Thứ bảy, 20-4-2024 - 9:39 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tình hình kinh tế và các biện pháp cứu trợ của các nước trên thế giới trước đại dịch Covid-19 trong 10 ngày qua 

 Thứ sáu, 27-3-2020

AsemconnectVietnam - Kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào khủng hoảng trầm trọng, dịch bệnh Covid-19 lan tràn đã khiến nhiều quốc gia lao đao, vừa phải ngăn dịch bệnh phát tán trong khi vẫn phải cố gắng duy trì nền kinh tế ổn định.

Các nước đang áp đặt lệnh hạn chế đi lại và hoạt động công cộng trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đã đẩy nhu cầu tiêu thụ giảm sút, nhiều công ty lớn phải đóng cửa sản xuất do chuỗi cung ứng và hậu cần bị gián đoạn, giới doanh nghiệp suy sụp.
Trung Quốc- công xưởng thế giới vừa trải qua đỉnh dịch, đã dần quay trở lại sản xuất, nhân công đã trở lại làm việc nhưng các khách hàng lớn của nước này lại đang chật vật chiến đấu với dịch bệnh, do vậy không có đơn hàng để sản xuất.
Theo khảo sát được công bố bởi Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) ngày 11/3/2020 cho thấy Virus corona lây lan mạnh khiến nước này sắp trở thành tâm dịch toàn cầu đã khiến gần 75% công ty ở Mỹ bị gián đoạn chuỗi cung ứng tại một số khu vực sản xuất. Cũng vì lý do này mà hãng Toyota Nhật Bản phải tạm dừng hoạt động tất cả các nhà máy ở châu Âu, bắc Mỹ và 5 cơ sở ở Nhật Bản. Không chỉ có Toyota mà các hãng ô tô khác tại châu Âu cũng đã đóng cửa hàng loạt nhà máy.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới khối với các nước bên ngoài trong vòng 30 ngày. Ở Mỹ, bang Tây Virginia là bang cuối cùng của nước này có báo cáo về ca nhiễm Covid-19, chính thức xác nhận bệnh dịch đã có mặt trên khắp nước Mỹ.
Các gói cứu trợ khẩn cấp
Sự lo ngại về nền kinh tế sụp đổ do nhiều nơi trên thế giới ngừng hoạt động vì dịch bệnh đang dần tăng lên. Mỹ, Anh, Hà Lan tuyên bố các khoản cứu trợ lên tới hàng trăm tỷ USD.
Đứng trước cuộc chiến gay go chống lại bệnh dịch toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều định chế tài chính và tổ chức quốc tế tuần qua đã thực hiện hỗ trợ tài chính để giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến kinh tế, đồng thời triển khai các biện pháp thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, thị trường dầu thô và khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Ngân hàng Thế giới (WBG): Ngày 17/3, WBG đã công bố nâng gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp thêm 2 tỷ USD lên 14 tỷ USD nhằm giúp các quốc gia và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lây lan nhanh.
Theo đó, gói hỗ trợ này sẽ "cải thiện năng lực quốc gia ứng phó với các vấn đề y tế công cộng", bao gồm chính sách ngăn chặn dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị, đồng thời cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp và người lao động để giảm bớt ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với tài chính và kinh tế.
Trước đó, hồi đầu tháng Ba vừa qua, WBG thông báo sẵn sàng cung cấp gói hỗ trợ ban đầu lên tới 12 tỷ USD nhằm trợ giúp khẩn cấp các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong đó có 6 tỷ USD từ WB để cải thiện hệ thống y tế và giám sát dịch bệnh, 6 tỷ USD từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) hỗ trợ cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Hiện IFC - thành viên của WBG, đã đồng ý bổ sung thêm 2 tỷ USD cho gói hỗ trợ nói trên.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) : G7 cam kết phối hợp hành động để ngăn chặn nguy cơ kinh tế suy giảm mạnh trước sự bùng phát của dịch COVID-19 mà các nước G7 đánh giá là "thảm kịch nhân loại”.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) : Tối 18/3, Hội đồng quản trị ECB đã họp bất thường để đưa ra những biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, ECB sẽ tung ra chương trình khẩn cấp mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỷ euro đến hết năm 2020 nhằm ứng phó với các rủi ro nghiêm trọng đối với cơ chế chuyển giao chính sách tiền tệ và triển vọng Khu vực đồng euro (Eurozone) do dịch COVID-19 gây ra.
