Thứ bảy, 20-4-2024 - 7:0 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 7/2018 

 Thứ ba, 31-7-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 7/2018, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tổng thống Trump kêu gọi Mexico nhanh chóng tái đàm phán NAFTA 
Reuters đưa tin trong bức thư gửi Tổng thống đắc cử Mexico Andres Manuel Lopez Obrador, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố việc nhanh chóng tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ mang lại nhiều việc làm cho cả hai nước, tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về một lộ trình "hoàn toàn khác."
Ngoài ra, ông Trump cũng bày tỏ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Mexico nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.
Ngoại trưởng được chỉ định của Mexico Marcelo Ebrard đã đọc bức thư trên tại một cuộc họp báo.
NAFTA đã được hình thành và tồn tại trong suốt gần 25 năm qua.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng hiệp định này là một "trò lừa bịp" với ngành công nghiệp Mỹ và yêu cầu đàm phán sửa đổi NAFTA.
Sau 7 vòng đàm phán, cho tới nay tiến trình đàm phán sửa đổi NAFTA vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, chủ yếu do những yêu cầu khó chấp nhận từ phía Mỹ.
Song song với những yêu cầu này, Chính phủ Mỹ đã theo đuổi nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa với lý do đảm bảo an ninh quốc gia./.
 
Nam Phi ký kết thỏa thuận thương mại tự do với AU
Nam Phi vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi với Liên minh châu Phi.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nam Phi Rob Davies đã xác nhận việc ký kết hiệp định dày 250 trang này trong một video được Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) đăng tải trên Twitter.
Vào tháng 3 vửa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký Nghị định thư Kigali thể hiện cam kết của Nam Phi về việc ký kết hiệp định thương mại này.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Nam Phi chưa thể tham gia ký kết hiệp định thương mại trên cùng với 44 quốc gia châu Phi khác với lý do là có một số quy định trong hiệp định đòi hỏi phải cải cách hiến pháp và luật nội bộ của Nam Phi.
Bộ trưởng Davies đã nhắc lại lý do này trong video nói trên xác nhận việc ký kết đã được tiến hành sau khi các cố vấn pháp lý đã tiến hành các công việc kiểm tra cần thiết.
Chính phủ Nam Phi cũng đã ký hai phụ lục hiệp định về thương mại hàng hóa và dịch vụ xuyên lục địa châu Phi.
"Chúng tôi rất vui khi được tham gia câu lạc bộ này", Bộ trưởng Davies khẳng định, đồng thời cho biết DTI sẽ "không chậm trễ" báo cáo hiệp định này với Chính phủ Nam Phi và đệ trình lên Quốc hội phê chuẩn.
Việc ký kết hiệp định thương mại này sẽ tăng cường thương mại nội vùng và tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các chuỗi sản xuất phức tạp trên lục địa châu Phi.
Nigeria đồng ý ký kết hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi
Nhân cuộc họp báo nhân chuyến thăm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tới Nigeria, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari khẳng định Nigeria sẽ sớm ký kết hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi.
Hiệp định này được 44 quốc gia châu Phi ký kết trong tháng 3 vừa qua còn Nam Phi cũng vừa ký kết trong tháng 7 này.
Trước khi rời Nigeria đến thăm các nước Trung Đông, Tổng thống Ramaphosa kêu gọi người dân Nigeria ủng hộ nước này tham gia hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi, cho rằng “Nigeria nên dành thời gian để tham vấn ý kiến ​​về hiệp định này trước khi ký kết nhưng không nên mất quá nhiều thời gian. Lục địa châu Phi đang chờ Nigeria và Nam Phi. Bằng cách thúc đẩy giao dịch thương mại nội khối, chúng ta có thể giữ lại nhiều tài nguyên hơn ở châu lục này".
Cũng tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ramaphosa, Tổng thống Buhari cho biết Nigeria sẽ đánh giá cẩn thận trước khi ký kết hiệp định thương mại này để tránh làm tổn thương các ngành công nghiệp trẻ của mình. "Tuy vậy, tôi sẽ sớm ký kết".
