Thứ tư, 24-4-2024 - 12:4 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Hiệp định TPP sửa đổi có hiệu lực trong vòng vài tháng tới 

 Thứ năm, 20-9-2018

AsemconnectVietnam - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sửa đổi có thể có hiệu lực vào dịp Giáng sinh năm nay, thúc đẩy hoạt động thương mại giữa 11 quốc gia thành viên thuộc vùng lòng chảo Thái Bình Dương.

New Zealand có kế hoạch trở thành một trong sáu nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định toàn diện và tiến bộ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP sẽ xóa bỏ nhiều rào cản và tiêu chuẩn hóa các quy tắc từ đầu tư tới lao động giữa nhóm nước chiếm 14% thương mại thế giới.
Ba nước - Nhật Bản, Mexico và Singapore - đã phê chuẩn CPTPP còn Australia, Chile và New Zealand đã ra thông báo sẽ sớm thông qua.
"Chúng tôi hy vọng New Zealand sẽ thông qua hiệp định này vào cuối năm nay hoặc muộn nhất là vào đầu năm tới", Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nói.
Dự thảo sửa đổi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có những thay đổi cần thiết để New Zealand có thể phê chuẩn. Hiệp định này đang được Ủy ban Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại thuộc Quốc hội New Zealand xem xét.
Một trong những thành viên của Ủy ban và là người đưa ra những sửa đổi đối với TPP khi Đảng Quốc gia nắm quyền, ông Todd McClay, cho biết, Đảng Quốc gia mà ông là thành viên luôn ủng hộ việc phê chuẩn CPTPP. "Đảng Quốc gia đối lập sẽ làm việc rất tích cực để đảm bảo điều đó xảy ra. Chính phủ có đủ thời gian để thuyết phục Quốc hội thông qua CPTPP đúng kế hoạch".
Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh doanh quốc tế Stephen Jacobi cho biết TPP sửa đổi có hiệu lực là một ví dụ thành công nữa về các hiệp định thương mại đa quốc gia. "Thực tế của thương mại quốc tế ngày nay - thông qua chuỗi giá trị toàn cầu bao trùm nhiều khu vực, nhiều quốc gia cung cấp các thành phẩm tạo thành sản phẩm - là một logic các phương pháp tiếp cận đa phương. Tôi hy vọng rằng xu hướng tập trung hiện tại vào hiệp định song phương và chủ nghĩa bảo hộ sẽ nhường chỗ cho một xu hướng đa phương hơn".
Một số quốc gia hiện đang bày tỏ ý định tham gia TPP-11.
Colombia đã đưa ra đề nghị chính thức xin gia nhập CPTPPP còn Thái Lan và Hàn Quốc đã thực hiện các bước tìm hiểu đầu tiên. Vương quốc Anh cũng đã bày tỏ sự quan tâm tới CPTPP sau khi quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu.
Ông Jacobi khẳng định sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - đã thúc đẩy các quốc gia khác tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách xin gia nhập TPP. "Đây là một công cụ thực tế thúc đẩy tự do hóa thương mại, ngay cả sau khi Mỹ đã rút đi. Những hiệp định thực tế, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng thương mại và tạo dựng các quy tắc thương mại tốt hơn sẽ luôn được xem xét rất nghiêm túc".
Tuy nhiên, ông Jane Kelsey, giáo sư luật ở Đại học Auckland, cho rằng Chính phủ New Zealand vẫn có thể bị các nhà đầu tư Nhật Bản và Canada kiện bất chấp lời tuyên bố của các nước CPTPP về việc xóa bỏ các quy định giải quyết tranh chấp của nhà đầu tư (ISDS)."Chúng ta có một vấn đề rất nghiêm trọng là ISDS không trở thành điều khoản chính thức trong CPTPP và khi có tranh chấp xảy ra thì quá trình giải quyết tranh chấp sẽ rất phức tạp. Các điều khoản bị đình chỉ theo TPP ban đầu, chủ yếu liên quan đến yêu cầu của Mỹ về các vấn đề như sở hữu trí tuệ, bản quyền và dược phẩm có thể được kích hoạt trở lại mà không cần bất kỳ sự giám sát của Nghị viện nước nào”.

Long Giang
Nguồn: Vitic/radionz.co.nz
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710828738