ECB cũng cam kết hỗ trợ mọi công dân trong Eurozone vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đồng thời sẽ đảm bảo để mọi thành phần (dù là các hộ gia đình, các công ty, ngân hàng hay các chính phủ) có thể hưởng lợi từ các điều kiện hỗ trợ tài chính để giảm cú sốc do dịch COVID-19 gây ra.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) : Ngày 18/3, ADB công bố gói giải cứu trị giá 6,5 tỷ USD nhằm đáp ứng nhu cần cấp thiết của các nước thành viên đang phát triển (DMC) trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ADB, gói giải cứu nói trên bao gồm khoảng 3,6 tỷ USD tài trợ cho các chính phủ đối phó với các tác động kinh tế và y tế của dịch bệnh, và 1,6 tỷ USD tài trợ không có đảm bảo chính phủ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động thương mại trong nội địa và quốc tế, cũng như các công ty bị ảnh hưởng.
ADB cũng sẵn sàng cung cấp thêm các hỗ trợ tài chính và cố vấn chính sách khi cần thiết.
ADB cho biết ngân hàng này cũng sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD thông qua việc tái phân bổ vốn từ các dự án hiện tại và đánh giá nhu cầu các khoản dự phòng. ADB còn cho biết sẽ cung cấp 40 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và các quỹ giải ngân nhanh. Như vậy, kể từ ngày 7/2, ADB đã cung cấp hơn 225 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của cả chính phủ và doanh nghiệp các nước DMC.
Châu Mỹ
Mỹ: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/3 cho biết kinh tế Mỹ có thể đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái, trong bối cảnh hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn quốc đình trệ do tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Mỹ đang tập trung vào công tác ứng phó dịch hơn là vấn đề kinh tế. Ngày 18/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua  dự luật trị giá 104 tỷ USD với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2. Theo đó, người lao động vẫn được chi trả cho số ngày nghỉ ốm tối đa là 10 ngày. Đây là gói hỗ trợ thứ hai mà Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh ngày càng có những lo ngại về sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Mỹ khiến nền kinh tế nước này có khả năng rơi vào suy thoái. Sau khi được thông qua, gói hỗ trợ này dự kiến sẽ nhanh chóng được Tổng thống Donald Trump ký duyệt.
Ngày 25/3, gói cứu trợ thứ 3 trị giá 2000 tỷ USD đã được thông qua, sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 17/3 cũng tuyên bố sẽ bơm thêm 500 tỷ USD gần như không lãi suất vào các thị trường tài chính nhằm làm dịu bớt những căng thẳng tài chính do dịch COVID-19 gây ra.
Đề xuất mới này được đưa ra với mức lãi suất chỉ là 0,1% và là khoản mới nhất trong một loạt khoản mua nợ và bơm tiền mặt, bao gồm cả khoản 1.500 tỷ USD hồi tuần trước để ngăn chặn sự sụt giảm kinh tế cũng như tình trạng mất kiểm soát trên thị trường tài chính.
Brazil: Ngân hàng trung ương Brazil ngày 18/3 đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục mới 3,75%, đồng thời tìm cách thúc đẩy nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch COVID-19. Đây là lần thứ sáu liên tiếp Ngân hàng trung ương Brazil tiến hành cắt giảm lãi suất.
Ngày 16/3, Brazil đã công bố gói kích thích trị giá 147 tỷ real (gần 30 tỷ USD) trong chi tiêu khẩn cấp để ngăn chặn tác động của dịch bệnh đang lan rộng. Tuy vậy, hành động này không đủ sức xoa dịu các thị trường.
Mexico: Ngân hàng trung ương Mexico ngày 20/3 đã cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm xuống 6,5% nhằm hỗ trợ thanh khoản, đồng peso. Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) đã tuyên bố tung ra thị trường 2 tỷ USD, nhằm vực dậy đồng nội tệ peso, vốn đã mất giá tới 31% so với đồng USD trong một tuần qua (theo tỷ giá liên ngân hàng 23,93 peso đổi 1 USD).
