Thứ năm, 25-4-2024 - 23:56 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp hoạt động của WTO trong tháng 6/2017 

 Thứ sáu, 30-6-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 6/2017, hoạt động của WTO có nhiều diễn biến đáng chú ý

Mỹ kêu gọi nên cải cách WTO từ bên trong thay vì phá bỏ cả hệ thống
Ngày 20-6, trên tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã công bố một số nội dung quan trọng trong chính sách thương mại Mỹ.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo trên, ông Ross đã lên tiếng biện hộ cho xu hướng bảo hộ mậu dịch của Mỹ khi cho rằng các nước trên thế giới đều có luật bảo hộ thương mại nhiều hơn Mỹ, rằng nước này đã ở trong cuộc chiến thương mại trong nhiều thập kỷ. 
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Ross, Mỹ đã đạt nhiều tiến bộ với Trung Quốc sau kết quả tốt đẹp của cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó chưa đầy 100 ngày sau đã đạt thỏa thuận xuất khẩu thịt bò Mỹ sang Trung Quốc (lô hàng đầu tiên sẽ được xuất trong 10 ngày tới). Ông Ross cho biết thêm hai bên đang lập một danh sách khác, đồng thời tăng cường điện đàm nhằm đạt những kết quả cụ thể, hợp lý. 
Liên quan Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), ông Ross cho rằng đây là thỏa thuận lỗi thời cần được cải tiến ở một số điểm, như kinh tế số, tài nguyên, dịch vụ và xuất xứ ôtô. Theo ông, tranh cãi có thể giải quyết nếu các bên sẵn sàng có nhân nhượng và thỏa hiệp hợp lý.
Bên cạnh đó, chính sách thương mại của Mỹ cũng chú trọng đến việc xử lý thâm hụt thương mại. Ông Ross cũng khẳng định việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ là bước đi rất cực đoan, cho rằng có những vấn đề cần phải khắc phục ở WTO, và những nỗ lực đầu tiên của Mỹ nên là cải cách WTO từ bên trong thay vì phá bỏ cả hệ thống. 
Theo tờ "Inside US Trade" ngày 20-6, trả lời phóng viên bên lề sự kiện Đầu tư vào Mỹ (Select USA), Bộ trưởng Ross nói rằng Mỹ đã có một số cuộc gặp riêng rẽ để bàn về phạm vi hợp tác với một số nước vẫn là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp định này. Mỹ đã bày tỏ mong muốn đàm phán song phương với Tokyo nhưng giới chức Nhật Bản thường nêu quan điểm ưu tiên Mỹ quay trở lại với TPP, hoặc nếu không, TPP sẽ được triển khai mà không có Mỹ.
 
10 năm sau WTO: Lực đỡ từ nước ngoài
Nguồn lực nước ngoài đã góp phần đáng kể cho đà cất cánh ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2017 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập WTO. Nhìn lại chặng đường một thập kỷ qua, ông Pascal Lamy, cựu Tổng giám đốc WTO nhận định, Việt Nam đã đạt những thành công trong tiến trình hội nhập và khai thác được nhiều lợi thế so sánh. Nhờ đó,Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân cao (6 - 6,5%), đạt tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng và nhận được nguồn vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Theo thống kê từ Tổng cục Hải Quan, chỉ sau 10 năm gia nhập WTO, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng rất mạnh, từ con số 10 tỉ USD năm 2006 đã nhảy vọt lên 64 tỉ USD vào năm 2008 và hiện đạt gần 300 tỉ USD lượng vốn FDI đăng ký. Tính ra, Việt Nam đã và đang thu hút hơn 22.000 dự án FDI. Trong đó, nhiều tập đoàn sản xuất hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,… chọn Việt Nam làm điểm đến quan trọng.
