Thứ bảy, 20-4-2024 - 12:57 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 11/2018 

 Thứ sáu, 30-11-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 11/2018, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Mercosur vẫn còn xa vời 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/11 cho biết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đàm phán gần hai thập niên qua vẫn còn xa mới có thể đi đến ký kết nhưng khẳng định ứng cử viên Jair Bolsonaro đắc cử Tổng thống Brazil trong cuộc bầu cử vừa qua cũng sẽ có tác động tới việc tìm kiếm một thỏa thuận chung giữa EU và Mercosur - bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Pháp ủng hộ FTA vì lợi ích chung giữa hai khối.
Hai bên đã đạt nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại trong những tháng qua, song vẫn còn những vướng mắc chưa thể đi đến ký kết văn bản này.
Tổng thống Macron tái khẳng định mong muốn duy trì mối quan hệ liên minh chiến lược quan trọng với Brazil trong khuôn khổ các giá trị dân chủ, đồng thời bày tỏ quan ngại khả năng quan điểm chính trị mới tại Brazil có thể ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Mercosur.
Tổng thống đắc cử Bolsonaro, sẽ nhậm chức vào ngày 1/1/2019 tới, đã có những tuyên bố lịch sử trong chiến dịch tranh cử khi đưa ra quan điểm “Brazil trước tiên.” Do vậy, các kế hoạch trong lĩnh vực thương mại của Brazil, bao gồm cả về Mercosur cho tới thời điểm này vẫn chưa rõ ràng.
Trước đó, nghị sỹ Tereza Cristina, người được chỉ định làm Bộ trưởng Nông nghiệp trong Nội các sắp tới tại Brazil, cho biết Tổng thống đắc cử Bolsonaro sẽ xem xét lại thỏa thuận của khối Mercosur ngay sau khi nhậm chức và có thể sẽ rút lui khỏi tổ chức khu vực đó nếu không có sự thay đổi thực chất.
Đàm phán giữa Mercosur và EU đã được khởi động từ những năm 1990 và bị gián đoạn vào năm 2004. Năm 2010, đàm phán được khởi động lại nhưng diễn ra rất chậm. Đến tháng 5/2016, hai bên đã trao đổi đề xuất đầu tiên về FTA. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở vấn đề xuất khẩu thịt bò và ethanol.
Hàn Quốc và Chile bắt đầu đàm phán sửa đổi FTA sau 15 năm ký kết 
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 28/11 cho biết nước này và Chile đã bắt đầu tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về sửa đổi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước sau 15 năm văn kiện trên được ký kết.
Chile là đối tác FTA đầu tiên của Hàn Quốc. Thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước chính thức có hiệu lực từ năm 2004, mang tới cho Hàn Quốc cơ hội tiếp cận thị trường Chile và đặt nền móng cho Hàn Quốc xúc tiến các hiệp định thương mại với các quốc gia khác ở khu vực Mỹ Latinh. Năm 2016, Hàn Quốc và Chile nhất trí sẽ thảo luận sửa đổi các điều khoản của FTA hiện hành cho phù hợp với những thay đổi trên thị trường, đồng thời cải thiện tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực mới nổi.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang tiến tới giảm các rào cản đối với các mặt hàng gia dụng Hàn Quốc như máy giặt và tủ lạnh, đồng thời bổ sung các điều khoản để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực giải trí.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, kim ngạch thương mại giữa nước này và Chile đã tăng vọt từ mức 1,57 tỷ USD năm 2003 lên 5,33 tỷ USD năm 2017, trong khi đầu tư của Hàn Quốc ở Chile tăng từ 5,5 triệu trong năm 2003 lên 188 triệu USD năm 2015. Hàng hóa Hàn Quốc xuất sang Chile chủ yếu là ôtô và các sản phẩm hóa dầu. Trong khi đó, Chile xuất sang Hàn Quốc đồng, khoáng sản, trái cây và các sản phẩm chăn nuôi.
