xăng dầu rất lớn. Bộ Công Thương tính toán sẽ tính toán ra sao để vận hành hiệu quả 2 nhà máy này? Về việc bù tiền của cơ chế thu điều tiết thuế của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn?
 
Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than Trần Thanh Tùng trả lời:
 
Liên hợp Lọc hoádầu Nghi Sơn đã được vận hành chạy thử tháng 5 năm 2018 và các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước đã ký kết Hợp đồng mua xăng dầu với các đối tác nhập khẩu và sản xuất xăng dầu nên để có thể bán được sản phẩm, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) phải hạ giá bán sản phẩm để tiêu thụ hết sản phẩm, đảm bảo an toàn vận hành thử của Nhà máy. Việc định giá bán sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu là do doanh nghiệp chủ động thực hiện, phù hợp với tình hình thị trường, kế hoạch sản xuất và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đến tháng 7 và tháng 8, do không tiêu thụ hết được sản phẩm, dẫn đến tình trạng tồn kho, đầy bồn chứa sản phẩm (tank top) và phải thuê kho chứa của các đơn vị khác nên NSRP đề nghị được xuất khẩu sản phẩm xăng của Nhà máy.
 
Căn cứ trên các quy định hiện hành, trên cơ sở xem xét tình hình cung - cầu xăng dầu trong nước; để hỗ trợ NSRP đảm bảo Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành an toàn trong giai đoạn chạy thử, Bộ Công Thương đã đồng ý NSRP được xuất khẩu sản phẩm đồng thời yêu cầu NSRP xin ý kiến Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến thuế, giá xuất khẩu trước khi thực hiện xuất khẩu sản phẩm.
 
- Để thu hút các Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Dự án lọc hóa dầu (là dự án có công nghệ hiện đại, phức tạp và cần nguồn vốn lớn) vào Việt nam, thời điểm 2008 Chính phủ đã có chính sách ưu đãi một khoản tương đương với thuế nhập khẩu xăng dầu cho Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Khoản ưu đãi này để đảm bảo hiệu quả đầu tư Dự án cho các nhà đầu tư, đảm bảo khả năng trả nợ của Chủ đầu tư trong giai đoạn đầu khi Dự án đi vào hoạt động. Hiện tại, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất các giải pháp về tài chính để bù đắp nguồn thu ngân sách giảm khi Chính phủ thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm nhiên liệu đối với Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn 
 
8. Phóng viên Nguyên Long - Đài tiếng nói Việt Nam:  
Đợt điều hành xăng dầu ngày 7/10, Bộ Công Thương đã không trích lập Quỹ bình ổn. Vậy số dư hiện nay ra sao? Trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao, công tác điều hành của Bộ thế nào?
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời:
 
Trong đợt điều hành xăng dầu ngày 7/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định dừng trích lập vào quỹ bình ổn giá. Từ đầu năm đến ngày 25/9 đã có tổng cộng 18 lần điều hành giá, trong đó 2 lần giảm giá, 6 lần tăng giá, 10 lần ổn định giá. Tuy nhiên, để giữ được 10 lần bình ổn này, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định trích Quỹ bình ổn khoảng 18.466 đồng/lít. Tính đến ngày 15/8, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã chi 5.500 tỷ đồng để bình ổn giá xăng dầu và đến ngày 31/8, Quỹ còn tồn 3.100 tỷ đồng.
Lần gần đây nhất, vào ngày 7/10, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, liên Bộ Công Thương - Tài chính một mặt ngừng trích 300 đồng/lít xăng vào quỹ, đồng thời tiếp tục trích quỹ để bù giá. Do đó, đáng lẽ xăng tăng hơn 1.500 đồng/lít nhưng thực tế chỉ tăng 700 đồng/lít”.
 
Xăng dầu là mặt hàng đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có tác động lớn đến đời sống của người dân, đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Thời gian tới, do giá xăng dầu thế giới dự báo sẽ tăng, cộng với việc từ ngày 01/01/2019 sẽ tăng thuế môi trường từ 3000đ/l lên 4000đ/l (tăng 1000đ/l) nên giá xăng dầu dự kiến tăng, vì vậy vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ rất cần thiết. Đây là điều liên Bộ Công Thương - Tài chính cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và trình Chính phủ, Ban điều hành giá xem xét, quyết định việc điều chỉnh giá xăng dầu.
 