Không chỉ thu hút nguồn vốn FDI, gia nhập WTO còn mở ra những cánh cửa lớn để Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu. Tính đến nay, đã có 12 FTA đa phương và song phương giữa Việt Nam và các nước được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán. Chưa kể, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA khác, trong đó RCEP được dự đoán là một FTA thế kỷ.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thay đổi. Để huy động vốn, mở rộng kinh doanh, quảng bá thương hiệu và nâng cao uy tín, các doanh nghiệp tìm cách lên sàn. Từ chỗ chỉ hơn 100 công ty (cuối 2016), đến nay số lượng công ty niêm yết chứng khoán đã gấp gần 10 lần. Đặc biệt, để có được những cam kết hậu thuẫn bền chặt hơn trong vấn đề vốn, kỹ thuật, công nghệ, quản trị, tìm kiếm thị trường mới.., các công ty còn tìm cách bắt tay với nhiều đối tác nước ngoài. Hàng tỉ USD từ các công ty, tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vào doanh nghiệp Việt Nam qua con đường mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) hoặc đầu tư nắm giữ cổ phiếu trên sàn (vốn FII).
Thực tế, nguồn lực nước ngoài đã góp phần đáng kể cho đà cất cánh ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp ở Thế Giới Di Động là điển hình. Sự xuất hiện của Mekong Capital sau 7 năm (2007-2013), với vai trò cổ đông nắm hơn 32% vốn điều lệ cũng đã góp phần giúp Thế Giới Di Động đạt tăng trưởng nhảy vọt, từ 7 cửa hàng ban đầu lên hơn 1000 cửa hàng và hiện trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động lớn nhất Việt Nam, nắm giữ 39% thị phần.
Hay Domesco, một tên tuổi lớn trong ngành dược Việt Nam cũng đã mở toang cánh cửa chào đón CFR International SPA (Chile). CFR liên tục mua vào cổ phiếu DMC của Domesco và đến cuối năm 2016 thì nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Dưới sự tham gia tư vấn, hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh, quản lý chuỗi từ CFR, mà sau này là Abbott (Abbott đã mua lại CFR từ năm 2014), Domesco đã tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ, triển khai nhà máy mới theo chuẩn FDA-US của Mỹ, giúp Công ty giải quyết được nút thắt về quá tải trong sản xuất, mở rộng xuất khẩu. Từ đây, biên lợi nhuận ròng của Domesco liên tục cải thiện và đạt mức 13,1%, kết quả mà theo Domesco là cao nhất từ trước đến nay.
Có thể thấy, sau 10 gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng những cơ hội từ nguồn lực nước ngoài để bành trướng hoạt động, gia tăng khả năng cạnh tranh. Về phía nhà đầu tư nước ngoài cũng rất ưa thích đầu tư vào các công ty thuộc những nhóm ngành tăng trưởng tốt như bán lẻ, tiêu dùng, dược phẩm, công nghệ… Đa số những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành phát triển, kinh doanh khởi sắc, có triển vọng tăng trưởng đều được nước ngoài chú ý và tìm cách săn lùng.
Nhưng nhà đầu tư nước ngoài muốn gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải xem xét đến các yếu tố liên quan đến giới hạn ngành nghề. Theo Luật Đầu tư, hiện có đến 243 ngành kinh doanh có điều kiện. Đó là chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản, khoáng sản, năng lượng, dầu khí, dịch vụ logistics, giáo dục, thủy sản …. Đặc biệt, ngành game cũng được xếp vào danh mục kinh doanh có điều kiện. Ở những ngành này, nếu không có quy định giới hạn tỉ lệ sở hữu cụ thể thì sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ là 49%, một mức sở hữu đủ để nước ngoài không thể chi phối đến doanh nghiệp Việt Nam.
Theo quan sát chung, phần lớn các doanh nghiệp muốn tìm đối tác chiến lược cùng ngành, có thể hậu thuẫn, giúp Công ty đạt đến khả năng phát triển vượt trội hơn và đứng vững trên thương trường. Một bắt tay win-win sẽ mang lại lợi ích cho mọi bên, không chỉ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia rót vốn mà còn cho cả cổ đông. Điều này khác với suy nghĩ tiêu cực của một số ít người rằng mở cửa thị trường chỉ dẫn đến chuyện mất doanh nghiệp VN vào tay nước ngoài.
