Thứ bảy, 20-4-2024 - 11:42 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 10/2018 

 Thứ tư, 31-10-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 10/2018, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

NAFTA có tên gọi mới là Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico  
Sáng 1/10/2018 (giờ Việt Nam), Mỹ và Canada chính thức xác nhận đã đạt được thỏa thuận về một "thỏa thuận thương mại mới và hiện đại" nhằm thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết hồi năm 1994.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết tên gọi mới của NAFTA phiên bản 2.0 sẽ là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). USMCA sẽ mang lại cho những người công nhân, nông dân, các chủ trang trại và các doanh nghiệp của ba nước một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, qua đó đảm bảo hoạt động thương mại diễn ra công bằng hơn, giúp mở ra những thị trường cởi mở hơn cũng như góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
USMCA cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho tầng lớp trung lưu, tạo nhiều việc làm tốt với mức lương cao, và tạo ra nhiều cơ hội mới cho gần nửa tỷ cư dân sinh sống dưới "mái nhà" Bắc Mỹ có tổng kim ngạch thương mại lên tới 1.000 tỷ USD/năm này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng USMCA mang lại điều tốt lành cho Canada.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray đã hoan nghênh thỏa thuận này, khẳng định USMCA đưa đến nhiều lợi ích cho Mexico và cả Bắc Mỹ.
Ông Jesus Seade, đại diện cho Tổng thống đắc cử Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, cũng cho rằng thỏa thuận này sẽ mang lại sự ổn định cho thương mại của Mexico với các đối tác Bắc Mỹ
Để có thể đi đến ký kết thỏa thuận này, các nhà đàm phán của Mỹ, Canada và Mexico đã dành những ngày cuối cùng trước thời hạn chót 30/9/2018 để thảo luận liên tục qua điện thoại, trong nỗ lực chạy đua nước rút nhằm bảo vệ NAFTA trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, hiệp định mới cần phải nhận được Quốc hội mỗi nước phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.
 
Tổng thống Trump phê chuẩn thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Canada 
Sáng 1/10/2018 (giờ Việt Nam), ngay sau khi các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Canada đạt thỏa thuận về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức phê thuẩn thỏa thuận khung giữa Washington và Ottawa này.
Trước đó, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA hồi cuối tháng 8/2018.
Tổng thống Trump đánh giá thỏa thuận thương mại mà Mỹ đạt được với Mexico là một chiến thắng đối với người dân Mỹ. Ông từng đe dọa đóng cửa đối với Canada nếu Canada và Mỹ không tiến tới một thỏa thuận vào ngày 30/9/2018.
Ngay sau khi thông tin Mỹ và Canada đã chính thức đạt được thỏa thuận về sửa đổi NAFTA được công bố, đồng đôla Canada (CAD) và đồng peso của Mexico đã tăng giá, trong khi chứng khoán châu Á mở phiên lại giảm điểm trong bối cảnh xuất hiện thêm những tín hiệu không mấy khả quan về nền kinh tế Trung Quốc.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 1/10/2018 (giờ Việt Nam), giá trị đồng CAD đã tăng lên mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2018 so với đồng USD. Cụ thể, CAD đã tăng khoảng 0,7% và giao dịch ở mức 1.2814 CAD/1 USD.
Trong khi đó, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) lại giảm 0,1% khi mở phiên giao dịch ngày 1/10/2018, dẫn đầu đà giảm là chứng khoán tại thị trường Australia.
 
Ngoại trưởng Mỹ: USMCA sẽ đem lại lợi ích lớn cho Bắc Mỹ 
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19/10/2018 cho biết Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - phiên bản 2 của Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) - sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Mỹ trong một vài năm tới, đồng thời cảm ơn Chính phủ Mexico vì những việc nước này đã làm và vì "cuộc tranh luận căng thẳng" nhằm đạt được hiệp định sau hơn một năm đàm phán.
Hiệp định USMCA được giới chuyên gia đánh giá sẽ làm lợi cho 3 quốc gia trong nhiều năm tới, sẽ tạo ra nhiều việc làm và của cải hơn.
Tuy nhiên, ông Pompeo cho rằng một khi hiệp định thương mại này được thực thi, một trong những vấn đề lớn nhất mà Mỹ và Mexico sẽ phải đối mặt là tình trạng di cư ở biên giới phía Nam.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả USMCA là một “thỏa thuận thương mại tuyệt vời,” thay thế cho phiên bản cũ hay một “thỏa thuận thương mại tồi nhất từ xưa đến nay.” 
USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ô tô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp…
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico, với kim ngạch thương mại song phương lên đến 557 tỷ USD trong năm 2017, tăng 10,4% so với năm 2016 và thặng dư 71 tỷ USD nghiêng về Mexico.
