Thứ sáu, 19-4-2024 - 8:55 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Tổng hợp tin tức một số hiệp định thương mại tự do trong tháng 9/2018 

 Chủ nhật, 30-9-2018

AsemconnectVietnam - Trong tháng 9/2018, quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy mạnh mẽ.

Mỹ, Nhật Bản khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại song phương 
Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương, qua đó giảm khả năng Washington áp đặt thuế đối với một đối tác thương mại khác.
Theo tuyên bố chung được Nhà Trắng đưa ra sau cuộc hội đàm, Mỹ và Nhật Bản sẽ tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại song phương về hàng hóa cũng như các lĩnh vực quan trọng khác bao gồm cả dịch vụ, sau khi hai bên hoàn thành những thủ tục cần thiết ở mỗi nước.
Tuyên bố nhấn mạnh Tổng thống Trump đã nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại "có đi có lại" cũng như giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản và các quốc gia khác.
Trong khi đó, Thủ tướng Abe cũng đề cao vai trò then chốt của hoạt động thương mại tự do, công bằng và dựa trên các quy tắc.
Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định quyết tâm tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, thúc đẩy phát triển nền kinh tế toàn cầu một cách tự do, công bằng và cởi mở.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đưa ra thông báo trên trong bối cảnh ngày càng gia tăng những đồn đoán rằng Tokyo có thể là mục tiêu áp thuế tiếp theo của Washington sau khi chính quyền Tổng thống Trump hồi đầu tuần này đã áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tháng Sáu vừa qua, Mỹ cũng đã áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản trong năm ngoái ở mức 68,8 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc (375 tỷ USD) và Mexico (71 tỷ USD), và chiếm gần 1/10 tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước còn lại trên thế giới (796 tỷ USD). Trong 8 tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản ở mức 40 tỷ USD.
Ôtô và phụ tùng là nguyên nhân chính yếu gây ra sự mất cân bằng trong cán cân thương mại. Trong khi ôtô do Nhật Bản sản xuất là một trong những loại xe phổ biến nhất ở Mỹ thì chỉ có một số ít ôtô do Mỹ sản xuất được tiêu thụ tại Nhật Bản. Ngoài ra, hiện nay Nhật Bản cũng đang góp phần tạo ra 856.000 việc làm tại Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Anh.
Canada và Mỹ đạt được hiệp định thương mại thay thế NAFTA
Mỹ và Canada đã đồng ý hiệp định thương mại mới thay thế hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ngay trước thời hạn chót.
NAFTA đã có hiệu lực trong suốt 24 năm qua, luôn bị Tổng thống Donald Trump coi như một thảm họa, sẽ được thay thế bởi hiệp định Mỹ - Mexico – Canada (USMCA).
Vào sáng thứ Hai, Tổng thống Trump đã đăng dòng Tweet ca ngợi thỏa thuận ba bên mới này là tuyệt vời.
Trong một tuyên bố chung, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho biết hiệp định này sẽ giúp tăng thêm thu nhập cho tầng lớp trung lưu, tạo ra công ăn việc làm mới, mức lương tốt và cơ hội mới cho gần nửa tỷ người Bắc Mỹ".
Hiệp định này sẽ được các nhà lãnh đạo của ba quốc gia Bắc Mỹ ký kết trước cuối tháng 11, sau đó sẽ được đệ trình lên Quốc hội.
Các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Canada đã đạt được đồng thuận về việc nông dân chăn nuôi bò sữa Mỹ được tiếp cận nhiều hơn thị trường Canada và Canada đồng ý với các biện pháp giới hạn xuất khẩu ô tô sang Mỹ.
Một quan chức cao cấp chính quyền Trump cho biết hiệp định này sẽ cân bằng lại mối quan hệ thương mại của chúng tôi với Mexico và Canada nhờ các quy định mới về nguồn gốc xe ô tô và tiếp cận thị trường sữa Canada, đồng thời hiện đại hoá NAFTA bằng cách bổ sung các điều khoản về thương mại kỹ thuật số và sở hữu trí tuệ. "Đây là một trong những thỏa thuận thương mại khả thi nhất mà chúng tôi từng có, sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân và nền kinh tế Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn, tốt hơn".
Hiệp định thương mại mới sẽ được đưa ra xem xét sáu năm một lần. Điều này sẽ mang lại cho Mỹ một cách thức sửa đổi hiệp định hợp lý, đảm bảo mọi điều khoản sẽ được đàm phán điều chỉnh khi Mỹ có yêu cầu.