 
Phần Lan tài trợ 48.000 CHF cho các nước kém phát triển nhất tham gia Hội nghị Bộ trưởng WTO
Chính phủ Phần Lan đã đóng góp 48.000 CHF để hỗ trợ các nước kém phát triển nhất tham gia Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11 (MC11) diễn ra vào ngày 10-13/12/2017 tại thủ đô Buenos Aires, Argentina.
Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới WTO Roberto Azevêdo nói: "Sự đóng góp này từ Phần Lan là điều cần thiết để giúp các đại diện của các nước kém phát triển tham gia và đóng góp có hiệu quả vào Hội nghị Bộ trưởng WTO sắp tới. Tôi nồng nhiệt chào đón sự hào phóng của Phần Lan".
Đại sứ Phần Lan Terhi Hakala cho biết: "Sự tham gia của các đại diện của các nước kém phát triển nhất tại Hội nghị Bộ trưởng ở thủ đô Buenos Aires là một điều kiện quan trọng nhằm đảm bảo rằng tất cả các thành viên WTO đều được hưởng lợi từ hệ thống thương mại đa biên. Phần Lan rất vui mừng được tiếp tục ủng hộ sự tham gia ngày càng tăng của các nước kém phát triển nhất trong thương mại, giúp họ nâng cao mức sống và đạt được tăng trưởng kinh tế".
Phần Lan là thành viên đầu tiên của WTO ủng hộ quỹ MC11 dành cho các nước kém phát triển nhất trong năm nay và đã đóng góp hơn 13 triệu CHF cho các quỹ ủy thác của WTO từ năm 2000.
         
Từ tầm nhìn đến hiện thực: sự kiện kỷ niệm thành công của Hiệp định tạo thuận lợi thương mại
Ngày 2/6, các nhà đàm phán đóng vai trò chính trong việc đàm phán hiệp định tạo thuận lợi thương mại mới (TFA) và các nước thành viên WTO đã tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày hiệp định này có hiệu lực và thảo luận về những thách thức trong việc đảm bảo thực hiện TFA trong những năm tới.
Trong một thông điệp bằng video gửi đến sự kiện kỷ niệm, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo mô tả TFA như là một thỏa thuận "đột phá" đại diện cho "cuộc cải cách thương mại lớn nhất trong một thế hệ".
Hiệp định này "là một bước đột phá lịch sử thực sự", Tổng Giám đốc Azevêdo tuyên bố. "Được coi như thỏa thuận đa phương đầu tiên kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995, không còn nghi ngờ gì nữa, TFA là hiệp định WTO có thể thực hiện được. Thông qua việc thúc đẩy lưu chuyển, giải phóng và thông quan hàng hóa qua biên giới, TFA sẽ có tác động kinh tế đáng kể, có thể làm giảm chi phí thương mại trên toàn cầu xuống trung bình 14,3%. Những lợi ích này sẽ lớn hơn việc loại bỏ tất cả các loại thuế hiện có trên toàn thế giới, trong đó những nước nghèo nhất thu được phần lớn lợi ích.
Các nước thành viên WTO chính thức đồng ý khởi động các cuộc đàm phán về tạo thuận lợi thương mại vào tháng 7/2004 và các cuộc đàm phán đã kết thúc thành công tại Hội nghị Bộ trưởng Bali của WTO vào tháng 12/2013. Ngày 22/2/2017, văn kiện thứ 110 chấp thuận thông qua Nghị định thư sửa đổi đã được gửi đến WTO, TFA chính thức có hiệu lực; tính đến nay, 118 nước thành viên WTO đã phê chuẩn hiệp định này.
Các nhà đàm phán, Trưởng các đoàn đàm phán hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại, các thành viên của Ban Thư ký WTO, cũng như các đại biểu chia sẻ quan điểm của họ về lý do tại sao các cuộc đàm phán TFA đã thành công. Một số người cho rằng cách tiếp cận "từ dưới lên" liên quan đến các thành viên có quan hệ thương mại rộng lớn trong suốt quá trình đàm phán là chìa khóa và luôn đảm bảo rằng các lợi ích của các thành viên đã được tính đến trong quá trình soạn thảo văn bản hiệp định.