Các cuộc đàm phán để thiết lập Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) với tổng GDP hơn 3.000 tỷ USD bắt đầu vào năm 2015 và vào tháng 5 vừa qua, Ghana và Kenya đã trở thành hai quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp định. Tổng thống Ramaphosa đã ký kết hiệp định này ở Mauritania hồi tuần trước và khẳng định Nam Phi sẽ sớm phê chuẩn.
AfCFTA là một kế hoạch được Liên minh châu Phi thúc đẩy để xóa bỏ thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ trong lục địa châu Phi, tạo ra một thị trường lục địa thống nhất và các doanh nghiệp được tự do đầu tư. Hiệp định này chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 22 nước thành viên phê chuẩn.
Tại cuộc họp báo trên, Bộ trưởng Tài chính Nigeria Kemi Adeosun khẳng định nước này không thể vội vàng ký kết hiệp định này bởi vì không muốn phải áp dụng những quy định không có lợi. Chính phủ Nigeria đang thảo luận với các bên liên quan, bao gồm cả các nhà sản xuất. Cả Tổng thống Ramaphosa và Bộ trưởng Adeosun đều có kế hoạch phát biểu tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi được tổ chức tại thủ đo Abuja vào tuần này.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi, một khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, nếu được thực hiện theo đúng tiến độ, có thể làm tăng kim ngạch thương mại nội bộ của châu Phi thêm ít nhất 50% vào năm 2022.
Liên minh châu Âu và Nhật Bản ký kết hiệp định thương mại tự do
Liên minh châu Âu và Nhật Bản vừa ký kết hiệp định thương mại tự do, cam kết xóa bỏ 99% thuế quan giúp các doanh nghiệp EU và Nhật Bản tiết kiệm gần 1,17 tỷ USD mỗi năm.
Theo Ủy ban châu Âu, Hiệp định đối tác kinh tế EU - Nhật Bản (EPA) là hiệp định thương mại lớn nhất từng được EU đàm phán và sẽ tạo ra một khu thương mại bao trùm 600 triệu người và gần 1/3 GDP toàn cầu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU – Nhật Bản lần thứ 25 được tổ chức gần đây ở Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã ký kết EPA. Trước đó, các bên dự định ký kết hiệp định này tại Thủ đô Brussels (Bỉ) nhưng bị hủy bỏ vào phút chót do Thủ tướng Abe phải ở lại Nhật Bản để giải quyết thảm họa lũ lụt.
Sau 4 năm đàm phán, EPA đã kết thúc đàm phán và ký kết vào cuối năm 2017, dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào cuối nhiệm kỳ hiện tại của Ủy ban châu Âu vào mùa thu năm 2019. EU đã gọi hiệp định này là "có tham vọng và toàn diện". Tổng khối lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Nhật Bản là 100 tỷ USD.
Sau khi ký kết hiệp định, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói: "Chúng tôi đang gửi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi đứng cùng nhau chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
“EU và Nhật Bản chia sẻ một tầm nhìn chung về một nền kinh tế thế giới mở và dựa trên quy tắc đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất. Chúng tôi đang gửi một thông điệp tới các nước khác về tầm quan trọng của thương mại tự do, công bằng và toàn cầu hóa", Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström từng khẳng định sau khi hiệp định kết thúc đàm phán vào năm 2017.
Kỳ vọng cao về ngành nông nghiệp
Theo Ủy ban châu Âu, nhờ có EPA, kim nghạch xuất khẩu nông sản của EU dự kiến ​​sẽ tăng khi thuế nhập khẩu phô mai, rượu vang và thịt lợn của Nhật Bản sẽ bị loại bỏ. Kim nghạch xuất khẩu thực phẩm chế biến có thể tăng tới 180%.
Viện Thünen, tổ chức tư vấn chính sách nông nghiệp của Đức, dự báo kim nghạch xuất khẩu thịt lợn và gia cầm từ EU sang Nhật Bản sẽ tăng mạnh.
