Thứ năm, 25-4-2024 - 10:45 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngành Công nghiệp cần tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu 

 Thứ ba, 30-1-2018

AsemconnectVietnam - Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2017 song phát biểu tại buổi tổng kết của Cục Công nghiệp chiều 29/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năm 2018 Cục Công nghiệp cần cố gắng hơn nữa, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách để biến những mục tiêu, chiến lược thành hành động cụ thể; xác định rõ mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0.

Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2017 và Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương diễn ra chiều nay 29/1/2018 tại trụ sở Bộ Công Thương số 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu ý kiến. Cùng tham gia hội nghị còn có đại diện các Cục, Vụ và một số đơn vị thuộc ngành Công Thương.
Hội nghị lần này được người đứng đầu ngành – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ghi nhận là có sự đổi mới rõ rệt. Theo đó, các đại biểu tham dự đãkhông đọc báo cáo, cũng không trình bày dài dòng về các vấn đề vĩ mô, với những con số đẹp. Thay vào đó, các ý kiến phát biểu cần ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, đồng thời trả lời câu hỏi mà ngay từ đầu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra: Làm rõ vai trò, trách nhiệm cũng như định hình rõ vị trí của Cục Công nghiệp trong sự phát triển của toàn ngành; Giải pháp nào để công nghiệp phát triển, bền vững, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo quy định tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất 02 đơn vị cũ là Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ.
Cục Công nghiệp là đơn vị quản lý nhà nước chịu trách nhiệm đối với hơn 34% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, và hơn 22% giá trị trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội. Việc chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước ngành công nghiệp từ mô hình 02 Vụ chức năng chủ yếu chú trọng nhiệm vụ tham mưu chính sách thành mô hình Cục trực tiếp thực hiện một số chức năng quản lý ngành tạo nên sự thống nhất về đầu mối quản lý nhà nước, đồng thời cho thấy sự biến chuyển lớn trong yêu cầu về quản lý nhà nước đối với sự phát triển ngày càng đa dạng của công nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa công tác của 02 đơn vị cũ, công tác chỉ đạo, điều hành trong năm 2017 của Cục Công nghiệp đã góp phần lớn trong việc thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra của ngành.
Báo cáo tại buổi tổng kết, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay 2017 là một năm diễn ra nhiều biến chuyển lớn trong ngành công nghiệp. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao (tăng 14,5%, cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 11,2%, năm 2015 tăng 10,5%), là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp năm 2017 tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc sụt giảm nhóm ngành khai khoáng (giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2016). Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết tháng 11 năm 2017 tăng 13,6% (cao hơn nhiều so với mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm 2016). Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như: sản xuất đồ uống; dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu...), tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Tồn kho các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với mức tăng của 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 01/12/2017 tăng 8% (cùng kỳ tăng 8,3%). Đây là mức tồn kho hợp lý, phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và là mức tồn kho theo kế hoạch để chuẩn bị cho vụ tiêu thụ trong thời gian tới.

Báo cáo của Cục Công nghiệp cũng chỉ ra rằng dù đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên công nghiệp Việt Nam trong năm 2017 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Cụ thể: Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng cao vào xuất khẩu và GDP tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hạ nguồn, đến từ sản phẩm thô, sơ chế và gia công, lắp ráp của các doanh nghiệp FDI. Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp vật liệu đòi hỏi nhiều vốn kém phát triển. Chuyển dịch cơ cấu ở một số lĩnh vực công nghiệp chưa thực sự bền vững, chủ yếu do các doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành tuy có tăng nhưng còn chậm (dệt may, da giày, điện tử...), khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp nội địa vẫn chưa tham gia được nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp cùng ngành còn lỏng lẻo, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp…

Do vậy, theo Cục trưởng Trương Thanh Hoài, phương hướng hoạt động của Cục Công nghiệp sẽ hướng đến việc đạt được các mục tiêu trong năm 2018 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2018 và cũng như đảm bảo sự chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế theo hướng năng suất và chất lượng. Điều này thể hiện ở các con số kỳ vọng:
- GDP công nghiệp và xây dựng 7,7%, trong đó công nghiệp 7,3%;
- ICOR năm 2018 khoảng 6,0;
- Tăng trưởng xuất khẩu 8-10%;
- Năng suất lao động tăng khoảng 6%;
- Năng suất tổng hợp TFP đạt 46%;
- Nhập siêu dưới 3%.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiệt liệt biểu dương những kết quả của Cục Công nghiệp đạt được trong năm 2017. Cụ thể, đó là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hoàn thành Đề án phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành khai khoáng, kiện toàn bộ máy nhân sự toàn đơn vị, nâng cao chất lượng cán bộ, tham gia đề án tái cơ cấu ngành, cải cách thể chế theo đúng tinh thần kiến tạo... Bộ trưởng ấn tượng vì sự nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo và cán bộ Cục để tạo thành sức mạnh tập thể, hoàn thành tốt hàng loạt nhiệm vụ được giao.
Với vai trò to lớn của ngành công nghiệp trong sự phát triển ngành Công Thương cũng như đối với nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng yêu cầu tập thể Cục Công nghiệp quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn nữa, cao hơn nữa, định hướng phát triển nền công nghiệp nước nhà phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp phải có quan điểm mang tính cầu thị, xác định được tầm nhìn mang tính chiến lược, bền vững; cụ thể hóa tầm nhìn, bám sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, không được xa rời thực tiễn; nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; chủ động trong quá trình hội nhập...
Bộ trưởng chỉ đạo Cục cần tiếp tục kiện toàn bộ máy cán bộ, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ bởi con người là yếu tố quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình phát triển. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Cục cần chủ động cung cấp thông tin, làm tốt công tác truyền thông để định hướng dư luận vì Cục Công nghiệp là đơn vị đầu mối của rất nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, được dư luận quan tâm.
Thay mặt toàn thể các cán bộ Cục, Cục trưởng Trương Thanh Hoài gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đối với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Cục trưởng khẳng định, năm 2018, phát huy những kết quả đạt được, tập thể Cục Công nghiệp quyết tâm đoàn kết, nỗ lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Nguồn: Moit.gov.vn

 

  PRINT     BACK
 Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước
 Hải Dương hội tụ đủ yếu tố để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng
 Thứ trưởng Đặng Hoàng An họp Ban Chỉ đạo Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG)
 Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030
 Tập trung chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp ngài Mark Garnier - Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Brunei
 Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tiếp, làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào
 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm việc với UBND tỉnh Lào Cai
 Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu
 Khởi công Tổ hợp chăn nuôi - chế biến bò thịt công nghệ cao tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc
 Hiệp định UKVFTA – Thương mại xanh và công bằng với Việt Nam
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp Giám đốc cấp cao về nguồn cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Google
 Bộ Công Thương tổ chức Lễ kỷ niệm 113 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3
 Việt Nam – Nhật Bản: Nhiều cơ hội hợp tác phát triển, chuyển dịch năng lượng
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp, làm việc với Đồng chí Bun-lửa Sỉn-xay-vo-ra-vông, Thống đốc Ngân hàng Lào


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710860667