Thứ năm, 25-4-2024 - 14:15 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 1/2020 

 Thứ sáu, 31-1-2020

AsemconnectVietnam - Trong tháng 1/2020, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn hiệp định USMCA 
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 29/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), khẳng định một "tương lai huy hoàng" cho nền công nghiệp Mỹ.
Phát biểu tại lễ ký phê chuẩn hiệp định ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: "Hôm nay, chúng ta đã chính thức chấm dứt cơn ác mộng NAFTA và ký ban hành thành luật một Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) phiên bản mới. USMCA là hiệp định thương mại lớn, công bằng, cân bằng và hiện đại nhất từ trước tới nay.”
Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, chúng ta đã thay thế một hiệp định thương mại thảm họa, vốn phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài, bằng một hiệp định thương mại thực sự công bằng và có qua có lại, hiệp định này sẽ giữ lại việc làm, duy trì sự thịnh thượng và tăng trưởng ngay tại Mỹ.”
Lâu nay, Tổng thống Trump đã luôn chỉ trích NAFTA vì cho rằng hiệp định này khiến việc làm ở Mỹ bị chuyển dịch ra nước ngoài. Ông chủ Nhà Trắng đã biến việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại mới trở thành một điểm nhấn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và là một trong những cam kết tranh cử quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Trước đó, sau nhiều lần trì hoãn, Thượng viện Mỹ ngày 16/1 đã thông qua USMCA. Văn kiện này không thể có hiệu lực cho đến khi được cả 3 nước tham gia chấp thuận, theo đó hiệp định này vẫn cần phải được Quốc hội Canada phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.
USMCA sẽ tác động tới hoạt động kinh tế tại Bắc Mỹ như thế nào? 
Sau nhiều lần trì hoãn, Thượng viện Mỹ ngày 16/1 đã thông qua Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây.
Dưới đây là một số thay đổi chính trong hiệp định này:
Lĩnh vực sản xuất ôtô
Một trong những thay đổi lớn nhất trong USMCA so với NAFTA là tỷ lệ nội địa hóa trong ôtô và xe tải được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ tăng từ 62,5% như NAFTA trước đây lên 75%, với yêu cầu mới là các nhà sản xuất phải sử dụng thép và nhôm từ khu vực này.
Ngoài ra, 40-45% giá trị của một chiếc xe phải đến từ các khu vực có mức lương cao, nơi trả cho công nhân ít nhất 16 USD một giờ, cụ thể là Mỹ và Canada.
Điều khoản này được cho là nhằm làm chậm làn sóng di cư của ngành công nghiệp sang Mexico vốn có mức lương thấp hơn. Những chiếc xe không đạt tiêu chuẩn sẽ phải chịu thuế quan của Mỹ.
Những yêu cầu trên đang đặt một số nhà sản xuất ôtô thương hiệu nước ngoài ở Mỹ vào thế bất lợi. Họ buộc phải đầu tư vào các nhà máy mới tại nước này hoặc Canada cho các bộ phận có giá trị cao như động cơ và bộ phận truyền động.
Nông nghiệp
Canada sẽ cho phép nông dân chăn nuôi bò sữa Mỹ quyền tiếp cận vào khoảng 3,5% thị trường sữa nội địa trị giá 16 tỷ USD của nước này.
Đổi lại, phía Mỹ sẽ ngừng những nỗ lực buộc Canada phải loại bỏ hệ thống "quản lý cung ứng" lâu đời, vốn giúp nước này duy trì mức thuế cao áp lên các sản phẩm từ sữa.
Mỹ cũng có thể tăng xuất khẩu một số sản phẩm sữa như sữa tách béo và protein sữa sang Canada.
Ngoài ra, khoảng 57.000 tấn thịt gà của Mỹ sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Canada cho tới năm thứ sáu của thỏa thuận.
Khoảng 10 triệu tá trứng và các sản phẩm tương đương của Mỹ cũng nhận được ưu đãi khi xuất sang Canada.
