Thứ tư, 17-4-2024 - 6:56 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường ngày 14/09: Giá dầu quay đầu giảm 2%, gạo thấp nhất 17 tháng 

 Thứ sáu, 14-9-2018

AsemconnectVietnam - Triển vọng đàm phán thương mại Mỹ- Trung được dấy lên khi Trung Quốc chấp nhận lời mời của Mỹ khởi động lại đàm phán đã ép giá vàng, dầu giảm trong khi đẩy giá đồng, cao su, thép, cà phê tăng cao. Gạo Ấn Độ thấp nhất 17 tháng trong khi gạo Việt Nam tăng.

 Giá dầu giảm hơn 2%

Giá dầu giảm hơn 2% trong phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, với Brent rời khỏi mức cao nhất 4 tháng do các nhà đầu tư lo ngại những khủng hoảng trên thị trường mới nổi và tranh chấp thương mại có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ngay cả khi nguồn cung thắt chặt.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo rằng mặc dù thị trường dầu mỏ đang thắt chặt vào thời điểm hiện tại và nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ đạt 100 triệu thùng/ngày trong 3 tháng tới, nhưng rủi ro kinh tế toàn cầu đang rất lớn.
Chốt phiên 13/9, dầu thô Brent giảm 1,56 USD, tương đương 2%, xuống mức 78,18 USD/thùng. Giá đã lên mức 80,13 USD trong phiên liền trước, mức cao nhất kể từ 22/5/2018. Dầu thô nhẹ Mỹ đã giảm 1,78 USD, tương đương 2,5%, xuống mức 68,59 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều có mức giảm trong ngày mạnh nhất trong vòng 1 tháng.
Nhà Trắng đã mời các quan chức Trung Quốc khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại khi họ chuẩn bị leo thang một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc với mức thuế trị giá 200 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc.
Vàng giảm
Giá vàng giảm khi các nhà đầu tư mua tài sản rủi ro thay vì tìm kiếm nơi ẩn náu an toàn bằng vàng, trong bối cảnh hy vọng cho một cuộc đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.202,30 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 28/8 vào phiên sáng là 1.212,49 USD. Giá vàng Mỹ giao tháng 12 đã giảm 2,70 USD, tương đương 0,2%, còn 1.208,20 USD/ounce.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ tăng lãi suất hai lần trong cuộc họp vào tháng 9 và tháng 12 tới trên cơ sở số liệu kinh tế khả quan. Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng đồng thời làm đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Đồng bạc xanh mất giá sau khi thống kê cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ giảm 0,1% trong tháng 8, thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó của giới quan sát. Đây là lần đầu tiên PPI của Mỹ giảm kể từ tháng 2/2017 và cũng là lần đầu tiên mối quan hệ giữa USD và vàng bị phá vỡ.
Đồng tăng
Đồng tăng lên mức cao nhất hai tuần sau khi Trung Quốc hoan nghênh lời mời của Mỹ khởi động lại đàm phán thương mại. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp đặt thuế quan đánh vào giao dịch hàng hóa trị giá 50 tỷ USD/mỗi bên, gây lo ngại nhu cầu kim loại công nghiệp sẽ suy yếu. Washington đang chuẩn bị đặt thêm thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nữa.
Giá đồng tham khảo tại London đã tăng 0,6% lên mức 6.033 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8 ở mức 6.074 USD. Trong khi giá đồng giao tháng 11 tại Thượng Hải tăng 2,2%, đạt mức cao nhất hai tuần.
Cao su cao nhất 1 tuần
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo tăng lên mức cao nhất trong một tuần theo xu hướng tăng giá tại Thượng Hải và hy vọng mới về đàm phán thương mại Mỹ Trung.