Nhiều người cho biết quyết định không theo đuổi hiệp định dạng "một kích cỡ phù hợp với tất cả" cũng rất quan trọng cho sự thành công của các cuộc đàm phán. TFA tạo điều kiện cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất với sự linh hoạt để điều chỉnh việc thực hiện các cam kết của mình theo từng nhu cầu cụ thể và mức độ phát triển của họ. Hiệp định này cũng cung cấp sự hỗ trợ thiết thực cho các nước này để thực hiện cải cách thông qua Quỹ hỗ trợ thuận lợi hoá thương mại (TFAF).
Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới WTO Azevêdo cho biết một khó khăn khác nhưng không kém phần quan trọng, để xác định thành tựu của TFA là để cho các thành viên WTO "tự tin vào chính chúng ta" đã lan sang các lĩnh vực khác trong công việc của tổ chức này, đặc biệt là trong việc giúp truyền cảm hứng cho thành công của hội nghị Bộ trưởng WTO tại Nairobi vào tháng 12/2015. Động lực từ TFA cũng là một nhân tố quan trọng góp phần đưa ra sửa đổi Hiệp định TRIPs về các khía cạnh liên quan đến thương mại của các quyền sở hữu trí tuệ vào đầu năm nay. Việc sửa đổi này bảo đảm một con đường hợp pháp để dễ dàng tiếp cận các loại thuốc có giá phải chăng của các nước đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào hàng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thuốc của họ.
Ông nói: "Chúng ta nên tìm cách duy trì động lực này - cả trong việc thực hiện TFA và các hiệp định khác để chúng ta có thể đạt được tiến bộ. Điều này đặc biệt quan trọng khi các thành viên đang đưa ra các mục tiêu cho Hội nghị Bộ trưởng WTO tiếp theo, tại Buenos Aires vào tháng 12 tới".
 
Hạn chót nộp đề xuất cho Diễn đàn Công chúng năm 2017 kéo dài đến ngày 18/6
Hạn chót nộp các ý kiến đề xuất cho Diễn đàn Công chúng năm nay có chủ đề "Thương mại: Đằng sau các tiêu đề" - đã được gia hạn đến ngày 18/6/2017. Các cá nhân quan tâm đến việc tổ chức các phiên họp tại Diễn đàn, sẽ được tổ chức vào ngày 26 – 28/9, sẽ được đề nghị điền vào một mẫu đơn.
Diễn đàn này sẽ diễn ra tại trụ sở chính của WTO tại Geneva, đem đến cho các đại biểu tham dự các kinh nghiệm thực tế thương mại, những cơ hội và thách thức trong hoạt động thương mại.
Tất cả các phiên họp tại Diễn đàn Công chúng đều được các tổ chức xã hội dân sự, học viện, kinh doanh, các chính phủ, các nghị sĩ và các tổ chức liên chính phủ tổ chức. Những người tham gia quan tâm đến việc tổ chức các buổi làm việc hoặc hội thảo sẽ tìm hiểu thêm chi tiết tại trang thông tin của diễn đàn. Mẫu đơn đăng ký có ý kiến đề xuất cần được hoàn thành và gửi đến hòm thư pf17@wto.org chậm nhất là vào ngày 18/6/2017.
Bối cảnh
Diễn đàn Công chúng là sự kiện tiếp cận rộng rãi hàng năm của WTO, cung cấp các kinh nghiệm độc đáo cho các nhà lãnh đạo các quốc gia, các nghị sĩ, những người kinh doanh toàn cầu, sinh viên, các viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tham gia cùng nhau và thảo luận về một loạt các vấn đề của WTO, một số chủ đề thương mại và phát triển chủ yếu ngày nay. Hơn 1.500 người tham dự Diễn đàn mỗi năm.

Cơ quan phúc thẩm WTO đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu về dịch vụ
Ngày 8/6, Chủ tịch Cơ quan phúc thẩm cho biết Cơ quan phúc thẩm của WTO đã trở thành một tòa án quốc tế đáng kính trọng nhưng phải đối mặt với những thách thức khi nhu cầu về các dịch vụ ngày càng tăng, các tranh chấp ngày càng phức tạp.