EPA cũng sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản cho nhiều dịch vụ của EU và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng công cộng của Nhật Bản như đường sắt. EU ước tính khoảng 600.000 việc làm ở châu Âu có liên quan đến hoạt động thương mại với Nhật Bản. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu hóa chất từ ​​EU sang Nhật Bản sẽ tăng thêm 22% và mặt hàng cơ khí tăng 16%. Tất cả các ngành công nghiệp máy tính, điện và ô tô của Nhật Bản đều được hưởng lợi từ hiệp định này. Ví dụ, thuế nhập khẩu của EU đối với ô tô Nhật Bản, hiện ở mức 10%, sẽ dần dần được giảm xuống bằng 0%.
Các công ty Đức bày tỏ sự quan tâm rất rõ ràng
Ông Marcus Schürmann, Giám đốc Phòng Thương mại Đức tại Nhật Bản (AHK Nhật Bản) cho biết: "hiệp định thương mại tự do này sẽ mang lại động lực mới cho quan hệ thương mại ở cả hai phía".
Kể từ năm ngoái, AHK Nhật Bản đã nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Đức muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, thông qua các đối tác hoặc với các công ty con của họ tại Nhật Bản. Bên cạnh một số lĩnh vực người Đức đã có hoạt động kinh doanh tốt với Nhật Bản như kỹ thuật, ô tô, dược phẩm và sản xuất hóa chất, hiệp định này cũng mở ra cơ hội ở các lĩnh vực vốn đóng cửa đối với các doanh nghiệp Đức.
AHK ước tính có khoảng 12.000 công ty Đức hiện đang kinh doanh tại Nhật Bản. Ông Schürmann cho biết: “Con số này có thể tăng lên theo mức trên 10 phần trăm trong vài năm tới”.
Tín hiệu ủng hộ thương mại tự do
EU và Nhật Bản khẳng định việc ký kết hiệp định này là một tín hiệu chống lại các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump. Thủ tướng Abe đánh giá thương mại tự do là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.
"Nhật Bản đang thúc đẩy toàn cầu hóa", ông Schürmann khẳng định, “để đáp lại khuynh hướng bảo hộ ngày càng tăng, quốc gia Đông Á này đang thúc đẩy tự do hóa thương mại nhiều hơn thay vì hợp tác toàn cầu ít hơn”.
Trên thực tế, Nhật Bản là động lực chính thúc đẩy việc kết thúc và ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sửa đổi vào mùa xuân năm nay sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, vốn được Chính phủ Mỹ dẫn đầu đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama. Sau động thái đó của Tổng thống Trump, EU và Nhật Bản cũng tăng tốc các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã từ chối cảnh báo người tiêu dùng về giá nước uống cao hơn và buộc phải tư nhân hóa các dịch vụ công cộng.
EC nhấn mạnh chính quyền quốc gia và địa phương được duy trì quyền ưu tiên giữ lại các dịch vụ công cộng, hiệp định sẽ không dẫn đến bãi bỏ các quy định và tư nhân hoá ngành nước và vệ sinh. Thay vào đó, EC và EU muốn đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về việc làm, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.
EU: FTA với Nhật Bản là thông điệp rõ ràng chống chủ nghĩa bảo hộ 
Ngày 17/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố thỏa thuận thương mại tự do (FTA) vừa được Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ký kết là một "thông điệp rõ ràng" chống chủ nghĩa bảo hộ.
Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết tại Tokyo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ." 
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng với việc ký thỏa thuận này, EU và Nhật Bản đang phát đi thông điệp về thương mại tự do và công bằng, và các bên trở nên mạnh và giàu có hơn khi cùng nhau hợp tác.
Thỏa thuận FTA được ký trong bối cảnh cả EU và Nhật Bản, những đồng minh lâu đời của Mỹ, đều nằm trong danh sách các nước và khu vực bị Washington áp thuế mới.
Theo ông Juncker, thỏa thuận này cho thấy thương mại không chỉ là thuế quan và rào cản, mà nó là giá trị. Ông khẳng định "không có sự bảo hộ trong chủ nghĩa bảo hộ." 