 
Các doanh nghiệp xe hơi chào đón Hiệp định NAFTA mới 
Các công ty sản xuất ôtô và phụ tùng xe hơi của Bắc Mỹ đã thở phào nhẹ nhõm sau khi Mỹ và Canada ký kết một thỏa thuận thương mại mới với Mexico mang tên Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), nhằm sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ môi trường bày tỏ nghi ngại về văn kiện mới này.
Thỏa thuận mới, bao gồm nhiều yêu cầu mới của khu vực về phụ tùng ôtô và mức lương, đã gỡ bỏ một "cái gai" lớn ngăn cản đầu tư vào ngành công nghiệp xe hơi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1/2017 và có những chính sách thách thức trật tự thương mại thế giới.
USMCA cũng đã đặt dấu chấm hết cho những lo ngại rằng sự cứng rắn của Nhà Trắng sẽ dẫn tới việc đóng cửa các nhà máy sản xuất ôtô do các công ty Mỹ xây dựng tại Mexico từ khi NAFTA có hiệu lực năm 1994.
Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Cox Automotive, công ty sở hữu hai website về ôtô uy tín là Kelly Blue Book và Autotrader, ông Charlie Chesbrough cho rằng ít nhất đến thời điểm này ngành công nghiệp xe hơi sẽ tiếp tục guồng quay hiện nay trong ít nhất 18 tháng tới và các công ty chế tạo ôtô sẽ có thể đưa ra kế hoạch chiến lược dài hơi.
Liên minh các nhà sản xuất ôtô (AAM) cũng hoan nghênh tin tức mới về USMCA, đánh giá việc Canada đặt bút ký vào thỏa thuận là "một diễn biến đáng khích lệ" và cho rằng cả ba nước cần "thực hiện các mục tiêu và lợi ích của thỏa thuận mới."
Trước thông tin mới về USMCA, cổ phiếu của các hãng xe hơi đã "lấy lại sức." Cụ thể, cổ phiếu của Ford, General Motors và Fiat Chrysler đều tăng ít nhất 1%. Trong khi đó, cổ phiếu của một số công ty sản xuất phụ tùng ôtô như Lear tăng 2,9%, hay công ty Magna International tăng 4,5%.
Tuy nhiên, trái ngược với các công ty sản xuất ôtô, các nhóm bảo vệ môi trường, từ tổ chức Greenpeace đến câu lạc bộ Sierra Club, đã bày tỏ nghi ngại về văn kiện mà ba nước Bắc Mỹ mới đạt được.
Nhóm hành động xã hội mang tên Hội đồng người Canada bày tỏ không ngạc nhiên khi vấn đề biến đổi khí hậu không hề được đề cập trong thỏa thuận mới. Trong khi đó, Charlie Cray, thuộc tổ chức Greepeace, cho rằng USMCA đã không đoái hoài gì đến những quy định tồi của NAFTA và tăng trưởng của ngành công nghiệp dầu mỏ. Về phần mình, Sierra Club nhận định văn kiện mới không chỉ không đả động gì đến biến đổi khí hậu, mà còn làm tăng sự đóng góp của các nước này vào cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, văn kiện vốn nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu ở mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Trong NAFTA có hiệu lực từ năm 1994 không có điều khoản riêng rẽ nào về môi trường.
Trong khi đó, USMCA đã thừa nhận mức độ đáng kể của tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương, nhưng không có điều khoản nào về bảo vệ môi trường, mà chỉ bày tỏ hy vọng sẽ có một thỏa thuận môi trường đa phương có thể giúp chấm dứt thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
 
Tổng thống Trump đánh giá cao thuế quan khi đạt được USMCA
Hiệp định Mỹ - Mexico – Canada (USMCA) là hiệp định thương mại tự do lớn nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được kể từ khi nhậm chức.
Tuy vậy, Tổng thống Trump không hề có ý định sẽ từ bỏ việc tăng thuế quan và nhìn nhận USMCA là bằng chứng cho thấy tầm ảnh hưởng thuế quan. "Nếu không có thuế, chúng tôi sẽ không thể đàm phán được hiệp định này. Những người phản đối thuế quan có suy nghĩ thật nông cạn", Tổng thống Trump khẳng định.
Thuế quan được xem như một cách truyền thống để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và đó là điều mà Chính quyền Trump đã hướng tới khi áp đặt thuế thép và nhôm. Trong bài phát biểu công bố hiệp định, Tổng thống Trump cũng coi thuế quan như là đòn bẩy để buộc các đối tác thương mại phải chấp nhận các yêu cầu của Mỹ. "Trong nhiều trường hợp, chúng tôi thậm chí sẽ không phải sử dụng chúng. Đây chính là sức mạnh của thuế quan. Thị trường Mỹ là một nơi quá hấp dẫn để kinh doanh, các quốc gia bị áp thuế cao sẽ đứng trước rủi ro rất lớn. Có thể coi hiệp định này như là một đặc ân để thâm nhập vào thị trường Mỹ”.
