Thứ năm, 18-4-2024 - 8:20 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Truy xuất nguồn gốc góp phần tạo thuận lợi thương mại 

 Thứ sáu, 24-8-2018

AsemconnectVietnam - Sáng nay (24/8/2018), tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo “truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại” với sự tham dự của đông đảo các đại biểu đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Phát triển Công nghệ, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, hiện nay, trong xu thế cuộc cách mạng 4.0, các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain,… vào truy xuất hàng hóa nhằm quản lý chặt chẽ mọi khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa. Điều này đã đặt ra yêu cầu mới về hoạt động truy xuất hàng hóa tại Việt Nam, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhanh chóng thay đổi tư duy quản lý sản xuất công nghiệp và thương mại thông qua truy xuất nguồn gốc. Đối với các doanh nghiệp, khi vượt qua được các yêu cầu khắt khe về truy xuất hàng hóa thì sẽ nâng cao được giá trị hàng xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường. Nếu hoạt động truy xuất hàng hóa được thực hiện tốt thì sẽ giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ tốt hơn các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. 
Tham luận tại Hội thảo, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, truy xuất nguồn gốc không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu nên Việt Nam không thể bị chậm trễ. Tại thời điểm này, Việt Nam thậm chí đang dẫn dắt truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là trong ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực này. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp có truy xuất nguồn gốc không đúng, chưa đáp ứng được yêu cầu, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều công nghệ truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp nên chú ý lựa chọn công nghệ không quá đắt tiền, phù hợp với các quy định của pháp luật. Nhà nước cần sớm ban hành các quy định về các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Công nghệ Blockchain ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc hiện đang là một trong những công nghệ tốt nhất vì đáp ứng được các yêu cầu như có hệ thống tự khai báo thông tin chính xác, khai báo nhập liệu thời gian thực, khai báo ở nơi xảy ra hoạt động.
Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc đang góp phần hỗ trợ đắc lực. Các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới đều đang yêu cầu các nhà cung cấp hàng hóa ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc sẽ hỗ trợ Nhà nước xây dựng một xã hội văn minh, quản lý tốt hơn nền kinh tế, cung cấp số liệu để hoạch định kinh tế vĩ mô - đảm bảo dự báo chính xác các cân đối cung cầu lớn, xây dựng được cơ sở dữ liệu cho các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp thương mại và sản xuất.
Chỉ tính riêng tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, 23 chợ, 146 quầy sạp, 21 triệu quả trứng, 200.000 con heo,…đã được ứng dụng truy xuất nguồn gốc.
Bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Cofidec - cho biết tại Việt Nam, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, từ đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên  gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Theo ông Lê Đại Dương - Giám đốc Công ty iShopgo- các doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng truy xuất nguồn gốc để chứng minh cho người tiêu dùng trong nước thấy được hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, không hề thua kém hàng ngoại nhập và phải xây dựng truy xuất nguồn gốc như một trang thương mại điện tử, đảm bảo cả hoạt động xúc tiến giao thương chứ không nên chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin cho người tiêu dùng như hiện nay. Các chuỗi truy xuất nguồn gốc phải kết nối thông tin, ghi nhật ký online, dữ liệu đã ghi lên không thể chỉnh sửa, bất kỳ giai đoạn nào thì người truy xuất cũng có thể xem được thông tin. Để truy xuất nguồn gốc không bị làm giả thì không chỉ dán tem đơn thuần mà phải quản lý được toàn bộ quá trình nhập dữ liệu từ sản xuất đến phân phối ra thị trường.
Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển - khẳng định, đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như xât dựng được văn hóa tự chịu trách nhiệm của nhà sản xuất về thông tin công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi định kiến của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về các sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao, chưa tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng điện tử vẫn mang tính chất tự nguyện, động viên doanh nghiệp thực hiện. Nhu cầu của thị trường đang ngày càng cao hơn và việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách hiện đại, tự động đang là đòi hỏi ngày càng cấp thiết, giúp nâng cao uy tín, giá trị cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại. Nhà nước cần có lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa ra thị trường phải áp dụng truy xuất hàng hóa.
 
Nguồn:  Phòng Thông tin Kinh tế Quốc tế - VITIC
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710687472