9. Phóng viên Nguyên Long - Đài tiếng nói Việt Nam:  
Vừa qua, xảy ra vụ việc 6 em học sinh bị thương vong ở Long An do điện giật. Về vấn đề này, quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào?
 
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn & Môi trường Công nghiệp Tô Xuân Bảo trả lời:
 
Ngay sau khi nhận thông tin tai nạn xảy ra, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu Cục Kỹ thuật An toàn & Môi trường Công nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào hiện trường để cùng phối hợp với lực lượng chức năng để chỉ đạo khắc phục sự cố.
 
EVN đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Long An trước hết tập trung thăm hỏi, động viện, hỗ trợ gia đình các cháu bị nạn. Sau đó, chỉ đạo Công ty Điện lực Long An rà soát các điều kiện kỹ thuật liên quan đến lưới điện, kể cả vấn đề quản lý để phục vụ công tác điều tra của công an huyện Châu Thành. Nguyên nhân không ngoại trừ liên quan đến kỹ thuật, quản lý và liên quan tác động bên ngoài. Sau khi có kết quả điều tra, sẽ có xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị điện lực rà soát các điều kiện kỹ thuật trong công tác vận hành, bảo dưỡng đường đây, kiểm tra lưới điện định kỳ để đảm bảo an toàn lưới điện tránh bị tai nạn xảy ra, đảm bảo cung cấp điện ổn định.
 
10. Phóng viên Nguyên Long - Đài tiếng nói Việt Nam:  
Việc kiểm tra thực tế của Bộ Công Thương về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam về cách mạng công nghiệp 4.0 có kết quả ra sao?
 
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Phạm Thu Giang trả lời:
 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo nên những thay đổi lớn không chỉ đối với những quốc gia phát triển, đi đầu về công nghệ mà còn cả với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đồng thời đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể phù hợp cho ngành, Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khảo sát trên 2.500 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Việt Nam về mức độ sẵn sàng trong tiếp cận với CMCN4.0. Kết quả cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đang có mức độ sẵn sàng thấp, trong có tới 85% đang đứng ngoài cuộc. Kết quả này cũng khá tương đồng với đánh giá của Diễn đàn kinh tế giới khi xếp Việt Nam ở trong nhóm Sơ khởi trong tiếp cận với CMCN4.0. 
 
Các doanh nghiệp hiện nay đang chưa có sự chuẩn bị phù hợp. Điểm yếu của các doanh nghiệp nằm từ tầm nhìn chiến lược đến tổ chức hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có Kế hoạch/Chiến lược điều chỉnh phủ hợp với xu hướng phát triển của CMCN4.0, đặc biệt là những kế hoạch liên quan tới đầu tư đổi mới công nghệ cũng như thiết bị. Nguồn nhân lực cũng đang thiếu những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho một nền sản xuất thông minh và hiện đại trong tương lai.
 
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ tại Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10 tháng 11 năm 2017. Trong đó, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này. Riêng về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ CMCN4.0, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 754/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong Đề án này, nội dung “Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN4.0 và xây dựng các mô hình nhà máy thông minh, doanh nghiệp số” là một trong những nội dung trọng tâm.
 
11. Phóng viên Lương Bằng - Báo điện tử Vietnamnet:
Bộ Công Thương đã giảm đươc đầu mối nhưng nay lại nâng cấp Cục quản lý thị trường lên Tổng cục, các chi cục nâng cấp lên. Như vậy, có đi trái với mục tiêu cắt giảm đầu mối quản lý không?
 
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh trả lời:
 
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, vi phạm, gian lận thương mại, hàng nhái hàng giả ở nước ta ngày càng tăng lên. Vài năm trước, các vụ vi phạm này chỉ cục bộ ở địa phương nhưng những năm gần đây ngày càng diễn ra trên diện rộng, liên tỉnh, liên vùng. Thực tiễn đó đòi hỏi phải tổ chức lại lực lượng QLTT để quản lý tốt hơn. Việc đưa các Chi cục QLTT ở địa phương về Tổng cục QLTT thuộc Bộ Công Thương về tổng thể không làm tăng biên chế. Bộ Công Thương tăng biên chế nhưng các địa phương giảm biên chế.
 