Philippines và Mỹ lên kế hoạch công bố các cuộc đàm phán thương mại tự do vào tháng 11/2018
Mỹ và Philippines có kế hoạch công bố khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do song phương vào tháng tới khi hai đồng minh tìm cách tăng cường mối quan hệ kinh tế trong bối cảnh có nhiều biến động về quan hệ an ninh.
Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez khẳng định sẽ có cuộc gặp với Đại diện thương mại Mỹ để cùng đưa ra tuyên bố chung về việc bắt đầu các cuộc đàm phán và các vòng đàm phán sẽ bắt đầu sau khi nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Nếu hoàn thành, một hiệp định thương mại tự do với Philippines sẽ là hiệp định thứ hai của Mỹ với một nước Đông Nam Á, sau Singapore.
Động thái hướng tới các cuộc đàm phán thương mại tự do bắt đầu xuất hiện sau khi cả hai bên giải quyết các vấn đề xung quanh Hiệp định khung thương mại và đầu tư, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến thương mại điện tử.
Các cuộc đàm phán, có thể kéo dài từ một đến ba năm, là một phần trong chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump để theo đuổi các hiệp định thương mại song phương chứ không phải đa phương nhằm mục tiêu Mỹ có thể đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể.
Mỹ nằm trong số các đối tác thương mại lớn của Philippines. Trong năm 2017, thương mại song phương đạt khoảng 20 tỷ đô la Mỹ, trong đó Mỹ chịu thâm hụt thương mại 3,2 tỷ đô la Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump tỏ ra rất cứng rắn trong các cuộc đàm phán thương mại nhưng Bộ trưởng Lopez lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận và hy vọng Mỹ sẽ không quá cứng rắn với Phillipines.
Đối với Philippines, một hiệp định thương mại tự do với Mỹ sẽ nâng cấp chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập hiện tại, trong đó Mỹ xem xét các đặc quyền miễn thuế quan cho hơn 3.000 sản phẩm Philippine mỗi 3 năm.
Lợi ích của một FTA với Mỹ là sẽ cung cấp cho Phillipines một tầm nhìn dài hạn hơn khi mối quan hệ thương mại với Mỹ đang có nhiều biến động vì đó là một thỏa thuận thương mại lâu dài hơn".
Phillipines có kế hoạch đàm phán để ngành giày dép và hàng may mặc được miễn thuế theo FTA này, làm sống lại ngành công nghiệp may mặc của Phillipines vốn đã bị giáng một đòn vào năm 1995 sau khi hệ thống hạn ngạch đảm bảo một thị trường xuất khẩu cho Philippine bị xóa bỏ.
Hiện Mỹ đang mong muốn xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp sang Philippines. Điều này phù hợp với các chính sách gần đây của Tổng thống Rodrigo Duterte về tự do hoá nhập khẩu thực phẩm nhằm kiềm chế lạm phát cao.
Philippines đã tránh được phần lớn sự thiệt hại do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây ra và đang hy vọng sẽ trở thành điểm đến cho các công ty châu Á tìm cách tiếp cận thị trường Mỹ. Tuy vậy, bất kỳ cuộc thảo luận nào về hiệp định thương mại tự do song phương sẽ có tác động lớn và Philippines luôn cố gắng cách ly khỏi những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ này.
Cuộc họp của giữa Tổng thống Duterte với Tổng thống Trump vào tháng 11 năm 2017 đã vạch ra đường hướng cho các cuộc đàm phán này.
Philippines đã là một đồng minh mạnh mẽ của Mỹ trong lịch sử và ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tại thời điểm này, hai nhà lãnh đạo của hai nước đang có chung nhiều quan điểm.