Quyền của người lao động
Để khuyến khích việc hình thành các công đoàn và tăng lương cho công nhân tại Mexico, USMCA cho phép Mỹ và Canada triệu tập một hội đồng gồm các chuyên gia lao động quốc tế để tiếp nhận các khiếu nại nếu các nhà máy Mexico từ chối cho họ quyền tự do tập hợp và cùng mặc cả mức lương.
Nếu bị phát hiện vi phạm và không khắc phục, USMCA cho phép phía quốc gia khiếu nại hủy bỏ quyền tiếp cận miễn thuế đối với các sản phẩm của bên vi phạm cùng một số các hình phạt khác.
Bản quyền, thương mại số, thương mại điện tử
Theo nội dung Hiệp định USMCA mới, thời hạn bảo vệ bản quyền sẽ kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời, tương tự với quy định hiện tại của Mỹ. Ở Canada, thời hạn này thường kéo dài trong 50 năm.
Hoạt động kiểm tra hải quan và các khoản phí khác đối với các sản phẩm kỹ thuật số như âm nhạc, trò chơi, video và sách điện tử sẽ bị cấm và các quốc gia không được yêu cầu các cơ sở máy tính trong nước lưu trữ dữ liệu về người dùng.
USMC cũng bảo vệ các nền tảng Internet khỏi trách nhiệm liên đới với những thông tin của bên thứ ba mà họ hiển thị.
Mexico và Canada sẽ tăng gấp đôi ngưỡng mà các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế và khai báo hải quan lên lần lượt là 100 USD và 30,25 USD.
Việc này sẽ có lợi cho các nhà bán lẻ trực tuyến có vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới của khu vực và các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhập các đơn đặt hàng tương đối khiêm tốn.
Giải quyết tranh chấp
USMCA sẽ loại bỏ phần lớn các biện pháp giải quyết tranh chấp cũ giữa các nhà đầu tư với chính phủ (ISDS), cho phép các công ty Bắc Mỹ hoạt động ở một quốc gia láng giềng lựa chọn khiếu nại các quyết định của chính quyền địa phương tại một tòa án quốc tế.
Theo thỏa thuận mới, việc khiếu nại sẽ chỉ là một lựa chọn cho các công ty tranh chấp với Chính phủ Mexico trong một số vấn đề, chẳng hạn như việc chính phủ tịch thu tài sản hoặc phân biệt đối xử với các thực thể nước ngoài và các công ty hoạt động trong một số ít ngành riêng biệt.
Dược phẩm
USMCA đặt mục tiêu giữ giá thuốc ở mức thấp bằng cách hạn chế một số biện pháp bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm.
Hiệp định mới đã loại bỏ thời hạn độc quyền thông tin kéo dài 10 năm đối với thuốc công nghệ sinh học, một điều mà đảng Dân chủ của Mỹ từng lo ngại sẽ khiến một số loại thuốc thuộc hàng đắt đỏ nhất kéo dài thời gian tăng giá.
Hiệp định cũng loại bỏ một điều khoản yêu cầu các bên phải xác nhận bằng sáng chế về cách sử dụng mới cho những loại thuốc đã có mặt trên thị trường.
Điều này giúp chống lại một quá trình gọi là "bằng sáng chế vĩnh cửu" vốn ngăn chặn sự cạnh tranh từ các loại thuốc cùng dòng.
Bảo vệ môi trường
USMCA không bao gồm bất kỳ điều khoản nào yêu cầu các nước thành viên tham gia chống lại và hạn chế quá trình biến đổi khí hậu.
Nhưng nội dung thay đổi trong hiệp định mới vẫn yêu cầu mỗi quốc gia phải tuân thủ Nghị định thư Montreal năm 1987 về loại bỏ các chất gây nguy hại cho tầng ozone.
USMCA cũng yêu cầu ba nước thành viên tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các vùng đất ngập nước, sinh vật biển ở Nam Cực, đánh bắt cá voi và cá ngừ.
Ấn Độ và Mỹ tiến gần đến việc ký thỏa thuận thương mại 
Trang mạng Financial Express ngày 29/1 đưa tin New Delhi và Washington sẽ hoàn tất thoả thuận thương mại trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào cuối tháng Hai tới.
Theo các nguồn thạo tin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ đến New Delhi vào tuần thứ 2 của tháng Hai tới theo lời mời của Bộ trưởng Công thương nước chủ nhà Piyush Goyal để hoàn tất các điều khoản.
