Thứ sáu, 19-4-2024 - 18:1 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 6/2017 

 Thứ năm, 13-7-2017

AsemconnectVietnam - Trong tháng 6/2017, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhật Bản hướng tới một hiệp định thương mại tự do với Anh
 
Nhật báo Nikkei ngày 25/6 đưa tin Nhật Bản mong muốn tiến hành các cuộc thảo luận hướng tới một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh bên cạnh tiến trình đàm phán về một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu (EU).
Động thái này của Tokyo được cho là nhằm giảm thiểu tác động của việc Anh rời EU (Brexit) đối với các công ty Nhật Bản trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Brexit vừa chính thức bắt đầu.

Theo báo trên, Nhật Bản có kế hoạch khởi động các cuộc đàm phán không chính thức với Anh khi nước này vẫn còn là thành viên EU, và tới khi Anh đã rời EU, Tokyo sẽ tiến hành các cuộc đàm phán song phương chính thức với Anh.
Theo quy định của EU, Anh không được phép khởi động đàm phán chính thức với bên thứ ba ở thời điểm hiện nay, do vậy Tokyo và London sẽ chuẩn bị đàm phán không chức thức về một FTA song phương.
Nhật Bản từ lâu đã tiến hành đàm phán về một FTA với EU. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông muốn đạt được một FTA với EU vào tháng tới khi tới Đức tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Hiện Nhật Bản có trên 1.000 công ty hoạt động ở Anh, tạo ra khoảng 140.000 việc làm ở xứ sở sương mù, trong khi đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Anh đến nay đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ yen (khoảng 96 tỷ USD).
Giới chức Nhật Bản trước đó cảnh báo cần bố trí lại hoạt động của các công ty có trụ sở ở Anh sau khi London và Brussels đạt được một thỏa thuận cuối cùng.
Trong khi đó, các hãng sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản vẫn tiếp tục bám trụ tại Anh khi Toyota thông báo kế hoạch đầu tư 240 triệu bảng Anh xây dựng một nhà máy lắp ráp xe hơi, trong khi hãng Nissan cũng đã bật đèn xanh bơm thêm đầu tư cho các nhà máy của hãng ở Đông Bắc nước Anh.
Những thông báo này làm dấy lên hoài nghi về khả năng các công ty đã được Chính phủ Anh đảm bảo cho hoạt động của họ ở thị trường nước này.
 
Xu hướng và lợi ích Tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA
Trong thời gian qua, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với việc tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Cộng đồng ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), EFTA (gồm các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ).
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhưng để hiện thực hóa các cơ hội mà FTA mang lại thông qua tận dụng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa được cam kết trong FTA. Do vậy, yêu cầu dành cho doanh nghiệp là phải hiểu rõ qui tắc xuất xứ và vận dụng vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh mới mang lại lợi ích thực sự trong hội nhập.
Các hình thức chứng nhận xuất xứ
Thương mại quốc tế hiện nay có hai hình thức/cơ chế chứng nhận xuất xứ cùng tồn tại song song được sử dụng phổ biến trong các FTA: (i) Hình thức chứng nhận bởi bên thứ ba được thực hiện bởi cơ quan có chức năng chứng nhận và không tham gia vào giao dịch thương mại liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba ở Việt Nam hiện nay là Bộ Công Thương mà cụ thể là các Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực. Ngoài ra, theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ thì Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được Bộ Công Thương cho phép thực hiện cấp C/O mẫu D. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được cấp các loại C/O không ưu đãi và C/O mẫu A theo Chương trình thuế quan phổ cập (GSP); (ii) Hình thức thứ hai là hình thức tự chứng nhận xuất xứ, đây là hình thức chứng nhận bởi các bên tham gia giao dịch thương mại (nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu), với hình thức này doanh nghiệp không phải xin cấp chứng nhận từ phía cơ quan chức năng mà có thể chủ động chứng nhận về xuất xứ để hưởng thuế quan ưu đãi trong FTA. Hình thức này có ý nghĩa to lớn cho thuận lợi hóa thương mại khi thực hiện chuyển giao quyền chứng nhận xuất xứ từ phía cơ quan chức năng của Nhà nước lại cho doanh nghiệp (là bên có nhiều hiểu biết, thông tin về qui trình sản xuất, nguồn gốc của hàng hóa).