Phát biểu tại một sự kiện công bố báo cáo thường niên năm 2016 của Cơ quan phúc thẩm, Chủ tịch Ujal Singh Bhatia ghi nhận đây là lần đầu tiên Cơ quan Phúc thẩm đã tổ chức sự kiện như vậy cho báo cáo chủ đạo và cho rằng sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai.
"Mục đích làm như vậy có thể dễ dàng được nêu ra: bên cạnh bản báo cáo, Cơ quan phúc thẩm muốn cung cấp những thông tin chi tiết có ý nghĩa cho tất cả các bên liên quan về hoạt động của mình như thế nào – những kinh nghiệm, những ràng buộc, những mối quan tâm và sự hài lòng của khách hàng" Ông Bhatia nói. "Chúng tôi tin rằng các bạn có quyền biết công việc của chúng tôi như thế nào cũng như những gì chúng tôi cần làm và để làm tốt hơn".
Chủ tịch Ujal Singh Bhatia cho biết Cơ quan phúc thẩm hiện nay được công nhận là một "tòa án quốc tế đáng được kính trọng" và đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thương mại từ bảo vệ môi trường và trợ cấp năng lượng tái tạo đến phúc lợi động vật và an toàn thực phẩm. "146 báo cáo đã được thông qua, cùng với hơn 300 báo cáo của Ban hội thẩm, tạo thành hàng chục ngàn trang báo cáo khoa học có tầm nhìn rộng. Các báo cáo này giúp tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc của các hiệp định liên quan".
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều vụ kiện được đưa ra kháng cáo có nghĩa là Cơ quan phúc thẩm đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu "giải quyết kịp thời" các tranh chấp, một đặc điểm chính làm nên hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO khác các hệ thống xét xử quốc tế khác. Trong những năm gần đây, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO "đã được xây dựng trên cơ sở phân biệt này", ông Chủ tịch thừa nhận.
Thêm vào đó, sự gia tăng số lượng kháng cáo trong các vụ tranh chấp phức tạp sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề trì hoãn, ông Bhatia nói. Do đó, "một phần đáng kể các nguồn lực Cơ quan Phúc thẩm sẽ không thể dành cho các vụ khiếu nại khác trong một khoảng thời gian đáng kể".
Khi sự chậm trễ trong việc giải quyết tranh chấp WTO trở thành thường xuyên, "họ nghi ngờ về giá trị của hệ thống định hướng của WTO", ông Bhatia nói. "Trì hoãn bắt buộc các Thành viên WTO phải tìm kiếm các giải pháp khác, có tiềm năng ở nơi khác. Và trong điều này, chính những quốc gia yếu hơn sẽ bị thiệt hại nhiều nhất".
Chủ tịch Bhatia cho biết, mặc dù điều này "trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO ngày nay có rất nhiều điều được hoan nghênh và không được hoan nghênh. Hệ thống nói chung, bao gồm cả Cơ quan phúc thẩm, yêu cầu sự hỗ trợ và tôn trọng rất lớn từ người sử dụng. Tỷ lệ tuân thủ các phán quyết và khuyến nghị của DSB vẫn còn rất cao. Việc sử dụng luật WTO của các hệ thống giải quyết tranh chấp khác càng làm tăng thêm ảnh hưởng của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đối với giải quyết tranh chấp quốc tế ".
"Nhưng giống như bất kỳ hệ thống nhân tạo nào khác, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO không được coi là một điều hiển nhiên mà đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên thông qua các can thiệp kịp thời khi các vấn đề nổi lên. Vụ tranh chấp bị trì hoãn khi trong khu vực đó đòi hỏi các giải pháp rộng rãi, có hệ thống nên có thể tìm ra những giải pháp cho những vụ như thế thông qua hành động quyết đoán của các thành viên WTO".
Quy định xác định trước của hiệp định TFA: Lợi ích lớn chưa được tận dụng
Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA: Trade Facilitation Agreement) của WTO chính thức có hiệu lực từ ngày 22/2/2017 đã tạo dấu mốc quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. TFA đặt ra tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại thống nhất trong tất cả quốc gia thành viên WTO, tạo động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế qua việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thủ tục hải quan giúp thông quan hàng hóa qua biên giới.
Quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hoá XNK (gọi tắt là Quy định xác định trước) giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan, tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan, minh bạch hoá thủ tục hải quan, cho việc làm thủ tục hải quan được thống nhất trên toàn quốc.
Tại Hội nghị về “Quy định xác định trước: Tình hình áp dụng tại Việt Nam và lợi ích cho DN” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh  (ITPC) phối hợp với Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và Liên minh tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) tổ chức, ông Đặng Thái Thiện – Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM cho biết quy định về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan không phải mới bắt đầu khi hiệp định TFA có hiệu lực. Căn cứ pháp lý để thực hiện quy định này là Điều 28 Luật Hải quan 2014; Điều 23,24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 Quy định chi tiết về biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Điều 7 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Lợi ích của việc xác định trước
Lợi ích của việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan là rất lớn, quy định này giúp cho người khai hải quan chủ động xác định trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan. Tránh phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục hải quan. Minh bạch hóa thủ tục hải quan, giúp cho việc làm thủ tục hải quan được thống nhất trên toàn quốc. Ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức Hải quan.
Mặc dù đem lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp nhưng thực tế vẫn còn nhiều DN chưa tiếp cận được thông tin và quy trình áp dụng các quy định này. Tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến nay chỉ mới có hơn 500 trường hợp xác định trước mã số hàng hóa; 5 trường hợp xác định trước trị giá hải quan và chưa có trường hợp xác định trước xuất xứ đối với hàng hoá XNK.
Theo quy định, để thực hiện quy định xác định trước, người khai hải quan cần tuân thủ các nội dung sau:
Quyền của người khai hải quan:
Đề nghị cơ quan Hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến XK,NK.
Đề nghị cơ quan xem xét lại kết quả xác định trước nếu không đồng ý với kết quả xác định trước của cơ quan Hải quan
Trách nhiệm của người khai hải quan:
Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước theo quy định
Tham gia đối thoại với cơ quan Hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước theo đề nghị của cơ quan Hải quan.
Thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đã đề nghị xác định trước, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày tháng năm thay đổi
Điều kiện xác định trước:
Tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước và cung cấp thông tin, chứng từ, hồ sơ cần thiết liên quan đến việc xác định trước.
Hàng hóa XK, NK cần xác định trước trị giá hải quan là hàng hóa lần đầu XK, NK hoặc có thay đổi lớn, bất thường so với trị giá hải quan mà người khai hải quan đang thực hiện hoặc là hàng hóa có tính chất đơn chiếc hoặc không có tính phổ biến hoặc không có hàng hóa giống hết, tương tự trên thị trường để so sánh.
Giá trị pháp lý của văn bản xác định trước:
Văn bản thông báo xác định trước do Tổng cục Hải quan ban hành có giá trị pháp lý để cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực XK,NK phù hợp với thông tin chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa mà người khai hải quan cung cấp.
Hiệu lực của văn bản thông báo xác định trước:
Có hiệu lực tối đa không quá ba năm kể từ ngày ban hành. Riêng văn bản xác định trước mức giá có hiệu lực trực tiếp đối với lô hàng được xác định trước mức giá.
Văn bản thông báo xác định trước chấm dứt hiệu lực trong trường hợp quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành văn bản thông báo xác định trước được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Hồ sơ xác định trước mã số bao gồm:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC)
Mẫu hàng hóa dự kiến XK,NK.
Trường hợp không có mẫu: phải cung cấp tài liệu kỹ thuật (bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh) mô tả chi tiết thành phần, tính chất, cấu tạo, công dụng, phương thức vận hành.
Hồ sơ xác định trước xuất xứ:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTXX/GSQL (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Bản kê các nguyên vật liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa gồm: tên hàng, mã số HS, xuất xứ nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, giá CIF của nguyên vật liệu do nhà sản xuất hoặc XK cung cấp
Bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất ra hàng hóa hoặc giấy chứng nhận phân tích do nhà SX cung cấp.
