Thứ sáu, 26-4-2024 - 4:37 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Phòng vệ thương mại là vấn đề “nóng” trong hội nhập 

 Thứ năm, 1-11-2018

AsemconnectVietnam - Chiều 31/10, tiếp tục phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tập trung vào các lĩnh vực: Phòng vệ thương mại và phát triển thương mại trong nước hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, đây là những vấn đề đang được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.

Bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp
Đại biểu Trương Anh Tuấn - đoàn Nam Định đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế thương trường là chiến trường, hiện đang xảy ra những cuộc chiến thương mại làm rung chuyển các nền kinh tế lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Các quốc gia đều cần có biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất, Việt Nam đi sâu trong hội nhập và doanh nghiệp dễ bị thua thiệt trong các xung đột thương mại quốc tế. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối trong phòng vệ thương mại đã có những giải pháp gì để bảo vệ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Anh Tuấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phòng vệ thương mại được coi là vấn đề rất nóng, bức xúc và quan trọng đối với Việt Nam, nhất là trong quá trình hội nhập như hiện nay. Năm 2017, thương mại của Việt Nam bằng 200% quy mô GDP, trong thời gian vừa qua chúng ta gia tăng rất nhanh năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Trong tình trạng như vậy, biện pháp tự vệ và phòng vệ thương mại của các quốc gia tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới là rất quan trọng.
Chính vì vậy, đối với Việt Nam hàng loạt quốc gia đối tác của chúng ta đều tiến hành các hoạt động để điều tra và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong số này, có thể nói lớn nhất là Mỹ là nước khởi xướng nhiều nhất các vụ để điều tra và áp dụng các thuế phòng vệ, đối với chúng ta là tới 27 vụ, thứ nhì là Thổ Nhĩ Kỳ, thứ ba là Ấn Độ, thứ tư là Liên minh châu Âu”, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn bày tỏ: Xu thế này sẽ còn tiếp tục phát triển với tất cả các đối tác khác ở trên thế giới. Đặc biệt, đối với những quốc gia có tăng trưởng nóng của các mặt hàng xuất khẩu thì họ sẽ ngoài các biện pháp chống áp thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp thì họ còn có quyền áp dụng thuế tự vệ. Đây là thực tế đã diễn ra với các mặt hàng của chúng ta từ dệt may, da giày, cá tra, tôm cho đến rau quả trái cây cũng đều bị áp dụng.
Trong bối cảnh đó, việc chuẩn bị để ứng phó hỗ trợ cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp để hội nhập sâu rộng thì bao gồm cả những nội dung rất quan trọng về phòng vệ thương mại. Cụ thể là Quốc hội kỳ họp vừa rồi đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương, trong đó có nội dung đưa các chương của phòng vệ thương mại, của các pháp lệnh phòng vệ thương mại vào trong Luật Quản lý ngoại thương để tạo ra khuôn khổ pháp lý và các cơ chế để tổ chức triển khai thực hiện cả về mặt thể chế cũng như trong các cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các hoạt động phòng vệ thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của chúng ta trong các tranh chấp phòng vệ trao đổi quốc tế.
Chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trong thời gian vừa qua. Ví dụ, như các vụ kiện tôm đối với Hoa Kỳ hay vụ kiện cá tra, cũng như việc xử lý một loạt các vụ kiện về hàng dệt may rồi các dư lượng kháng sinh trong các tranh chấp thương mại quốc tế ở tại thị trường Úc, thị trường châu Âu...”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng cũng chỉ ra, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng của các nước trong nhập khẩu vào Việt Nam. Chúng ta cũng đã áp dụng những nguyên tắc chung trong WTO cũng như trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương và đã có những biện pháp hỗ trợ rất hiệu quả. Ví dụ, các mặt hàng là sắt thép, phân bón, một số mặt hàng kể cả hàng tiêu dùng trong thời gian vừa qua do có phù hợp với những yêu cầu và những quy định chung của tổ chức thương mại thế giới thì các tổ chức kinh tế đã có đề nghị điều tra.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhìn nhận, Bộ Công Thương danh nghĩa là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực này đã thực hiện các hoạt động điều tra và áp dụng những thuế tự vệ cho các mặt hàng trên và đã đóng góp vào việc bảo vệ cho sản xuất của nội địa, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa.
