Thứ năm, 25-4-2024 - 23:34 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 1/2018 

 Thứ bảy, 31-3-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 1/2018, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Hàn Quốc-Mỹ đạt được nhất trí về việc sửa đổi FTA, vấn đề thuế thép 
Ngày 25/3, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-jong cho biết nước này và Mỹ đã đạt được nhất trí về việc sửa đổi hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương cũng như vấn đề thuế thép.
Phát biểu tại sân bay quốc tế Incheon sau khi trở về từ phiên đàm phán tại Washington, ông Kim Hyun-jong nêu rõ hai bên đã đạt được thỏa thuận "trên nguyên tắc" về FTA song phương cũng như vấn đề thép. Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc nêu rõ mặc dù vẫn còn một số vướng mắc về mặt kỹ thuật sẽ cần được bàn thảo kỹ hơn tại các phiên làm việc chung, song ông tin tưởng các khúc mắc còn tồn tại sẽ sớm được giải quyết.
Theo ông, trong quá trình đàm phán phía Hàn Quốc đã giữ được một số điểm then chốt về các mặt hàng nông sản, thép và phụ tùng ôtô, theo đó bảo vệ được "giới hạn đỏ" đối với các mặt hàng nông sản và không có thêm nhượng bộ nào trong vấn đề thuế quan.

Bộ trưởng Kim Hyun-jong cho biết chi tiết thỏa thuận giữa hai bên sẽ được công bố sau khi ông báo cáo kết quả cuộc đàm phán với chính phủ trong ngày 26/3.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 7/2017 đề nghị tiến hành đàm phán lại FTA Mỹ-Hàn Quốc do cho rằng thỏa thuận ký kết năm 2012 này gây bất lợi cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phát biểu ngày 23/3, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố hai bên đang tiến tới "rất gần" hoàn tất hiệp định cập nhật, và đây sẽ là "một thỏa thuận tuyệt vời với một đồng minh tuyệt vời."
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng cho biết Washington và Seoul gần đạt được thỏa thuận về mức thuế nhập khẩu mới đối với sản phẩm nhôm và thép mà Tổng thống Trump quyết định áp đặt gần đây. Hàn Quốc nằm trong nhóm 7 đối tác thương mại quan trọng được Mỹ tạm thời miễn áp đặt mức thuế mới đến ngày 1/5.
 
Các nước châu Phi ký thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất kể từ sau WTO
Các nhà lãnh đạo châu Phi vừa ký hiệp định thương mại tự do lớn nhất kể từ hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Hiệp định này tạo nên một thị trường thống nhất có 1,2 tỷ tiêu dùng với tổng sản phẩm quốc nội tổng hợp hơn 3.400 tỷ đô la. Mục tiêu chính của FTA này là thúc đẩy thương mại trong nội bộ châu Phi, giảm sự phụ thuộc vào sự biến động giá cả và thị trường bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Moussa Faki Mahamat cho biết, 44 trong tổng số 55 quốc gia thành viên của Liên hiệp châu Phi đã ký kết FTA này. Các nước đặt mục tiêu đưa hiệp định có hiệu lực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quy định về số các quốc gia cần thiết phê chuẩn hiệp định vẫn chưa được thống nhất. "Người dân, cộng đồng doanh nghiệp và thanh niên của chúng ta nói riêng không thể chờ đợi lâu hơn nữa tình trạng các rào cản thương mại chia rẽ lục địa của chúng ta, cản trở kinh tế cất cánh và tình trạng khốn khó tiếp tục diễn ra mặc dù châu Phi luôn giàu tiềm năng. Chúng ta cần quyết liệt hành động để các nước bên ngoài châu Phi không còn nghĩ rằng các quyết định của chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được".
Tuy nhiên, một số nước châu Phi vẫn tỏ ra lo lắng. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh sau khi các nghiệp đoàn trong nước lên tiếng phản đối. "Chúng tôi sẽ không đồng ý với bất cứ điều gì làm suy yếu các nhà sản xuất và doanh nhân trong nước hoặc có thể dẫn đến việc Nigeria trở thành một nơi các sản phẩm hàng hóa nước ngoài bị bán phá giá”.
Trong khi các nền kinh tế lớn nhất của châu Phi mong đợi sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ ​​thỏa thuận cắt giảm dần thuế quan và các rào cản thương mại khác thì một số nước vẫn lo ngại rằng nhiều người từ các nước nghèo sẽ di cư bất hợp pháp.
Một số nền kinh tế mạnh và phát triển nhanh nhất của lục địa này như Ghana, Kenya và Ethiopia đã ký thỏa thuận. Tổng thống mới của Nam Phi đã bày tỏ sự ủng hộ trên truyền thông nhưng lời tuyên bố của ông không được công bố chính thức trong sự kiện này.
Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou, người luôn dẫn đầu các nỗ lực thương mại tự do, cho rằng "châu Phi mạnh hơn khi chúng tôi làm việc cùng nhau”.
Tổng thống Trump: Mỹ sẽ miễn thuế thép và nhôm cho Mexico và Canada nếu chấp nhận nhượng bộ trong NAFTA
Tổng thống Trump vừa đăng tải trên Tweeter rằng ông có thể miễn thuế thép và nhôm đối với Canada và Mexico nếu hai nước đồng ý một NAFTA "công bằng".
Viết trên Twitter vào sáng sớm hôm thứ Hai vừa qua, Tổng thống Donald Trump dường như muốn sử dụng thuế nhập khẩu nhôm và thép như là một điều kiện thương lượng trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các dòng Tweet này xuất hiện sau khi các nhà đàm phán Mỹ, Mexico và Canada đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất về NAFTA ở Mexico City vào thứ Hai. "Chúng ta có thâm hụt thương mại lớn với Mexico và Canada. NAFTA, hiện đang được đàm phán lại, đã là một thỏa thuận không tốt đối với nước Mỹ, làm nhiều công ty phải di dời nhà máy và người Mỹ mất việc làm. Thuế thép và nhôm sẽ chỉ giảm nếu thỏa thuận NAFTA mới công bằng hơn được ký. Canada phải đối xử với nông dân của chúng ta tốt hơn và Mexico nên làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các loại ma túy đổ vào Mỹ”.
Hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Trump công bố kế hoạch thực hiện áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% thuế nhập khẩu nhôm sang Mỹ. Động thái này làm rúng động thị trường và nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ trong và ngoài nước Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch (thuộc đảng Cộng hòa) cho hay, mức thuế quan này không giúp nước Mỹ và bất kỳ ai kiến nghị chính sách này lên Tổng thống Trump phải bị "khiển trách". Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng mức thuế này sẽ "hoàn toàn không chấp nhận được".
Các quan chức Nhà Trắng đã khẳng định mức thuế quan này sẽ được áp dụng trên toàn cầu và không có ngoại lệ cho các nước đồng minh.
"Có thể miễn thuế đối với những trường hợp cụ thể. Chúng ta cần có các ngoại lệ để doanh nghiệp có thể phát triển nhưng tại thời điểm này không có sự loại trừ cho bất kỳ quốc gia nào", ông Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Jake Tapper trong chương trình “Nhà nước Liên bang” của hãng CNN vào Chủ nhật vừa qua. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross dường như đã để ngỏ khả năng đưa ra những trường hợp ngoại lệ cụ thể khi phóng viên Chuck Todd của hãng tin NBC hỏi trong chương trình “Gặp gỡ báo chí”: "Chúng ta sẽ thấy. Tổng thống sẽ đưa ra các quyết định".
Mexico và Canada cũng đã được miễn trừ khi cựu Tổng thống George W. Bush áp thuế thép vào năm 2002.
Tổng thống Trump có vẻ như đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh thương mại.
Các dòng Twitter của Tổng thống Trump là một phần của nỗ lực liên tục nhằm ép Mexico và Canada đàm phán lại NAFTA - một trong những lời hứa chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông đã gọi NAFTA là "hiệp định thương mại tệ hại nhất" trong lịch sử Mỹ. Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông đã đặt ra mục tiêu giảm thâm hụt thương mại (nghĩa là Mỹ không nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) với Mexico và Canada. Tổng thống Trump cũng đã chỉ trích Mexico khi cho rằng hàng nhập khẩu giá rẻ từ nước này đã lấy đi nhiều đơn hàng của các nhà sản xuất Mỹ.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa rút Mỹ ra khỏi NAFTA nếu ông không hài lòng với thỏa thuận thương mại mới. Nếu quá trình tái đàm phán NAFTA không mang lại kết quả rõ ràng thì cuộc bầu cử Tổng thống của Mexico vào tháng 7 tới có thể làm chậm tiến độ.
Việc trả đũa đối với thuế thép và nhôm của Tổng thống Trump có thể sẽ diễn ra vào tuần này, nhanh hơn nhiều so với dự kiến của Nhà trắng. Liên minh châu Âu đã bắt đầu xem xét các khoản thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ như xe máy Harley Davidson, Bourbon và quần jean xanh Levi’s.
Tổng thống Trump đã viết trên Tweet rằng nếu Liên minh châu Âu tăng thuế và dựng thêm các rào cản thương mại, Mỹ sẽ "đơn giản đánh thuế" xe hơi của EU xuất khẩu sang Mỹ.