Ấn Độ hy vọng sẽ ký các thỏa thuận để tăng cường mua sắm quốc phòng và năng lượng từ Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump.
Về phần mình, Mỹ có thể xem xét khôi phục ít nhất một phần việc miễn trừ thuế cho khoảng 2.000 sản phẩm nhập khẩu từ Ấn Độ mà nước này trước đây từng dành cho quốc gia Nam Á nhưng đã chấm dứt hồi năm ngoái.
Ấn Độ là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 9 của Mỹ với kim ngạch hai chiều năm 2018 là 87,9 tỷ USD.
Thâm hụt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ năm 2018 là 25,2 tỷ USD.
Chủ tịch EC lạc quan về Mỹ-EU đạt thỏa thuận thương mại 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể ký kết một thỏa thuận thương mại trong vài tuần tới.
Ngày 22/1, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể ký kết một thỏa thuận thương mại trong vài tuần tới, bất chấp việc Washington liên tiếp đe dọa áp thuế nhập khẩu ôtô của châu Âu. 
Phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 (WEF 2020) ở Davos (Thụy Sĩ), bà Von der Leyen thông báo đã có cuộc trao đổi tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bà tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng có thể cùng ký kết một thỏa thuận trong vài tuần nữa” đồng thời cho biết thỏa thuận sẽ bao trùm các lĩnh vực thương mại, công nghệ và năng lượng.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Trump cùng ngày đe dọa áp thuế nhập khẩu 25% đối với ô tô của châu Âu nếu EU không nhất trí với một thỏa thuận thương mại song phương vốn đã bị hoãn từ lâu.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng cảnh báo Washington sẽ thực hiện kế hoạch áp thuế nhập khẩu với EU nếu khối này thúc đẩy triển khai luật thuế công nghệ mà Mỹ cho là nhắm chủ yếu tới các công ty của nước này.
Quan hệ thương mại Mỹ và EU đã xấu đi nhanh chóng sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền 3 năm trước và tuyên bố quyết thu hẹp thâm hụt thương mại với châu Âu.
Ông Trump bắt đầu với việc áp thuế nhập khẩu thép và nhôm, đặc biệt từ EU, khiến Brussels đáp trả bằng việc áp thuế với các sản phẩm mang tính biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ như quần áo bò và xe máy.
Tổng thống Trump sau đó dọa áp thuế với các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ châu Âu, khiến nền kinh tế đầu tàu của EU là Đức đặc biệt lo ngại vì sản xuất ôtô đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước này.
Tháng 7/2017, Mỹ và EU đã nhất trí theo đuổi một thỏa thuận thương mại, trong động thái được coi là hòa hoãn giữa hai bên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bế tắc khi bàn tới vấn đề nông nghiệp.
Hôm 21/1, ông Trump khẳng định đã có cuộc gặp "tích cực" với tân chủ tịch EC Von der Leyen, trong đó hai bên nhất trí hướng tới thỏa thuận thương mại song phương.
Chiến lược ‘tránh bị níu kéo’: Anh đàm phán đồng thời các FTA với EU và Mỹ hậu Brexit 
Anh sẽ tiến hành đồng thời các cuộc đàm phán thương mại thời hậu Brexit với Mỹ cùng đàm phán các điều khoản về mối quan hệ tương lai của Anh với Liên minh châu Âu (EU).
Đó là thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 6/01. Theo đó, Vương quốc Anh sẽ tách ra khỏi Brussels vào ngày 31/1 và sau đó sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp “nguyên trạng” cho đến cuối năm 2020 khi hai bên sẽ cố gắng thực hiện một thỏa thuận thương mại.