*Châu Âu
Đức: Khảo sát hàng tháng do Viện Kinh tế ZEW của Đức công bố ngày 17/3 cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước này trong tháng 3/2020 đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier ngày 13/3 đã cam kết sẽ bảo đảm 500 triệu euro cho doanh nghiệp và nhiều hơn thế nữa nếu cần để giải quyết tác động của dịch bệnh lên tình hình kinh tế.
Italya: Italya hiện đang là tâm dịch châu Âu với số lượng người chết cao hơn Trung Quốc đại lục trong khi dân số chỉ bằng 4%, hiện đã phong tỏa toàn bộ đất nước. Ngày 22/3, chính phủ ra lệnh ngừng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu trong vòng hai tuần, đóng cửa nhiều nhà máy cho đến ngày 3/4.
Statista Research Department ngày 25/3 dự kiến GDP của nước này sẽ giảm 3% vào cuối quý 1/2020 và giảm 5% trong quý 2/2020.
Đặc biệt các lĩnh vực dệt may, xe lửa, vận tải hàng không, khách sạn, nhà hàng, chương trình và sự kiện thể thao sẽ có mức giảm lớn nhất.
Ireland: Ngày 18/3, Ngân hàng trung ương Iceland đã cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ hai trong vòng một tuần qua xuống còn 1,75%, đồng thời tung nguồn "vốn bắt buộc khẩn cấp" của các ngân hàng nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ do sự lây lan của dịch COVID-19 và những tác động của nó đối với nền kinh tế.
Trước đó, ngày 11/3, Ngân hàng Trung ương Iceland đã hạ lãi suất xuống còn 2,25%.
Ngân hàng Trung ương Iceland cũng hạ yêu cầu về dự phòng phản chu kỳ (counter-cyclical buffer) đối với các tổ chức tài chính từ 2% xuống 0%.
Pháp: Cơ quan Quản lý chứng khoán Pháp (AMF) đã quyết định cấm tình trạng "bán khống" với 92 loại cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán Paris trong vòng một tháng, đồng thời kéo dài thời gian ngừng một ngày theo đề xuất ban đầu.
Bồ Đào Nha: Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 18/3 công bố gói cứu trợ trị giá 9,2 tỷ euro để hỗ trợ các lao động và cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Gói cứu trợ trên - tương đương 4,3% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Bồ Đào Nha - bao gồm các biện pháp tài khóa trị giá 5,2 tỷ euro nhằm hỗ trợ kinh tế trong nước, 3 tỷ euro bảo lãnh tín dụng của chính phủ và 1 tỷ euro liên quan các khoản chi trả an sinh xã hội.
Cụ thể, hơn 50% trong số 3 tỷ euro tín dụng nói trên sẽ được dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng của Bồ Đào Nha, trong khi gần 50% còn lại dành cho các lĩnh vực như dệt may và gỗ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đang bàn thảo với Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha và Hiệp hội các ngân hàng Bồ Đào Nha về một lệnh hoãn tạm thời đối với các kế hoạch trả nợ, sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 3/2020.
Cộng hoà Séc: Chính phủ Séc đang chuẩn bị 100 tỷ kuron (tương đương 4,05 tỷ USD) viện trợ trực tiếp và 900 tỷ kuron (36,45 tỷ USD) thông qua bảo lãnh cho vay để giúp các doanh nghiệp đối phó với dịch COVID-19.
Tổng số tiền hỗ trợ nêu trên tương đương với gần 18% GDP của quốc gia Trung Âu này năm 2019 và sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp bị tổn thương vì Cộng hoà Séc giống như phần lớn châu Âu, đã đóng cửa các cửa hàng và nhà máy, đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại để tránh sự lây lan của COVID-19.
Nền kinh tế Séc đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại vào năm ngoái và đợt bùng phát dịch trên có thể khiến tăng trưởng GDP của nước này giảm ít nhất 2% năm 2020.
Anh: Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack ngày 17/3 công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá lên tới 330 tỷ bảng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Anh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng ở nước này.
Cũng theo ông Rishi Sunack, Chính phủ sẽ bổ sung thêm và cam kết sẽ làm mọi biện pháp để giúp các doanh nghiệp và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh của mình, chi trả lương cho nhân viên.