Cao su giao tháng 2/2019 tại Tokyo chốt phiên tăng 0,3 JPY lên mức 167,6 JPY/kg.Cao su giao tháng 1/2019 tại Thượng Hải tăng 260 CNY lên mức 12.420 CNY/tấn.Cao su giao tháng 10/2018 tại SICOM đóng cửa ở mức 133,3 cent Mỹ/kg, tăng 0,7 cent.
Thép và quặng sắt tăng
Giá thép và quặng sắt tăng cao sau khi Trung Quốc chấp nhận lời mời của Mỹ tổ chức đàm phán, dấy lên hy vọng chấm dứt tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thép cây giao tháng 1/2019 tại Thượng Hải đóng cửa tăng 0,3% lên 4.071 CNY (595 USD)/tấn.Thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 4.013 CNY/tấn. Quặng sắt Đại Liên tăng 3% đạt 503,50 CNY/ tấn. Quặng sắt giao ngay tới cảng Qingdao tăng 0,3% lên 67,86 USD/tấn trong phiên liền trước, theo Metal Bulletin.
Cà phê tăng cao do cung khan
Giá cà phê tại Việt Nam tăng nhẹ trong tuần này do nguồn cung khan hiếm, nhưng các thương nhân cho biết giá sẽ không tăng cao hơn nữa khi vụ thu hoạch mới bắt đầu trong tháng tới. Nông dân ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất cả nước, bán cà phê với giá 33.000 đồng -33.500 đồng (1,42 USD - 1,44 USD) /kg, so với mức 32.500 đồng-33.300 đồng một tuần trước đó.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam chào bán cà phê robusta loại 2 đen vỡ 5% với giá chênh lệch khoảng 50 USD so với giá hợp đồng tháng 11/2018 của London, so với mức chênh lệch 40-70 USD một tuần trước đó. Trong khi đó, tại Indonesia, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh do dự trữ bắt đầu cạn kiệt khi vụ thu hoạch sắp kết thúc.
Mức chênh lệch giá cà phê robusta loại 4, 80 hạt vỡ tại tỉnh Lampung so với giá kỳ hạn tháng 11 của London là 80 USD, thấp hơn mức 90 USD một tuần trước đó, một thương nhân địa phương cho biết.
Gạo Ấn Độ thấp nhất 17 tháng, gạo Việt Nam tăng
Giá xuất khẩu gạo ở Ấn Độ giảm trong tuần này do đồng rupee giảm và nhu cầu vẫn yếu khi người mua kỳ vọng giá giảm sâu hơn nữa, trong khi nguồn cung thấp và triển vọng về một thỏa thuận mới với Philippines đẩy giá gạo Việt Nam tăng cao.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm giảm 5 USD xuống 371- 375 USD/ tấn trong tuần này, mức thấp nhất trong 17 tháng. Từ đầu năm tới nay, đồng rupee Ấn Độ đã giảm 13% và đạt mức thấp kỷ lục vào ngày 12/09.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, giá gạo tham khảo 5% tấm tăng lên 400- 405 USD/tấn từ mức 397- 403 USD/tấn vào tuần trước do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu gia tăng. "Philippines đã thông báo kế hoạch mua thêm 133.000 tấn, trong khi nguồn cung đang cạn dần", một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11/9 đến ngày 13/9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khuyến khích khu vực Mekong thành lập một hiệp hội các nước xuất khẩu gạo.
Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm ít thay đổi đạt mức 390- 393 USD/tấn, (FOB) Bangkok, so với mức 385- 393 USD của tuần trước do hoạt động vẫn chậm.Cho tới giữa tháng 9, Thái Lan đã xuất khẩu 7,65 triệu tấn gạo, theo số liệu mới nhất của Bộ thương mại. Nhu cầu từ Philippines và Indonesia dự kiến sẽ tăng trong những tuần tới do thiên tai gần đây ở hai nước này.
Tại Bangladesh, nước nhập khẩu nhiều gạo trong năm ngoái sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng, đã mua hơn 1,1 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay để xây dựng dự trữ quốc gia, sau khi sản lượng ngũ cốc tăng trở lại.

Nguồn: Vitic/Reuters

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710666675