Thứ sáu, 19-4-2024 - 21:28 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc 

 Thứ hai, 30-3-2020

AsemconnectVietnam - Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu nông sản của nước ta sang Trung Quốc dự kiến khởi sắc trở lại trong thời gian tới.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện phía bạn (Trung Quốc) đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm.

Tình hình thị trường Trung Quốc và cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Bộ NN&PTNT cho biết, để thúc đẩy nhập khẩu, Trung Quốc đặc biệt chú trọng khôi phục vận hành bình thường của hoạt động logistic, chuyển phát nhanh hàng hóa nhằm giải phóng sức tiêu thụ ở trong nước, giao thông đường bộ đi lại trên toàn quốc về cơ bản đã thông suốt. Đồng thời, ngoài các biện pháp cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Trung Quốc giảm thuế 80 mặt hàng thực phẩm trong tổng số trên 800 mặt hàng để thúc đẩy nhập khẩu đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3/2020 cùng với các chính sách khuyến khích hồi phục đồng bộ quyết liệt. Đây sẽ là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa trong đó có nông sản Việt Nam. Bộ NN&PTNT cho biết “Thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực nhằm tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này” .
Đối với một số thị trường khác, Bộ NN&PTNT dự đoán mức độ tác động dịch bệnh hiện tại, EU và Mỹ có thể mất trên 3 tháng để khống chế, như vậy, đến tháng 6, tháng 7/2020, thị trường nhập khẩu nông sản mới có thể kích hoạt phục hồi lại bình thường. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng trong nửa cuối tháng 3 đến tháng 5/2020 và hoạt động nhập khẩu nông sản sẽ quay trở lại vào tháng 6, tuy nhiên mức tăng có thể sẽ không nhiều.

Các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới
Để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn và cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%, thị trường ASEAN 9%, thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, EU.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm,… để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cần tập trung hỗ trợ để giải quyết các nút thắt cho phát triển sản xuất, duy trì thương mại nông sản trong quý II để chờ đà phục hồi quay trở lại vào quý III/2020. Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải được hỗ trợ tín dụng để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và cả một số thị trường khác. Gói tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng cũng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid- 19 suy giảm”.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đối phó Covid- 19 trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, dãn nợ, miễn giảm lãi vay), tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch. Đồng thời, triển khai chính sách ưu đãi lãi vay đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc. Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh.

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ; giảm thiểu mọi thủ tục trong các khâu kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GAP, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ thực hiện ngay tại vườn giúp nông dân bán nông sản phục vụ trong nước, xuất khẩu.

Tình hình nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc 2 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh virus corona bùng phát trên diện rộng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc trong tháng 2/2020 sụt giảm mạnh mẽ tới 32,73% so với tháng trước đó, khiến tổng kim ngạch trong cả 2 tháng giảm sút, chỉ đạt 9,29 tỷ USD.

Trong các nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hai tháng đầu năm, có hai nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 21,35% thị phần đạt 1,98 tỷ USD và nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 17,37% thị phần đạt 1,61 tỷ USD.

Kế đến là nhóm điện thoại các loại và linh kiện và nhóm vải các loại chiếm tỷ trọng lần lượt là 9,57% đạt 888,95 triệu USD và 8,75% đạt 813,15 triệu USD. Trong 16 nhóm hàng đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD, có 5 nhóm hàng tăng trưởng nhẹ còn lại tất cả đều sụt giảm. 5 nhóm hàng đó là: Sản phẩm từ chất dẻo tăng 17,95% đạt 371,03 triệu USD; sản phẩm hóa chất tăng 14,46% đạt 220,38 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 25,44% đạt 167,4 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 10,73% đạt 119,35 triệu USD; dây điện và dây cáp điện tăng 9% đạt 113,02 triệu USD.
Tính riêng tháng 2, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu nhóm than các loại tới 5 lần nhưng tổng kim ngạch mặt hàng này trong cả 2 tháng/2020 vẫn giảm tới 84,86% so với cùng kỳ năm ngoái.
CK
Nguồn: Vinanet.vn/baocongthuong.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710722256