Thứ sáu, 19-4-2024 - 23:33 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Brexit: Các nước có thật sự đang xếp hàng để được ký thỏa thuận thương mại với Anh Quốc?  

 Thứ sáu, 11-5-2018

AsemconnectVietnam - Các nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ tại Anh Quốc đang đe dọa sẽ ngăn chặn kế hoạch của Thủ tướng Theresa May về “xây dựng quan hệ đối tác với liên minh hải quan EU”. Họ cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các hiệp định thương mại mà Anh Quốc sẽ ký kết với các nước khác sau khi Brexit.

Những người ủng hộ Brexit tuyên bố rằng có nhiều quốc gia đang “xếp hàng chờ đợi” để được ký các hiệp định thương mại với Anh Quốc sau khi nước này rời EU, và cho rằng kế hoạch của Thủ tướng Anh sẽ khiến cho những lợi ích từ việc rút lui khỏi EU sẽ không được hiện thực hóa.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình có vẻ phức tạp hơn nhiều. Trước hết, không có nhiều bằng chứng cho thấy việc ký kết các hiệp định thương mại mới (FTAs) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay bù đắp cho cú sốc khi rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan EU. Viện Nghiên cứu Chính sách Tài chính công của Anh Quốc cho biết, những “phép toán cơ bản” và “kiến thức căn bản về thương mại” đã chứng minh rằng lợi ích thu được từ các FTAs này có khả năng sẽ rất nhỏ.
Tuy nhiên, còn có một vấn đề khác, đó là các quốc gia không hẳn sẽ “xếp hàng chờ đợi” để được ký thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh – hoặc kể cả khi là họ đang tỏ ra như vậy, mọi chuyện cũng không đơn giản như cách người ta lầm tưởng.
Nước Mỹ
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng, ông muốn ký một thỏa thuận thương mại “to lớn và tuyệt vời” với Anh Quốc. Điều này nghe có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, trong thực tế, cái giá phải đánh đổi cho một hiệp định thương mại như vậy có thể sẽ rất cao, đến mức không thể trở thành hiện thực.
Trong một nỗ lực đàm phán trước đó giữa Mỹ và EU, về một thỏa thuận thương mại có tên gọi là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), mọi thứ đã đi vào ngỏ cục sau khi ông Trump rời khỏi bàn đàm phán vì cho rằng hiệp định này không có lợi cho nước Mỹ. Tuy nhiên, theo đánh giá của phía EU, hiệp định này cũng chẳng công bằng cho Châu Âu vì những đỏi hỏi của Mỹ về việc nới rộng các quy tắc vệ sinh động vật chăn nuôi, quy định về phúc lợi, cũng như mở cửa các lĩnh vực dịch vụ công như Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) để các tập đoàn tư nhân của Mỹ có thể tham gia.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người dân Anh Quốc kịch liệt phản đối việc nhập khẩu những loại thực phẩm Mỹ không đủ chất lượng như thịt gà rửa bằng nước clo. Do vậy, bất kỳ thỏa thuận nào vừa ý ông Trump cũng chắc chắn sẽ chứa đựng những điều khoản cực kỳ bất hợp lý và gây tranh cãi – đặc biệt là khi chúng được đàm phán một cách chóng vánh.
Trung Quốc
Trung Quốc đang tỏ ra thận trọng trong cách tiếp cận một hiệp định thương mại với Vương quốc Anh hậu Brexit, mặc cho hàng loạt chuyến công du của các quan chức cấp cao Anh Quốc đến Trung Quốc để mời gọi và xúc tiến đàm phán.
Đặc sứ Trung Quốc tại EU, ông Zhang Ming, từng tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không khởi động đàm phán với Anh Quốc nếu nước này không thể hoàn thành một thỏa thuận rút lui với khối EU – điều mà những người ủng hộ Brexit cũng đang thúc giục.
Trước đây, Chủ tịch Tập Cận Bình từng kêu gọi xây dựng một “kỷ nguyên hoàng kim” trong quan hệ với Anh Quốc. Tuy nhiên, thái độ nồng nhiệt ấy đã mất hẳn kể từ sau khi Vương quốc Anh tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để rút khỏi EU.