Hình thức chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba thể hiện được tính trung thực của thông tin xuất xứ khi có sự tham gia của bên thứ ba (chủ thể độc lập, khách quan, không vụ lợi) tham gia việc kiểm tra thông tin xuất xứ và xác nhận hàng hóa có xuất xứ trước khi vận chuyển qua nước nhập khẩu. Hình thức chứng nhận xuất xứ này sẽ giúp hạn chế những vướng mắc về các vấn đề liên quan xuất xứ của hàng hóa khi nước nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Hiện nay, trong khu vực ASEAN và trên thế giới, đa số các doanh nghiệp khi sử dụng hình thức chứng nhận này thường được yêu cầu phải đóng một khoản chi phí gọi là chi phí danh nghĩa được qui định bởi cơ quan Nhà nước, khoản chí phí này là con số không nhỏ với những doanh nghiệp thường xuyên cần xin cấp chứng nhận xuất xứ (Việt Nam không thu phí này). Bên cạnh vấn đề chi phí, trong nhiều trường hợp việc chậm trễ trong cấp chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba vì những lý do liên quan thủ tục cũng ít nhiều gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
Với những lý do trên và yêu cầu của tiến trình hội nhập và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì hình thức tự chứng nhận xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong các hiệp định thương mại tự do.
Xu hướng tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA
Ở các nước phát triển, tự chứng nhận xuất xứ đã được sử dụng hơn 40 năm qua với nhiều mô hình khác nhau, nhưng với Việt Nam thì hình thức này còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp vốn chỉ quen xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ thông qua Bộ Công Thương.
Hình thức tự chứng nhận xuất xứ thể hiện lợi ích thông qua đơn giản hóa quy trình thủ tục, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm những rủi ro trong cấp phép và bớt gánh nặng về hải quan…Chính vì vậy, trong đàm phán các FTA hiện nay các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc đều yêu cầu phía đối tác phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong đàm phán chương quy tắc xuất xứ.
Trong TPP qui định hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam sẽ được phép bảo lưu chưa áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực. Đối với hàng hóa xuất khẩu, TPP cho phép Việt Nam có thể áp dụng song song cả hai hình thức: tự chứng nhận xuất xứ hay do Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ (chứng nhận xuất xứ bởi bên thứ ba) trong 10 năm kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực.
Thỏa thuận trong chương quy tắc xuất xứ của EVFTA, Liên minh Châu âu có thể cho phép Việt Nam sử dụng hai hình thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hiệp định có hiệu lực. Về hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA khi so sánh với Hiệp định TPP thì lại có phần hạn chế hơn trong chủ thể được tự chứng nhận xuất xứ, theo đó EVFTA chỉ cho phép nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ, trong khi Hiệp định TPP cho phép cả nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu được thực hiện tự chứng nhận xuất xứ. Đây là mô hình mà EU hiện đang áp dụng phổ biến trong các FTA. Thậm chí, EU cũng yêu cầu cơ chế này phải áp dụng trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà EU đang dành cho các quốc gia đang phát triển.
Còn trong khuôn khổ AFTA, các quốc gia thành viên ASEAN cũng nhìn nhận sự cần thiết phải hợp lý hóa các quy tắc xuất xứ trong khu vực để tạo thuận lợi thương mại tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên trong cuộc họp Hội đồng AFTA lần thứ 23 tại Bangkok - Thái Lan vào năm 2009, Hội đồng đã thông qua “Kế hoạch hoạt động hướng tới tự chứng nhận xuất xứ”. Theo kế hoạch này, các thành viên ASEAN sẽ thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ chung trong ASEAN vào năm 2012. Trong thời gian qua, ASEAN triển khai hai Dự án thí điểm về tự chứng nhận xuất xứ, trong Dự án thí điểm số 1 có các quốc gia Bru-nây, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po và Thái Lan tham gia. Việt Nam đang tham gia Dự án thí điểm số 2 cùng với Lào, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan.
