Thứ năm, 25-4-2024 - 20:28 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Du lịch châu Á "đứng ngồi không yên" vì COVID-19 

 Thứ hai, 24-2-2020

AsemconnectVietnam - Đông Nam Á - khu vực có nền kinh tế trông chờ nhiều vào du lịch - đang gặp nhiều khó khăn vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

* Du lịch tàu biển đình trệ

Nhà báo Fiona Carruthers của tờ Thời báo Kinh tế Australia viết: "Trong khi ngành công nghiệp du lịch tàu biển thế giới tiếp tục cảm thấy sợ hãi trước các cú sốc của dịch bệnh viêm phổi do COVID-19 gây ra, thì tại Australia, hãng du lịch cao cấp Mary Rossi Travel đã khéo léo điều chỉnh các điểm đến được quảng bá trong những bản tin gửi tới khách hàng của mình vào tuần trước".
Người đứng đầu công ty Claudia Rossi Hudson cho biết, người dân Australia vẫn đang tích cực đi du lịch. Họ có mặt ở khắp nơi tại châu Á, đặt chân tới các địa điểm ở châu Âu và lựa chọn New Zealand để nghỉ dưỡng. Bà Hudson xác nhận số lượng đặt tour du lịch trên biển đã bị giảm từ 5-10% trong vòng hơn gần một tháng nay.
Tuy nhiên theo bà, sự suy giảm này không phải đến từ tác động của COVID-19, mà vì ngành du lịch hiện tại có rất nhiều lựa chọn và mọi khách hàng đều có thể dễ dàng tìm kiếm những tour trải nghiệm phong phú theo sở thích riêng.
Mặc dù vậy, rõ ràng đã có một sự chuyển dịch tiêu cực có thể quan sát thấy xảy ra tại các công ty du lịch trên toàn thế giới, khi virus Corona tiếp tục làm gián đoạn mọi hoạt động kinh doanh thông thường. Tờ New York Times đưa tin số lượng đặt tour du lịch bằng đường biển đã giảm tới 15% trên toàn cầu.
Ảnh hưởng của COVID-19 được minh chứng rõ rệt nhất thông qua câu chuyện của chiếc du thuyền sang trọng bậc nhất thế giới Diamond Princess, nơi hiện có hàng trăm du khách, trong tổng số 3.700 người trên tàu, cho các kết quả xét nghiệm dương tính đối với COVID-19.
Sự thất vọng và nỗi sợ hãi vẫn tiếp tục gia tăng trên con tàu hiện đang neo đậu bên ngoài bờ biển của Nhật Bản. Các nhà chức trách y tế Nhật Bản đang lên kế hoạch cho những du khách tự nguyện lên bờ trong vài ngày tới.
Cuối tuần trước, các nhà chức trách Campuchia đã chấp thuận mở cửa chào đón 1.455 hành khách và 802 thủy thủ đoàn của tàu MS Westerdam được phép cập cảng ở Sihanoukville, vùng biển phía Tây Nam của Campuchia, trên Vịnh Thái Lan, sau khi hơn 20 mẫu xét nghiệm của các khách du lịch trên con tàu này đều được xác nhận là âm tính với virus Corona.
MS Westerdam do một hãng tàu Mỹ-Hà Lan điều hành, đang bị "mắc kẹt" trên Biển Đông trong nhiều ngày qua, do một số quốc gia, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ chối cho phép cập cảng.
Công ty Tổ chức Lễ hội Anh-Mỹ, một nhà khai thác du lịch giải trí lớn nhất thế giới - chủ của cả hai con tàu nói trên, đã công bố sẽ đảm bảo cho tất cả du khách tham gia tour du lịch trên tàu Diamond Princess và MS Westerdam được nhận lại toàn bộ chi phí chuyến đi.
Một hệ lụy khác cũng đã xảy ra do virus Corona, đó là những con tàu du lịch bắt đầu thay đổi hành trình của mình. Tuần trước, tàu Queen Mary 2 xác nhận chuyển hướng từ hành trình ban đầu đi qua châu Á để vào cảng Fremantle ở Tây Australia, chuẩn bị cho một hành trình thay thế, bắt đầu từ Australia.
Thời gian sẽ cho biết còn bao nhiêu du thuyền nữa có thể bị ảnh hưởng. Cơ quan đại diện quốc tế của ngành công nghiệp vận tải du lịch biển, Hiệp hội du thuyền quốc tế (CLIA), đã ban hành lệnh cấm bất cứ cá nhân nào đã tới Trung Quốc (bao gồm cả Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau), được phép lên các con thuyền thuộc thành viên của hiệp hội, trên tất cả các tuyến vận tải lớn.
Hãng tàu Royal Caribbean và Hãng du thuyền Na Uy tuyên bố không nhận các thủy thủ và nhân viên có quốc tịch Trung Quốc làm việc trong tháng Hai. Thông báo của Royal Caribbean viết: "Bất cứ khách nào sở hữu hộ chiếu Trung Quốc, Hong Kong và Macau, không loại trừ lần cuối cùng họ ở đâu, đều không được phép lên boong các con tàu của hãng".
Nhận định về vấn đề trên, cùng quyết định gia hạn lệnh cấm khách du lịch người Trung Quốc nhập cảnh vào Australia, bà Hudson nói rằng nếu virus không được kiểm soát trong vài tháng tới, thì đó có thể là một vấn đề thực sự nghiêm trọng đối với ngành du lịch vận tải biển, đặc biệt là thời điểm mùa du lịch khu vực Nam Bán Cầu sẽ bắt đầu vào tháng Chín tới.
Trong bối cảnh những lo ngại về tình hình dịch bệnh tăng cao sẽ gây ảnh hưởng tới ngành du lịch Australia, vốn đang bị "nhấn chìm" bởi cuộc khủng hoảng cháy rừng vừa diễn ra từ cuối năm ngoái, Hội đồng Công nghiệp Du lịch Australia (ATIC) đã yêu cầu chính phủ "mở hầu bao" tiếp tục cứu trợ một gói tài chính trị giá 76 triệu AUD (tương đương 50,9 triệu USD) khác, ngoài quỹ cứu trợ cháy rừng hiện có.
Giám đốc điều hành ATIC Simon Westaway chia sẻ, năm 2019, Australia đón nhận con số kỷ lục 9,3 triệu lượt du khách, trong đó Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất, với hơn 1,4 triệu khách.
Theo ông Westaway, cháy rừng và dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch Australia, đòi hỏi Chính phủ khẩn trương hỗ trợ để giúp ngành công nghiệp không khói này nhanh chóng lấy lại vị thế vốn có và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của kinh tế quốc gia.

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710873516