Mexico và Canada nằm trong số các quốc gia đang chịu mức thuế quan thép và nhôm rất cao của Tổng thống Trump và đang nỗ lực đàm phán với Mỹ để xóa bỏ.
Tổng thống Trump cũng cho rằng mức thuế cao đang làm cho các nước khác như Ấn Độ suy nghĩ lại lập trường của họ. Ấn Độ cũng đang phải chịu mức thuế quan rất cao khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ và giờ đây, đang muốn có một hiệp định thương mại tự do với nước này. Mỹ cũng đang đe dọa đánh thuế cao đối với mặt hàng ô tô của EU xuất khẩu vào thị trường nước này, buộc EU phải ngồi vào bàn đám phán. “Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, chúng tôi chắc chắn sẽ áp mức thuế cao lên mặt hàng ô tô”, Tổng thống Trump khẳng định.
Ít nhất đến thời điểm này, Canada và Mexico không phải lo lắng về thuế ô tô. Hai quốc gia đã đàm phán được một số biện pháp bảo vệ cho ngành công nghiệp ô tô trong các phụ lục của hiệp định USMCA.
Ireland cần ký kết các thỏa thuận thương mại tự do
Ireland cần ký kết các thỏa thuận thương mại tự do nếu muốn thâm nhập các thị trường khu vực Đông Nam Á và cạnh tranh với các cường quốc công nghiệp và các nước láng giềng khu vực như Australia và New Zealand.
Trả lời phỏng vấn tờ AgriLand tại Kuala Lumpur trong chuyến thăm đến Malaysia và Indonesia, ông Conor Mulvihill, Chủ tịch Hiệp hội sữa Ireland (DII), cho biết: “Đối với DII, chúng tôi luôn cố gắng điều tiết các yếu tố như chính trị, chính sách và mọi mặt khác để các công ty có một môi trường thương mại lành mạnh, ổn định nhất. Một điều quan trọng mà chúng tôi đã rút ra là cần phải tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do ở các khu vực này. Về mặt lý thuyết, đó sẽ là một thách thức lớn đối với các công ty Ailen khi muốn xuất khẩu các sản phẩm Ireland đến tận phía bên kia của thế giới và tiến vào khu vực Châu Đại Dương. Chúng tôi gặp phải những đối thủ cạnh tranh lớn từ Australia và New Zealand vì họ coi khu vực Đông Nam Á là sân nhà”.
Khi đến thăm nhà máy Kerry bên ngoài Kuala Lumpur, ông Conor rất ấn tượng với thị trường ngách mà nhà máy đang có nhưng lo ngại về mức lợi nhuận mà các công ty Ailen xuất khẩu vào khu vực có thể có được nếu phải chịu các khoản thuế quan.
“Chỉ sau khi tham quan nhà máy Kerry, chúng tôi mới thấy rằng phải khai thác thị trường nghách và thực sự đổi mới. Các công ty phải rất nhanh nhẹn thâm nhập vào thị trường và chắc chắn một thỏa thuận thương mại tự do sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt. Tôi biết một số mặt hàng chỉ phải chịu mức thuế là 5%, đồng thời tỷ suất lợi nhuận hàng hóa thường chỉ là 5%”.
Dầu cọ
Mặt hàng dầu cọ Indonesia đang gặp phải nhiều rào cản khi xuất khẩu vào thị trường EU. Nếu vấn đề này được giải quyết, hai bên sẽ dễ dàng đạt được một thỏa thuận đối với các sản phẩm thịt và sữa từ Ireland.
“Tôi nghĩ đó là một vấn đề lớn vì được đề cập ở Brussels rất nhiều. Mặc dù nhiều rào cản đối với sản phẩm dầu cọ đã được dỡ bỏ nhưng một số người vẫn muốn cấm nhập khẩu dầu cọ vì cho rằng điều đó sẽ dẫn tới việc tàn phá rừng cọ. Ngành công nghiệp dầu cọ ở Indonesia trị giá 19 tỷ euro, có giá trị gấp đôi nghành xuất khẩu thực phẩm của Ireland. Vì vậy, khi Indonesia nhìn nhận các nước châu Âu đang thực thi lệnh cấm một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của họ, nước này sẽ có biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Indonesia của chúng tôi và đó chính là những gì tôi đang muốn có", ông Conor khẳng định.