Để hiện thực hóa việc tham gia Dự án thí điểm số 2 về tự chứng nhận xuất xứ, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành Thông tư 28/2015/TT-BCT ngày 20 tháng 8 năm 2015 quy định về việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Trong ASEAN, các quốc gia như Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan đang tích cực triển khai các hoạt động nâng cao hiểu biết và đào tạo doanh nghiệp có thể ứng dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA.
Nhìn chung, tự chứng nhận xuất xứ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu thế chung trong đàm phán về quy tắc xuất xứ trong FTA. Do vậy, quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam chắc chắn không thể đứng ngoài sự vận động này.
Lợi ích thực hiện tự chứng nhậnxuất xứ
Thực tiễn áp dụng tự chứng nhận xuất xứ ở các quốc gia trong những năm qua cho thấy cơ chế này cũng có những hạn chế nhất định, tuy nhiên chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những lợi ích to lớn về kinh tế mà cơ chế tự chứng nhận xuất xứ mang lại trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hay bất kỳ chứng từ nào khác thay cho giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan Nhà nước cấp. Do vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa các nước. Với cơ chế này, doanh nghiệp không phải đi xin xuất xứ cho từng lô hàng xuất khẩu, mà có thể sử dụng quyền tự chứng nhận xuất xứ của mình để chủ động áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, khi doanh nghiệp được công nhận là thương nhân/doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ thì thương hiệu và hàng hóa của doanh nghiệp sẽ trở nên có giá trị hơn trên thị trường, các cơ hội kinh doanh sẽ mở ra nhiều hơn cho doanh nghiệp.
Mặc dù là mới ở Việt Nam, nhưng tự chứng nhận xuất xứ đã trở nên phổ biến và sẽ trở thành nghĩa vụ trong các FTA. Vì vậy, dù muốn hay không ngay bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về cơ chế này để có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng hiệu quả các FTA.
 
Đức tăng cường hỗ trợ Ấn Độ để thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do EU-Ấn Độ
Trước chuyến thăm Đức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong tháng này để tham dự kỳ họp tham vấn liên chính phủ vào tháng 6 này, Đức đã có những bước đi mạnh mẽ để nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa EU và Ấn Độ và khẳng định lại sự ủng hộ của Đức đối với việc Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân.
Đức là một trong số các quốc gia mà Ấn Độ đã chấm dứt áp dụng hiệp định bảo hộ đầu tư song phương (BIT) theo mô hình BIT mới của Ấn Độ được công bố vào tháng 12/2015.
Sau khi hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Ấn Độ - Đức hết hạn vào tháng 3 năm nay, Đại sứ Đức Martin Ney nói với báo chí rằng các khoản đầu tư hiện có của Ấn Độ vào Đức hoặc ngược lại sẽ được bảo hộ trong 15 năm tới theo các quy tắc cũ. Các khoản đầu tư mới sẽ không được bảo vệ cho đến khi một hiệp định bảo hộ đầu tư mới được ký. Các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua trách nhiệm đàm phán bảo vệ đầu tư sang EU, do đó, Ủy ban châu Âu và chính phủ Ấn Độ nên "ngồi xuống càng sớm càng tốt" để đàm phán hiệp định thương mại tự do.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là hai Trưởng đoàn kỳ họp thứ tư của IGC vào ngày 29 – 30/6 tại Berlin. Đức là nước duy nhất mà Ấn Độ có tổ chức kỳ họp IGC bắt đầu vào năm 2011.
"Trong kỳ họp tham vấn liên chính phủ gần đây nhất (vào năm 2015), Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Merkel đã lên tiếng ủng hộ việc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa EU và Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Modi nhấn mạnh đến sự cần thiết của FTA và cho biết EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Nếu bạn muốn hình thành toàn cầu hóa, bạn làm điều đó bằng cách viết các quy định toàn cầu hóa vào các hiệp định thương mại tự do", Đại sứ Đức tại Ấn Độ Ney khẳng định.