FTA song phương có thể giúp xây dựng lại các mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng do những lời chỉ trích của Tổng thống Barack Obama về cuộc chiến chống ma túy mạnh tay của Tổng thống Duterte. Từ đó, Tổng thống Duterte, người đã công khai chỉ trích Tổng thống Obama, đã ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc để có được nhiều lợi ích kinh tế hơn. Nhà lãnh đạo Philippines đã ra lệnh cho quân đội Philippines giảm sự hợp tác với quân đội Mỹ.
Tuy vậy, Phillipines luôn mong muốn một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nước từng đô hộ Phillipines, sẽ không làm tổn hại đến quan hệ với Trung Quốc. Nước này đang áp dụng chính sách Philippines sẽ là bạn của tất cả các nước và không có kẻ thù. Philippines hiện là một thành viên của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, một hiệp định thương mại đa phương ở châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản”.
Chính quyền Tổng thống Trump đã rút ra khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và đàm phán lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico. Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ mới đạt được gần đây với Canada được xem là chiến thắng cho Tổng thống Trump và Mỹ đang có kế hoạch bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản.
New Zealand và Vương quốc Anh thảo luận hiệp định thương mại tự do mới
New Zealand và Vương quốc Anh đang thảo luận hiệp định thương mại tự do mới.Bước đi này củng cố các cam kết hiện có của cả hai nước để bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai sau khi Anh đã rời khỏi EU.
Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox đã hoan nghênh các cuộc thảo luận này và cho rằng điều này sẽ giúp đảm bảo các cuộc đàm phán thương mại có thể bắt đầu sau khi Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 29 tháng 3 năm 2018.
Chính phủ New Zealand đang tìm kiếm quan điểm về một hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh và ngày 23/11/2018 đã đưa ra một khuyến nghị bằng văn bản.
Vương quốc Anh là một trong những người bạn lâu đời nhất của New Zealand và một thỏa thuận thương mại song phương sẽ có nhiều ý nghĩa. Cả hai nước đều có cấu trúc pháp lý tương tự và thỏa thuận thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện nhiều khả năng sẽ đạt được.
New Zealand là quốc gia thứ hai triển khai tham vấn về một hiệp định thương mại tự do mới với Vương quốc Anh. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã đưa ra khuyến nghị tương tự vào tuần trước.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox cho biết New Zealand là một trong những người bạn thân thiết nhất của Anh. Với lịch sử chung rất sâu sắc và cam kết vững chắc về thương mại tự do và công bằng, có thể thấy New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên mà Anh sẽ ký kết thỏa thuận thương mại tự do mới sau khi rời Liên minh châu Âu- thời điểm Vương quốc Anh có vị trí pháp lý để làm như vậy.
New Zealand đang thực hiện các bước đi cần thiết để có thể bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại tự do tham vọng cao phù hợp với thế kỷ 21. Điều này sẽ giúp tạo việc làm ở cả hai quốc gia và cung cấp cho người tiêu dùng sự lựa chọn nhiều hơn ở mức giá thấp hơn, cũng như thu hút các doanh nghiệp Anh đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng.
Kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Anh và New Zealand trị giá 2,72 tỷ bảng Anh năm ngoái với xuất khẩu của Anh tăng 10% so với năm 2016. Một thỏa thuận thương mại tự do mới dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động thương mại này, tạo thêm việc làm và mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn với mức giá thấp hơn.
Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã tổ chức bốn cuộc tham vấn cộng đồng về các hiệp định thương mại tự do mới với Mỹ, Australia và New Zealand, cũng như có khả năng gia nhập vào hiệp định tiến bộ và toàn diện đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các cuộc tham vấn đã kết thúc vào ngày 26 tháng 10 năm 2018 và đã được diễn ra trong thời gian 14 tuần, dài hơn hai tuần so với thời gian Ủy ban châu Âu thường tổ chức các cuộc tham vấn. New Zealand hiện đang phân tích các phản hồi và sẽ công bố phương pháp tiếp cận thỏa thuận thương mại tự do mới này trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.