*Châu Á
Indonesia: Ngân hàng trung ương Indonesia ngày 19/3 đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế suy yếu gây ra đại dịch Covid-19 và duy trì sự ổn định trong thị trường tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết chính phủ nước này sẵn sàng các biện pháp nhằm duy trì sự ổn định của thị trường tài chính trước áp lực toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hàn Quốc: Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc đã giảm trong tháng 2/2020 do nhu cầu mua sắm giảm do sự bùng phát của virus COVID-19 và giá dầu giảm.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 19/3 có kế hoạch triệu tập một phiên họp "hội đồng kinh tế khẩn cấp" để thảo luận các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng thống Moon đã thúc giục nhóm cố vấn kinh tế tìm ra các "biện pháp đặc biệt tích cực" để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh ông gọi đây là "cuộc đa khủng hoảng chưa từng có" do dịch COVID-19 gây ra. Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật ngân sách bổ sung trị giá 11.700 tỷ won (9,44 tỷ USD). Tổng thống Moon cho biết đề xuất về ngân sách bổ sung của chính phủ "không phải là đề xuất cuối cùng, đây mới chỉ là khởi đầu" trong việc ứng phó với những hậu quả từ dịch COVID-19.
Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 16/3 đã quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản. Cụ thể, BoJ sẽ tăng gấp đôi khối lượng chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mua vào mỗi năm lên mức 12.000 tỷ yen (112,46 tỷ USD) và khối lượng chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) lên 180 tỷ yen/năm (tương đương 1,69 tỷ USD).
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ tăng hạn mức cho phép mua vào trái phiếu doanh nghiệp lên 4.200 tỷ yen (39,48 tỷ USD) và thương phiếu doanh nghiệp lên 3.200 tỷ yen (khoảng 30 tỷ USD), đều tăng 1.000 tỷ yen so với trước đây.
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm 1% trong tháng 2/2020 so với một năm trước đó, đây là tháng giảm thứ 15 liên tiếp do giảm xuất sang Trung Quốc và Mỹ gây ra bởi dịch Covid-19. Đồng thời, nhập khẩu cũng cũng giảm 14%, nhập từ Trung Quốc giảm 47,1% do nhu cầu trong nước yếu.
Thái Lan: Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, xuống mức thấp kỷ lục - 0,75% nhằm giảm nhẹ tác động lên nền kinh tế, đồng thời củng cố các biện pháp tài chính đã và sẽ được áp dụng. Đây là quyết định cắt giảm lần thứ 4 kể từ tháng 8/2019, được thông qua trong một phiên họp đặc biệt của Ủy ban Chính sách Tài chính (MPC) hôm 20/3. Tuyên bố của BoT khẳng định việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ giảm bớt gánh nặng đối với những người đi vay bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và giảm nhẹ những căng thẳng về thanh khoản trên các thị trường tài chính.
Bangkok đang thảo luận về khả năng phong toả toàn bộ đất nước để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh trong thời gian tới. Nếu điều này diễn ra thì sẽ khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 8 tỷ baht (hơn 260 triệu USD) mỗi ngày, tương đương với 240 tỷ baht (8 tỷ USD) mỗi tháng. Trong đó, khoảng 180 tỷ baht (6 tỷ USD) giá trị thiệt hại bắt nguồn từ việc giảm lượng khách du lịch.
Theo đánh giá của Đại học Thương mại Thái Lan UTCC, các tác động của dịch COVID-19 sẽ lấy đi khoảng 600-700 tỷ baht (tương đương 20-23 tỷ USD) từ nền kinh tế nước này, khi GDP dự kiến tăng trưởng 0,5-1% trong nửa đầu năm 2020, sau đó giảm 0,5% trong cả năm.
*Các nước vùng Vịnh:
Oman: Ngân hàng Trung ương Oman đang chuẩn bị cung cấp thêm khoảng 8 tỷ rial (20,8 tỷ USD) cho các ngân hàng trong nước, như một phần trong các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực vùng Vịnh và trên thế giới.