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mô tả thỏa thuận mới được ký cho thấy những ưu điểm của thương mại tự do vượt trội chủ nghĩa bảo hộ.
Nhật Bản và EU bắt đầu đàm phán thỏa thuận tự do thương mại từ năm 2013. Hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-EU tháng 7/2017 và nhất trí được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 12/2017.
Theo các nội dung trong thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xóa bỏ thuế đối với 94% tất cả hàng nhập khẩu từ EU, bao gồm 82% các sản phẩm nông, ngư nghiệp.
Điều này sẽ giúp phomát, rượu vang và thịt lợn của EU có giá rẻ hơn trên thị trường Nhật Bản.
Về phần mình, EU sẽ xóa bỏ thuế đối với 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản. EU cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với các sản phẩm chủ lực của Nhật Bản như đối với ôtô là sau 8 năm và tivi là sau 6 năm kể từ khi thỏa thuận tự do thương mại có hiệu lực.
Sau khi ký kết, Nhật Bản và EU sẽ thuyết phục để cơ quan lập pháp hai bên phê chuẩn với mục tiêu thỏa thuận này có hiệu lực vào cuối tháng 3/2019 - thời điểm dự kiến Anh sẽ chính thức rời EU.
Thỏa thuận tự do thương mại Nhật Bản-EU sẽ tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu với khoảng 600 triệu dân.
 
Hàn Quốc và Anh nhất trí thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do 
Ngày 13/7, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết nước này và Anh đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương mới và cùng nhau nỗ lực chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng.
Hàn Quốc đã ký hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2011.
Với FTA này, ngành công nghiệp ôtô của Hàn Quốc được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi xuất khẩu dầu thô, phương tiện giao thông và mỹ phẩm của Anh đã tăng trong 6 năm qua.
Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc ở châu Âu với kim ngạch thương mại song tăng mạnh từ mức 8,79 tỷ USD năm 2011 lên 13,52 tỷ USD năm 2015.
Tuy nhiên, với việc Anh đang trong quá trình Brexit, Seoul và London đã tiến hành các cuộc đàm phán cấp chuyên viên nhằm đạt một thỏa thuận thương mại mới khi Anh chính thức rời khỏi EU năm 2019.
Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết thêm trong cuộc gặp Thị trưởng thành phố London Charles Bowman, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon cũng kêu gọi Anh hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
 
Mercosur bắt đầu đàm phán FTA vòng thứ 4 với khối EFTA 
 Ngày 2/7, nhà chức trách Brazil cho biết vòng đàm phán thứ 4 về một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) đã bắt đầu tại Geneva, Thụy Sĩ, và sẽ kéo dài đến ngày 6/7 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, bốn nước thành viên của khối EFTA, gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, và của Mercosur (Argentian, Brazil, Paraguay và Uruguay) đã tổ chức đàm phán FTA lần đầu tiên giữa hai bên hồi tháng 6/2017. Kể từ đó tới nay, hai bên đã thực hiện được 3 vòng đàm phán.
Tại cuộc họp gần đây nhất diễn ra vào tháng 4/2018 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), hai bên đã thảo luận các chủ đề về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các rào cản thương mại, vấn đề vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực khác.
Cho tới nay, EFTA đã ký FTA với Costa Rica, Panama, Guatemala, Mexico, Chile, Colombia, Ecuador và Peru, trong khi đàm phán về FTA với Honduras đã bị đình chỉ.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch trao đổi thương mại giữa EFTA và Mercosur vượt 8,7 tỷ USD trong năm 2015. Khối châu Âu này xuất khẩu sang thị trường Mercosur số dược phẩm trị giá 1,4 tỷ USD, hóa chất hữu cơ (764 triệu USD) và thiết bị máy móc (462 triệu USD).
Trong khi đó, EFTA nhập từ khối Nam Mỹ này đá quý và kim loại (1,9 tỷ USD), hóa chất vô cơ (859 triệu USD), lương thực (357 triệu USD), cà phê, trà và gia vị (259 triệu USD) cùng nhiều mặt hàng khác.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710732107