Bên cạnh đó, trước khi thành lập Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương đã giảm nhiều đầu mối QLTT và đặt mục tiêu đến hết 2020 sẽ giảm 305 đội. Ngày 12/10/2018, khi Tổng cục QLTT chính thức đi vào hoạt động, đã giảm ngay 162 Đội QLTT. Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, có phương án sắp xếp cho giai đoạn sau 2021 để tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tinh gọn, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời: 
 
Trước đây, lực lượng QLTT có 63 đầu mối địa phương và 1 đầu mối ở Bộ Công Thương là 64. Tuy nhiên con số này sẽ dần giảm còn 38 đầu mối liên tỉnh. Số đầu mối giảm đi nên không có gì mâu thuẫn giữa việc thành lập Tổng cục QLTT với việc giảm đầu mối quản lý. Biên chế không những không tăng mà còn giảm.
 
12. Phóng viên Đức Hạnh - Truyền hình Nhân dân:
Hiện nay, việc thực hiện cam kết của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong trả lời chất vấn được thực hiện ra sao?
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời: 
 
Cam kết của Bộ trưởng cũng là cam kết và trách nhiệm của Bộ Công Thương, ngành Công Thương đối với cử tri cả nước. Những kết quả mà Bộ Công Thương đạt được thời gian qua chính là việc thực hiện lời hứa của người đứng đầu ngành Công Thương với cử tri và người dân cả nước.
 
Cụ thể, Bộ Công Thương đã hoàn thành chỉ tiêu trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường trong nước…góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, góp phần vào các chỉ tiêu của Quốc hội giao cho Chính phủ mà Bộ Công Thương là một trong các bộ ngành chịu trách nhiệm thực hiện. Làm tốt công việc của mình chính là cách tốt nhất thực hiện tốt những cam kết mà Bộ trưởng Bộ Công Thương đã hứa trước cử tri. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện các nhiệm vụ một cách tốt nhất, xứng đáng mong đợi của các cấp, các ngành và người dân.
 
13. Phóng viên Đức Hạnh - Truyền hình Nhân dân:
Bộ Công Thương đứng đầu trong cải cách hành chính, thời gian tới, Bộ có cắt giảm tiếp thủ tục kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay không?
 
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn trả lời:
 
Thứ nhất, Bộ Công Thương là bộ đi đầu trong cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh. Thực hiện Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP và 9 Nghị định, theo đó cắt giảm 677 điều kiện trên tổng số 1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Cũng theo Nghị quyết số 19, Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi, giám sát đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán việc cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. 
 
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm: 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. 
 
Trên cơ sở Phương án cắt giảm 202 điều kiện đầu tư kinh doanh mới được đề nghị cắt giảm quy định ở những ngành nghề khác nhau, Bộ Công Thương sẽ xây dựng trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
 
Thứ hai, song hành với việc cắt giảm đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện và xây dựng Phương án cắt giảm thủ tục hành chính tương ứng.
 
Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cắt giảm thủ tục hành chính, theo đó cắt giảm 49 thủ tục, đơn giản hóa 134 thủ tục trong tổng số 451 thủ tục (chiếm 40,57%).
 
Ngày 27/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định 1408/QĐ-BCT, theo đó dự kiến bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính (đơn giản hóa 42 thủ tục, bãi bỏ 12 thủ tục đối với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật gồm 10 thông tư, 01 thông tư liên tịch, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Nghị định. Bước tiếp theo, trên cơ sở Phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh cho giai đoạn 2019-2020 được ban hành tại Quyết định 3720/QĐ-BCT, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tương ứng.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng ký Quyết định 3013/QĐ-BCT thành lập Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ Công Thương. Trong đó Bộ trưởng Bộ Công Thương là Trưởng ban, cùng 2 Thứ trưởng Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, cùng lãnh đạo Vụ, Cục, Văn phòng bộ, trong đó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là thường trực của Ban chỉ đạo để triển khai chính phủ điện tử. Cùng với việc cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản thủ tục đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp cũng như tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
 
 Nguồn: Moit.gov.vn

  PRINT     BACK
 Khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành dệt may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2023
 Vietnam Expo 2023: Thu hút hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia
 Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm việc với Đại sứ Argentina tại Việt Nam
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gặp Chủ tịch Hội nghị sỹ hữu nghị I-xra-en – Việt Nam
 Cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng giữa các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Vương quốc Anh
 Việt Nam – Úc tổ chức họp Nhóm công tác Thương mại lần thứ 4
 Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - Tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp
 Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam” cho Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam
 Hội nghị triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
 Bộ Công Thương phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Trung Quốc
 Gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn thanh niên Bộ Công Thương các thời kỳ


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710867105