Thứ tư, 24-4-2024 - 10:22 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hải Dương phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp hỗ trợ vào năm 2030 

 Thứ tư, 30-11-2022

AsemconnectVietnam - Theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu có khoảng 340 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp.

Theo đó Mục tiêu Đề án đưa ra: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ để góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2025, Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với các mục tiêu: GRDP bình quân đầu người ≥ 5.000 USD, tỷ trọng Nông – Lâm- Thủy sản (NLTS) trong GRDP ≤ 15% ; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP ≥ 35% ; tỷ lệ đóng góp TFP trong tăng trưởng kinh tế ≥ 35% tỷ trọng lao động NLTS trong tổng số lao động ≤ 25% ; tỷ lệ lao động qua đào tạo ≥ 80% ; tỷ lệ dân số thành thị ≥ 40% ; chỉ số phát triển con người ≥ 0,75%.
Đề án cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, doanh nghiệp lắp ráp lớn để dẫn dắt phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, làm nền tảng bước đầu tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó:
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ: Hải Dương ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương, như: các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, rô bốt công nghiệp; các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị điều khiển; cảm biến các loại; các loại động cơ thế hệ mới…
Đối với công nghiệp công nghệ cao: Tỉnh Hải Dương ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo Danh mục công nghệ cao ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương và Danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao, như: công nghệ rô-bốt, vật liệu tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối...
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương có khoảng 340 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, các doanh nghiệp lắp ráp lớn mang lại giá trị kinh tế cao; đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 580 doanh nghiệp.
Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ tiên tiến, công nghiệp công nghệ mới, công nghiệp công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân 15,4%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3% GRDP; quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 2 lần so với năm 2015; cơ cấu tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo tăng từ 92,9% năm 2015 lên 94,5% năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 288.217 tỷ đồng. Công nghiệp Hải Dương đã phát huy được những thế mạnh và lợi thế của tỉnh, từng bước khẳng định Hải Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước, trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc. GRDP công nghiệp, xây dựng tỉnh Hải Dương đạt 75.664 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể: GRDP ngành công nghiệp, xây dựng của Hà Nội 220.320 tỷ đồng, Bắc Ninh 117.503 tỷ đồng, Quảng Ninh 99.564 tỷ đồng, Hải Dương 75.664 tỷ đồng, Bắc Giang 62.759 tỷ đồng, Thái Nguyên 60.420 tỷ đồng, Hải Phòng 57.698 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 54.875 tỷ đồng, Hưng Yên 31.727 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp GRDP của ngành công nghiệp, xây dựng tỉnh đứng thứ 3 của khu vực (Bắc Ninh 74,7%, Hải Dương 59,1%, Bắc Giang 57,6%, Thái Nguyên 57%, Quảng Ninh 50,4%, Vĩnh Phúc 46,1%, Hưng Yên 34%, Hải Phòng 34%, Hà Nội 22,7%).
Tổng số vốn sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp đạt hơn 194.800 tỷ đồng, chiếm 61% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh (vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp đạt 7,2 tỷ USD, chiếm tới 91,5% tổng số vốn FDI được cấp phép).
Tỷ lệ vốn cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm khoảng 93%; ngành 3 công nghiệp khai khoáng 0,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước 5,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác, nước thải chiếm 1,6%. Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh cơ bản đã hình thành trong 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày (toàn tỉnh hiện có khoảng 152 cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ) ... Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 10,6%/năm, chiếm tỷ trọng 19,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đáp ứng một phần cho nhu cầu sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (80% tổng số các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50 tỷ đồng).
Toàn ngành chỉ có 165 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn từ 200 tỷ đồng trở lên, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Các doanh nghiệp quy mô vốn lớn này tập trung chủ yếu tại các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, luyện kim và điện, điện tử. So với các tỉnh lân cận, vốn sản xuất kinh doanh trung bình trên mỗi doanh nghiệp công nghiệp của Hải Dương vẫn đang ở mức thấp (đứng thứ 6 trong khu vực); cụ thể vốn sản xuất kinh doanh trung bình trên mỗi doanh nghiệp công nghiệp: Bắc Ninh 295 tỷ đồng, Quảng Ninh 204 tỷ đồng, Bắc Giang 158 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 142 tỷ đồng, Hải Phòng 132 tỷ đồng, Hải Dương 100 tỷ đồng, Hưng Yên 57 tỷ đồng.
Giá trị tài sản cố định trung bình trên mỗi doanh nghiệp công nghiệp (đứng thứ 7 trong khu vực): Thái nguyên 177 tỷ đồng, Bắc Ninh 122 tỷ đồng, Hải Phòng 84 tỷ đồng, Hưng Yên 66 tỷ đồng, Quảng Ninh 64 tỷ đồng, Bắc Giang 46 tỷ đồng, Hải Dương 44 tỷ đồng. Quy mô vốn FDI được cấp phép vào ngành công nghiệp theo lũy kế các dự án còn hiệu lực với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng như Bắc Bộ, tỉnh Hải Dương đã thu hút được nguồn vốn FDI ở mức cao, đứng thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và thứ 5 trong khu vực miền Bắc (Bắc Ninh 17.563 triệu USD, Hải Phòng 14.179 triệu USD, Hà Nội 10.297 triệu USD, Thái Nguyên 7.074 triệu USD, Hải Dương 7.059 triệu USD, Vĩnh Phúc 5.079 triệu USD, Bắc Giang 4.480 triệu USD, Hưng Yên 4.378 triệu USD, Quảng Ninh 4.335 triệu USD).
Mặc dù chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các doanh nghiệp lắp ráp của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp… Sơ khai hình thành mối liên kết sản xuất giữa các cơ sở sản xuất CNHT trong tỉnh với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp lắp ráp lớn trong nước.
Nguồn: moit.gov.vn
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710826417