Thứ tư, 24-4-2024 - 18:20 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp, phân tích hiệp định CPTPP trong tháng 7/2018 

 Thứ ba, 31-7-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 7/2018, tin tức phân tích hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khá sôi động.

Các nước CPTPP bắt đầu đàm phán gia nhập cho các thành viên mới 
Kyodo đưa tin ngày 19/7, các trưởng đoàn đàm phán thuộc 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhất trí khởi động tiến trình đàm phán gia nhập cho các thành viên tiềm năng mới vào năm 2019, sau khi hiệp định thương mại tự do này có hiệu lực.
Trong hai ngày nhóm họp từ ngày 18/7 ở khu nghỉ dưỡng Hakone gần thủ đô Tokyo, các nhà đàm phán kiểm tra tiến độ thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, và thảo luận việc mở rộng trong tương lai khuôn khổ Hiệp định này.
Phát biểu với báo giới sau phiên họp, ông Kazuhisa Shibuya, quan chức cấp cao trong chính phủ Nhật Bản phụ trách CPTPP cho biết: “Chúng ta cần sớm khởi động các thủ tục sau khi hiệp định có hiệu lực.”
Theo ông, trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên Hiệp định có thể sẽ gặp nhau lần nữa trong trước cuối năm nay.
CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước.
Mexico và Nhật Bản đã kết thúc quá trình phê chuẩn, trong khi 4 nước gồm Singapore, New Zealand, Australia và Việt Nam, có khả năng sẽ kết thúc quá trình này vào cuối năm nay.
Thái Lan, Indonesia, Colombia, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được cho là sẵn sàng gia nhập TPP sửa đổi.
Anh, quốc gia quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc tham gia hiệp định này.
 
Nhật Bản trở thành nước thứ hai phê chuẩn CPTPP
Ngày 6/7/2018, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ hai phê chuẩn hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này có thể có hiệu lực vào đầu năm 2019 sau khi 6 nước trong tổng số 11 quốc gia thành viên tham gia ký kết hiệp định đã phê chuẩn. Động thái này diễn ra vào cùng ngày Mỹ và Trung Quốc đưa ra các hành động leo thang trong cuộc chiến thương mại, gây tổn hại cho người nông dân Mỹ, có khả năng làm tăng thêm khó khăn cho tình hình kinh tế hiện nay.
Một tuyên bố chung của Hiệp hội lúa mỳ Mỹ (USW) và Hiệp hội người trồng lúa mỳ quốc gia (NAWG) cho rằng việc thực hiện CPTPP không có Mỹ là một “quả bom phá hủy hơn 60 năm thành quả khó khăn của nhiều thế hệ các gia đình nông dân Mỹ nhằm phát triển một thị trường lớn và trung thành với lúa mỳ Mỹ ở Nhật Bản”.
Canada và Australia là các đối thủ cạnh tranh lớn của Mỹ ở thị trường lúa mỳ Nhật Bản, cũng là các bên tham gia hiệp định CPTPP. Điều này đồng nghĩa với việc khi CPTPP có hiệu lực, nông dân trồng lúa mỳ ở Mỹ sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng ở thị trường xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ hai của Mỹ này.
Khi được thực thi, hiệp định này sẽ làm giảm mức thuế nhập khẩu mà các nhà xay xát bột mỳ Nhật Bản phải chi trả cho lúa mỳ nhập khẩu của Australia và Canada từ khoảng $150/tấn xuống còn $85/tấn trong khi mức thuế nhập khẩu đối với lúa mỳ nhập khẩu từ Mỹ sẽ vẫn ở mức khoảng $150/tấn.
Các nguồn tin từ ngành công nghiệp xay xát Nhật Bản cho biết sự chênh lệch về mức thuế nhập khẩu này sẽ buộc họ phải bắt đầu tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho lúa mỳ nhập khẩu từ Mỹ và cắt giảm hơn một nửa tổng lượng lúa mỳ nhập khẩu từ nước này - từ khoảng 3,1 triệu xuống còn 1,35 triệu tấn mỗi năm hoặc ít hơn. Nếu không có gì thay đổi, khi biểu thuế quan của hiệp định này được thực hiện đầy đủ, các nông dân trồng lúa mỳ và thương nhân lúa mỳ Mỹ về cơ bản sẽ mất đi khoản doanh thu 500 triệu USD cho nông dân Australia và Canada mỗi năm.
"Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ có đủ thẩm quyền để tránh một thảm họa không cần thiết và tốn kém," USW và NAWG khẳng định.