"Đây là một ngày tốt cho Canada", Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định.
"Chúng tôi đang vui mừng khi có được hiệp định ba bên. Viễn cảnh thương mại khu vực đổ vỡ đã khép lại”, ông Jesus Seade, nhà đàm phán thương mại của tân Tổng thống Mexico, cho biết thông qua Twitter.
Vấn đề quan trọng hơn là việc thực thi hiệp định mới này và đây cũng là chủ đề trung tâm trong tuyên bố của một thành viên cao cấp Ủy ban Tài chính Thượng viện, Thượng nghị sĩ Ron Wyden (Đảng Dân chủ): "Như tôi đã nói nhiều lần, NAFTA từ lâu đã cần một cuộc đại tu nghiêm túc.
Thách thức quan trọng đối với NAFTA mới hoặc bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào là liệu các quy định của hiệp định có hiệu lực hay không, đặc biệt là đối với các lời hứa bảo vệ quyền lợi của người lao động và môi trường. Người Mỹ đã quá chán nản với các bài phát biểu về lợi ích của các thỏa thuận thương mại mới vì nhiều thỏa thuận không được thực thi nghiêm chỉnh và các cơ hội của hiệp định không trở thành hiện thực".
Để đạt được một hiệp định thương mại Bắc Mỹ mới, các nhà đàm phán đã phải chạy đua để đáp ứng thời hạn 30 tháng 9 do Mỹ đặt ra.
Canada - đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ - đã bị bỏ rơi khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận sơ bộ vào cuối tháng 8 về NAFTA mới. Nước này đã phải tham gia các cuộc đàm phán ngay sau đó và hai bên đã có nhiều tranh cãi về các sản phẩm sữa.
Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer cho biết Mỹ đã chuẩn bị phương án hiệp định mới chỉ có Mexico mặc dù một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ phản đối phương án không có Canada.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước đó đã nói với các phóng viên ở New York khi tham dự các hội nghị của Liên hợp quốc rằng Canada sẽ tiếp tục tính đến một loạt các giải pháp thay thế.
Các công ty Trung Quốc và Thụy Sĩ được hưởng lợi từ FTA song phương
Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2014, Thụy Sĩ là nước châu Âu lục địa duy nhất đã ký kết hiệp định thương mại tự do toàn diện (FTA) với Trung Quốc.
Trong năm thứ 5 của FTA, Đại học St.Gallen, Đại học Kinh tế Quốc tế Trung Quốc và Đại học Nam Kinh đã lần đầu tiên cùng nhau hợp tác để phân tích tác động kinh tế của hiệp định này.
Báo cáo đánh giá FTA Trung Quốc - Thụy Sĩ năm 2018 cho thấy, nhờ thuế giảm đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu, các ngành công nghiệp ở cả hai nước được hưởng lợi lên đến vài trăm triệu Franc Thụy Sĩ. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty và doanh nghiệp đều tận dụng được hiệp thương mại này ở mức tối đa có thể. Kể từ khi FTA ban hành, các công ty Trung Quốc đã khai thác được khoảng 42% tiềm năng của hiệp định mặc dù một số sản phẩm như ấm đun nước và động cơ điện có tỷ lệ tận dụng khá cao.
Các công ty Trung Quốc đã có thể xuất khẩu miễn thuế hầu hết các sản phẩm của mình sang Thụy Sĩ kể từ năm 2014. Đồng thời, thuế quan của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ Thụy Sĩ đang dần được hạ xuống trong suốt 15 năm đầu tiên FTA có hiệu lực. Đến năm 2018, hầu hết các sản phẩm đã được miễn thuế và do đó, tỷ lệ các công ty Thụy Sĩ tận dụng được FTA này đã gia tăng đều đặn, hiện tại đang đứng ở mức khoảng 44%. Các công ty của cả hai bên đã tiết kiệm được khoản thuế lên đến hơn 100 triệu Franc Thụy Sĩ trong năm 2017. Đặc biệt, ngành công nghiệp máy, vốn có tầm quan trọng lớn đối với vùng Canton of St.Gallen, các ngành công nghiệp công nghệ cao và đồng hồ Thụy Sĩ là các ngành hưởng lợi chính của FTA.
