Thứ ba, 23-4-2024 - 21:54 GMT+7  Việt Nam EngLish 

Thị trường kim loại quý, kim loại mầu, sắt và thép thế giới ngày 21/2/2020: Vàng cao nhất 7 năm 

 Thứ sáu, 21-2-2020

AsemconnectVietnam - Chốt phiên giao dịch ngày 20/2/2020, rạng sáng nay giờ Việt Nam, giá vàng cao nhất 7 năm.Sắt, thép tăng sau khi Trung Quốc hạ lãi suất. Kim loại cơ bản hầu hết giảm.

Kim loại quý: Vàng cao nhất 7 năm
Giá vàng cũng tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm do số ca nhiễm virus corona ở Hàn Quốc gia tăng gây lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh.
Cuối phiên vừa qua, vàng giao ngay tăng 0,44% lên 1.618,38 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2013 là 1.623,45 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 4/2020 tăng 0,5% lên 1.620.50 USD/ounce.
"Giá vàng đã vượt mốc 1.600 USD/ounce và nhiều nhà đầu tư cũng như các thương gia sẽ chuyển hướng tập trung vào vàng", chuyên gia Michael Matousek thuộc U.S. Global Investors cho biết.
Ngoài Covid-19, các chuyên gia cho rằng một số lý do khác đang hỗ trợ đắc lực cho giá vàng tăng, đó là việc ngân hàng trung ương một số nước giữ lãi suất âm và các vấn đề liên quan đến thuế quan giữa Trung Quốc và Châu Âu.
"Một khi chủ đề virus corona còn nóng thì giá vàng sẽ duy trì ở mức hiện tại, nếu tình hình xấu đi thì giá thậm chí có thể tăng thêm nữa", nhà phân tích Serge Raevskiy của SP Angel cho biết.
Dịch viêm phổi Covid-12 vẫn tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và có xu hướng tăng mạnh lên ở các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và đây vẫn là một nỗi lo lớn cho các thị trường toàn cầu.
Hôm 20/2, Trung Quốc đã buộc phải hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc chiến ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm giảm từ 4,15% xuống còn 4,05%, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn trên 5 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 4,75%.
Trước đó, PBoC đã giảm 10 điểm cơ bản lãi suất của công cụ cho vay trung hạn (MLF) và bơm hàng chục tỷ USD vào thị trường tài chính thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược và MLF.
Động thái của PBOC không có gì bất ngờ và là một động thái để giữ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vượt lên khỏi những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Nhiều nhà sản xuất của Trung Quốc đang thiếu nguyên liệu đầu vào cần thiết và một số nhà máy đã phải đóng cửa. Tình trạng này đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh trên toàn cầu và khắc họa rõ nét chuỗi cung ứng của thế giới có nhiều phụ thuộc vào Trung Quốc.
Vàng tăng giá bất chấp đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh do dòng tiền tìm tới nơi an toàn. Lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 30 năm đã xuống mức thấp nhất trong 30 năm.
Đồng euro và yen Nhật trong khi đó giảm mạnh. Liên minh châu Âu (EU) đang tham gia hội nghị tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về ngân sách giai đoạn 2021-2027 với nhiều bất đồng và được Thủ tướng Đức Angela Merkel dự đoán sẽ "rất khó khăn và phức tạp".
Đồng euro cũng chịu áp lực giảm nền kinh tế khu vực đứng trước một cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho rằng, EU còn “tồi tệ hơn Trung Quốc”.
Nhiều dự báo cho rằng, vàng đang có một xu hướng tăng giá rõ ràng và sẽ hướng tới ngưỡng 1.700 USD/ounce. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo vàng sẽ lên đến 2.000 USD/ounce vì các ngân hàng trung ương thế giới tiếp nới lỏng chính sách tiền tệ.
Sắt, thép tăng sau khi Trung Quốc hạ lãi suất
Giá thép trên thị trường Trung Quốc tăng trong phiên vừa qua do dự đoán Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế và điều đó sẽ đẩy tăng nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất và xây dựng. Lo ngại nguồn cung quặng sắt từ Australia và Brazil khan hiếm hơn càng đẩy giá tăng lên.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn giao tháng 5 tăng 2,1% lên 3.460 CNY (493,38 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.455 CNY/tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Một số trung tâm sản xuất của nước này bắt đầu nới lỏng những quy định về sự lưu thông của người và các phương tiện, trong khi nhiều doanh nghiệp trở lại sản xuất sau nhiều tuần tạm dừng.
Số ca nhiễm virus corona mới liên tiếp giảm trong mấy ngày gần đây cũng góp phần đẩy giá sắt thép tăng lên.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 4,2% lên 667 CNY/tấn, là phiên tăng giá thứ 8 liên tiếp và lấy lại gần hết những gì đã mất từ đầu năm đến nay. Quặng sắt trên sàn Singapore tăng 2,6% lên 89,3 USD/tấn. Quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu hàng giao ngay trong phiên liền trước (18/2) đạt 90,5 USD/tấn, gần sát mức cao nhất 1 tháng là 91,5 USD/tấn đạt được hôm 17/2.
Kim loại cơ bản hầu hết giảm
Giá đồng giảm do lo ngại dịch coronavirus ở Trung Quốc có thể lan rộng trên toàn cầu và làm giảm nhu cầu tăng trưởng kinh tế và kim loại.
Tại LME, giá đồng kỳ hạn 3 tháng đã giảm 0,8% xuống còn 5.727 USD/tấn.
Giá nhôm giảm 0,5% còn 1.711 USD/tấn. Giá kẽm giảm 0,8% còn 2.112 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016. Giá niken giảm 1,2% còn 12.670 USD và giá thiếc tăng 0,3% lên 16.575 USD. Giá chì đã giảm 0,9% xuống còn 1.867 USD.
Sản lượng nhôm sơ cấp toàn cầu đã tăng lên 5.451 triệu tấn trong tháng 1/2020 so với 5.439 triệu tấn trong tháng 12, dữ liệu cho thấy.
Thị trường niken toàn cầu thặng dư 2.000 tấn trong tháng 12/2019 so với  mức dư thừa 1.100 tấn trong tháng 11/2019.
T.Hường
Nguồn: Vitic/Reuters

  PRINT     BACK

© Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương ( VITIC)
Giấy phép của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử - Bộ Thông tin và Truyền Thông số 56/GP-TTDT

Địa chỉ: Phòng 605, tầng 6, tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Điện thoại:(04) 39341911; (04)38251312 và Fax: (04)38251312

Email: Asem@vtic.vn; Asemconnectvietnam@gmail.com
Ghi rõ nguồn "AsemconnectVietnam.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này

Số lượt truy cập: 25710810649