Thứ bảy, 20-4-2024 - 17:57 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và sắp xếp lại tổ chức bộ máy để thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương 

 Thứ tư, 17-5-2017

AsemconnectVietnam - Trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành Công Thương đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.

 Hiện nay, ngành Công Thương đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 với những mục tiêu chính như sau:

 - Trong công nghiệp:
 Phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, khai thác triệt để lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước và các cơ hội quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới. Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp: sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
- Trong lĩnh vực thương mại:
+ Về xuất nhập khẩu: Phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước; khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh xuất khẩu; phát triển xuất khẩu theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ. Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu. Tích cực và chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hàng hóa có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa. Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ cao phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất trong nước và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường. Kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.
 
+ Về phát triển thương mại trong nước: Coi trọng và phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia đa dạng của các loại hình tổ chức và các thành phần kinh tế; khuyến khích và thúc đẩy quá trình hình thành các doanh nghiệp lớn thông qua quá trình tích tụ và tập trung; phát huy vai trò và vị trí của thương mại trong nước trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân; đặc biệt quan tâm phát triển thị trường ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo.
 Để góp phần đạt được các mục tiêu nêu trên, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức Bộ Công Thương phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Đây là những ưu tiên, trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2016-2020.
 1. Đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính
 Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao là nhiệm vụ cấp thiết và đòi hỏi khách quan của nền kinh tế và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm nguyên tắc: Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.
 Với tinh thần đó, các quy định pháp luật được xây dựng tránh can thiệp sâu, không có căn cứ vào các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, trừ trường hợp nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng chính đáng như bảo đảm an toàn, sức khỏe cộng đồng. Từ đó, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong ngành Công Thương là tạo lập hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.
 Thời gian qua, Bộ Công Thương đã cầu thị lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện quy định, thủ tục hành chính nhằm cải cách thể chế toàn ngành một cách sâu, rộng. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã tích cực hoàn thiện các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền theo tinh thần này. Nhiều quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được dỡ bỏ, tạo điều kiện khơi dậy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển như: bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40/2011/TT-BCT; ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng trong đó bãi bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch điện; ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BCT ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống; xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng theo hướng bãi bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng nhập khẩu và yêu cầu dán nhãn năng lượng trước khi thông quan; bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo v.v...
 Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để giải đáp kịp thời các quy định, đồng thời tiếp nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tạo rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
 Trong quá trình đó, Bộ đã giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình. Năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hóa 39 thủ tục hành chính (TTHC) (trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực). Ngày 09 tháng 12 năm 2016 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017. Theo đó, trong năm 2017 Bộ sẽ bãi bỏ 15 TTHC và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý (tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số TTHC hiện có).
 Song nhiều nội dung cần được được quan tâm, giải quyết ở cấp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chính vì vậy, ngày 01 tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 108/BC-BCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với các vấn đề có tính chất liên ngành, trên tinh thần giải quyết tất cả những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 Tới đây, nhằm tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách quy định, thủ tục hành chính chú trọng ba tiêu chí là: đơn giản, minh bạch và hiện đại để hướng tới ba mục tiêu sau: tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
 2. Hiện đại hóa hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
 Cùng với việc bãi bỏ và đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính thì việc tăng cường ứng dụng thông tin trong quản lý điều hành tác nghiệp cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước là nhiệm vụ cần được đẩy mạnh, tăng cường, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, minh bạch hóa, tránh được nguy cơ tạo ra những sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp.
 Bộ Công Thương là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ năm 2010. Hiện nay, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ đều ở mức 2 trở lên. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 10887/QĐ-BCT với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 đối với các TTHC thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công Thương.