Một loạt các biện pháp trả đũa lẫn nhau như vậy có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại, có thể sẽ gây ra tổn hại cho Mỹ và trên toàn cầu. Tổng thống Trump luôn khẳng định cuộc chiến tranh thương mại là “tốt” và “dễ thắng” nhưng theo các chuyên gia thương mại, lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh doanh và thậm chí là nhiều đảng viên Cộng hòa, dường như mọi chuyện không phải như vậy.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (đảng Cộng hòa) đã đề nghị Tổng thống Trump xem xét lại các quyết định về thuế quan khi xuất hiện trên chương trình Face the Nation của đài CBS. "Việc đánh thuế sẽ làm tổn thương người tiêu dùng Mỹ và các đồng minh của chúng ta".
"Tôi không biết người nào nghĩ rằng cuộc chiến tranh thương mại có người chiến thắng. Tất cả mọi người, tất cả các nền kinh tế, sẽ bị ảnh hưởng xấu, câu hỏi duy nhất là thiệt hại bao nhiêu", ông Michael Froman, cựu Đại diện thương mại Hoa Kỳ thuộc Chính quyền Obama nói trong cuộc phỏng vấn vào Chủ nhật.
Mặc cho các lời chỉ trích, Tổng thống Trump dường như không có ý định dừng lại. Bộ trưởng Thương mại Ross nói với phóng viên Todd của đài NBC rằng ông "không có lý do gì" để nghĩ rằng Tổng thống Trump sẽ không tiếp tục thực hiện các kế hoạch về thuế quan trong tuần này và các dòng tin trên Twitter của Tổng thống không cho thấy dấu hiệu ông cân nhắc lại quan điểm của mình. "Để bảo vệ đất nước chúng ta, chúng ta phải bảo vệ thép Mỹ!", Tổng thống Trump viết trên Twitter vào thứ Hai vừa qua.
Tổng thống Trump muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán NAFTA 
Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi nhanh chóng hoàn tất các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương Mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ mong muốn một thỏa thuận NAFTA mới được ký kết trong vòng vài tuần tới, trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp tới ở cả 3 nước Bắc Mỹ đang đến gần.
Trước đó, một thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng kết thúc các cuộc tái đàm phán NAFTA vốn đạt được rất ít tiến bộ trong thời gian qua. Thông báo này cho hay việc hoàn thành một thoả thuận NAFTA mới sẽ đảm bảo sức sống của ngành công nghiệp sản xuất Mỹ và khu vực Bắc Mỹ, đồng thời bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình tái đàm phán để có thể hoàn tất nâng cấp NAFTA tại vòng đàm phán tiếp theo, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland sẽ có chuyến công du 3 ngày tới Washington trong tuần này để gặp Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và các thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ.
Vòng đàm phán NAFTA tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/4 tại thủ đô Washington của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời báo chí về việc liệu chính quyền Mỹ tạm thời miễn trừ áp thuế nhập khẩu đối với nhôm, thép của Canada và Mexico có tác động đến kết quả đàm phán NAFTA hay không, Thủ tướng Trudeau cho rằng đây là những vấn đề riêng biệt, “không có sự liên kết thuế quan với đàm phán NAFTA.” Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: “Tôi đã nói với Tổng thống Trump rằng việc áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm không giúp gì cho NAFTA. Ngược lại nó còn tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán hiệp định này," đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng việc miễn thuế quan là một loại ân huệ từ thiện của Mỹ.
Theo quan điểm của Thủ tướng Canada, việc Mỹ tạm miễn trừ áp dụng quy định mới về thuế đối với nhôm và thép của Canada không chỉ giúp Canada mà còn giúp đỡ chính bản thân nước Mỹ.
Trong khi đó, ngày 13/3, Ngoại trưởng Chrystia Freeland và Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jim Carr ra tuyên bố chung phản đối quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ trong cuộc điều tra về giấy bột gỗ không tráng phủ của Canada.
Hai bộ trưởng bày tỏ thất vọng trước quyết định điều tra sơ bộ do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, đồng thời cảnh báo những tác động ngược đối với ngành báo chí của Mỹ. Theo tuyên bố này, bất kỳ mức thuế nào cũng sẽ gây tác động trực tiếp và tiêu cực đối với các tờ báo Mỹ, nhất là ở các thị trấn và thành phổ nhỏ, và làm mất việc làm trong ngành in ấn.