USW và NAWG đang kêu gọi Chính quyền Trump chấm dứt mối đe dọa này bằng cách thực hiện các bước đi táo bạo nhưng cần thiết để tái gia nhập CPTPP hoặc tham gia đàm phán song phương. "Chúng tôi thấy không có cách nào khác để ngăn chặn một tình huống mà chúng tôi tin rằng sẽ cắt giảm doanh thu từ lúa mỳ hơn nữa".
CPTPP: Các nhà đầu tư có khả năng kiện Chính phủ
Tháng 3/2018, tại thủ đô Santiago, Chile, 11 nước (bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) trong số 12 quốc gia thành viên hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ký kết hiệp định tiến bộ và toàn diện đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mỹ đã chính thức rút khỏi TPP vào tháng 1/2017 và do đó không phải là thành viên của CPTPP.
Ủy ban Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại thuộc Quốc hội New Zealand hiện đã hoàn thành việc rà soát CPTPP và cho rằng hiệp định này sẽ được thực hiện thông qua một dự luật. Tuy vậy, những lo ngại liên quan đến các điều khoản giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư (ISDS) - điểm tranh luận chủ yếu với các nhóm phản đối TPP ban đầu - sẽ như thế nào?
Liệu các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể kiện Chính phủ New Zealand?
Các nhà chỉ trích TPP từng tuyên bố TPP sẽ làm suy yếu chủ quyền của New Zealand bằng cách hạn chế khả năng điều tiết của Chính phủ vì lợi ích công cộng. Tân Bộ trưởng Thương mại và Xuất khẩu New Zealand, ông Hon David Parker, đã tìm cách đạt được thêm các nhượng bộ trong CPTPP - dựa trên kế hoạch của Bộ trưởng tiền nhiệm - để bảo vệ khả năng các Chính phủ được điều tiết lợi ích công cộng ngay cả khi những hành động đó có thể có ảnh hưởng xấu đến một khoản đầu tư cụ thể. Kết quả cuối cùng là CPTPP tiếp tục trao quyền cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các phương tiện giải quyết các tranh chấp hợp pháp thông qua các điều khoản của ISDS nhưng với phạm vi hẹp hơn nhiều.
Tuy vậy, những sửa đổi này cũng có hiệu ứng làm giảm sự bảo hộ dành cho đầu tư nước ngoài của các nước CPTPP. Các nhà đầu tư New Zealand sẽ không thể sử dụng ISDS mà phải áp dụng các lộ trình giải quyết tranh chấp khác, chẳng hạn như hệ thống pháp luật trong nước của nước sở tại để giải quyết các tranh chấp có thể nảy sinh.
Các điều khoản bị đình chỉ
CPTPP thu hẹp phạm vi của các điều khoản ISDS bằng cách:
Đình chỉ một số điều khoản ISDS ban đầu trong TPP để không thể được thực hiện theo hiệp định mới cho bất kỳ của 11 quốc gia nào. Các điều khoản bị đình chỉ đòi hỏi phải có sự đồng ý của tất cả các bên tham gia CPTPP trước khi được áp dụng trở lại;
Điều khoản bị tạm dừng
Các điều khoản cho phép khiếu nại về các thỏa thuận đầu tư và ủy quyền đầu tư, cũng như tiêu chuẩn tối thiểu về các dịch vụ tài chính đã bị đình chỉ.
Trong Chương Đầu tư của CPTPP, các điều khoản cho phép khiếu nại các thỏa thuận đầu tư và ủy quyền đầu tư (hợp đồng đầu tư) cũng như các điều khoản về tiêu chuẩn tối thiểu về dịch vụ tài chính đã bị đình chỉ. Điều này có nghĩa là các công ty tư nhân tham gia hợp đồng đầu tư với Chính phủ New Zealand sẽ không thể sử dụng các điều khoản ISDS làm căn cứ để giải quyết tranh chấp (nếu có) về hợp đồng đó.
Các điều khoản trong TPP sẽ yêu cầu các Chính phủ thực hiện các cải cách hành chính mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp dược phẩm đã bị đình chỉ. Các điều khoản sở hữu trí tuệ cũng đã bị đình chỉ, có nghĩa là New Zealand không cần gia hạn thời hạn bản quyền từ 50 năm lên 70 năm. Điều này giúp cắt giảm một khoản chi phí đáng kể cho New Zealand.