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh, Vương quốc Anh sẽ 'không chỉ tập trung thảo luận về mối quan hệ đối tác trong tương lai với EU” sau Brexit vì họ sẽ “tự do tổ chức các cuộc thảo luận thương mại với các nước trên thế giới”. Khả năng Chính phủ Anh tham gia vào các cuộc đàm phán song song với EU và Mỹ sẽ khiến những người ủng hộ Brexit quan tâm ủng hộ. Họ tin rằng tiềm năng cho một thỏa thuận thương mại tự do nhanh chóng với Nhà Trắng có thể ngăn EU níu kéo Anh phải đồng ý thỏa thuận của riêng mình. Những người ủng hộ Brexit tin rằng, “đòn bẩy” của các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ buộc EU phải rút ra tất cả các điểm nghẽn để đồng ý thỏa thuận với Anh vào cuối năm nay - hoặc rủi ro nếu Anh chuẩn bị tốt hơn để rời khỏi liên minh.
Những người ủng hộ Brexit lo ngại EU có thể trì hoãn tiến trình đàm phán để gây sức ép buộc Thủ tướng Boris Johnson phá vỡ lời hứa sẽ không kéo dài thời gian chuyển đổi, điều mà sau đó có thể sẽ yêu cầu Vương quốc Anh đóng góp thêm ngân sách vào EU. Khi được hỏi liệu Anh có tiến hành đàm phán thương mại với EU song song với đàm phán thương mại với Mỹ hay không, người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Anh cho biết: “Một khi Anh rời EU vào ngày 31/01, Anh sẽ tự do tổ chức các cuộc thảo luận thương mại với các nước trên khắp thế giới và không chỉ tập trung thảo luận về quan hệ đối tác trong tương lai với EU”.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại London vào ngày 8/01. Đây là cuộc gặp được mong đợi sẽ tạo ra nền tảng cho các cuộc đàm phán thương mại sẽ diễn ra trong những tháng tới. Thủ tướng Anh được cho là muốn tiến bộ nhanh chóng trong thỏa thuận thương mại với EU. Trọng tâm của Chính phủ Anh vẫn là đạt đến thời hạn cuối năm 2020. Nhiều số liệu của EU cho thấy rằng sẽ không thể đạt được thỏa thuận thương mại đầy đủ với Anh trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Nước Anh chắc chắn sẽ tách khỏi Brussels sau khi chính phủ của ông Johnson giành chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử vào tháng 12/2019 và các nghị sĩ đã ủng hộ ban đầu cho thỏa thuận Brexit mới của ông Johnson.
Dự luật thỏa thuận Brexit - cơ sở luật pháp cần thiết để thực hiện Brexit có trật tự sẽ đưa ra vào cuối tháng - sẽ được đưa trở lại Hạ viện vào ngày 7-9/01 để tiếp tục bỏ phiếu và tranh luận. Chính phủ Anh hy vọng sẽ có luật ban hành vào giữa tháng 01 để Nghị viện châu Âu có thể phê chuẩn thỏa thuận trước cuối tháng 01. Ngay cả khi luật được thông qua trước ngày 31/01, ngày Brexit hiện tại sẽ không thay đổi, như đã được thống nhất giữa Vương quốc Anh và EU là vào lúc 11 giờ tối ngày 31 (giờ Anh) khi nước này sẽ rời EU.
Nguồn: Vitic/WTO/Bloomberg…
 
Tổng hợp, phân tích hiệp định RCEP trong tháng 1/2020
Trong tháng 1/2020, tin tức phân tích hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khá sôi động.
RCEP mang lại thị trường 125 tỷ USD cho các doanh nghiệp 
Mặc dù Ấn Độ đã quyết định đứng ngoài khối thương mại lớn nhất thế giới RCEP, nhóm 15 quốc gia còn lại của RCEP có tiềm năng thị trường lớn tới 125 tỷ USD nếu các doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh trong 24 loại sản phẩm được xác định, theo nghiên cứu của Trung tâm Thương mại Thế giới.
15 quốc gia RCEP chiếm 57% tương đương 105 tỷ USD thâm hụt thương mại chung của Ấn Độ trong năm tài chính 2019, trong đó Trung Quốc đóng góp tới 54 tỷ USD trong số này. Ấn Độ nằm trong số 15 nhà xuất khẩu hàng đầu của 24 loại sản phẩm này trên toàn cầu và có nhu cầu mạnh mẽ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ngành công nghiệp trong nước có thể hưởng lợi từ tiềm năng thị trường 125,6 tỷ USD, đặc biệt là trong các lĩnh vực như kim loại, dệt may và hải sản, tại 10 trong số các quốc gia RCEP này...