Tuyên bố nhắc lại cam kết của chính phủ Canada trong việc hỗ trợ ngành lâm nghiệp củng cố các thị trường cũ và đa dạng hoá thương mại với các thị trường mới. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ chống lại các biện pháp thương mại không chính đáng và bất công của Mỹ.
Kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ sẽ mở đường cho việc chính thức áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với giấy bột gỗ không tráng phủ của Canada với mức thuế trung bình 22,16%. Trước đó, hôm 9/1, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp thuế chống trợ cấp sơ bộ 6,53% đối với mặt hàng này. Tổng cộng cả hai loại thuế, giấy bột gỗ không tráng phủ của Canada sẽ phải chịu mức thuế lên tới 28,69%.
Năm 2016, Canada xuất sang Mỹ 1,27 tỷ USD giấy bột gỗ không tráng phủ. Ngành lâm nghiệp Canada đang tạo ra hàng triệu việc làm tốt cho tầng lớp trung lưu và mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các cộng đồng nông dân cũng như người bản địa trên cả nước.
 
Các CEO của Mỹ không quá lo lắng về viễn cảnh NAFTA đổ vỡ 
Các Giám đốc điều hành (CEO) của Mỹ đang sử dụng các từ như “vị trí thuận lợi” và “có thể quản lý được” khi mô tả về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ.
Các cuộc đàm phán để hiện đại hoá NAFTA đã kéo dài đến tháng thứ bảy. Trong các cuộc thảo luận và họp báo, một số CEO Mỹ khi được hỏi về tương lai của họ ra sao nếu không còn NAFTA, hầu hết các CEO đều cho rằng sự đổ vỡ của NAFTA dường như không phải là điều quá lo lắng đối với họ. Có nhiều lý do khiến các CEO Mỹ tỏ ra lạc quan như vậy.
Thứ nhất là những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump như cắt giảm thuế, kêu gọi và ưu đãi đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh ở nước ngoài quay trở về Mỹ làm ăn, đầu tư.
Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền Trump, gần đây, một số hãng sản xuất lớn của Mỹ đang có những động thái quay trở về Mỹ để xây dựng, mở rộng các cơ sở sản xuất.
Điển hình là hãng sản xuất ôtô Fiat Chrysler Automobiles NV. Hãng này cho biết họ đang chuyển việc sản xuất loại xe bán tải hạng nặng Ram từ Mexico tới bang Michigan (Mỹ) chứ không phải đến một quốc gia châu Á với những chi phí rẻ hơn.
Động thái này được cho là đáp ứng lời kêu gọi các nhà sản xuất nước ngoài quay trở về Mỹ để tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới CEO của hãng Lear, Matthew Simoncini, cho biết "tất cả doanh nghiệp có mặt ở Mexico ngày nay đã từng có thời gian hoạt động, sản xuất trên đất Mỹ. Chúng tôi đã từng đặt chân đến Mỹ và chúng tôi có thể quay trở lại Mỹ nếu thấy thuận lợi."
Hơn nữa, các công ty, từ các nhà sản xuất ôtô địa hình như Polaris Industries Inc đến nhà cung cấp phụ tùng ôtô Lear Corp, đã xem chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống Trump như một động cơ thúc đẩy để họ quay trở về Mỹ đầu tư, sản xuất.
Lý do thứ hai là khi quay trở lại Mỹ, các CEO Mỹ có thể giảm được các rủi ro kinh doanh bởi những chính sách bảo hộ của Mỹ, xoa dịu các nhà đầu tư và sẽ nhận được sự quan tâm của Tổng thống Trump, người đã có hồ sơ theo dõi các CEO Mỹ đưa việc làm ra nước ngoài.
Ngoài ra, còn có một lý do khác mà ít người biết đến, đó là những số liệu thống kê ít được công khai bên trong các cuốn sổ tay NAFTA giúp giải thích tại sao các CEO tỏ ra lạc quan.
Có thể thấy, ngày càng nhiều công ty ở Canada và Mexico được hưởng thuế ưu đãi của NAFTA. Tuy nhiên, phần lớn các công ty này không cần phải qua các thủ tục giấy tờ mà vẫn được phép áp dụng các ưu đãi thuế quan.
Theo thống kê, năm 2017, chỉ có 43% hàng Canada xuất sang Mỹ tuân thủ các quy định của NAFTA. Tỷ lệ này của Mexico cao hơn một chút, khoảng 58%, còn lại phần lớn không theo quy định. Khi các nhà sản xuất không theo các quy định của NAFTA, họ phải trả thêm khoảng 2,5% đối với ôtô và 12% đối với quần áo.