Đồng thời, Đại sứ Ney trích dẫn hội nghị thượng đỉnh “Vành đai, con đường” (OBOR) do Trung Quốc tổ chức hồi đầu tháng này là một lý do khác cho một FTA giữa Ấn Độ và EU. "Ấn Độ đã không tham gia hội nghị thượng đỉnh OBOR, các nước châu Âu đã tham gia nhưng chưa tham gia vào tuyên bố thương mại của OBOR".
Mô tả OBOR như là một hệ thống tăng cường thương mại tập trung vào Trung Quốc, Đại sứ Ney nói: "Nếu cả EU và Ấn Độ có một số sự lưỡng lự về FTA, chúng tôi sẽ khuyến khích chúng ta ngồi lại và tiếp tục đàm phán về một hiệp định thương mại tự do".
Đưa ra một bức tranh lớn hơn về các cuộc đàm phán sắp tới ở Berlin, Đại sứ Ney cho rằng cả Ấn Độ và Đức đều tin tưởng vào các nguyên lý của nền dân chủ và một quy tắc quốc tế dựa trên luật. Cả hai nước đều hợp tác chặt chẽ trong việc điều phối cơ chế G20, cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tự do hàng hải bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương, cuộc chiến chống khủng bố và ổn định ở Afghanistan.
"Đức ủng hộ tư cách thành viên của Ấn Độ trong các chế độ kiểm soát xuất khẩu khác nhau, bao gồm cả NSG", ông nói.
Nhà ngoại giao Đức đã chỉ ra rằng hai nước có hơn 25 nhóm làm việc, bao gồm cả các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, năng lượng, cơ sở hạ tầng và du lịch. Giống như kỳ họp IGC cuối năm 2015, sẽ có "một loạt biên bản ghi nhớ đáng kể và tuyên bố chung về ý định sau các cuộc họp ở Berlin.
Theo Ney, một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong đó các thỏa thuận này có thể được ký kết là kinh doanh.
"Phòng thương mại Ấn Độ - Đức là phòng thương mại song phương lớn nhất Đức bên ngoài nước Đức, có hơn 7.000 công ty thành viên của Đức và Ấn Độ. Hiện có hơn 1.800 công ty Đức đang kinh doanh ở Ấn Độ.
Từ năm 2010, các công ty Đức đã đầu tư gần 53 triệu Rs ở Ấn Độ, trong đó chỉ riêng năm ngoái là 8,441 triệu Rs. "Ấn Độ quan tâm đến công nghệ và bí quyết của Đức và chúng tôi muốn chia sẻ điều này", Đại sứ Ney nói.
Các dự án khởi nghiệp sẽ là một lĩnh vực nữa sẽ được thảo luận khi cả hai nước có hệ thống pháp luật ủng hộ khởi nghiệp tuyệt vời. Các lĩnh vực khác mà ông đề cập đến có thể đưa ra thảo luận bao gồm giáo dục và đào tạo nghề, kiểm soát ô nhiễm trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, sản xuất quốc phòng và hợp tác văn hoá. Về hợp tác phát triển, Ấn Độ là đối tác phát triển lớn nhất của Đức. Mỗi năm, Đức viện trợ cho Ấn Độ khoảng 7 triệu Rs dành cho phát triển.
Các cuộc đàm phán FTA Pakistan - Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 6/6
Vòng đàm phán thứ 7 về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức từ ngày 6-7/6 tại Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn thiện thỏa thuận.
Trong quá trình đàm phán, hai nước cũng sẽ thảo luận các lĩnh vực cụ thể cả dệt may. Hiệp định thương mại tự do Pakistan – Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được ký vào ngày 14/8 để tăng cường thương mại song phương giữa hai nước, một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin APP.
Ông nói hai bên sẽ trao đổi bản dự thảo cho một hiệp định cuối cùng trong vòng đàm phán sắp tới. "Kim ngạch thương mại của Pakistan với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ổn định cho đến năm 2011. Tuy nhiên, kim ngạch này bắt đầu giảm từ năm 2011 khi hai nước áp đặt thuế bổ sung đối với các mặt hàng khác nhau", quan chức này nói thêm.