Khách hàng tiềm năng
Ông Conor vô cùng ấn tượng trước sự gắn kết giữa các công ty Ailen và những khách hàng tiềm năng trong chuyến đi. “Đây là chuyến đi thứ ba của tôi đến châu Á và mỗi chuyến đi đều đạt được tiến bộ về mặt thương mại. Chúng tôi đang thực sự được chào đón, các công ty cũng có sự chuẩn bị nhiều hơn. Từ góc độ thương mại, điều đó thật sự rất thú vị. Nhiều hợp đồng đã được giao kết và các khách hàng tiềm năng thực sự đã tham dự các hội thảo về mặt hàng sữa. Tôi đã khảo sát một số công ty thành viên và họ đã ký được nhiều hợp đồng như công ty Carbery. Họ đã có nhiều khách mua và nhà phân phối. Chúng tôi luôn đạt được kết quả tốt tại mỗi chuyến đi”.
Việc thâm nhập thị trường còn gặp nhiều khó khăn
Trong khi các chuyến thăm như thế này thực sự có giá trị nhưng ông Conor không hề có ảo tưởng rằng mọi công việc khó khăn để thâm nhập vào thị trường sẽ được giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi không rõ khi nào mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Chúng tôi là một đất nước nhỏ bé ở giữa Đại Tây Dương chỉ với dân số năm triệu người. Họ không biết đến chúng tôi và vì vậy chúng tôi phải đến đây. Đó là cách duy nhất để tiến hành kinh doanh. Một số sản phẩm của Ireland như Baileys và Guinness đã có mặt ở đây. Chúng tôi tìm thấy công thức sữa dành cho trẻ sơ sinh nên các sản phẩm sữa trẻ em như Abbott có khả năng thâm nhập các thị trường bên ngoài như khu vực này, nơi có dân số khá đông. Indonesia có dân số 250 triệu người. Chúng tôi chỉ mở Đại sứ quán ở Indonesia trong vòng bốn năm. Các chuyến thăm thương mại như thế này chỉ là một phần nhỏ, một sự khởi đầu nhưng đã có nhiều kết quả tốt và chắc chắn có nhiều cam kết hơn nữa trong tương lai”.
Mỹ lên kế hoạch đàm phán các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Anh, EU
Mỹ cho biết nước này có ý định đàm phán ba hiệp định thương mại riêng biệt với Nhật Bản, Anh và EU. Tuy vậy, Mỹ có thể mất vài tháng trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Động thái này là một phần trong nỗ lực cải cách chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm hỗ trợ chương trình nghị sự "nước Mỹ trên hết” và Mỹ đang có cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thương mại và đầu tư của Mỹ bằng cách đàm phán các hiệp định thương mại với Nhật Bản, EU và Vương quốc Anh", Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, "Chúng tôi cam kết kết thúc các cuộc đàm phán này với các kết quả kịp thời và thực chất cho công nhân, nông dân và doanh nghiệp Mỹ".
Mỹ có kế hoạch bắt đầu đàm phán với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, "càng sớm càng tốt, nhưng không sớm hơn 90 ngày kể từ ngày chính thức ra thông báo", ông Lighthizer đã viết trong một lá thư gửi Quốc hội Mỹ. “Các cuộc đàm phán với Vương quốc Anh sẽ bắt đầu ngay khi nước Anh sẵn sàng, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 3 năm 2019. Mục tiêu của các hiệp định thương mại tự do này là gỡ bỏ cả hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đạt được thương mại tự do, công bằng, có đi có lại”.
Tổng thống Trump dành ưu tiên đàm phán các hiệp định song phương chứ không phải các hiệp định đa phương. Đây là một phần trong các chính sách bảo hộ thương mại mà ông cam kết thực hiện kể từ khi nhậm chức vào năm 2017. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và đàm phán lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Canada và Mexico.
Khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, các công ty đã cảm thấy hiểm nguy đang rình rập và các chuyên gia liên tục cảnh báo cuộc chiến thương mại này sẽ gây hại cho tăng trưởng toàn cầu.
Vương quốc Anh, nước đang tìm cách mở rộng các đối tác thương mại tự do cho mình sau Brexit, đã hoan nghênh ý định của Mỹ đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương. “Vương quốc Anh hoan nghênh kế hoạch của Chính phủ Mỹ bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại tự do khi chúng tôi đã rời khỏi EU", một phát ngôn viên của Chính phủ Anh cho biết.
Hiện nay, khi Anh quốc không thể đàm phán các hiệp định thương mại cho đến khi chính thức rời khỏi EU, một nhóm công tác Mỹ - Anh được thành lập năm 2017 đã chuẩn bị nền tảng cho một thỏa thuận thương mại tiềm năng trong tương lai.
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710736545