Thứ tư, 24-4-2024 - 18:59 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Bức tranh kinh tế Nga đang dần khởi sắc 

 Thứ hai, 5-6-2017

AsemconnectVietnam - Các tín hiệu lạc quan đã xua đi sự ảm đạm bao trùm nền kinh tế Xứ sở Bạch Dương sau một khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Những gam màu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện trên bức tranh kinh tế tổng thể của nước Nga. Tín hiệu lạc quan này đã xua đi sự ảm đạm bao trùm nền kinh tế Xứ sở Bạch Dương sau một khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nhiều dự báo lạc quan
Trong trả lời phỏng vấn báo "Izvestia" (Tin tức) ngày 23-5-2017, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko (Va-len-ti-na Mát-vi-en-cô) cho rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva khó có thể được dỡ bỏ trong thời gian tới, song sớm hay muộn chúng sẽ được dỡ bỏ bởi điều này hợp lôgích cả về chính trị lẫn kinh tế.

Bà Matvienko cũng nhấn mạnh các lệnh trừng phạt đó không chỉ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Nga mà còn cả kinh tế của các quốc gia áp đặt trừng phạt nhằm vào Moskva. Bà Matvienko khẳng định Nga đã khắc phục được nhiều khó khăn, nền kinh tế nước này bắt đầu bước vào thời kỳ phát triển. Phần lớn người dân Nga không cho rằng các biện pháp trừng phạt tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây, 75% số người được hỏi nhận định lệnh trừng phạt nhằm vào Nga không gây khó khăn gì cho gia đình họ.

Trước đó ngày 22-5, các chuyên gia Liên hợp quốc (LHQ) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Nga, theo đó tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2017 và năm 2018 đều đạt 1,5%, tăng so với mức dự báo đưa ra trước đó (đạt 1% trong năm 2017 và 1,4% năm 2018).

Theo báo cáo của Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ, Nga dù chịu nhiều ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, nhưng các biện pháp này đã diễn ra trong thời gian dài buộc nền kinh tế Nga phải thích nghi và bắt đầu tăng trưởng trong điều kiện đó. Đặc biệt, nhờ thay đổi cơ cấu sản xuất, nền kinh tế Nga phần nào đã đối phó được với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, và chính sách thay thế các hàng hóa nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước đã đem lại hiệu quả.

Trong khi đó, Báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Nga công bố ngày 17-4 vừa qua, cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Standard and Poor's (S&P) của Mỹ đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Moskva từ mức"ổn định" lên mức "tích cực".

Việc S&P điều chỉnh mức đánh giá nói trên xuất phát từ dự báo triển vọng phát triển của kinh tế Nga giai đoạn 2017-2020, theo đó kinh tế nước này sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 1,7%/năm sau 2 năm rơi vào suy thoái do chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo S&P, trong vài tháng qua, kinh tế Nga đã đi vào ổn định sau khi suy thoái ảnh hưởng đến sức mua của người dân cũng như khiến nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo. Đồng nội tệ Ruble của Nga không ngừng tăng giá trong thời gian này khi tăng 8,5% so với đồng USD và chỉ số này của năm 2016 là 15,2%. Trong khi đó, theo kịch bản ban đầu liên quan các dự báo kinh tế vĩ mô, đến cuối năm 2017, 1 USD sẽ đổi được 68 Ruble, và đến cuối năm 2018, tỷ giá này sẽ là 1 USD đổi được 70,8 Ruble.
Kinh tế Nga cũng đón nhận những tin vui khi thị trường dầu mỏ thế giới ấm dần. Sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thống nhất cắt giảm sản lượng vào năm 2017, giá dầu thô của Nga đã vượt mốc 50 USD/thùng.

Nỗ lực của Chính phủ Nga

Sự phục hồi của nền kinh tế Nga vốn không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia quốc tế. Những “quả ngọt” này có được là nhờ nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của giới chức Nga.

Các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, mở rộng hợp tác kinh tế với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương… đã phát huy tác dụng, đưa con tàu kinh tế nước Nga từng bước vượt qua giông bão.

Theo hãng Bloomberg, các nhà bán lẻ lớn như IKEA của Thụy Điển hay Leroy Merlin SA của Pháp đã bắt đầu bơm hàng tỷ USD vào các cửa hàng mới và các nhà máy của Nga, một minh chứng cho thấy sự tin tưởng của những doanh nghiệp này vào triển vọng tươi sáng của thị trường tiêu dùng Nga sau hai năm chìm vào suy thoái.

Trong Thông điệp liên bang năm 2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã thẳng thắn nhìn nhận những sóng gió mà nền kinh tế Xứ sở bạch dương phải đối mặt đồng thời khẳng định, một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga là vực dậy nền kinh tế. Ông Putin nêu rõ, nền kinh tế Nga chững lại chủ yếu là do thiếu nguồn đầu tư, công nghệ hiện đại và nhân lực chuyên nghiệp; môi trường kinh doanh thiếu sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo nước Nga vẫn tỏ ra khá lạc quan trước những tín hiệu tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất vũ khí, công nghệ thông tin… của nước này.

Bản lĩnh của Tổng thống Putin đã bộc lộ rõ thông qua cách ông chèo lái, xoay xở để đưa Nga vượt qua những khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Chính vì phải dừng xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt sang Tây Âu, Moskva đã có động lực cải tổ toàn bộ các ngành kinh tế, tập trung phát triển sản xuất trong nước. Giới chức Nga cho biết, thời gian tới, nước Nga hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế thông minh và cởi mở, dựa vào tiềm năng tri thức của dân tộc cũng như các thành tựu khoa học, công nghệ. Chính phủ cũng sẽ chú trọng tạo ra môi trường bền vững để phát triển kinh doanh và bảo đảm việc làm.

Có thể khẳng định nền kinh tế Nga về cơ bản đã hồi sinh và dịch chuyển đúng hướng. Dù vẫn còn đó những thách thức, như giá dầu thế giới nhiều biến động hay các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa có dấu hiệu chấm dứt, thì với những nền tảng phát triển mới mà nước Nga đã nỗ lực xây dựng trong thời gian qua, quốc gia này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế đang trên đà phục hồi này.

Nguồn: Bnews.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710838720