Hai bên sẽ tổ chức đàm phán các lĩnh vực khác như hàng hoá, dịch vụ và đầu tư, ông nói. Sau khi ký FTA mới với Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước sẽ có thể cải thiện cán cân thương mại song phương.
Các quan chức cho biết Pakistan sẽ có được không gian thị trường hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và dược phẩm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Pakistan từ Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm hàng dệt, khăn tắm, cấu kiện thép, da thuộc, hóa chất, sữa chế biến còn các sản phẩm xuất khẩu chính của nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm PET, ethanol, sợi bông, vải và gạo, hàng may mặc, da, thảm, dụng cụ phẫu thuật, thể thao và hóa chất.

Canada tạo nền tảng mới khi ký kết FTA hiện đại với Chilê tập trung vào thương mại và giới
Canada đã tiến thêm một bước tiến tới bình đẳng giới ngày hôm nay khi Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne thông báo bổ sung một chương về thương mại và giới để hiện đại hóa Hiệp định thương mại tự do Canada - Chile – có hiệu lực 20 năm qua. Đây là lần đầu tiên một quốc gia G20 có một chương như vậy trong FTA.
Thông cáo này được đưa ra sau cuộc thảo luận bàn tròn về sự đa dạng trong các khu vực tư nhân và khu vực công ở Chilê và Canada do Tổng thống Chile Michelle Bachelet chủ trì trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Canada và có sự tham dự của Bộ trưởng Champagne.
Chương thương mại và giới cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng quan điểm về giới vào các vấn đề kinh tế và thương mại để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho mọi người, khẳng định ý định của cả hai bên để thực thi các hiệp định quốc tế về giới từ góc độ quyền và cung cấp một khuôn khổ cho Canada và Chile hợp tác về các vấn đề liên quan đến thương mại và giới, bao gồm cả việc kinh doanh của phụ nữ và xây dựng các chỉ số về giới.
Chương thương mại và giới cũng có quy định hai bên cam kết thành lập một ủy ban thương mại và giới để giám sát hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết kế các chương trình khuyến khích phụ nữ tham gia vào các nền kinh tế trong nước và quốc tế. Sự phát triển này là bằng chứng rõ ràng về cách tiếp cận mạnh mẽ, tiến bộ và theo chủ nghĩa nữ quyền mà Chính phủ Canada đưa ra cho tất cả các khía cạnh của chính sách đối ngoại.
Canada và Chilê đã có những sửa đổi tiến bộ khác cho chương đầu tư của Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Ví dụ, hai bên đã khẳng định trực tiếp và rõ ràng cam kết của mình về các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội đã được công nhận trên toàn cầu như hướng dẫn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về môi trường, lao động, nhân quyền và chống tham nhũng. Hai bên cũng tăng cường nghĩa vụ minh bạch và cung cấp các điều khoản bổ sung về việc tái khẳng định quyền điều chỉnh vì lợi ích công cộng.
Canada cam kết theo đuổi thương mại tự do, cởi mở và tiến bộ với các đối tác trên toàn thế giới. Thương mại tiến bộ có nghĩa là làm việc để đảm bảo rằng tất cả các bộ phận của xã hội, cả ở Canada và ở nước ngoài, đều có thể tận dụng các cơ hội kinh tế từ thương mại và đầu tư. Hiệp định thương mại tự do Canada - Chile hiện đại đã thúc đẩy kim ngạch ​​thương mại hàng hóa tăng hơn ba lần trong 20 năm qua, lên tới hơn 2,4 tỷ đô la, với sự bổ sung một chương về thương mại và giới, là một minh chứng cụ thể và cam kết của chính phủ Canada đối với việc hiện thực hóa chương trình nghị sự về thương mại tiến bộ.