 Bộ Công Thương hiện có 130 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Tất cả DVCTT của Bộ ở mức độ 2 trở lên. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 năm 2015 là: 25 DVCTT (17 mức độ 3 và 8 mức độ 4). Năm 2016, Bộ Công Thương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 DVCTT mức độ 3 và 4.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1728/QĐ-BCT ngày 06 tháng 5 năm 2016 về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương năm 2016 và Thông tư số 05/2016/TT-BCT quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Theo đó, Thông tư này quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, bao gồm việc xây dựng, thực hiện, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về dịch vụ công trực tuyến đối với các TTHC ngành Công Thương thực hiện ở cấp Trung ương.
 Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, trên cơ sở nâng cấp, tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến hiện còn đang phân tán tại các đơn vị thuộc Bộ tại một cửa duy nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ hành chính công tại Bộ Công Thương. Hiện tại, các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 của Bộ Công Thương được tích hợp tại một cổng duy nhất, cổng dịch vụ công này là đầu mối duy nhất kết nối, liên thông đến Cổng dịch vụ công quốc gia.
 3. Cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả
 Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có những ngành, lĩnh vực rất quan trọng như công nghiệp điện, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế... Để thực hiện tốt được chức năng quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, trong những nhiệm kỳ trước, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ tổ chức sắp xếp bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương theo hướng thu gọn đầu mối (trước khi hợp nhất, Bộ Công nghiệp có 14 đơn vị hành chính, Bộ Thương mại có 19 đơn vị hành chính), hợp nhất các cơ quan báo chí của Bộ. Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đang có 35 đơn vị hành chính, sự nghiệp, trong đó có 19 Vụ và tương đương, 1 Tổng cục, 10 Cục.
 Bộ máy của Bộ Công Thương giai đoạn trước chủ yếu được sắp xếp theo hướng cơ học, hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp của hai Bộ: Công nghiệp và Thương mại, cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức các đơn vị tham mưu về các lĩnh vực chuyên ngành. Nguyên tắc sắp xếp này có ưu điểm là giữ được ổn định tổ chức, bộ máy cũng như công tác nhân sự, đảm bảo sự “an toàn” trong tổ chức, thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ cũng như công tác cán bộ.
 Tuy nhiên, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, công tác tổ chức cần phải có những bước đột phá, trong đó tập trung vào mục tiêu kiện toàn bộ máy tổ chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
 Với phương châm thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy như trên, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ để thay thế Nghị định 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương trình Chính phủ. Theo đó, đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ dự kiến sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị (còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành).
 Bên cạnh đó, việc sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ Công Thương đang được giao quản lý 11 Viện nghiên cứu, 35 Trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ.
 Để thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Bộ Công Thương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các Trường đào tạo thuộc Bộ theo nguyên tắc: sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở đào tạo nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương, các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và thương mại được ưu tiên phát triển; tinh gọn đầu mối quản lý, giao tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo; tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên cơ sở chọn các trường có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, mở rộng hoạt động của các trường này thông qua việc tiếp nhận các trường khác theo hình thức sáp nhập, lập phân hiệu phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với Viện nghiên cứu thuộc Bộ, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, Bộ đã và đang thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số Viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các Viện nghiên cứu.
 Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
 Trong công tác cán bộ, chú trọng, ưu tiên bố trí, sử dụng các cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021-2026. Tiến hành rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ. Điều này góp phần đảm bảo cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được người có tài, có đức,dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo và phát triển.
 Với những quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cơ cấu lại tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Nguồn: Moit.gov.vn/ Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

  PRINT     BACK
 Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam” cho Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam
 Hội nghị triển khai Nghị định số 03/2023/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác cán bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
 Bộ Công Thương phát động Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, Trung Quốc
 Gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn thanh niên Bộ Công Thương các thời kỳ
 Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới
 Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 29
 Bộ Công Thương ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối
 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tiếp Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
 Việt Nam ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và chất thải rắn
 Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước
 Hải Dương hội tụ đủ yếu tố để phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng
 Thứ trưởng Đặng Hoàng An họp Ban Chỉ đạo Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG)
 Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030
 Tập trung chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ngành Công Thương


© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710743317