Tuy nhiên, trong trường hợp ôtô, sẽ có những lợi thế bù lại như bỏ qua thủ tục giấy tờ, tính thêm chi phí cho tỷ lệ nội địa hóa và không phải đáp ứng các quy định về tỷ lệ nội địa hoá. Vì vậy, rõ ràng các CEO không có gì phải quá lo lắng đến tương lai còn hay mất của NAFTA.
Bên cạnh đó, một số CEO của Mỹ lại thể hiện quan điểm không quan tâm đến những tác động của NAFTA.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn các nhà phân tích kinh tế cách đây không lâu, Ginger Jones, Giám đốc tài chính của công ty Cooper Tire và Rubber Co cho rằng: "Nếu có bất kỳ tác động đáng kể nào từ việc NAFTA đổ vỡ, chúng tôi vẫn sẽ có vị trí thuận lợi với ba nhà máy lớn ở Mỹ."
Còn Giám đốc điều hành của hãng Polaris, Scott Wine, cho biết doanh nghiệp này đang tiến hành đẩy mạnh sản xuất, mở rộng nhà máy tại Huntsville, bang Alabama, Mỹ mặc dù không có kế hoạch dự phòng nào được đưa ra liên quan đến NAFTA đổ vỡ.
Trước tình hình đó, Greg Husisian, luật sư của Foley & Lardner LLP nhắc các công ty học cách phòng tránh rủi ro của NAFTA, nhưng thực tế cho thấy các công ty vẫn chưa chủ động phòng ngừa rủi ro vì "có vẻ như NAFTA sẽ ở lại trong một khoảng thời gian".
NAFTA đã kéo dài hơn dự kiến ban đầu. Vòng 7 đàm phán NAFTA đang diễn ra ở Mexico với những nhận định ban đầu sẽ là vòng đàm phán đầy khó khăn khi các bên thảo luận về những vấn đề phức tạp và còn nhiều bất đồng như quy định xuất xứ đối với ngành công nghiệp ôtô, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và điều khoản tự động hết hạn sau 5 năm mà phía Mỹ đưa ra.
Tuy vậy, với những lý do ở trên, điều còn hay mất NAFTA sẽ không phải là nỗi lo quá lớn đối với các CEO Mỹ, bởi họ đã có được những thuận lợi nhất định trong các chính sách mới của chính quyền Trump.
 
Hàn Quốc và Trung Quốc khởi động đàm phán nâng cấp FTA 
Ngày 22/3, Hàn Quốc và Trung Quốc đã khởi động vòng đàm phán thứ nhất về việc mở rộng phạm vi Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương sang lĩnh vực đầu tư và dịch vụ, cũng như tăng cơ hội cho các doanh nghiệp của cả hai bên.
Tham gia vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại Seoul có Thứ trưởng phụ trách vấn đề thương mại và đầu tư của Hàn Quốc Kim Young-sam và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn.
Phát biểu tại sự kiện, ông Kim Young-sam nhận định đã đến lúc Hàn Quốc và Trung Quốc bỏ lại những khúc mắc giữa hai bên và thúc đẩy quan hệ thương mại-kinh tế song phương lên tầm cao mới.
Các cuộc đàm phán mở rộng FTA sẽ tạo điều kiện phát triển cho các ngành dịch vụ đang bộc lộ thế mạnh và góp phần xây dựng môi trường đầu tư ổn định ở cả hai nước.
Về phần mình, ông Vương Thụ Văn cho rằng Seoul và Bắc Kinh nên nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng của đầu tư và dịch vụ ở cả hai nước.
Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, đại diện hai nước sẽ trao đổi quan điểm về ngành dịch vụ và các vấn đề pháp lý trong vòng đàm phàn đầu tiên trước khi chuyển sang nội dung tiếp cận thị trường và các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư trong các cuộc đối thoại tiếp theo.
Cũng trong ngày làm việc 22/3, hai bên cùng nhau đánh giá việc triển khai FTA song phương và thảo luận các biện pháp để giải quyết hiệu quả hơn các thách thức còn tồn tại.
Trung Quốc và Hàn Quốc triển khai FTA vào tháng 12/2015 và gần đây đã nhất trí tiến hành đàm phán để nâng cấp thỏa thuận thương mại này.
Trung Quốc đang nỗ lực giảm tập trung vào ngành chế tạo để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ.
Ngành dịch vụ của Trung Quốc có giá trị 5.600 tỷ USD trong năm 2016, đưa nước này trở thành thị trường lớn thứ 2 thế giới.
Trao đổi dịch vụ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng mạnh từ mốc 2,7 tỷ USD trong năm 1998 lên 36,7 tỷ USD trong năm 2016, gần gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng của trao đổi dịch vụ toàn cầu.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710877239