Mỹ muốn hoàn tất việc đàm phán lại NAFTA vào đầu năm 2018
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng tốt nhất cần hoàn tất các cuộc đàm phán lại về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào đầu tháng 1/2018, trước khi Mexico tiến hành tổng tuyển cử và Mỹ tiến hành bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào giữa và cuối năm 2018.
 Phát biểu tại một sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Ross bày tỏ mong muốn có thể sớm khởi động các cuộc đàm phán lại NAFTA, song cho biết không thể khởi động chính thức các cuộc đàm phán này trước ngày 16/8, khi giai đoạn tham vấn với các nghị sỹ, nghiệp đoàn và công chúng khi đó mới kết thúc.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn tất các cuộc đàm phán vào tháng Một năm tới do cuộc tổng tuyển cử của Mexico vào giữa năm 2018, cũng như cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11/2018 có thể ảnh hưởng đến việc thông qua hiệp định tại Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Ross, Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ áp đặt chính sách chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường của Mexico và gỗ xẻ mềm của Canada nếu các cuộc đàm phán giải quyết các tranh chấp thương mại này không đạt kết quả.
Hạn chót để giải quyết vấn đề sản phẩm đường của Mexico là ngày 5/6.
Các nhà sản xuất đường của Mỹ đang kêu gọi đánh thuế đối với các nhà sản xuất đường Mexico, cho rằng việc Chính phủ Mexico trợ cấp cho ngành này là không công bằng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất gỗ xẻ của Mỹ cũng cho rằng các công ty Canada cũng được hưởng trợ cấp không công bằng do gỗ được khai thác từ các khu đất thuộc sở hữu nhà nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cũng cho rằng các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ và Mexico đang tạo đà giúp Mỹ và Mexico đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất các cuộc đàm phán lại về NAFTA vào cuối năm 2017.
 
FTA New Zealand-EU thể hiện những tham vọng về thương mại
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay đã công bố một báo cáo về phạm vi của hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa New Zealand và Liên minh châu Âu (EU) khi chính phủ tìm kiếm 90% thương mại hàng hoá của New Zealand được bao gồm bởi các FTA vào năm 2030.
Bản báo cáo này sẽ cho phép các doanh nghiệp New Zealand hiểu sâu hơn về mức độ tham vọng cao của thỏa thuận này cũng như các chi tiết về sự tiếp cận thị trường mà chúng tôi đang thúc đẩy, kết quả chất lượng mà chúng tôi muốn đạt được,".
EU là thị trường hàng hóa và dịch vụ lớn thứ 3 của New Zealand và đã tăng giá trị lên hơn 20 tỷ đô la NZ (14,42 tỷ đô la Mỹ) trong thương mại hai chiều vào năm 2016.
Sau một số cuộc họp song phương thành công giữa ông McClay và các nước thành viên EU tại Paris vào tuần trước. Bộ trưởng McClay đã họp với Ủy viên thương mại của EU Cecelia Malmström."Ủy viên Malmström khẳng định rằng EU cam kết sẽ khởi động đàm phán về một thỏa thuận chất lượng cao, đầy tham vọng và toàn diện với New Zealand trong năm nay", ông McClay nói. Ông nói: "Tôi nhận được sự hỗ trợ tốt cho việc khởi động kịp thời các cuộc đàm phán từ Đức, Bồ Đào Nha, Áo, Hungary, Phần Lan, Ba Lan và Hà Lan trong các cuộc họp vào tuần trước, cùng với các thành viên khác của EU trước đây cũng đã bày tỏ sự ủng hộ.
Theo Ông McClay, thêm chi tiết về FTA giữa New Zealand – EU, sẽ có trong một loạt các cuộc họp giao lưu công cộng được lên kế hoạch trong những tuần và tháng sắp tới tập trung vào chương trình nghị sự thương mại toàn cầu của New Zealand.
Chương trình Thương mại 2030, chiến lược thương mại mới của New Zealand đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là 90% thương mại hàng hóa được FTA hỗ trợ đến năm 2030. Sự mở cửa và minh bạch trong các vấn đề thương mại là một ưu tiên quan trọng.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710718679