Thứ năm, 25-4-2024 - 10:44 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Các hiệp định thương mại khu vực có thể thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ không? 

 Thứ hai, 6-8-2018

AsemconnectVietnam - Năng lực cạnh tranh còn hạn chế của hàng hóa xuất khẩu Ấn Độ đã gây ra không ít khó khăn khi nước này cố gắng tận dụng hết các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Hiện nay, khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ấn Độ luôn kêu gọi đàm phán các hiệp định thương mại khu vực với các nước để đẩy mạnh xuất khẩu và ứng phó với hệ thống thương mại toàn cầu bất ổn. Tuy nhiên, một bản phân tích của Tổ chức Mint về các hiệp định thương mại cho thấy Ấn Độ thường không gặt hái được nhiều lợi ích từ những thỏa thuận như vậy. Điều này có thể giải thích tại sao các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã trở nên thận trọng hơn trong việc theo đuổi các hiệp định thương mại mới trong những năm gần đây.
Sự gia tăng của các hiệp định thương mại khu vực (RTA) trên toàn cầu trùng với thời điểm kết thúc Vòng đàm phán Uruguay của WTO vào giữa những năm 1990 và sự gia tăng này thường được giải thích là do tiến trình đàm phán đa phương trong khuôn khổ WTO diễn ra chậm chạp.
Khái niệm RTA ở đây bao gồm cả các hiệp định thương mại ưu đãi và các hiệp định thương mại tự do (FTA). WTO định nghĩa RTA là “hiệp định thương mại đa phương giữa hai hay nhiều đối tác”.
Trong khi một số nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế coi các RTA là các khối cấu thành nên hệ thống thương mại đa phương, RTA cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng RTA có hại cho tinh thần thương mại tự do đa phương vì thường khiến các quốc gia tìm kiếm các thỏa thuận đối ứng để bắt kịp và thậm chí nâng chất lượng hiệp định lên cao hơn.
Trong một bài nghiên cứu công bố năm 2013, Giáo sư Leonardo Baccini thuộc Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn và Giáo sư Andreas Dür thuộc Đại học Salzburg cho rằng trên thực tế, mối quan tâm như vậy đã trở thành động lực chính cho sự gia tăng các hiệp định thương mại trong vài thập kỷ qua. Có thể lấy ví dụ, Ấn Độ ký hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc trong năm 2009 đã thúc đẩy Nhật Bản tìm kiếm một thỏa thuận tương tự với Ấn Độ. Điều này là do FTA Ấn Độ - Hàn Quốc sẽ gây nguy hiểm cho Tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản khi cho phép các nhà sản xuất thép tấm của Hàn Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ mà không phải chịu thuế quan trong khi Tập đoàn Nippon vẫn phải trả thuế 5%. Cuối cùng, FTA giữa Ấn Độ với Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2010, trong khi đó FTA Ấn Độ - Nhật Bản có hiệu lực vào năm 2011.
Vì vậy, trong khi các hiệp định thương mại có thể không dẫn đến bất kỳ sự gia tăng nào trong hoạt động thương mại nhưng các quốc gia vẫn theo đuổi do lo sợ bị gạt ra ngoài, không được hưởng các ưu đãi. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại sự bảo hộ và sự không chắc chắn đang gia tăng.
Tất nhiên, các nước có thể giải quyết các vấn đề như vậy ở một mức độ nào đó như tạo ra các khối thương mại lớn.
Một khối thương mại đang được đàm phán là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á, Australia và New Zealand. Hiệp định này tạo cơ hội cho Ấn Độ tăng cường hoạt động thương mại của mình với khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mức độ hội nhập khu vực tương đối thấp.
Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ vẫn còn nhiều bất đồng về RCEP, nhiều người bày tỏ lo ngại rằng RCEP thực sự có thể gây hại cho Ấn Độ.
Sự thiếu nhiệt tình của Ấn Độ dường như do nước này vẫn còn bị ám ảnh bởi kinh nghiệm tiêu cực trong quá khứ của họ với RTA. Hiệp định hiện tại của Ấn Độ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thường được coi là đã làm lợi cho các nước đối tác hơn là cho Ấn Độ. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với các nước này đã giảm đi trong những năm sau khi thực hiện các hiệp định thương mại. Ngay cả khi các nước đối tác được hưởng nhiều lợi ích, xuất khẩu của Ấn Độ sang các khu vực này vẫn còn mờ nhạt.
"Ấn Độ đã không thể tận dụng đầy đủ các thỏa thuận này để tăng sự hiện diện của mình trong các thị trường của các đối tác", Nhà kinh tế thương mại Biswajit Dhar viết trong một bài báo năm 2014. “Trong hầu hết các trường hợp, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ cho các đối tác của mình đã bị đình trệ hoặc suy giảm kể từ giữa thập kỷ qua”.
Ấn Độ không có khả năng giành được thị phần ở các khu vực này có thể được giải thích một phần do hàng hóa xuất khẩu thiếu khả năng cạnh tranh. Trừ khi Ấn Độ loại bỏ các chính sách gây tắc nghẽn, tổn hại đến hoạt động xuất khẩu của mình, nước này khó có khả năng thu được lợi nhuận lớn trên thị trường thế giới.
"Ở mức độ thực tế, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đã không có chiến lược về việc đánh giá đúng giá trị của các hiệp định thương mại tự do", ông Vivek Dehejia, một chuyên gia của Tổ chức Mint và một đồng nghiệp là chuyên gia cấp cao tại Viện IDFC ở Mumbai cho biết.
“Vấn đề trọng tâm là ở các thị trường Ấn Độ có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của mình; không nhất thiết có nghĩa là nước này phải tham gia vào các hiệp định thương mại khu vực. Ấn Độ cần phải cẩn thận trong việc cân nhắc giá trị của từng thỏa thuận thương mại. Khi nói đến các hiệp định thương mại tự do, không có thỏa thuận nào còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi”.

Long Giang
Nguồn: Vitic/ Livemint.com
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710860648