Ngân hàng Trung ương Oman yêu cầu các ngân hàng cắt giảm biểu phí dịch vụ, điều chỉnh tỷ lệ vốn và tín dụng đồng thời cho phép hoãn thanh toán lên tới 6 tháng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng này cũng yêu cầu tăng cường nguồn tín dụng cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó có y tế, lữ hành và du lịch.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE): Ngày 14/3, UAE đã công bố gói tài chính trị giá 27 tỷ USD nhằm ứng phó với các tác động kinh tế của dịch COVID-19, đồng thời thông báo đóng cửa các điểm du lịch và văn hóa lớn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Theo Ngân hàng Trung ương UAE, gói tài chính trị giá 27 tỷ USD sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Saudi Arabia: Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia tuyên bố cơ quan này đã chuẩn bị một gói tài chính trị giá 13 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này đối phó với những tác động kinh tế của dịch COVID-19.
*Châu Đại dương
Australia: Nhằm giảm bớt các hạn chế về thanh khoản trên thị trường trái phiếu đang gặp nhiều căng thẳng do lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) liên tục bơm tiền vào hệ thống ngân hàng. Ngày 19/3, RBA đã bơm khoản tiền kỷ lục 12,7 tỷ AUD (7,37 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng sau khi đã “bơm” thêm 10,7 tỷ AUD vào thị trường trong ngày 18/3 và giúp các ngân hàng thương mại có được khoản tài chính dự trữ trị giá 18,8 tỷ AUD được gửi tại RBA.
Chính phủ Australia đang chịu áp lực phải tăng quy mô gói kích thích trị giá 17,6 tỷ AUD (11,6 tỷ USD) vừa công bố vào tuần trước, khi các nhà kinh tế lo ngại các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ là chưa đủ để có thể thực sự bảo vệ nền kinh tế Australia tránh khỏi một cuộc suy thoái nặng nề chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới II.
New Zealand: Chính phủ New Zealand đã đồng ý bảo lãnh cho hãng hàng không quốc gia Air New Zealand, bằng cách cung cấp khoản vay dự phòng 900 triệu đô la New Zealand (509 triệu USD) để giúp hãng vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus.
T.Hường
Nguồn: Vitic
Tài liệu tham khảo:
1.https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-global-economy/global-economy-already-in-recession-on-coronavirus-devastation-reuters-poll-idUSKBN21702Y
2.https://www.aseanbriefing.com/news/asean-incentives-to-counter-covid-19-impact/
3. https://montsame.mn/en/read/219372
4. https://www.ft.com/content/0b1be0b7-e677-3e31-a3a0-773d16ad1672
5.https://www.ecb.europa.eu/press/pr/date/2020/html/ecb.pr200318_1~3949d6f266.en.html
6. https://www.adb.org/news/adb-announces-6-5-billion-initial-response-covid-19-pandemic
7. https://www.vox.com/policy-and-politics/2020/3/23/21190764/senate-cloture-vote-coronavirus-fails
8.https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-18/brazil-cuts-key-rate-to-3-75-with-recession-likely-after-virus
9 https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-03-20/mexico-cuts-key-rate-by-half-point-to-6-5-in-surprise-decision
10.https://www.france24.com/en/20200324-eu-finance-ministers-split-on-coronavirus-rescue-plan
11.Reuters
12. https://www.statista.com/statistics/1101019/forecasted-impact-of-coronavirus-covid-19-on-gdp-in-italy/
13.https://www.msn.com/en-za/money/markets/iceland-unveils-historic-economic-package-to-fight-crisis/ar-BB11yRiW?li=BBqfZdL
14. https://www.reuters.com/article/health-coronavirus-czech/update-1-czech-government-prepares-40-billion-plan-for-businesses-idUSL8N2BB56N
15. https://www.telegraph.co.uk/business/2020/03/17/markets-live-news-coronavirus-pound-euro-ftse-shares-flights/
16 https://jakartaglobe.id/business/bank-indonesia-cuts-rate-vows-to-maintain-financial-stability
17. Reuters
18 https://asia.nikkei.com/Economy/BOJ-expands-monetary-stimulus-to-defend-economy-from-coronavirus
19 https://www.reuters.com/article/thailand-economy-rates/update-1-thai-central-bank-cuts-key-rate-by-25-bps-in-special-meeting-idUSL4N2BD3B6
20. https://www.aljazeera.com/ajimpact/australian-central-banks-push-money-markets-200319034039407.html
21.https://www.ft.com/content/0b1be0b7-e677-3e31-a3a0-773d16ad1672

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710734699