Các thỏa thuận song phương và tuyên bố chung
New Zealand cũng đã ký các thỏa thuận song phương với Brunei, Malaysia, Peru, Việt Nam và Australia để công dân các nước này hạn chế việc áp dụng các điều khoản ISDS. Kết quả là các nhà đầu tư từ:
Australia và Peru không có quyền áp dụng các điều khoản ISDS chống lại Chính phủ New Zealand và Brunei, Malaysia và Việt Nam trước tiên sẽ phải cố gắng giải quyết mọi tranh chấp với Chính phủ New Zealand thông qua tham vấn và đàm phán (bao gồm cả các giai đoạn hòa giải). Nếu tranh chấp không thể được giải quyết trong vòng 6 tháng thông qua tư vấn và đàm phán, nhà đầu tư có thể nộp đơn xin sự chấp thuận của Chính phủ New Zealand để bắt đầu các thủ tục tố tụng theo các điều khoản ISDS. Nếu Chính phủ New Zealand từ chối chấp thuận sự đồng ý thì Chính phủ của nước nhà đầu tư có thể yêu cầu tiến hành tham vấn ở cấp Chính phủ.
Các thỏa thuận song phương trên với 5 nước thành viên CPTPP hạn chế việc sử dụng các điều khoản ISDS có nghĩa là chỉ các nhà đầu tư từ Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico và Singapore mới có thể sử dụng các thủ tục ISDS khiếu kiện Chính phủ New Zealand mà không có thêm bất kỳ ràng buộc nào. Điều này đặc biệt quan trọng khi 5 quốc gia nêu trên chiếm hơn 80% vốn đầu tư nước ngoài vào New Zealand.
Tuy nhiên, New Zealand, Canada và Chile đã ban hành một tuyên bố chung khẳng định quyền của mỗi quốc gia được ban hành các quy định trong lãnh thổ nước mình cho phù hợp với các mục tiêu chính sách hợp pháp về an toàn, sức khỏe, môi trường, đạo đức công cộng, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy và bảo vệ sự đa dạng văn hóa.
Vậy Chính phủ New Zealand có thể bị kiện vì điều gì?
Cũng giống như TPP, các điều khoản ISDS chỉ áp dụng cho Chương đầu tư của CPTPP. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể sử dụng ISDS để khiếu kiện các quyền và nghĩa vụ của nước sở tại trong Chương đầu tư. Mục đích là để cung cấp cho các nhà đầu tư một công cụ bảo vệ các khoản đầu tư của họ khỏi các hành động bất công của Chính phủ nước sở tại.
Một nhà đầu tư nước ngoài bây giờ chỉ có thể bắt đầu các thủ tục chống lại Chính phủ New Zealand nếu nhà đầu tư có thể chỉ ra Chính phủ New Zealand đã vi phạm một trong số các nghĩa vụ nêu trong Chương đầu tư. Các nghĩa vụ của Chương đầu tư bao gồm:
Không chiếm dụng tài sản mà không được bồi thường;
Không phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch (trừ trường hợp ngoại lệ được áp dụng);
Không xử lý các khoản đầu tư theo cách áp dụng các nguyên tắc luật quốc tế thông thường về đối xử công bằng, bảo vệ an ninh đầy đủ.
Trong khi CPTPP đã đề ra các sửa đổi bổ sung cho các điều khoản ISDS ban đầu trong TPP thì cũng cần lưu ý rằng TPP đã có một số biện pháp bảo vệ khả năng của Chính phủ trong việc quản lý lợi ích công cộng và tiếp tục được đề cập trong CPTPP bao gồm:
Các khiếu nại theo ISDS phải được đệ trình trong vòng 3,5 năm sau khi tranh chấp xảy ra;
Trong giai đoạn đầu, các nhà đầu tư phải tham gia tư vấn và đàm phán để cố gắng giải quyết khiếu nại với Chính phủ New Zealand;
Bất kỳ phản đối sơ bộ nào từ Chính phủ New Zealand, ví dụ: rằng yêu cầu chưa đến mức đòi hỏi sự tham gia của tòa án thì tranh chấp phải được giải quyết ở cấp độ trọng tài để giảm chi phí;
Ngoài ra còn có các điều khoản mở phiên điều trần trước công chúng và cho phép các tòa án chấp nhận các đệ trình từ các chuyên gia và công chúng;
Chính phủ New Zealand không thể bị kiện vì các biện pháp pháp lý liên quan đến giáo dục công cộng, y tế, các dịch vụ xã hội và các quyết định theo Luật Đầu tư nước ngoài và có một điều khoản cho phép Chính phủ New Zealand loại trừ các khiếu kiện dựa trên ISDS đối với các biện pháp kiểm soát thuốc lá.
Ngoài ra, TPP và bây giờ là CPTPP cũng duy trì hiệu lực của hiệp ước Waitangi. New Zealand là quốc gia duy nhất có sự công nhận cụ thể về các dân tộc bản địa của mình trong TPP và điều này tiếp tục trong CPTPP. Không có điều nào trong hiệp định này sẽ ngăn cản Chính phủ New Zealand thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với người thiểu số Maori và New Zealand sẽ được miễn trừ khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp khi thực hiện các nghĩa vụ này.
TTP và CPTPP duy trì hiệu lực của hiệp ước Waitangi.