Bộ trưởng nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm là trong thời gian tới đây khi có EVFTA, CPTPP và hàng loạt các nghị định khác thì chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua mấy kênh: Cụ thể, cung cấp trong các chương trình hành động của Chính phủ tham gia các hiệp định thương mại tự do này với những nội dung, nội hàm quan trọng, hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin, kiến thức cho phòng vệ thương mại.
Tiếp đó xây dựng các hệ thống cơ chế cảnh báo sớm, có tính chuyên môn để hỗ trợ doanh nghiệp cho tiếp cận thị trường các nước cũng như nghiên cứu và nắm bắt thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó tiếp tục có cơ chế phối hợp cùng với các hiệp hội, các tổ chức thương mại, phòng thương mại để có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong xử lý tranh chấp thương mại quốc tế có hiệu quả.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa
Cũng đặt câu hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – đoàn An Giang nêu vấn đề, hiện nay, hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại ngày càng thu hẹp, doanh nghiệp trong nước do bị cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng, tại sao nước ta với dân số trên 94 triệu dân nhưng thương mại trong nước chậm chuyển biến. Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 31/10
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nói, nước ta tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt chuẩn bị tham gia CPTPP với yêu cầu cao hơn và phải thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, về mở cửa thị trưởng, về sở hữu trí tuệ... và không hưởng các ưu đãi đặc thù giai đoạn chuyển đổi như trước. Vậy xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp các địa phương, các khu vực kinh tế nước ta vượt qua các thách thức và tiếp nhận cơ hội trong hội nhập sâu rộng hiện nay?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, trong các hoạt động về phát triển thị trường thương mại nội địa trong những năm vừa qua, chúng ta cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất mạnh mẽ thông qua hội nhập, hàng loạt đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối nội địa. Mặc dù, có điều kiện bảo lưu với Tổ chức thương mại thế giới, có quy chế ENT (điều kiện khi mở điểm bán lẻ thứ hai), tức là xem xét, đánh giá nhu cầu của nền kinh tế nhưng nguyên tắc cũng phải mở cửa thị trường nội địa để cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng tham gia.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian qua, bên cạnh cơ chế, quy chế ENT thì cũng xây dựng hàng loạt chiến lược phát triển hệ thống thương mại nội địa trong nước. Đặc biệt, gần đây nhất trong chương trình đề án báo cáo trình Bộ Chính trị về chiến lược phát triển hàng Việt Nam cũng như phát triển thương mại nội địa đã có một loạt nhóm giải pháp từ thực tiễn đề ra. Trong đó, bao gồm nhóm giải pháp về hoàn chỉnh các hệ thống hạ tầng thương mại cũng như tiếp tục phát triển các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước của chúng ta tham gia vào hệ thống thương mại nội địa. Bên cạnh đó, cũng có hàng loạt yêu cầu và các nội dung quan trọng hướng tới việc tiếp tục tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực với những trình độ và điều kiện để tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là trong tiếp cận với công nghệ của hệ thống thương mại hiện đại ở thế giới.
Điều quan trọng cuối cùng nêu lên trong đề án này, đó là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa thì mới có thể đảm bảo sự cạnh tranh bền vững đối với thị trường nội địa, đối với các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Ở đây, chính là đề án lớn liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu các ngành công nghiệp cũng như các ngành thương mại và dịch vụ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục trong các chương trình hành động cụ thể của Chính phủ trong thời gian tới về tham gia thực hiện hội nhập trong các chương trình hiệp định thương mại song phương và đa phương” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710884657