Lý do không tận dụng hiệp định
Một cuộc khảo sát được tiến hành giữa các công ty Thụy Sĩ và Trung Quốc trong quá trình lập Báo cáo này cho thấy nhiều công ty đưa ra quyết định không tận dụng FTA. Khoảng 40% các công ty Thụy Sĩ tham gia khảo sát cho biết họ tận dụng FTA này. Lý do của các công ty không tận dụng FTA khá đa dạng nhưng khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ là lý do phổ biến nhất. Xét cho cùng, chỉ khi một tỷ lệ đáng kể giá trị của một sản phẩm đã được tạo ra ở Thụy Sĩ thì mới có thể tận dụng FTA này.
Vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc đối với St.Gallen
Mạng lưới giao dịch của các công ty có trụ sở tại St.Gallen trải rộng khắp thế giới và Trung Quốc đóng một vai trò ngày càng quan trọng. Trong năm 2017, khoảng 5% hàng hóa xuất khẩu đã rời St.Gallen hướng tới Trung Quốc. Đồng thời, 7% hàng hóa nhập khẩu của địa phương này tới từ Trung Quốc với tổng kim ngạch thương mại 1,2 tỷ Franc Thụy Sĩ.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 450 tỷ Francs của Thụy Sĩ, kim nghạch xuất khẩu công nghiệp máy móc chính xác chiếm tỷ lệ cao nhất. Kể từ khi FTA song phương này có hiệu lực, kim nghạch xuất khẩu từ St.Gallen sang Trung Quốc tăng 40% và nhập khẩu tăng 7%. So với dữ liệu quốc gia của Thụy Sĩ: xuất khẩu tăng 30%, nhập khẩu tăng 6%, vùng Canton of St.Gallen hưởng lợi từ FTA với Trung Quốc cao hơn mức bình quân.
Sáng kiến ​​Vành đai và con đường của Trung Quốc sẽ được thảo luận
Những bên tham gia đánh giá FTA Trung Quốc - Thụy Sĩ đầu tiên cũng sẽ đề cập đến Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc. Mục đích của sáng kiến ​​này là hình thành con đường tơ lụa mới để đơn giản hóa và tăng cường quan hệ thương mại giữa châu Á và châu Âu. Một trong những thách thức đối với các công ty Thụy Sĩ sẽ là khai thác hết kết nối mới này. Thương mại, đầu tư, tài chính, trao đổi công nghệ và đổi mới cũng như thương mại điện tử xuyên biên giới dự kiến ​​sẽ là chủ đề chính của cuộc thảo luận.
Kế hoạch đánh giá hàng năm
Các đại diện cấp cao đến từ các giới chính trị, hành chính, học thuật và kinh doanh sẽ tham gia vào các sự kiện tại Hội đồng Quảng Châu. Ông Geng Wenbing, Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Sĩ và Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ kiêm Giám đốc Ban thư ký quốc gia về các vấn đề kinh tế SECO Marie-Gabrielle Ineichen-Fleisch cũng sẽ tham gia. Trong tương lai, việc đánh giá FTA Trung Quốc - Thụy Sĩ sẽ được tiến hành hàng năm. Mục đích của các cuộc đánh giá là chia sẻ kinh nghiệm chính trị, kinh doanh và học thuật liên quan đến FTA này.
Thủ tướng Anh tin tưởng đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu 
Thủ tướng Theresa May tin tưởng sẽ đạt thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, song London chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ không đạt thỏa thuận “ly hôn.”
Anh và EU đang đạt tiến triển và khả năng sẽ đi đến thỏa thuận trong thời gian tới.
Chính phủ Anh đang triển khai “những kế hoạch sẽ giúp Anh thành công ở mọi kịch bản.”
Điểm mấu chốt để đạt thỏa thuận giữa giữa Anh và EU là vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.
Cả Anh và EU đều muốn tránh một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland vì đường biên giới này có thể hủy hoại thỏa thuận hòa bình ký năm 1998 mang tên "Ngày thứ Sáu tốt lành" giúp chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột tại đây.
Hiện hai bên chưa đạt được sự đồng thuận về việc giám sát hoạt động trao đổi hàng hóa giữa Anh và EU tại khu vực này nếu không có đường biên giới và nếu khu vực Bắc Ireland thuộc Anh rời khỏi cả liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu.
 ựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nhận định việc EU đề xuất áp dụng công nghệ vào vấn đề biên giới ở khu vực trên có thể giúp tạo đột phá trong việc đạt được thỏa thuận Brexit.