Các bước tiếp theo là gì?
CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất sáu nước trong CPTPP đã hoàn thành thủ tục pháp lý trong nước và thông báo cho quốc gia lưu ký (New Zealand) về điều này.
New Zealand đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia đầu tiên hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước. Điều này cũng có nghĩa là cần nhanh chóng tiến hành sửa đổi các luật lệ để đáp ứng tuân thủ các nghĩa vụ trong CPTPP. Chính phủ New Zealand dự định đệ trình các dự luật sửa đổi lên Quốc hội vào cuối năm nay để có thể phê chuẩn CPTTP trước cuối năm 2018.
Điều thú vị là, Ủy ban đã được Bộ Ngoại giao và Thương mại thông báo là Chính phủ New Zealand sẽ không đưa các điều khoản ISDS vào các hiệp định thương mại trong tương lai.
Singapore trở thành nước thứ 3 phê chuẩn thỏa thuận CPTPP  
Kyodo đưa tin Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore thông báo ngày 19/7, nước này đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sửa đổi (CPTPP), trở thành nước thứ 3 trong số 11 quốc gia phê chuẩn thỏa thuận này.
Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing nêu rõ: "Trái với bối cảnh căng thẳng thương mại và tâm lý chống toàn cầu hóa hiện nay, CPTPP (TPP sửa đổi) đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi với tự do hóa thương mại và một hệ thống thương mại dựa trên những quy tắc."
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Chan Chung Sing, Đảo quốc Sư tử hoan nghênh những nước khác có cùng chí hướng gia nhập thỏa thuận thương mại tự do này sau khi nó có hiệu lực.
Các nhà đàm phán CPTPP thảo luận về cấu trúc trong tương lai  
Theo Kyodo, trong bối cảnh quan ngại về một cuộc chiến thương mại, các trưởng đoàn đàm phán tới từ 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 18/7 đã nhóm họp tại thị trấn Hakone gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định.
Trong cuộc họp kéo dài tới ngày 19/7 tại thị trấn có suối nước nóng thuộc tỉnh Kanagawa, các nhà đàm phán cũng sẽ thảo luận về cách tiếp nhận các quốc gia muốn gia nhập hiệp định thương mại tự do mà Mỹ đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump này.
Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto phát biểu mở đầu cuộc họp: "Chúng ta có thể mong chờ hiệp định sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới." Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất sáu quốc gia hoàn tất các thủ tục trong nước.
Hồi đầu tháng, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ hai sau Mexico hoàn tất các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định chiếm 13% nền kinh tế thế giới cũng như 15% giá trị thương mại toàn cầu. Singapore và New Zealand dự kiến sớm hoàn tất thủ tục trong nước. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia và Colombia là các nước muốn gia nhập CPTPP./.
 
Việt Nam cùng các nước thúc đẩy Hiệp định CPTPP sớm có hiệu lực 
Ngày 18/7, trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhóm họp tại Hakone, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, nhằm thúc giục các quốc gia còn lại nhanh chóng hoàn tất các thủ tục trong nước để CPTPP sớm có hiệu lực, đồng thời trao đổi việc mở rộng các nước tham gia hiệp định.
Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị là Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Lương Hoàng Thái.
Phát biểu mở đầu hội nghị, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto bày tỏ mong muốn CPTPP sẽ sớm có thể phát huy hiệu lực vào đầu năm tới.
Theo quy định thống nhất giữa các quốc gia, CPTPP sẽ bắt đầu có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 nước tham gia hiệp định này hoàn thành thủ tục thông qua trong nước.
Cùng với Nhật Bản, Mexico, các quốc gia như Singapore, New Zealand khả năng cao sẽ hoàn thành các thủ tục thông qua trong nước vào năm nay.
Cuộc họp cũng thảo luận về gói thủ tục liên quan tới quốc gia mới muốn tham gia CPTPP, sau khi hiệp định này có hiệu lực. Hiện tại các nước như Thái Lan, Colombia... được cho đang có nguyện vọng tham gia.
Ngoài ra, các trưởng đoàn đàm phán sẽ bàn về việc thành lập một ban thư ký sau khi CPTPP có hiệu lực.
Cuộc họp trưởng đoàn đàm phán các nước tham gia CPTPP sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19/7.
Nhật Bản với vai trò dẫn dắt đã bày tỏ mong muốn mở rộng CPTPP. Nước này đang theo đuổi mục tiêu về thương mại tự do chất lượng cao, chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Ngày 17/7 vừa qua, Nhật Bản đã ký Hiệp định Liên kết kinh tế với Liên minh châu Âu (EPA), một hiệp định thương mại tự do cũng được đánh giá là chất lượng cao./.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710837950