Sau khi Anh Quốc quyết định rút lui khỏi Liên minh Châu Âu, ông Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc, đã cảnh báo các công ty Trung Quốc đang hoạt động trên đất Anh rằng họ nên bắt đầu “cẩn trọng” – như một dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc ngầm ủng hộ việc Anh Quốc nên ở lại EU hơn.
Nhật Bản
Nhật Bản là một trong số những quốc gia lớn tiếng phản đối Brexit và đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ ưu tiên EU hơn là Anh Quốc trong việc ký kết thỏa thuận thương mại.
Theo lời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, nước này cho rằng Brexit là một hành động “tự mình hại mình”. Đối với họ, việc ký một thỏa thuận với EU – dĩ nhiên thỏa thuận này sẽ không áp dụng chung cho Anh Quốc - sẽ là “ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất” trước khi đàm phán bất kỳ điều gì với Anh Quốc.
Các công ty Nhật Bản đặc biệt quan ngại về việc Anh Quốc rút lui khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU. Đây là hai nhân tố quan trọng đối với những ngành công nghiệp như sản xuất xe hơi, vốn phụ thuộc vào độ thông thoáng của các thủ tục thông quan – những ưu điểm này sẽ không còn dưới tình hình hiện tại của chính phủ Anh.
Đầu năm nay, một số doanh nhân Nhật Bản đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp với bà Theresa May. Họ đã chia sẻ thẳng thắn về ý định rút khỏi Anh Quốc nếu hoạt động kinh doanh không còn tạo được lợi nhuận dưới tình hình mới.
Canada
Thủ tưởng Canada Justin Trudeau từng tuyên bố rằng ông muốn có một thỏa thuận thương mại “liền mạch” với Anh Quốc – ám chỉ sẽ “sửa lại” thỏa thuận đã có hiệu lực giữa Canada và EU để vẫn có thể áp dụng chung cho Anh Quốc.
Điều này nghe có vẻ khả quan, những có 3 vấn đề to lớn cần phải lưu ý. Thứ nhất, đó là kể cả khi mọi chuyện diễn ra thuận lợi, Anh Quốc cũng sẽ không thu thêm được lợi ích gì từ hiệp định này – bởi vì nó chỉ là một bản sao của hiệp định thương mại sẵn có mà Anh Quốc từng khai thác khi còn là thành viên EU.
Thứ hai, mọi chuyện có thể sẽ không đơn giản như chúng ta tưởng: các báo cáo gần đây cho thấy, tiến trình đàm phán hiện không đạt tiến độ khả quan, còn nhiều vướng mắc vẫn chưa thể được giải quyết như việc phân chia hạn ngạch giữa EU và Anh Quốc. Thứ ba, Canada không phải là một nền kinh tế khổng lồ như thị trường của 28 nước thành viên EU – GDP của Canada chỉ xấp xỉ đứng giữa Ý và Tây Ban Nha.
Ấn Độ
Ông Yashvardhan Sinha, đặc ủy viên cấp cao của Ấn Độ tại Anh Quốc, đã tuyên bố cụ thể rằng Ấn Độ sẽ không “gấp rút” đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh Quốc sau Brexit.
Giá trị nền kinh tế Ấn Độ được dự kiến sẽ vượt qua Anh Quốc trong vài năm tới và quốc gia này hiện đang trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại với EU – quá trình khởi động từ năm 2007.
Thực tế, Ấn Độ lại xem Brexit là một cơ hội thuận lợi để hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU. Anh Quốc từng gây trì hoãn hiệp định thương mại giữa EU và Ấn Độ vì phản đối yêu cầu tự do hóa cơ chế thị thực và nhập cư từ quốc gia Nam Á. Một điểm gây bất đồng khác khiến người Anh từ chối thỏa thuận này là mức thuế cao chót vót mà Ấn Độ áp lên rượu Scotch của Anh.
Mặc dù đã có một loạt các hiệp định thương mại được ký kết giữa hai quốc gia, những bất đồng nêu trên có thể vẫn sẽ tồn đọng cho đến khi một thỏa thuận hoàn chỉnh giữa Anh Quốc và Ấn Độ được ký kết sau Brexit – và tất nhiên, chính quyền New Delhi đã tuyên bố cụ thể rằng tự do hóa cơ chế thị thực sẽ là một điều kiện quan trọng.