Phát biểu với báo giới, ông Johnson cho biết hiện EU đang thảo luận tích cực về một số phương thức kỹ thuật để giải quyết vấn đề trên.
Ông Johnson cho rằng điều này sẽ giúp tạo đột phá, cho phép Anh đạt được một thỏa thuận thương mại tự do thỏa đáng, lấy lại “quyền kiểm soát khuôn khổ luật pháp,” đồng thời đạt được một thỏa thuận Brexit thích hợp.
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đang soạn thảo một văn bản mới, trong đó đưa ra cách thức sử dụng công nghệ để tránh việc kiểm tra hải quan tại khu vực biên giới trên.
Về tiến trình Brexit, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận với Anh đang được tiến hành trên tinh thần hợp tác tốt đẹp giữa hai bên. Phát biểu này được đưa ra khi ông Barnier tới Madrid để thảo luận với các quan chức Tây Ban Nha.
Ông Barnier sẽ thảo luận với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez về vấn đề Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh ở bờ biển phía Nam Tây Ban Nha.
Dự kiến, Gibraltar sẽ cùng với Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019.
Hàn Quốc chính thức công bố nội dung FTA sửa đổi với Mỹ  
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 3/9 cho biết nước này sẽ tiến hành lấy ý kiến công chúng về Hiệp định Thương mại Tự do với Mỹ (KORUS FTA) vừa được sửa đổi gần đây trước khi trình lên Quốc hội phê chuẩn, qua đó đặt mục tiêu hoàn tất các thủ tục trong nước đối với hiệp định này trong năm nay. Bộ trên đã công bố các điều khoản của hiệp định KORUS FTA sửa đổi để tiến hành lấy ý kiến công chúng đến ngày 10/9 tới. Đây là một thủ tục bắt buộc theo luật thương mại Hàn Quốc.
Theo hiệp định sửa đổi, Mỹ sẽ kéo dài thời gian áp thuế 25% đối với xe bán tải nhập khẩu từ Hàn Quốc thêm 20 năm nữa đến năm 2041. Hiệp định cũng kêu gọi Hàn Quốc nâng gấp đôi hạn mức 25.000 ôtô nhập khẩu từ Mỹ không phải tuân thủ các quy định trong nước của ngành, đồng nghĩa với việc 50.000 ôtô Mỹ có thể vào thị trường Hàn Quốc dễ dàng hơn. Hàn Quốc cũng sẽ nới lỏng các tiêu chuẩn về khí thải đối với ôtô được nhập khẩu từ năm 2021-2025 trong khi xây dựng các quy định nhập khẩu mới.
Trong lĩnh vực dược phẩm, Hàn Quốc nhất trí sẽ điều chỉnh chính sách định giá cao đối với các loại dược phẩm nước ngoài nhằm đảm bảo công bằng và không phân biệt đối xử đối với hàng dược phẩm xuất khẩu của Mỹ. Hai bên cũng nhất trí sẽ có những điều chỉnh nhỏ đối với điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư (ISDS) để đảm bảo tính minh bạch của các vụ kiện về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Trong khi theo điều khoản ISDS hiện tại, các nhà đầu tư có thể kiện chính phủ thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế vì những hành vi được cho là phân biệt đối xử, hai bên còn bổ sung thêm các điều khoản nhằm ngăn chặn khả năng các công ty đa quốc gia lạm dụng hệ thống trọng tài này.
Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn tất các thủ tục trong nước đối với KORUS FTA trước cuối năm nay, nhưng việc Quốc hội thông qua hiệp định này còn phụ thuộc vào việc liệu Washington có cho ôtô của Hàn Quốc được hưởng miễn trừ khỏi mức thuế 25% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất hay không.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ sắp xếp một ngày để chính thức ký bản hiệp định KORUS FTA sửa đổi với Chính phủ Mỹ và trình lên Quốc hội phê chuẩn trước khi có hiệu lực.
Thủ tục lấy ý kiến công chúng nói trên được thực hiện gần nửa năm sau khi Mỹ và Hàn Quốc nhất trí “trên nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ chốt để sửa đổi hiệp định sáu năm tuổi này theo yêu cầu từ phía Washington với trọng tâm nhằm vào việc cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong lĩnh vực ôtô.
 
Nguồn: Vitic/Asem/WTO/Bloomberg…
 

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710709144