Thứ bảy, 20-4-2024 - 18:21 GMT+7  Việt Nam EngLish 

CPTPP: Nhiều cơ hội, không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam 

 Thứ hai, 17-12-2018

AsemconnectVietnam - Sáng 15/12 tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ đại hội của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ khu vực phía Nam đã diễn ra hội thảo “Hội nhập quốc tế, các hiệp định FTA song phương và đa phương, CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.”

Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung cam kết cơ bản trong CPTPP và ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng DN, cũng như chia sẻ các khó khăn thách thức mà DN phải đối mặt, đồng thời làm thế nào để có thể khai thác tốt các cơ hội mang lại.
Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với 100% đại biểu có mặt tán thành. Như vậy, với quyết định của Quốc hội, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP - một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
Cho đến nay các nước CPTPP đang chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và chiếm khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam nên sẽ tạo ra thị trường lớn về thương mại cho Việt Nam. Ngoài ra các nước CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, sẽ tạo điều kiện cho các dòng vốn FDI cũng như đầu tư gián tiếp thông qua hoạt động mua cổ phần, mua bán sáp nhập tiếp tục có cơ hội tăng trưởng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên hiệp quốc cho biết - tham gia CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. CPTPP cũng nhằm thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn nào. CPTPP cũng sẽ thúc đẩy quá trình cải cách trong nước của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, song cũng gia tăng cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước.
CPTPP sẽ có hiện lực từ ngày 30/12/2018 với những nước đã thông qua trong đó có Việt Nam là nước thứ 7 đã thông qua sau Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia, New Zealand và Canada. Từ phía Quốc hội Việt Nam khi thực thi CPTPP cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản gồm: 8 luật, 4 Nghị định của Chính phủ, kiến nghị ban hành 7 văn bản mới- Tiến sĩ Doanh cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi tham gia CPTPP cũng không phủ nhận thách thức mà các DN Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là DN nhỏ và vừa sẽ là rất lớn khi hàng hóa DN nước ngoài xâm nhập thị trường nội địa. Hơn nữa, khả năng thích nghi của các DN Việt với nền kinh tế thị trường còn kém nên những thách thích, khó khăn ngay tại sân nhà cũng vì thế mà tăng cao. Ngoài ra, đó còn là thách thức liên quan đến năng lực cạnh tranh, quản trị điều hành, liên quan đến minh bạch, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực - Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Thời gian thực thi CPTPP đã cận kề, để hưởng các lợi thế từ hiệp định trên, nhiều DN đang gấp rút tìm cách đáp ứng được các điều kiện đi kèm là chất lượng, xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất, lao động, môi trường. Đây cũng là cơ hội để các DN, các tỉnh, thành thu hút đầu tư nước ngoài với ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, rộng thị trường xuất khẩu.
Hơn bao giờ hết các DN Việt cần phải nhanh chóng tiếp cận, tìm hiểu rõ điều khoản của CPTPP để đánh giá được cơ hội và thách thức với chính ngành nghề của mình, DN của mình, từ đó có những chiến lược, giải pháp phù hợp trong cạnh tranh, khai thác được các cơ hội mà CPTPP mạng lại.

Nguồn: Báo Công Thương

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710743742