Ấn Độ là nước xuất khẩu sản phẩm nhôm lớn thứ bảy trên thế giới và tuy nhiên, đây không phải là nhà cung cấp chính các sản phẩm này cho các nước RCEP này ngoại trừ Hàn Quốc. Năm 2018, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc đã cùng nhau nhập khẩu các sản phẩm nhôm trị giá 18,65 tỷ USD, trong khi Ấn Độ cung cấp gần 700 triệu USD các sản phẩm này cho các thị trường này. Ấn Độ là nước xuất khẩu vải nhân tạo lớn thứ sáu thế giới và các thị trường xuất khẩu chính của nước này là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Bangladesh và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Nhưng có nhu cầu nhập khẩu hơn 10 tỷ USD đối với vải nhân tạo tại Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc và Campuchia.
Tương tự, là nhà xuất khẩu sợi dệt lớn thứ hai của thế giới, Ấn Độ có thể hưởng lợi bằng cách đáp ứng nhu cầu nhập khẩu hàng năm 13,6 tỷ USD từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Trung tâm Thương mại Thế giới cho biết, là nhà xuất khẩu thịt trâu lớn thứ tư, Ấn Độ có thể giành được thị trường trị giá 11 tỷ USD tại các quốc gia RCEP. Trong các loại sợi dệt và vải nhân tạo, các nhà xuất khẩu trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, cơ quan thương mại cảnh báo rằng việc xuất khẩu sang các nước RCEP sẽ còn khó khăn hơn nữa khi hiệp định thương mại lớn được phê chuẩn và ký bởi tất cả các thành viên. Ví dụ, trong trường hợp vải nhân tạo, các nhà xuất khẩu hàng đầu như Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các nhà nhập khẩu hàng đầu như Việt Nam và Indonesia sau khi hiệp định RCEP có hiệu lực.
Thủ tướng Ấn Độ không từ bỏ tham vọng hợp tác với ASEAN sau khi rời RCEP  
Tuy việc rút khỏi một thỏa thuận thương mại khu vực lớn như RCEP là một bước lùi trong Chính sách Hành động hướng Đông, Ấn Độ vẫn không giấu tham vọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với ASEAN.
Quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán cho Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được Ấn Độ đưa ra hồi cuối năm ngoái đã khiến các quốc gia khu vực ASEAN không khỏi thất vọng.
Ở một cấp độ nào đó, việc rút khỏi RCEP của Ấn Độ đã làm giảm đáng kể “tính trung tâm” của ASEAN trong việc điều hành các vấn đề trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.
Singapore là bên hỗ trợ nhiệt tình nhất trong tiến trình đàm phán RCEP của Ấn Độ với vai trò là người đối thoại. Thái Lan với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2019 đã dẫn đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Ấn Độ về việc tham gia RCEP. Với vai trò là điều phối viên, Indonesia cũng góp công một phần trong việc phá vỡ bế tắc với Ấn Độ.
Bất chấp nhiều nỗ lực, ASEAN đã không thể thuyết phục Ấn Độ tham gia Hiệp định.
Nguyên nhân của việc này có thể đến từ các bất ổn trong nước tại Ấn Độ. Đã có nhiều làn sóng phản đối tham gia Hiệp định đến từ người dân, doanh nghiệp trong nước. Họ mong muốn chính quyền có nhiều nỗ lực hơn trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận, đảm bảo kế sinh nhai hơn là việc ký kết thêm một Hiệp định thương mại (FTA) nữa mà không thể tận dụng tốt các tiềm năng của nó.
Ngoài ra, việc tham gia RCEP có thể làm dày thêm mối lo ngại của Ấn Độ trong việc trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.
ASEAN nên chấp nhận một viễn cảnh RCEP không có sự tham gia từ phía Ấn Độ. Việc từ chối tham gia RCEP, ở một khía cạnh nào đó, cũng mâu thuẫn với mục tiêu hướng Đông của Ấn Độ, cụ thể là Đông Nam Á. Đây cũng là một cơ hội bị bỏ lỡ của Ấn Độ trong việc tận dụng RCEP để kết nối 2 khu vực Nam Á và Đông Nam Á, đưa Ấn Độ tiến gần hơn với vai trò cửa ngõ chiến lược phát triển kinh tế giữa 2 vùng.