Canada và Trung Quốc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do 
Ngày 14/11, Trung Quốc và Canada cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cam kết trên được đưa ra sau cuộc đối thoại thường niên lần thứ 3 giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề các hội nghị về hợp tác Đông Á ở Singapore.
Trong cuộc đối thoại này, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh, Canada sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy đàm phán thương mại tự do và khẳng định sẽ không bị chi phối bởi các nước khác về vấn đề này, đồng thời bày tỏ mong muốn hai nước sẽ gửi một thông điệp tích cực cho thế giới biết rằng Canada và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại và ủng hộ thương mại tự do. Trước đó, Thủ tướng Trudeau cũng khẳng định Canada sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá cao mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc, những kết quả trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước thời gian qua và khẳng định, việc tổ chức cuộc họp thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước đã cho thấy mối quan hệ Trung Quốc-Canada được thúc đẩy vững chắc. Trong tình hình hiện nay, chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại đang bị đe dọa, Trung Quốc luôn sẵn sàng hợp tác với Canada để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và hệ thống thương mại tự do, thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi trong thương mại và đầu tư.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những kết quả đạt được mới đây giữa hai nước, ra tuyên bố chung về rác thải nhựa đại dương, thừa nhận tầm quan trọng của việc tái chế để quản lý rác thải nhựa và bảo vệ các đại dương.
Cuộc gặp trên diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Canada và Trung Quốc đã ký kết những thỏa thuận thương mại trị giá 1,67 tỷ CAD (1,26 tỷ USD) tại Triển lãm xuất nhập khẩu quốc tế Trung Quốc, đem đến những cơ hội mới và tạo thêm việc làm có chất lượng cho người dân Canada.
Tại Đối thoại Chiến lược Kinh tế và Tài chính ngày 12/11 vừa qua, hai bên cam kết tăng gấp đôi giá trị buôn bán nông sản vào năm 2025 và tiếp tục thảo luận nhằm hướng tới một thỏa thuận thương mại toàn diện.
Trong năm 2017, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nước đạt gần 94,5 tỷ CAD, chiếm 8,4% tổng giá trị buôn bán hàng hóa của Canada. Canada và Trung Quốc chọn năm 2018 là Năm Du lịch Canada-Trung Quốc, với nhiều sáng kiến nhằm tăng cường du lịch và thúc đẩy các hoạt động văn hóa giữa hai bên.
Ấn Độ đề ra chiến lược mới đàm phán về FTA trong tương lai 
Ấn Độ đang lên kế hoạch thông qua một chiến lược mới về thương lượng các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), ngay cả khi nước này đang tham gia đàm phán với các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Suresh Prabhu cho biết trong khuôn khổ chiến lược mới này, Ấn Độ sẽ thành lập 2 cơ quan độc lập để chuẩn bị một mô hình thương lượng FTA trong tương lai nhằm đảm bảo các lợi ích của nước này, chuẩn bị các dữ liệu có thể được sử dụng trong các cuộc thương lượng. Đây là thay đổi lớn đầu tiên và sẽ là mô hình mới cho tất cả các cuộc thương lượng về FTA."
Bộ trưởng Prabhu nhấn mạnh nước này sẽ thực hiện FTA theo hướng không những mang lại lợi ích cho Ấn Độ và còn mang lại lợi ích cho các nước khác.
Giáo sư Abhijit Das, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thuộc Viện Ngoại thương Ấn Độ, cho rằng các FTA ký trước đây của Ấn Độ có mang lại hiệu quả cho Ấn Độ hay không vẫn là một vấn đề cần thảo luận, song thực tế là nhập khẩu của nước này đã tăng nhiều hơn so với xuất khẩu.
Theo ông Das, việc nhập khẩu các mặt hàng như phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu từ các nước khác đã giúp ngành công nghiệp Ấn Độ tiếp nhận đầu vào với giá cạnh tranh. Vì vậy, không thể nói rằng FTA không mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ấn Độ.
 
Nguồn: Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710737893