Thứ sáu, 19-4-2024 - 4:57 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Mỹ và EU dọa áp thuế lẫn nhau 

 Thứ năm, 15-3-2018

AsemconnectVietnam -  Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hôm 11/3 đã tiếp tục kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) gỡ bỏ ngay các hàng rào thương mại mà họ áp đặt với các sản phẩm của Mỹ để đổi lấy việc ông Trump không áp thuế mới đối với thép và nhôm của khối liên minh này.Quyết định của Tổng thống Trump có khả năng làm bùng nổ cuộc chiến thương mại.

Áp thuế lẫn nhau

Tổng thống Trump đưa ra lời kêu gọi trên sau khi các vòng đàm phán giữa EU và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong nỗ lực giảm thang căng thẳng về thương mại giữa hai bên. Phía EU nói rằng, Mỹ đã không thể nói rõ về việc liệu châu Âu và Nhật Bản có được loại khỏi danh sách áp thuế thép và nhôm mới hay không.
"EU, các quốc gia tuyệt vời đang ứng xử rất tồi với nước Mỹ về lĩnh vực thương mại, đang phàn nàn về thuế áp với thép và nhôm" - Tổng thống Trump nói - "Nếu họ từ bỏ các hàng rào thuế áp đặt với các sản phẩm của Mỹ, chúng ta cũng sẽ làm tương tự".

Quyết định của Tổng thống Trump trong việc áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu là đòn công kích khó chịu đối với EU, cùng với một số đối tác lớn khác gồm Nhật Bản. Hiện Bộ trưởng Kinh tế nhật Hiroshige Seko cũng đang tham dự các vòng đàm phán ở Brussels.
"Với tư cách các đối tác an ninh lâu dài của Mỹ, EU và Nhật Bản nhấn mạnh rằng, chúng tôi kỳ vọng hàng xuất khẩu của EU và Nhật đến Mỹ sẽ được loại khỏi danh sách áp đặt thuế quan mới" - một tuyên bố mà EU đưa ra nêu rõ.

Brussels hiện nay đã thể hiện rõ phản ứng của họ trước các biện pháp áp thuế gây sốc của Washington, công bố một danh sách các mặt hàng của Mỹ dự kiến sẽ bị áp thuế như một hình thức trả đũa. Trong lúc công bố các biện pháp đáp trả trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng phản đối quyết định của Tổng thống Trump.
Ông Lighthizer, một người ủng hộ quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, không đưa ra bình luận nào sau các cuộc đàm phán ở Brussels, dù cả ba bên đã nhất trí về hàng loạt các bước đi sắp tới nhằm giải quyết vấn đề thừa nguồn cung thép trên toàn thế giới.

Các thỏa thuận này được giới ngoại giao châu Âu đánh giá là tia sáng le lói trong việc giải quyết tranh chấp vấn đề thương mại giữa cựu lục địa với phía Mỹ.
Mỹ quay lưng với các đối tác
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ lên đến đỉnh điểm, EU đã loại bỏ khả năng đạt được bước đột phá trong các vòng đàm phán ở Brussels. Phó Chủ tịch EC, Jyrki Katainen, nói rằng đây chỉ là một cuộc thảo luận thông thường nhằm giảm bớt căng thẳng chứ không được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được vấn đề.

Được biết, ngoài sản phẩm thép xuất khẩu của Mỹ, danh sách các mặt hàng sắp bị áp thuế mà EU đưa ra nhằm trả đũa Mỹ còn bao gồm nhiều sản phẩm khác như bơ lạc, rượu Bourbon và quần jean.
Đức - quốc gia bị Tổng thống Trump chỉ đích danh trong quyết định áp thuế mới - đã cáo buộc chính quyền Washington đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ, gọi việc áp đặt các hàng rào thuế quan mới của họ là "quay lưng với các đối tác thân cận".

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng "không một ai giành chiến thắng trong một cuộc đua đi xuống dốc", trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Tổng thống Trump có khả năng khuấy động một "cuộc chiến thương mại" đầy hủy diệt.

Tổng thống Trump cho rằng các hàng rào thuế mới, sẽ có hiệu lực 15 ngày kể từ sau khi ông chính thức đặt bút ký vào hôm thứ Năm tuần trước - ban đầu sẽ không được áp dụng với Canada và Mexico. Ông cũng loại Australia ra khỏi danh sách các nước bị áp thuế vì nước này có liên quan tới một "thỏa thuận an ninh" mà ông chưa nêu rõ chi tiết.

Tổng thống Trump cũng trực tiếp chỉ vào Đức - nền kinh tế lớn nhất trong khối EU - khi cáo buộc Berlin đang đóng góp cho ngân sách quốc phòng của NATO ít hơn so với Mỹ.
Tổng giá trị các mặt hàng thép xuất khẩu của EU sang Mỹ đạt 5 tỷ Euro mỗi năm, và đối với sản phẩm nhôm là khoảng 1 tỷ Euro. Ủy ban châu Âu, nhánh thực thi của EU, ước tính rằng các hàng rào thuế quan mà Tổng thống Trump áp đặt có thể khiến họ mất đi khoản tiền 2,8 tỷ Euro mỗi năm.

Brussels hiện cũng đang muốn đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép của họ, trong đó bao gồm việc hạn chế nhập khẩu thép và nhôm vào toàn khối EU để tránh việc nguồn cung cấp của nước ngoài tràn ngập thị trường châu Âu - điều được cho phép theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nguồn: Moit.gov.vn

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710705744