Khối Mercosur
Mercosur là một khối thương mại của các quốc gia Nam Mỹ - bao gồm Argentina, Brazil, Paraquay và Uruguay. Nếu muốn ký kết hiệp định thương mại, Anh Quốc sẽ phải ký một thỏa thuận chung với cả khối bởi vì các nước này cùng nằm chung trong một liên minh thuế quan.
Brazil và Argentina đã bày tỏ sự quan tâm nồng nhiệt về một hiệp định khả thi với Anh Quốc - Và hệ quả dễ nhận thấy nhất từ hiệp định này là việc thịt bò giá rẻ Nam Mỹ sẽ tràn ngập trên thị trường Vương quốc Anh. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng Anh sẽ được mua thịt với mức giá thấp hơn, nhưng nhà sản xuất thịt tại Anh cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Khối Nam Mỹ cũng đang bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại riêng với EU, sau khi các cuộc đàm phán gần nhất bị trì hoãn vào tháng 5/2016 do Anh Quốc bỏ phiếu rút khỏi EU. Tuy nhiên, một hiệp định thương mại với Vương quốc Anh có thể sẽ dễ hoàn thành hơn là hiệp định với cả khối EU, bởi vì Anh Quốc ít quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp hơn phần lớn các quốc gia tại Châu Âu.
Mexico
Tháng 4 vừa qua, Liên minh Châu Âu và Mexico đã đạt được sự đồng thuận về một hiệp định thương mại, và loại bỏ gần như tất cả các mức thuế quan. Hiệp định này đang bước vào giai đoạn hoàn chỉnh các văn bản pháp lý.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho biết ông muốn sao chép lại thỏa thuận giữa Mexico với EU để giữ lại những lợi ích cho nước Anh sau khi Brexit – nhưng với tình hình tương tự như hiệp định Canada-EU, tiến trình sao chép này có thể cũng sẽ không hề đơn giản, và hiện vẫn chưa cho thấy một tiến độ nào đáng kể.
Hàn Quốc
Tình hình của Hàn Quốc cũng tương tự như Canada: Khối EU đã có sẵn một hiệp định thương mại với quốc gia Đông Á này, và Anh Quốc có thể sao chép chúng sau khi Brexit để giữ lại những lợi ích.
Và cũng tương tự như với những quốc gia khác, việc sao chép sẽ không hề dễ dàng. Không những vậy, các doanh nghiệp tại Anh lo ngại rằng Hàn Quốc, cũng như những quốc gia khác, sẽ còn đòi hỏi thêm nhiều điều khoản nhượng bộ và ưu đãi nếu Anh Quốc muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ. Phòng Thương mại Quốc tế Anh cho biết họ đã “tiến hành thương thảo với hơn 70 quốc gia” và nhận thấy rằng “không có quốc gia nào muốn quan hệ thương mại hiện tại bị gián đoạn, hoặc muốn dựng lên những rào cản làm ảnh hưởng dòng chảy thương mại hiện tại” – tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, nhiều quốc gia sẽ tranh thủ tình hình của Anh Quốc để tìm kiếm thêm nhiều điều khoản có lợi cho họ.
Australia
Australia có lẽ đang là quốc gia tỏ ra tích cực nhất về việc ký kết hiệp định thương mại với Anh Quốc sau Brexit. Trong một cuộc họp báo chung với bà Theresa May vào năm ngoái, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết ông “rất muốn” đàm phán một hiệp định với Anh Quốc “càng nhanh càng tốt”. Tuy nhiên, Australia chỉ là một đối tác tương đối nhỏ trên thế giới, với nền kinh tế nằm ngoài top 10, chỉ ngang tầm Tây Ban Nha.
Australia cũng đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với EU. Các cuộc thảo luận thăm dò với khối Châu Âu đã bắt đầu từ vài năm trước – vậy nên, Anh Quốc có lẽ sẽ không thực sự thu được thêm lợi ích gì mới từ việc đàm phán một hiệp định thương mại riêng với Australia.

Nguồn: hoinhap.org.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710724373