Sự rút lui của Ấn Độ dường như báo hiệu sự thận trọng của quốc gia này với chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên thay vào đó, Ấn Độ có thể sẽ tăng cường quan hệ song phương với các quốc gia riêng lẻ và củng cố các tổ chức song phương hiện có. Ví dụ như Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực, nơi Thái Lan và Myanmar là thành viên hợp tác, và Hợp tác Mê Kông – Sông Hằng với Việt Nam là thành viên.
Việc rút khỏi RCEP cũng không ảnh hưởng đến những bước tiến đáng kể trong mối quan hệ với ASEAN của Ấn Độ, nhất là dưới thời chính quyền Thủ tướng Modi. Về vấn đề hàng hải, Ấn Độ đã chú trọng hơn đến các chính sách liên quan đến Ấn Độ Dương, như An ninh và Tăng trưởng cho các bên trong khu vực (SAGAR). Cảng Sabang là một ví dụ như vậy, đây là dự án do Ấn Độ và Indonesia cùng hợp tác phát triển.
Trên mặt trận kinh tế, Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu 8 quốc gia Nam Á trong quan hệ giao thương với ASEAN. Mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục được 2 bên ủng hộ.
Nhận thấy rằng việc cải thiện kết nối là trọng tâm để tăng cường sự hợp tác kinh tế với ASEAN, Ấn Độ đã đầu tư vào nhiều dự án cơ hở hạ tầng như dự án đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar – Thái Lan và trạm trung chuyển Kaladan. Nằm trong các động thái của chính sách hướng Đông, Ấn Độ sẽ đẩy nhanh việc cấp vốn và hoàn thiện các dự án này trong nhiệm kỳ thứ 2 của chính quyền Thủ tướng Modi.
Tóm lại, việc rút khỏi RCEP vẫn không ảnh hưởng đến nỗ lực đẩy mạnh hợp tác sâu rộng của Ấn Độ với các quốc gia ASEAN – khu vực đóng vai trò trung tâm trong chiến lược hướng Đông cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này.
Hàn Quốc muốn Ấn Độ tiếp tục tham gia thỏa thuận thương mại RCEP 
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Hàn Quốc tại Indonesia Kim Chang-beom ngày 14/1 khẳng định Hàn Quốc muốn Ấn Độ vẫn là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Seoul cũng sẽ tiếp tục triển khai các bước đi cụ thể để thể hiện cam kết đối với sự thành công của các cuộc đàm phán RCEP.
Đại sứ Kim Chang-beom nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà đàm phán của Indonesia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Hồi tuần trước, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Yeo Han-koo đã đến Indonesia gặp Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi và Trưởng đoàn đàm phán RCEP Iman Pambagyo để thảo luận về các bước phải thực hiện để các mục tiêu RCEP được thống nhất trong năm nay có thể được thực hiện.
Hàn Quốc cho rằng RCEP rất quan trọng đối với các nền kinh tế có hướng xuất khẩu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa chấm dứt và sự suy yếu của ngành công nghiệp toàn cầu.
RCEP cũng được xem xét theo Chính sách hướng Nam mới do Tổng thống Moon Jae-in đưa ra, nhằm tăng cường quan hệ chiến lược kinh tế với các nước ASEAN.
Theo số liệu do hãng thông tấn Yonhap công bố, xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 542,4 tỷ USD năm 2019, giảm 10,3% so với năm trước đó, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên sau 10 năm xuất khẩu hàng năm của nước này giảm hai con số.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa danh mục xuất khẩu của mình, các quốc gia Đông Nam Á chiếm hơn 20% xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2019, tăng so với 19,1% năm 2018.
RCEP là một hiệp định thương mại có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 quốc gia đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) tháng 11/2019, chỉ có 15 quốc gia thành viên đã nhất trí ký thỏa thuận RCEP, ngoại trừ Ấn Độ.

Long Giang
Nguồn: VITIC/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710865203