Catalogua hoặc hình ảnh hàng hóa.
Hồ sơ xác định trước phương pháp xác định trị giá hải quan:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 02/XĐTTG/TXNK (phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC)
Hợp đồng mua bán do người đề nghị trực tiếp thực hiện giao dịch
Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh hoặc catalogue
Các chứng từ, tài liệu có liên quan đến giao dịch
Trường hợp chưa có giao dịch thực tế, chưa có các chứng từ nêu trên thì đề nghị cơ quản Hải quan hướng dẫn nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan
Hồ sơ xác định trước mức giá:
Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 02/XĐTTG/TXNK ((phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC).
Hợp đồng mua bán do người đề nghị trực tiếp thực hiện giao dịch.
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa NK qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa).
Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh hoặc catalogue.
Các chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch.
 Trường hợp chưa có các chứng từ giao dịch nêu trên, thì đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan.
Thẩm quyền và trách nhiệm của Cơ quan Hải quan:
Trong thời hạn 5 ngày làm việc có văn bản từ chối nếu không đủ điều kiện hoặc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ
Trong thời hạn 30 ngày (trường hợp thông thường) hoặc 60 ngày (trường hợp phức tạp) phải ban hành văn bản thông báo xác định trước.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc (trường hợp thông thường) hoặc 30 ngày (trường hợp phức tạp) kể từ ngày nhận được yêu cầu, có văn bản trả lời kết quả cho người yêu cầu.
Ban hành văn bản hủy bỏ văn bản thông báo xác định trước trong trường hợp phát hiện hồ sơ xác định trước do người yêu cầu cung cấp không chính xác, không trung thực.
 
WTO: Mỹ vi phạm phán quyết ngừng trợ giá 325 triệu USD cho Boeing
Ngày 9/6, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kết luận Mỹ đã không tuân thủ phán quyết năm 2012 của cơ quan này về việc ngừng trợ giá cho Boeing, tuy nhiên cho rằng những trợ cấp này không gây tổn thương đáng kể tới lợi ích của Liên minh châu Âu (EU), bên đã đệ đơn kiện lên cơ quan này.
Trong thông báo của mình, WTO nêu rõ Mỹ đã không tuân thủ các đề xuất và phán quyết của Ủy ban Giải quyết tranh chấp của WTO về việc hủy bỏ các khoản trợ cấp không hợp pháp dành cho tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của nước này.
Cụ thể, WTO đã phát hiện một chương trình trợ giá của Mỹ kéo dài trong giai đoạn 2013-2015, theo đó giảm thuế kinh doanh và nghề nghiệp (B&O) cho Boeing tại bang Washington.
Chương trình trợ giá này có giá trị tổng cộng 325 triệu USD.
EU đệ trình đơn khiếu nại lên WTO năm 2012 về việc Mỹ trợ giá Boeing gây tổn hại cho ngành công nghiệp máy bay của châu Âu.
Tuy nhiên, kết luận ngày 9/6 của WTO cho rằng chương trình trợ giá trong giai đoạn 2013-2015 của Chính phủ Mỹ chỉ ảnh hưởng tới 3 thương vụ bán máy bay thiết kế khoang có 3 lối đi của EU cho các khách hàng tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Canada và Iceland.
Hãng Boeing của Mỹ là hãng sản xuất máy bay lớn thứ nhất trên thế giới.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK
 Bộ Công Thương triển khai, quán triệt Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ
 Bộ Công Thương tổ chức họp giao ban về các Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên)
 Biểu dương các cá nhân có thành tích trong công tác Quốc hội của Bộ Công Thương
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Tổng thư ký ASEAN
 Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc
 Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp Thứ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu, năng lượng Úc và chứng kiến Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với cựu Thủ tướng Anh, Chủ tịch điều hành viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI)
 Khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024
 Tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí
 Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi)
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hội đàm với Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Phosay Sayasone
 Tăng cường xúc tiến thương mại tại địa phương của Algeria
 Kỳ họp lần II của Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế Việt Nam – Canada tại Hà Nội
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp Hội đồng Kinh doanh Canada
 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710877699